Bài 9: Các Nước Tư Bản Chuyển Sang Giai Đoạn Đế Quốc Chủ Nghĩa (Tiếp theo) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 9


Trong quá trình chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền, Anh, Pháp, Đức, Mĩ là những nước phát triển mạnh nhất và thể hiện rõ nhất những đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc.

1. Nước Anh

a) Tình hình kinh tế

Trước năm 1870, nước Anh đứng đầu thế giới về công nghiệp. Khi đó Anh được gọi là “công xưởng của thế giới” vì sản phẩm công nghiệp Anh luôn chiếm ưu thế về số lượng, chất lượng, không nước nào theo kịp.

Sau năm 1870, tốc độ phát triển về công nghiệp của nước Anh chậm lại. Vào những thập niên cuối của thế kỉ XIX, nước Anh mất dần địa vị độc quyền công nghiệp, bị Mĩ rồi Đức vượt qua.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do công nghiệp Anh phát triển sớm, hàng loạt máy móc, trang thiết bị, công nghệ dần trở nên lạc hậu, hiệu suất thấp, đòi hỏi đầu tư để đổi mới rất tốn kém. Trong khi đó, giai cấp tư sản Anh chỉ chú trọng xuất khẩu tư bản sang các nước thuộc địa, Hoa Kì và các nước Mĩ Latinh hơn là đổi mới và phát triển công nghiệp vì bóc lột thuộc địa thu lợi lớn hơn và nhanh hơn nhiều. Tuy mất địa vị bá chủ thế giới về công nghiệp, Anh vẫn đứng đầu về tài chính, xuất khẩu tư bản, thương mại, hải quân và thuộc địa.

Vào cuối thế kỉ XIX, quá trình tập trung tư bản ở Anh cũng được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức độc quyền được thành lập và kiểm soát các ngành kinh tế, chủ yếu là công nghiệp luyện kim, đóng tàu, khai thác mỏ. Việc tập trung tư bản trong các ngân hàng cũng đạt đến mức cao. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), các công ti độc quyền công nghiệp lớn liên kết mật thiết với 5 ngân hàng lớn nhất khu Xi-ti (Luân Đôn), chi phối toàn bộ đời sống kinh tế của nước Anh.

Nông nghiệp không chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Anh. Phần lớn lương thực và nguyên liệu nông nghiệp phải nhập của nước ngoài, chủ yếu là các nước thuộc địa. Trong những năm 60 của thế kỉ XIX, Anh tự túc được 3/4 số lúa mì hằng năm ; từ thập niên 70 trở đi, chỉ tự cung cấp được 1/3 số lúa mì cho nhu cầu trong nước.

b) Tình hình chính trị

Về danh nghĩa, Anh là một nước quân chủ lập hiến, song thực chất là một quốc gia theo chế độ đại nghị, gồm Thượng viện và Hạ viện. Đảng Tự do và Đảng Bảo thủ thay nhau cầm quyền tuỳ theo kết quả bầu cử Nghị viện, đảng nào chiếm đa số ghế thì được cử người giữ chức Thủ tướng. Hai đảng tuy cạnh tranh chính trị với nhau, khác nhau về những chính sách và biện pháp cụ thể, song đều thống nhất trong việc bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, đàn áp phong trào quần chúng và đẩy mạnh xâm lược thuộc địa.

Nước Anh có hệ thống thuộc địa rộng lớn, được gọi là “đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn”, trải dài từ Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Ai Cập, Xu-đăng, Nam Phi, Ca-na-đa, cùng nhiều vùng đất khác ở châu Á, châu Phi và các đảo trên các đại dương. Lê-nin gọi chủ nghĩa đế quốc Anh là chủ nghĩa đế quốc thực dân.

Năm 1914, thuộc địa Anh rộng tới 33 triệu km2 với 400 triệu người, chiếm 1/4 diện tích và 1/4 dân số thế giới, gấp 12 lần thuộc địa của Đức và 3 lần thuộc địa của Pháp.

Vì sao từ năm 1870 trở đi, tốc độ phát triển công nghiệp của Anh chậm lại ?

2. Nước Pháp

a) Tình hình kinh tế

Trước năm 1870, Pháp là một nước công nghiệp tiên tiến đứng thứ hai thế giới, sau Anh. Từ sau năm 1871, kinh tế Pháp phát triển trong điều kiện khó khăn. Sản lượng công nghiệp tuy có tăng nhưng tốc độ phát triển công nghiệp chậm so với Mĩ, Đức, Anh, trang bị kĩ thuật của Pháp lạc hậu rõ rệt so với nền công nghiệp của các nước tư bản trẻ.

Nguyên nhân của tình trạng đó là do hậu quả của Hiệp ước Vécxai (Pháp phải bồi thường cho Đức 5 tỉ phrăng, cắt cho Đức hai tỉnh giàu nguyên liệu là An-dát và Lo-ren), quần chúng đói nghèo nên sức mua kém, thiếu nguyên liệu, đội tàu buôn nhỏ bé không cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Tuy vậy, vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, công nghiệp Pháp cũng có nhiều tiến bộ đáng kể. Hệ thống đường sắt lan rộng cả nước đã đẩy nhanh sự phát triển của các ngành khai mỏ, luyện kim, thương mại... Một số ngành công nghiệp mới ra đời đạt được nhiều thành tựu như : điện khí, hoá chất, chế tạo ô tô, điện ảnh... Từ năm 1852 đến năm 1900, số xí nghiệp sử dụng máy móc tăng 9 lần, số động cơ chạy bằng hơi nước tăng 12 lần. Năm 1893, số công nhân tăng lên 3 triệu người... Nông nghiệp ở trong tình trạng phân tán với 40% cư dân sống bằng nghề nông nên gặp khó khăn trong việc sử dụng kĩ thuật mới. Nông dân bị phụ thuộc vào các hãng buồn nông sản và chủ nợ.

Trong thời kì này, một số công ti độc quyền đã ra đời và dần dần chi phối nền kinh tế đất nước.

Công ti Snây-đơ Crơ-dỗ độc quyền về công nghiệp quân sự, đóng tàu. Tổng công ti đường sắt và điện khí cùng 6 công ti khác quản lí toàn bộ mạng lưới đường sắt trong nước. Công ti Xanh Gô-ben và Cu-man kiểm soát toàn bộ công nghiệp hoá chất. Nhiều công ti khai thác thuộc địa : Công ti kinh doanh đồn điền trồng nho ở An-giê-ri, Công tỉ đồn điền cao su ở Đông Dương...

Đặc điểm của tổ chức độc quyền Pháp là việc tập trung ngân hàng đạt mức cao (ngân hàng lớn ở Pa-ri nắm 70% tư bản của các ngân hàng trong cả nước). Pháp là nước đứng thứ hai (sau Anh) về xuất khẩu tư bản, nhưng khác Anh ở chỗ tư bản được đem cho các nước chậm tiến (chủ yếu là Nga, Thổ Nhĩ Kì, các nước Mĩ Latinh) vay lấy lãi nặng. Vì vậy, chủ nghĩa đế quốc Pháp được gọi là chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi.

b) Tình hình chính trị

Sau khi Đế chế thứ hai sụp đổ (4 – 9 – 1870), chính thể cộng hoà (nền Cộng hoà thứ ba)(1) được thiết lập. Tuy vậy, tình hình chính trị Pháp rất phức tạp, thể hiện rõ ở việc đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động và các vụ tham ô và bê bối chính trị. Trong vòng 40 năm (1875 – 1914), đã có tới 50 lần thay đổi chính phủ ở Pháp.

Về đối ngoại, sau chiến tranh Pháp – Phổ (1870 – 1871), quan hệ giữa hai nước tiếp tục căng thẳng. Từ năm 1870 đến năm 1893, Pháp ở vào tình thế bị cô lập. Song Pháp vẫn tăng cường xâm lược thuộc địa ở châu Á và châu Phi : hoàn thành xâm lược Việt Nam (1884), chiếm Lào (1893), thôn tính Ma-đa-ga-xca, Ma-rốc...

(1) Nền Cộng hoà thứ nhất ra đời năm 1792, trong thời kì Cách mạng tư sản Pháp ; nền Cộng hoà thứ hai ra đời trong Cách mạng 1848 – 1849 ở Pháp ; nền Cộng hoà thứ ba tồn tại đến năm 1940, khi phát xít Đức xâm chiếm Pháp.

Đến năm 1914, hệ thống thuộc địa của Pháp rộng gần 11 triệu km, với 55,5 triệu dân, đứng thứ hai trên thế giới.

Tình hình kinh tế, chính trị của Pháp vào những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX như thế nào ?

3. Nước Đức

a) Tình hình kinh tế

Vào giữa thế kỉ XIX, Đức vẫn là một nước nông nghiệp, đa số dân cư tập trung ở nông thôn và các thành thị nhỏ. Tuy vậy, công nghiệp đã khá phát triển, nhất là ở vùng Tây Nam. Sau khi nước Đức thống nhất (18 – 1 – 1871), chủ nghĩa tư bản ở đây phát triển rất nhanh.

Công cuộc thống nhất đất nước đã tạo nên một thị trường dân tộc với chế độ hành chính, hệ thống quan thuế, đo lường và tiền tệ thống nhất. Theo Hiệp ước Vécxai, Đức chiếm được của Pháp 5 tỉ phrăng, hai tỉnh giàu nguyên liệu là An-dát và Lo-ren, nên có một nguồn vốn quan trọng để xây dựng và mở rộng kinh doanh. Trên lãnh thổ Đức cũng có nhiều nguyên liệu, nhất là ở miền Tây Nam như vùng Rua có nhiều mỏ than và kim loại. Nước Đức cũng đã từng có một cơ sở kinh tế công thương nghiệp nhất định từ giữa thế kỉ XIX. Do phát triển sau, nước Đức tiếp nhận những thành tựu kĩ thuật mới, xây dựng công nghiệp theo quy trình mới làm tăng nhanh sản lượng. Cư dân thành thị tăng nhanh là nguồn nhân lực quan trọng cho công nghiệp.

Đến cuối thế kỉ XIX, nhiều khu công nghiệp đồ sộ xuất hiện. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức vượt Pháp và Anh, đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới, sau Mĩ. Đến năm 1913, sản lượng gang thép của Đức đã gấp đôi Anh.

Do việc cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong công nghiệp nặng, quá trình tập trung sản xuất và tư bản ở Đức diễn ra mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp lớn phát triển nhanh chóng, làm phá sản hoặc thu hút dần những xí nghiệp nhỏ. Sự tập trung sản xuất và tư bản dẫn đến sự ra đời những công ti độc quyền lớn trong các ngành công nghiệp then chốt. Các tổ chức độc quyền ở Đức xuất hiện dưới hình thức phổ biến là cácten và xanhđica.

Xanhđica than đá Rai-nơ – Vét-xpha-len thành lập năm 1893, đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa của Đức. Năm 1913, với sản lượng 10 triệu tấn than, xanhđica này kiểm soát 95% tổng sản lượng than ở vùng Rua (vùng công nghiệp lớn nhất ở Đức) và hơn 55% tổng sản lượng than cả nước.

Đến năm 1905, Đức đã có 385 tổ chức độc quyền, bao gồm 12000 xí nghiệp lớn và nắm giữ các ngành sản xuất chủ yếu.

Do công nghiệp phát triển, quý tộc địa chủ Đức có điều kiện sử dụng máy móc và kĩ thuật mới trong nông nghiệp.

b) Tình hình chính trị

Đức là một liên bang gồm 22 bang và 3 thành phố tự do, theo chế độ quân chủ lập hiến ; trong đó, quý tộc địa chủ liên kết chặt chẽ với tư bản độc quyền thống trị nhân dân, chống phong trào công nhân, chạy đua vũ trang và xâm chiếm thuộc địa.

Hoàng đế đứng đầu Liên bang có quyền cao nhất (Tổng chỉ huy quân đội, bổ nhiệm và cách chức Thủ tướng, triệu tập và giải tán Quốc hội...). Quyền lập pháp thuộc hai viện – Hội đồng Liên bang (Thượng viện, gồm đại biểu các bang) và Quốc hội (Hạ viện, do bầu cử, nhiệm kì 3 năm).

Nước Đức bước vào con đường tư bản chủ nghĩa tương đối muộn, nên khi trở thành cường quốc công nghiệp thì phần lớn đất đai trên thế giới đã là thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của Anh, Pháp... Ngay từ thập niên 90 của thế kỉ XIX, Đức đã công khai đòi dùng vũ lực chia lại thế giới. Vì thế, mâu thuẫn giữa Đức với Anh và Pháp – những nước có nhiều thuộc địa nhất – trở nên hết sức gay gắt, dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tính chất quân phiệt hiếu chiến là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa đế quốc Đức.

Nêu một số sự kiện chứng tỏ kinh tế Đức phát triển mạnh. Nguyên nhân của sự phát triển đó.

4. Nước Mĩ

a) Tình hình kinh tế

Sau cuộc nội chiến (1861 – 1865), chủ nghĩa tư bản ở Mĩ phát triển vượt bậc. Những nguyên nhân chủ yếu là : Việc giải phóng nô lệ tạo nên nguồn lao động phong phú và năng động, lại thêm nguồn nhập cư từ châu  u và châu Á càng làm tăng thêm nhân công và trí tuệ cho các ngành sản xuất. Chế độ kinh tế đồn điền và trang trại cùng những cánh đồng mênh mông làm cho nước Mĩ trở thành vựa lúa, có nguồn nông phẩm rất phong phú và đa dạng. Trên lãnh thổ rộng lớn từ bờ Đại Tây Dương đến bờ Thái Bình Dương, nước Mĩ đã tìm thấy và khai thác các mỏ vàng, than, dầu lửa cùng nhiều khoáng sản khác. Do đặc điểm lịch sử, nước Mĩ không bị ràng buộc bởi tàn dư của chế độ phong kiến lạc hậu, không gặp trở ngại về quyền lực chính trị và kinh tế của giới quý tộc. Công nghiệp Mĩ xây dựng muộn, có thể áp dụng ngay kĩ thuật tiên tiến nên năng suất khá cao.

Với những thuận lợi ấy, chỉ từ năm 1865 đến năm 1894, Mĩ từ hàng thứ tư đã vươn lên hàng đầu thế giới về sản xuất công nghiệp. Đến giữa những năm 90 thế kỉ XIX, sản lượng công nghiệp Mĩ tăng 4 lần, bằng 1/2 tổng sản lượng của các nước Tây  u gộp lại và gấp 2 lần nước Anh.

Sự cạnh tranh và những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kì đã thúc đẩy mạnh mẽ sự tập trung sản xuất và tư bản ở Mĩ. Các ngành công nghiệp lần lượt rơi vào tay một số nhà tư bản kếch sù, liên minh với nhau thành những tơrớt – một hình thức độc quyền cao và phổ biến ở Mĩ. Tiêu biểu cho các tơrớt Mĩ là “vua dầu mỏ” Rốc-phe-lơ, “vua sắt thép” Moóc-gan... Những “vua kĩ nghệ” vừa lũng đoạn công nghiệp, vừa là chủ các ngân hàng lớn, vừa chi phối toàn bộ đời sống chính trị và xã hội nước Mĩ.

hinh-anh-bai-9-cac-nuoc-tu-ban-chuyen-sang-giai-doan-de-quoc-chu-nghia-tiep-theo-3337-0

Hình 30. Tranh đương thời nói về quyền lực của các tổ chức độc quyền ở Mĩ

Moóc-gan thành lập công ti thép Mĩ (1903) kiểm soát 60% ngành sản xuất thép. Công ti còn sở hữu 5 000 ha đất mỏ chứa than cốc, 1 600 km đường sắt, 100 tàu thuỷ.

Tơrớt dầu mỏ của Rốc-phe-lơ kiểm soát 90% ngành sản xuất dầu mỏ với 7 vạn km đường ống dẫn dầu, hàng trăm tàu biển và kho hàng ở trong và ngoài nước. Rốc-phe-lơ còn chinh phục các ngành hơi đốt, điện khí, các công ti kẽm, đồng, chì. Hai tập đoàn trên lũng đoạn ngành ngân hàng, nắm trong tay 1/3 toàn bộ số vốn ngân hàng nước Mĩ.

b) Tình hình chính trị

Đứng đầu Chính phủ Mĩ là Tổng thống. Hai đảng tư sản – Cộng hoà và Dân chủ – cứ 4 năm một lần đưa người ra tranh cử chức Tổng thống và đại biểu Quốc hội, gồm hai viện – Hạ viện và Thượng viện.

So với các nước đế quốc khác, Mĩ chậm trễ trong việc xâm chiếm thuộc địa, vì mải lo chinh phục các vùng đất đai rộng lớn ở miền Trung và miền Tây đất nước. Từ những năm 80 của thế kỉ XIX trở đi, khi biên giới nước Mĩ đã chạm bờ Thái Bình Dương, Mĩ lập tức vươn ra ngoài lãnh thổ của mình. Năm 1898, Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha để cướp Phi-líp-pin và Cu-ba. Bằng đôla và sức mạnh quân sự, Mĩ can thiệp vào nội bộ các nước Mĩ Latinh. Đối với Trung Quốc, Mĩ đề ra chính sách “mở cửa” để xâm nhập vào đất nước rộng lớn và giàu có này. Trình bày những nét nổi bật trong nền kinh tế, chính trị Mĩ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vì sao sau năm 1870, Anh mất địa vị độc quyền công nghiệp, còn công nghiệp Pháp thì phát triển chậm ?

2. Tại sao nói chủ nghĩa đế quốc Anh là chủ nghĩa đế quốc thực dân, còn chủ nghĩa để quốc Pháp là chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi ?

3. Vì sao giới cầm quyền Đức ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới ?

4. Những nguyên nhân nào khiến kinh tế Mĩ phát triển vượt bậc?

5. Hoạt động bành trướng của Mĩ diễn ra như thế nào ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Sự phát triển kinh tế Anh đầu thế kỉ XX và bước chuyển sang chủ nghĩa đế quốc

Đến đầu thế kỉ XX, nước Anh vẫn giữ địa vị hàng đầu trong nền kinh tế thương nghiệp và trong những hoạt động tín dụng thế giới. Luân Đôn đóng vai trò một trung tâm tài chính và đồng bảng Anh (livrơ xtecling) vẫn là đơn vị tiền tệ thông dụng trong mậu dịch quốc tế. So với hồi cuối thế kỉ XIX, tốc độ phát triển công nghiệp có nhanh hơn, đặc biệt là các ngành đóng tàu, hoá chất, điện khí. Nhưng trong cuộc cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, độ tăng trưởng của Anh vẫn tiếp tục lạc hậu so với các nước khác, nhất là so với Mĩ và Đức. Tỉ lệ sản phẩm của công nghiệp Anh trong toàn bộ sản lượng thế giới từ năm 1900 đến năm 1913 giảm sút rõ rệt : than từ 29,7% xuống 21,8%, gang từ 22,1% xuống 13%, tiêu thụ bông từ 28,5% xuống 23,2%.

Nhiều công ti lũng đoạn xuất hiện trong hầu hết các ngành công nghiệp : khai thác than, dệt, thuốc lá, hoá chất, luyện kim, vận tải. Nhưng quá trình tập trung ở Anh diễn ra nhanh và mạnh mẽ, nhất là trong ngành ngân hàng.

Năm 1913, 27 nhà ngân hàng đã tập trung trong tay một số vốn bằng 85% tổng số vốn tư bản trong nước. Có thế lực nhất là 5 nhà ngân hàng ở Luân Đôn chiếm 40% số tư bản của nước Anh. Những nhà ngân hàng đều có chỉ nhánh ở thuộc địa.

Sự phát triển của ngân hàng thúc đẩy việc xuất khẩu tô bản. Nếu năm 1900, nước Anh đầu tư ra bên ngoài 2 tỉ livrơ xtécling thì đến năm 1913 lên gần 4 tỉ. Nếu năm 1899 tiền lãi của số vốn xuất khẩu là 90 triệu livrơ xtécling thì đến năm 1912 lên tới 176 triệu. Thị trường đầu tư chủ yếu của nước Anh là các thuộc địa và một số nơi như Trung Quốc, Nga, các nước Mĩ Latinh...

(Theo : Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 231)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 9: Các Nước Tư Bản Chuyển Sang Giai Đoạn Đế Quốc Chủ Nghĩa (Tiếp theo) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.