Bài 4: Cách Mạng Tư Sản Pháp Cuối Thế Kỉ XVIII | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 - Bài 4


Cách mạng tư sản Pháp nổ ra vào cuối thế kỉ XVIII là cuộc cách mạng xã hội sâu rộng, đã xoá bỏ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Pháp và có ảnh hưởng lớn đến cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ ở châu Âu.

I – NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA CÁCH MẠNG

1. Tình hình kinh tế nước Pháp trước năm 1789

Trước cách mạng, nông nghiệp Pháp kém phát triển : công cụ, kĩ thuật canh tác còn thô sơ, một phần ba diện tích đất đai bị bỏ hoang, năng suất cây trồng thấp...

Trong nhiều vùng, đặc biệt ở các tỉnh Đông Bắc, một số địa chủ lớn chuyển sang phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa (mở trang trại, thuê nhân công) nhưng không thành công. Nhìn chung, trong nông nghiệp Pháp, quan hệ phong kiến vẫn được duy trì cùng với phương thức bóc lột cũ.

Vào cuối thế kỉ XVIII, công nghiệp Pháp đang trên đà phát triển. Nhiều thành thị như Boóc-đô, Năng-tơ, Ha-vrơ... lớn mạnh nhanh chóng do sản xuất và xuất khẩu tơ lụa, vải, hàng thêu, len, thảm, đồ sứ, nữ trang. Hàng mĩ phẩm của Pháp nổi tiếng trên thị trường châu Âu. Nét nổi bật là công trường thủ công ở Pháp khá lớn, mỗi công trường thu hút từ 40 đến 200 công nhân làm thuê. Một vài công trường dệt thảm thu hút đến 1 600 lao động. Phát triển nhất là các nghề dệt vải, tơ lụa, luyện kim, khai mỏ, chế tạo vũ khí.

Thương nghiệp trong và ngoài nước phát đạt, các công ti thương mại Pháp mở rộng buôn bán với nhiều nước ở châu Âu và phương Đông. Song, sự giao lưu hàng hoá trong nước cũng như việc buôn bán với nước ngoài còn gặp nhiều cản trở : mỗi địa phương có chế độ thuế quan riêng, hệ thống đo lường không thống nhất... Những điều này đã ngăn cản việc hình thành thị trường dân tộc. Độc quyền của nhà nước về lúa mì, muối và một số hàng hoá khác cũng hạn chế việc buôn bán với nhiều nước châu Âu.

Nền kinh tế nước Pháp trước cách mạng có những nét gì nổi bật?

2. Tình hình chính trị – xã hội

Trước cách mạng, Pháp là một nước quân chủ chuyên chế, với chế độ đẳng cấp rất khắt khe. Xã hội chia thành ba đẳng cấp : Tăng lữ, Quý tộc Đẳng cấp thứ ba.

Hai đẳng cấp trên, gồm tăng lữ cấp cao quý tộc phong kiến, là những đẳng cấp hưởng nhiều đặc quyền. Họ không phải đóng thuế, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Giáo hội, bộ máy chính quyền và quân đội.

hinh-anh-bai-4-cach-mang-tu-san-phap-cuoi-the-ki-xviii-3332-0

Hình 9. Tình cảnh nông dân Pháp trước cách mạng (tranh biếm hoạ)

Đẳng cấp thứ ba gồm nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội có những quyền lợi và nguyện vọng không giống nhau :

Tư sản có thế lực kinh tế mạnh nhưng không có quyền lực chính trị, bị nhà vua và các lãnh chúa địa phương ngăn cản hoạt động kinh doanh.

Giai cấp tư sản cũng chia ra nhiều tầng lớp : đại tư sản (chủ ngân hàng, chủ các hãng buôn lớn), tư sản loại vừa (tư sản công thương) và tư sản nhỏ. Tuỳ theo địa vị và quyền lợi, mỗi tầng lớp trong giai cấp tư sản có thái độ chính trị và tinh thần đấu tranh chống phong kiến khác nhau.

Nông dân chiếm hơn 90% dân số, phần lớn là những tá điền. Ngoài việc nộp tô, họ phải nộp nhiều loại thuế, chịu nhiều nghĩa vụ phong kiến.

Nông dân phải nộp tô cho quý tộc phong kiến (bằng 50% số hoa lợi thu hoạch), nộp thuế thập phân (bằng 10% số hoa lợi thu hoạch) cho nhà thờ, nộp thuế đinh, thuế ruộng, thuế muối cho nhà nước. Họ còn phải chịu nhiều thứ lao dịch cho lãnh chúa và nhà nước : đắp đường, xây cầu, vận tải, cung cấp lương thực cho binh lính... Trên thực tế, phần hoa lợi còn lại cho nông dân chẳng được là bao.

Công nhân tập trung ở các thành thị lớn (riêng Pa-ri có 30 vạn công nhân). Điều kiện lao động và đời sống của họ rất khó khăn (ngày làm việc kéo dài, lương thấp...). Những người bình dân thành thị khác như thợ thủ công, người buôn bán nhỏ, dân nghèo... sống tạm bợ, chen chúc trong những vùng ngoại ô.

Mâu thuẫn giữa quý tộc phong kiến, nhà thờ với các tầng lớp nhân dân trong Đẳng cấp thứ ba ngày một gay gắt. Nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến nổ ra, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa của nông dân và của công nhân ở Li-ông, Pa-ri vào những năm 80 của thế kỉ XVIII.

– Lập sơ đồ và trình bày về chế độ ba đẳng cấp trong xã hội phong kiến Pháp.

– Quan sát hình 9 và trình bày nội dung lịch sử được phản ánh.

3. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng

Thế kỉ XVIII ở châu Âu được gọi là Thế kỉ Ánh sáng. Nhiều nhà văn, nhà tư tưởng tiến bộ đã lên án mạnh mẽ sự áp bức, bóc lột của chế độ quân chủ chuyên chế, đả kích Giáo hội Kitô, muốn dùng “ánh sáng” quét sạch bóng tối phong kiến và “khai sáng” cho nhân dân.

Ở Pháp, vào thế kỉ này xuất hiện ba nhà tư tưởng tiêu biểu là : Mông-te-xki-ơ, Vôn-te(1) và Rút-Xô.

hinh-anh-bai-4-cach-mang-tu-san-phap-cuoi-the-ki-xviii-3332-1

Hình 10. S. Mông-te-xki- (1689-1755)

hinh-anh-bai-4-cach-mang-tu-san-phap-cuoi-the-ki-xviii-3332-2

Hình 11. Vôn-te (1694-1778)

hinh-anh-bai-4-cach-mang-tu-san-phap-cuoi-the-ki-xviii-3332-3

Hình 12. G. G. Rút-xô (1712-1778)

Sác-lơ Lu-i Mông-te-xki-ơ chủ trương hạn chế quyền của vua, bảo đảm quyền tự do của công dân. Trong quyển Tinh thần luật pháp, ông đề ra nguyên tắc về phân chia rõ rệt ba quyền : lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Vôn-te chủ trương xây dựng chính quyền quân chủ, do một nhà vua sáng suốt đứng đầu. Ông bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, song lại lên án nhà thờ Kitô là trở ngại của tiến bộ. Ông cũng khẳng định quyền tư hữu là điều kiện cần thiết cho một xã hội có trật tự.

Giăng Giắc Rút-xô chủ trương xoá bỏ triệt để nền quân chủ, phản đối chế độ tư hữu lớn. Trong quyển Khế ước xã hội, ông cho rằng trật tự xã hội đòi hỏi phải duy trì chế độ sở hữu nhỏ, chủ trương thành lập chế độ cộng hoà.

(1) Tên thật là Phrăng-xoa Ma-ri A-ru-ê.

Ngoài các nhà tư tưởng tiêu biểu kể trên, còn có nhà tư tưởng cấp tiến Mê-li-ê và nhóm Bách khoa toàn thư.

Giăng Mê-li-ê (1664 – 1729) là một cha đạo làng quê, xuất thân nông dân, lên án nghiêm khắc sự bất công của chế độ phong kiến, sự giả dối của Giáo hội. Ông kiên quyết đấu tranh xoá bỏ sự áp bức bóc lột, thủ tiêu chế độ tư hữu và coi ruộng đất phải là tài sản chung của nông dân.

Nhóm Bách khoa toàn thư, do Đơ-ni Đi-đrô (1713 – 1784) lãnh đạo, chủ trương biên soạn và phổ biến rộng rãi kiến thức của các ngành khoa học theo quan điểm duy vật cho đông đảo quần chúng để họ giác ngộ, đấu tranh chống chế độ phong kiến và tôn giáo.

Tư tưởng và quan điểm của những nhà Khai sáng có ý nghĩa tiến bộ, được quần chúng tin theo, tích cực chuẩn bị cho một cuộc cách mạng xã hội sắp tới.

– Trình bày những quan điểm cơ bản của các nhà tư tưởng tiến bộ Pháp thế kỉ XVIII.

– Vì sao những quan điểm này có ý nghĩa chuẩn bị cho cuộc cách mạng sắp tới ?

4. Cách mạng bùng nổ

Đầu năm 1789, những điều kiện cho cuộc cách mạng nổ ra đã chín muồi.

Ngày 5 – 5 – 1789, Hội nghị ba đẳng cấp được triệu tập (từ năm 1614, Hội nghị này không được tổ chức), vì vua Lu-i XVI cần các đại biểu thoả thuận cho vay tiền và đánh thêm thuế mới để giải quyết tình hình khủng hoảng tài chính. Lúc này, số nợ của nhà vua lên tới 5 tỉ livrơ, mà số thu ngân sách lại giảm.

Để phản đối ý đồ tăng thuế của nhà vua, ngày 17 – 6 – 1789, đại biểu Đẳng cấp thứ ba cùng một số quý tộc, tăng lữ họp và tự tuyên bố là Quốc hội lập hiến, cơ quan duy nhất có quyền thông qua các đạo luật tài chính.

Nhà vua tập trung quân đội để chống lại Quốc hội, gây nên một làn sóng công phẫn trong quần chúng lao động.

Ngày 14 – 7 – 1789(1), đông đảo quần chúng nhân dân Pa-ri, chủ yếu là công nhân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị tự vũ trang, tấn công các trụ sở, cơ quan quan trọng của thành phố và chiếm nhà tù Ba-xti – biểu tượng của chế độ phong kiến chuyên chế.

Cách mạng bùng nổ và giành thắng lợi ở Pa-ri rồi lan nhanh ra các thành phố và các vùng nông thôn trong nước Pháp.

(1) Về sau, ngày 14 – 7 được lấy làm “Ngày Dân tộc”, rồi trở thành ngày Quốc khánh của nước Pháp.

hinh-anh-bai-4-cach-mang-tu-san-phap-cuoi-the-ki-xviii-3332-4

Hình 13. Tấn công pháo đài _ nhà tù Ba-xti

Hãy quan sát hình 13 và trình bày sự kiện được diễn tả.

II – CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ LẬP HIẾN – NỀN CỘNG HOÀ THỨ NHẤT (1792)

1. Chế độ quân chủ lập hiến (từ 14 – 7 – 1789 đến 10 – 8 – 1792)

Sau thắng lợi ngày 14 – 7, phái Lập hiến thuộc tầng lớp đại tư sản lên nắm quyền.

Ngày 4 – 8 – 1789, Quốc hội Lập hiến tuyên bố xoá bỏ một số nghĩa vụ phong kiến của nông dân, song các đặc quyền cơ bản của quý tộc vẫn được duy trì. Quốc hội cũng quyết định tịch thu ruộng đất của Giáo hội, đem bán với giá cao.

Ngày 26 – 8 – 1789, Quốc hội Lập hiến thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền với khẩu hiệu nổi tiếng : “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Tuyên ngôn xác định quyền bình đẳng giữa các công dân, thừa nhận quyền tự do dân chủ, nhấn mạnh quyền sở hữu tài sản là quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền gồm Phần mở đầu và 17 điều.

Điều 1. Mọi người sinh ra đều có quyền sống tự do và bình đẳng; mọi sự phân biệt xã hội chỉ có thể đặt trên cơ sở lợi ích chung.

Điều 2. Mục đích của các tổ chức chính trị là gìn giữ các quyền tự nhiên và không thể tước bỏ của con người ; đó là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền được an toàn và quyền chống áp bức.

Điều 3. Nguyên tắc của mọi chủ quyền chủ yếu đặt trên cơ sở của dân tộc, không một tổ chức, không một cá nhân nào có thể sử dụng quyền hành mà không xuất phát từ nguyên tắc này.

Điều 17. Quyền sở hữu là quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng, không ai có thể tước bỏ...

Chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ, song ngôi vua vẫn được duy trì, nhà vua vẫn tìm mọi cách chống lại cách mạng : không phê chuẩn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, bác bỏ các sắc lệnh ảnh hưởng đến quyền lợi của quý tộc và tăng lữ... Tầng lớp đại tư sản đang cầm quyền muốn thoả hiệp với nhà vua để ngăn cản quần chúng tiếp tục đưa cách mạng phát triển.

Tháng 9 – 1791, Quốc hội Lập hiến thông qua Hiến pháp, xác định thể chế quân chủ lập hiến cho nước Pháp. Hiến pháp 1791 đã từ bỏ một số nguyên tắc tiến bộ của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789.

Hiến pháp chia công dân thành hai loại : “công dân tích cực” (những người có tài sản, đóng thuế cao) có quyền bầu cử, ứng cử, làm việc trong bộ máy chính quyền và “công dân tiêu cực” (gồm đa số những người lao động nghèo) không có quyền chính trị. Phụ nữ đóng góp nhiều cho cách mạng, nhưng vẫn không có quyền công dân.

Quốc hội còn ban hành nhiều đạo luật như : đạo luật cấm bãi công (Đạo luật Lơ Sapơliê), đạo luật duy trì chế độ nô lệ ở thuộc địa.

Một số nhiệm vụ cơ bản của cách mạng không được giải quyết, trước hết là vấn đề ruộng đất cho nông dân, quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động. Các thế lực phản động trong nước tìm mọi cách phá hoại : quý tộc, tăng lữ di cư, cầu viện nước ngoài chống cách mạng hoặc xúi giục nhân dân (chủ yếu là nông dân mộ đạo) nổi dậy chống chính quyền. Giữa năm 1791, vua cùng hoàng hậu trốn ra nước ngoài, song đã bị bắt ở gần biên giới.

Trong tình hình rối ren ấy, liên quân hai nước phong kiến Áo – Phổ chuẩn bị đem quân đàn áp phong trào cách mạng ở Pháp.

– Qua một số điều khoản nêu trên của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, em có nhận xét gì ?

– Những sự kiện nào chứng tỏ tầng lớp đại tư sản cầm quyền ở Pháp đã làm ngừng trệ sự phát triển của cách mạng ?

2. Chế độ cộng hoà (từ 21 - 9 - 1792 đến 2 - 6 - 1793)

Ngày 20 – 4 – 1792, nước Pháp cách mạng tuyên chiến với Áo. Đứng về phía Áo là liên minh phong kiến châu  u. Do tinh thần chiến đấu yếu kém của sĩ quan (phần lớn xuất thân quý tộc) và nội phản (hoàng hậu Pháp Ma-ri Ăng-toa-nét chuyển kế hoạch tác chiến cho quân địch), quân Pháp liên tiếp thua trận ; vùng Bắc và Tây Pháp bị xâm chiếm.

Trước tình hình đó, ngày 11 – 7 – 1792, Quốc hội tuyên bố “Tổ quốc lâm nguy”, và đề ra nhiều biện pháp cấp bách, trong đó có việc tuyển thêm 20 000 quân tình nguyện. Nhà vua bác bỏ các chủ trương này. Phẫn nộ, quân tình nguyện từ các tỉnh hát vang bài ca Mácxâye(1), tiến về Pa-ri, cùng nhân dân và “Đội quân quần dài”(2) ở Thủ đô khởi nghĩa ngày 10 – 8 – 1792. Họ tấn công Cung điện Tuy-lơ-ri, nơi ở của vua Lu-i XVI, bắt nhà vua và hoàng hậu. Chính quyền chuyển sang tay tư sản công, thương nghiệp, thuộc phái Girôngđanh(3).

Một Quốc hội mới được bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu cho tất cả các công dân nam từ 21 tuổi trở lên. Quốc hội họp ngày 20 – 9 – 1792. Cùng ngày ấy, quân Pháp đánh thắng quân xâm lược ở Van-mi.

Van-mi là một làng thuộc tỉnh Sam-pa-nhơ (ở Đông Bắc Pháp), gần biên giới Bỉ. Nơi đây diễn ra một trận ác chiến giữa quân Pháp và quân Phổ. Với tinh thần dũng cảm, quân Pháp lần đầu tiên đánh đuổi quân xâm lược Phổ khỏi đất nước.

Ngay hôm sau (21 – 9), Quốc hội quyết định thủ tiêu chế độ quân chủ, phế truất nhà vua và tuyên bố thành lập nền cộng hoà đầu tiên của nước Pháp – nền Cộng hoà thứ nhất. Dưới áp lực của quần chúng, ngày 21 – 1 – 1793 Lu-i XVI bị xử tử vì tội phản quốc.

Lúc bấy giờ, tình hình nước Pháp lại căng thẳng. Nước Anh tư sản tham gia liên minh của các nước phong kiến châu Âu đánh chiếm nhiều vùng nước Pháp. Nông dân ở Văng-đề và cả miền Tây Bắc bị bọn phản động xúi giục, nổi loạn chống chính quyền cách mạng. Giá cả tăng cao. Nhân dân đói khổ, nhưng vẫn hãng hái chống ngoại xâm.

Sau chiến thắng Van-mi, quân Pháp chuyển sang phản công, đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới ; trên đường truy kích địch, họ chiếm luôn Bỉ và vùng tả ngạn sông Ranh. Song, do những khó khăn về kinh tế, xã hội, chính trị trong nước, quân Pháp lại thua trận một lần nữa, phải rút khỏi Bỉ, về nước.

(1) Sau này, bài ca Mácxâye trở thành Quốc ca của nước Pháp.

(2) Đội quân của nhân dân, mặc quần dài, khác với quân đội của triều đình mặc quần chẽn.

(3) Phái này đại diện cho phần lớn tư sản công thương ở quận Gi-rông-đơ, vùng Tây Nam nước Pháp.

Chính quyền của phái Girôngđanh không kiên quyết kháng chiến, vì sợ quần chúng tiếp tục đưa cách mạng đi xa, làm thiệt hại đến quyền lợi của giai cấp tư sản.

– Thái độ của nhân dân Pháp trước tình hình “Tổ quốc lâm nguy” như thế nào ?

– Việc xử tử vua Lu-i XVI có ý nghĩa gì ?

III – NỀN CHUYÊN CHÍNH DÂN CHỦ. CÁCH MẠNG GIACÔBANH (1793 – 1794)

Trước cuộc tiến công của quân xâm lược, ngày 31 – 5 – 1793, quần chúng cách mạng Pa-ri xuống đường đòi bắt và xét xử những người cầm quyền Girôngđanh về tội phản bội Tổ quốc, ngăn cản sự phát triển của cách mạng. Ngày 2 – 6 – 1793, Quốc dân quân cùng hàng vạn thợ thủ công, công nhân bao vây trụ sở Quốc hội, bắt giam những người cầm quyền Girôngđanh.

Chính quyền chuyển sang tay những người Giacôbanh(1), đứng đầu là Rô-be-spie. Cách mạng Pháp chuyển sang giai đoạn cao nhất – giai đoạn chuyên chính dân chủ cách mạng.

Chính phủ Giacôbanh thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết để chống thù trong giặc ngoài, ổn định đời sống nhân dân.

Đạo luật tháng 6 – 1793 trả lại cho nông dân ruộng đất công đã bị phong kiến quý tộc chiếm đoạt. Chính phủ còn tịch thu ruộng đất của quý tộc, chia thành từng mảnh nhỏ bán cho nông dân nghèo, được trả dần trong thời hạn 10 năm. Các đặc quyền và phụ thu của phong kiến bị xoá bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn. Chính phủ đưa các đội vũ trang về các tỉnh để trưng thu lúa mì của quý tộc địa chủ và phú nông, nhằm cung cấp bánh mì cho nhân dân các thành thị, đặc biệt là Pa-ri, đang thiếu lương thực.

Tháng 6 – 1793, Hiến pháp mới được thông qua, quy định : thiết lập chế độ cộng hoà, xoá bỏ hoàn toàn sự bất bình đẳng về đẳng cấp, mọi công dân từ 21 tuổi trở lên được bầu cử. Trên thực tế, Hiến pháp 1793 chưa được thi hành, song là văn kiện pháp lí tiến bộ hơn so với Hiến pháp 1791.

Để bảo vệ cách mạng, chống thù trong giặc ngoài, Uỷ ban Cứu nước do Rô-be-spie đứng đầu, đề nghị Quốc hội thông qua và thi hành nhiều biện pháp kiên quyết. Ngày 23 – 8 – 1793, Sắc lệnh tổng động viên toàn quốc được ban hành, huy động nhân dân tham gia quân đội cách mạng. Hưởng ứng lệnh tổng động viên, 42 vạn người đã tình nguyện tham gia quân đội cách mạng.

(1) Lấy theo tên tu viện Thánh Gia-cốp, là nơi đặt trụ sở của câu lạc bộ Giacôbanh.

hinh-anh-bai-4-cach-mang-tu-san-phap-cuoi-the-ki-xviii-3332-5

Hình 14. Lược đồ lực lượng phản cách mạng tấn công nước Pháp năm 1793

Đầu năm 1794, nước Pháp cách mạng có 14 đạo quân, được trang bị đầy đủ, do những viên tướng trẻ, trung thành với cách mạng chỉ huy. Quốc hội còn ban hành đạo luật Xét xử những người tình nghi, Luật giá tối đa đối với lương thực và thực phẩm để chống nạn đầu cơ, tích trữ, quy định mức tiền lương tối đa cho công nhân.

Chỉ trong thời gian ngắn, các cuộc bạo loạn dần dần bị dập tắt, chính quyền cách mạng được thiết lập và bắt đầu được củng cố. Tình hình chiến sự cũng chuyển biến có lợi cho nước Pháp cách mạng : Cuối năm 1793 – đầu năm 1794, quân Pháp giành được thế chủ động trên chiến trường ; mùa thu năm 1794, các đội quân xâm lược lần lượt bị đuổi ra khỏi biên giới, hoạt động quân sự lại diễn ra trên lãnh thổ các nước thù địch. Cách mạng Pháp đạt tới đỉnh cao.

– Phân tích ý nghĩa các biện pháp của Chính phủ cách mạng do phái Giacôbanh nắm quyền.

– Lập bảng so sánh nội dung các hiến pháp năm 1791 và 1793.

IV – THỜI KÌ THOÁI TRÀO

Mâu thuẫn giữa chính quyền cách mạng và các phái đối lập ngày càng gay gắt. Ngày 13 – 7 – 1793, một thành viên của phái Giacôbanh bị giết, tiếp đó nhiều nhà cách mạng bị sát hại. Vì vậy, việc trấn áp được tăng cường, nhiều người chống đối bị xử tử... Đồng thời, trong nội bộ phái Giacôbanh cũng nảy sinh mâu thuẫn giữa “phái hữu”, “phái tả” với chính quyền do Rô-be-spie đứng đầu. Điều quan trọng là quần chúng dần dần mất lòng tin và không còn ủng hộ chính quyền Giacôbanh nữa, vì nhiều biện pháp của Chính phủ không thực hiện triệt để (chỉ tịch thu ruộng đất của quý tộc lưu vong, quy định “mức tiền lương tối đa”...).

Ngày 9 tháng Técmido (27 – 7 – 1794 dương lịch)(1), các lực lượng đối lập đã bao vây Quốc hội, bắt Rô-be-spie cùng các bạn chiến đấu của ông. Ngày hôm sau, Rô-be-spie và nhiều nhà cách mạng Giacôbanh bị xử tử.

Sau khi phái Giacôbanh bị lật đổ, giai đoạn phát triển cao của cách mạng đã chấm dứt. Uỷ ban Đốc chính được thành lập, tập trung quyền lực vào 5 uỷ viên. Dưới chế độ Đốc chính (1794 – 1799), nhiều thành quả cách mạng, đặc biệt là của giai đoạn chuyên chính Giacôbanh, bị thủ tiêu, như : xoá bỏ quy định về giá tối đa, lập lại chế độ tự do buôn bán lúa mì... Đời sống nhân dân ngày càng khốn khổ hơn và nhiều cuộc đấu tranh lại nổ ra ở Pa-ri đòi “bánh mì và Hiến pháp 1793”.

Đồng thời, phái Bảo hoàng cũng nổi dậy nhằm khôi phục chế độ quân chủ. Một liên minh mới của các nước quân chủ châu  u chống Pháp được thành lập. Tháng 11–1799, Na-pô-lê-ông Bô-na-pác, một viên tướng có tài, được giai cấp tư sản ủng hộ, tiến hành cuộc đảo chính, xoá bỏ chế độ Đốc chính. Cách mạng tư sản Pháp chấm dứt.

(1) Tháng Técmido (tháng Nóng), tên gọi tháng 7 theo lịch cách mạng – các tháng được đặt tên theo thời tiết hay mùa vụ trong năm.

Những nguyên nhân nào dẫn tới sự sụp đổ của nền chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh ?

V – TÍNH CHẤT VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG TƯ SẢN PHÁP

Do sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII thành công và “phát triển theo đường đi lên”. Đây là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất, đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế, tuyên bố xác lập chế độ tư bản cùng các quyền tự do dân chủ, xoá bỏ chế độ đẳng cấp và quan hệ ruộng đất phong kiến, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển...

Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII không chỉ có ý nghĩa đối với nước Pháp mà còn có ảnh hưởng to lớn đến nhiều nước khác : tư tưởng dân tộc, dân chủ được truyền bá rộng rãi ở châu  u, chế độ quân chủ phong kiến nhiều nước bị lung lay, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng ở các nước.

Tuy nhiên, Cách mạng tư sản Pháp cũng như các cuộc cách mạng tư sản khác có nhiều hạn chế : tiếp tục duy trì chế độ tư hữu, không giải phóng người lao động khỏi ách áp bức...

Hãy nêu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vẽ sơ đồ minh hoạ diễn biến Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.

2. Vai trò của quần chúng nhân dân thể hiện như thế nào trong Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Về ý nghĩa của Cách mạng Pháp

“Cách mạng Pháp xứng đáng là một cuộc đại cách mạng. Nó đã làm biết bao nhiêu việc cho giai cấp nó, tức là giai cấp tư sản, đến nỗi trọn thế kỉ XIX là thế kỉ đem lại văn minh và văn hoá cho toàn thể nhân loại được diễn ra dưới dấu hiệu của Cách mạng Pháp”.

(V. I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 29, NXB Tiến bộ, M., 1972,
tr. 342, bản tiếng Nga)

Về bài học của Cách mạng Pháp

... “Cách mệnh Pháp làm gương cho chúng ta về những việc gì ?

1. Dân chúng công nông là gốc cách mệnh...

2. Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công.

3. Đàn bà, trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều.

4. Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”.

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 274)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 4: Cách Mạng Tư Sản Pháp Cuối Thế Kỉ XVIII | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.