Bài 41: Sơ Kết Lịch Sử Việt Nam (1858 - 1918) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 41


1. Nước Việt Nam trước nguy cơ xâm lược của tư bản Pháp

Từ thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Những mâu thuẫn xã hội nảy sinh, biểu hiện bằng hàng loạt cuộc khởi nghĩa và chiến tranh nông dân bùng phát trên phạm vi cả nước. Nền kinh tế tiểu nông đang cần được phát triển đã vấp phải trở lực lớn là chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến lỗi thời.

Yêu cầu lịch sử lúc này là thống nhất đất nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hoá và thị trường dân tộc phát triển, giải phóng sức sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

Đầu thế kỉ XIX, sau khi đánh bại triều Tây Sơn, các vua triều Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, đến Tự Đức đã ra sức củng cố chế độ phong kiến tập quyền. Bằng việc thi hành hàng loạt chính sách hẹp hòi, thậm chí đi ngược lại quyền lợi dân tộc, nhà Nguyễn đã đẩy đất nước vào tình trạng suy yếu, đời sống nhân dân khó khăn, quốc phòng yếu kém, tài chính kiệt quệ.

Trong khi đó, các nước tư bản phương Tây đang ráo riết bành trướng thế lực sang phương Đông.

Sau một thời gian dài “nhòm ngó” nước ta, tư bản Pháp đã tiếp tục tìm cách thâm nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động của các giáo sĩ trong Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp. Bằng nhiều thủ đoạn, chúng đã thiết lập được những cơ sở chính trị, xã hội đầu tiên trên đất nước ta, dọn đường cho cuộc chiến tranh xâm lược sắp tới.

Vì sao thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm nước ta ?

2. Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta

Ngay từ cuối thế kỉ XVIII, tư bản Pháp đã chủ trương can thiệp vào nước ta bằng vũ lực. Lợi dụng các điều khoản của Hiệp ước Vécxai (1787), chúng định đem quân sang Việt Nam một cách hợp pháp. Tuy vậy, những diễn biến về chính trị năm 1789 và điều kiện khó khăn về kinh tế tài chính đã không cho phép tư bản Pháp thực hiện ý đồ đen tối trên.

Đến giữa thế kỉ XIX, khi mâu thuẫn Pháp – Anh đã dịu bớt, thực dân Pháp mới có điều kiện tập trung lực lượng, tổ chức cuộc tấn công đánh chiếm Việt Nam. Ngày 1 – 9 – 1858, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược.

Quân và dân ta chống trả quyết liệt. Tuy vậy, do vua quan triều đình Huế thiếu ý chí quyết tâm, lại không có đường lối chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, lực lượng lại chênh lệch có lợi cho kẻ thù..., nên các vùng lãnh thổ Việt Nam lần lượt rơi vào tay Pháp. Cuối cùng triều đình Huế đã buộc phải cắt đất cầu hoà, rồi đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Hiệp ước ngày 6 – 6 – 1884 (Hiệp ước Patơnốt) đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của triều đình phong kiến nước ta trước thế lực xâm lăng là tư bản Pháp, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.

Trái ngược với thái độ yếu đuối của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân Việt Nam đã đứng dậy. Họ chiến đấu ngoan cường vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của quê hương. Cuộc chiến tranh nhân dân diễn ra liên tục, đều khắp, với tinh thần dũng cảm vô song... đã khiến thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất và phải mất 26 năm để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược một nước Việt Nam nhỏ bé. Sau đó, chúng lại phải mất thêm 11 năm nữa để tiến hành cuộc bình định quân sự, mãi đến cuối thế kỉ XIX mới tạm thời ổn định được nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam.

Từ giữa năm 1885, sau khi nhà Nguyễn đầu hàng hoàn toàn, một phong trào yêu nước mới dưới khẩu hiệu “Cần vương” đã được phát động. Thực chất đây là phong trào chống xâm lược của nhân dân ta với mục tiêu giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của các sĩ phu, văn thân yêu nước, theo hệ tư tưởng phong kiến.

Phong trào Cần vương nổ ra đồng thời với phong trào đấu tranh tự vệ ở các địa phương, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, là biểu hiện cụ thể, sinh động về tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Mặc dù thất bại do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó chủ yếu là do thiếu một lực lượng xã hội tiên tiến, có đủ năng lực lãnh đạo, phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX đã đánh một mốc son trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Thái độ của nhân dân ta và triều đình Huế trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp như thế nào ?

3. Những biến đổi trong đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX

Từ năm 1897, sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa cuối cùng trong phong trào Cần vương là khởi nghĩa Hương Khê và tiến hành giảng hoà với Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác bóc lột quy mô, có hệ thống trên toàn cõi Đông Dương.

Việt Nam dần dần trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến, bị biến thành nơi cung cấp sức người, sức của rẻ mạt cho tư bản Pháp.

Để đảm bảo lợi nhuận tối đa, thực dân Pháp đã tăng thuế cũ, đặt thêm nhiều thứ thuế mới. Chúng cố tình kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cột chặt kinh tế nước ta vào nền kinh tế chính quốc.

Tuy nhiên, công cuộc khai thác của thực dân Pháp đã làm nảy sinh những nhân tố mới, ngoài ý muốn của chúng. Ở Việt Nam, đầu thế kỉ XX, đã xuất hiện thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa. Thành thị mọc lên. Nhiều cơ sở công nghiệp ra đời. Cơ cấu xã hội biến động. Một số giai tầng mới xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời nhưng còn trong giai đoạn tự phát. Tư sản và tiểu tư sản thành thị xuất hiện cùng với sự nảy sinh các nhân tố mới, song vẫn chưa trở thành giai cấp thực thụ. Mặc dù vậy, các tầng lớp xã hội này, cùng với bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hoá, đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc tiếp thu những luồng tư tưởng cách mạng mới, để dấy lên một cuộc vận động yêu nước tiến bộ, mang màu sắc dân chủ tư sản ở nước ta đầu thế kỉ XX.

Những biến đổi lớn trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX là gì ?

4. Phong trào yêu nước và cách mạng

Cuối thế kỉ XIX, ngọn cờ phong kiến đã tỏ ra lỗi thời. Giữa lúc đó, một trào lưu tư tưởng cách mạng bắt đầu thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Đang trong lúc bế tắc, các sĩ phu yêu nước Việt Nam thời đó đã hồ hởi đón nhận những ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản (cho dù đã trở nên lạc hậu ở phương Tây, nhưng vẫn là mới mẻ và tiến bộ đối với phương Đông). Họ cổ suý cho “văn minh tân học” và mở cuộc vận động đổi mới trên nhiều lĩnh vực : kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá.

Tuy nhiên, do tầm nhìn hạn chế và có những trở lực không thể vượt qua, cuối cùng, cuộc vận động yêu nước của các sĩ phu đầu thế kỉ XX đã bị thất bại. Những cố gắng đáng khâm phục của họ rốt cuộc cũng mới chỉ tạo ra được một cuộc vận động theo khuynh hướng dân chủ tư sản chứ chưa có khả năng làm bùng nổ một cuộc cách mạng tổ sản thực sự ở nước ta.

Bên cạnh cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản với các phong trào như Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy tân..., trong thập niên đầu thế kỉ XX vẫn tiếp tục bùng nổ phong trào đấu tranh của nông dân, điển hình là khởi nghĩa Yên Thế và các cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu thế kỉ XX, phong trào yêu nước chống Pháp tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Nhiều cuộc đấu tranh, nhất là các cuộc đấu tranh của nông dân và binh lính, bị mất phương hướng, bị đàn áp đẫm máu và thất bại nhanh chóng.

Chính trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc. Những hoạt động của Người trong thời kì này là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Phong trào yêu nước, cách mạng của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ XX diễn ra như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Từ sự thất bại của các phong trào yêu nước (cuối thế kỉ XIX _ đầu thế kỉ XX) có thể rút ra những bài học gì ?

2. Lập bảng hệ thống các sự kiện tiêu biểu của phong trào yêu nước giải phóng dân tộc từ giữa thế kỉ XIX đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất.

3. Sưu tầm tư liệu lịch sử địa phương về phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 41: Sơ Kết Lịch Sử Việt Nam (1858 - 1918) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.