Nội Dung Chính
Trong những điều kiện mới, cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, song nhìn chung đều gắn cứu nước với việc duy tân làm cho đất nước phát triển, gắn việc đánh đuổi giặc Pháp với cải biến xã hội.
1. Hoạt động cứu nước của Phan Bội Châu
Phan Bội Châu là sĩ phu nổi tiếng đất Nghệ An và là lãnh tụ tiêu biểu nhất trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX.
Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26 – 12 – 1867 trong một gia đình nhà nho nghèo ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là người thông minh, năm 16 tuổi đỗ đầu xứ, năm 33 tuổi đã đỗ đầu kì thi Hương ở Nghệ An.
Phan Bội Châu là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Phan Bội Châu gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam 25 năm đầu thế kỉ XX. Ông bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải ngày 30 – 6 – 1925, bị giam lỏng ở Huế. Ông mất ngày 20 – 10 – 1940.
Hình 123. Phan Bội Châu (1867 – 1940)
Phan Bội Châu chủ trương dùng bạo động vũ trang đánh đuổi Pháp. Ông đã cùng các đồng chí của mình chủ trương tổ chức lực lượng ở trong nước và tranh thủ sự viện trợ từ bên ngoài, trước hết là Nhật Bản.
Đầu năm 1904, Phan Bội Châu cùng với Nguyễn Hàm và một số người khác thành lập Hội Duy tân nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, thành lập chính thể quân chủ lập hiến ở Việt Nam. Ông đã sang Nhật Bản cầu viện, tổ chức phong trào Đông du đưa thanh thiếu niên sang học tập ở Nhật Bản để chuẩn bị lực lượng chống Pháp. Phong trào Đông du ban đầu diễn ra thuận lợi, số học sinh lên tới 200 người. Nhưng từ tháng 8 – 1908 trở đi, thực dân Pháp câu kết với Chính phủ Nhật đàn áp phong trào. Tháng 3 – 1909, Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Hội Duy tân cũng ngừng hoạt động.
Sau khi Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc) thắng lợi (1911), Phan Bội Châu và các đồng chí của mình thành lập Việt Nam Quang phục hội (6 – 1912) với mục đích : Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hoà Dân quốc Việt Nam. Việt Nam Quang phục hội chủ trương đánh đuổi giặc Pháp bằng bạo lực, nên đã thành lập Quang phục quân.
Việt Nam Quang Phục hội đã nhiều lần cử người về nước trừ khử những tên thực dân đầu sỏ và tay sai đắc lực của chúng. Các cuộc bạo động lẻ tẻ đã khuấy động được dư luận trong và ngoài nước. Nhưng thực dân Pháp nhân đó tăng cường khủng bố, nhiều người bị bắt, bị giết. Phan Bội Châu và Cường Để bị kết án tử hình vắng mặt. Chúng còn mặc cả với Long Tế Quang – Tổng đốc tỉnh Quảng Đông trong việc bắt Phan Bội Châu và các yếu nhân của Việt Nam Quang phục hội. Ngày 24 – 12 – 1913, Phan Bội Châu bị bắt và bị giam ở nhà tù Quảng Đông (Trung Quốc). Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung gặp khó khăn.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 70.
– Tại sao Phan Bội Châu và những người sáng lập Hội Duy tân lại chủ trương dựa vào Nhật Bản ?
– Qua mục đích Hội Duy tân và Việt Nam Quang phục hội, em hiểu gì về tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu ?
2. Hoạt động cứu nước của Phan Châu Trinh và phong trào Duy tân ở Trung Kì
Phan Châu Trinh là nhà khoa bảng đất Quảng Nam. Ông là người tiêu biểu cho xu hướng canh tân, cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Phan Châu Trinh, hiệu là Tây Hồ, sinh ngày 9 – 9 – 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước phủ Tam Kì, tỉnh Quảng Nam. Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân năm 1900, đỗ Phó bảng năm 1901, làm quan trọng triều đình Huế, Nhưng cuối năm 1904, ông từ quan về hoạt động cứu nước.
Tháng 4 – 1908, Phan Châu Trinh bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Đầu năm 1911, ông sang Pháp ; tháng 5 – 1925 về nước. Ông mất ở Sài Gòn ngày 24 – 3 – 1926.
Hình 124. Phan Châu Trinh (1872 – 1926)
Phan Châu Trinh cũng sang Nhật Bản, cùng Phan Bội Châu tham quan các trường học, khảo cứu tình hình giáo dục, chính trị của Nhật Bản. Ông hoan nghênh việc Phan Bội Châu đưa thanh niên ra nước ngoài học tập và phổ biến tài liệu tuyên truyền giáo dục trong nước, nhưng ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng quân chủ muốn dựa vào ngôi vua của Phan Bội Châu.
Phan Châu Trinh là người giương cao ngọn cờ dân chủ, cải cách xã hội ; chủ trương cứu nước bằng việc nâng cao dân trí, dân quyền. Ông đã vạch trần chế độ vua quan phong kiến thối nát và yêu cầu Pháp phải thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam ; sửa đổi chính sách cai trị để giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên văn minh. Ông đề cao phương châm “tự lực khai hoá”, vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền.
Với phương châm đó, Phan Châu Trinh đã đi khắp tỉnh Quảng Nam và đến các tỉnh Trung Kì để vận động cải cách.
Cuộc vận động duy tân diễn ra với nhiều hình thức phong phú. Nhiều trường học đã ra đời, chương trình học gồm các môn : Toán, Cách trí (Khoa học thường thức), Vệ sinh, Sử – Địa, Thể dục... với nội dung mới. Nhà trường cũng là nơi tuyên truyền mở rộng công, thương nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, phê phán bọn quan lại, đả phá phong tục lạc hậu, thực hiện đời sống mới ; nhiều hiệu buôn hàng nội hoá, nhiều công ti làm nghề thủ công được thành lập khắp các tỉnh Trung Kì.
Phong trào Duy tân ngày càng lan rộng trong khi nhân dân Trung Kì đang điêu đứng vì nạn thuế khoá, bắt phu của thực dân Pháp. Cuộc vận động đi sâu vào quần chúng đã làm bùng lên phong trào chống đi phu, đòi giảm sưu thuế. Phong trào này bắt đầu từ tháng 3 – 1908, ở các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kì, Hoà Vang, Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam, sau đó lan sang các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hình 125. Những sĩ phu yêu nước bị bắt sau cuộc chống thuế ở Trung Kì
Chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp phong trào, đóng cửa các trường học, giải tán các hội buôn, chém giết những người cầm đầu. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Huân và hàng trăm người khác bị bắt đày đi Côn Đảo, Lao Bảo.
Phong trào đòi giảm thuế, chống đi phu tan rã dần vào cuối tháng 5 – 1908. Tuy thất bại, phong trào đã thể hiện tinh thần và khả năng cách mạng của nông dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời cũng bộc lộ hạn chế của họ khi chưa có một giai cấp tiên tiến lãnh đạo.
Năm 1911, chính quyền thực dân đưa Phan Châu Trinh sang Pháp. Suốt những năm ở Pa-ri, ông vẫn theo đường lối cải cách, kêu gọi thực hiện dân quyền, cải thiện dân sinh.
– Tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu có điểm gì giống và khác nhau ?
– Tại sao phong trào đòi giảm thuế, chống đi phu bùng nổ năm 1908 ở Trung Kì ?
– Em có suy nghĩ gì khi quan sát bức ảnh “Những sĩ phu yêu nước bị bắt...” ?
– Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tan rã của phong trào đòi giảm thuế, chống đi phu là gì ?
3. Đông Kinh nghĩa thục
Noi gương Nhật Bản để tự cường là chủ trương của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và sĩ phu Việt Nam yêu nước đầu thế kỉ XX. Sự ra đời của Đông Kinh nghĩa thục tháng 3 – 1907 do Lương Văn Can làm Thục trưởng, mô phỏng theo Khánh Ứng nghĩa thục ở Nhật Bản, nằm trong chủ trương chung đó.
Hình 126. Lương Văn Can (1854_1927)
Lương Văn Can sinh năm 1854 ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín), tỉnh Hà Tây. Ông đỗ Cử nhân năm 21 tuổi ; được triều đình bổ làm Giáo thụ phủ Hoài Đức nhưng ông từ chối.
Lương Văn Can là một trong những người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục và được bầu làm Thục trưởng. Khi Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, ông bị bắt nhưng rồi được thả vì không đủ chứng cứ. Năm 1913, ông lại bị Pháp bắt, đày đi Cam-pu-chia 10 năm. Năm 1924, Lương Văn Can về nước và mất năm 1927.
Mục đích của Đông Kinh nghĩa thục là : tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, chí tiến thủ cho quần chúng ; truyền bá những hiểu biết về một nền học thuật mới và nếp sống văn minh tiến bộ, phối hợp hành động với phong trào Đông du của Phan Bội Châu và phong trào Duy tân đang phát triển ; góp phần làm cho đất nước thoát khỏi lạc hậu, thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang, trở thành một quốc gia độc lập.
Chương trình học của trường gồm các môn Lịch sử, Địa lí, Cách trí, Vệ sinh, Toán pháp, Kinh tế, Ngoại ngữ, Luân lí, Thể thao. Về các môn học tự nhiên, trường dùng sách giáo khoa của các trường tiểu học Pháp ; các môn khoa học xã hội thì nhà trường tự biên soạn để giảng dạy. Nội dung các sách rất chú trọng đề cao truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoài ra, trường còn có một thư viện với nhiều Tân thư nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản để học viên và các độc giả khác mượn về đọc.
Nội dung hoạt động của trường rất phong phú. Ngoài chương trình dạy ở trên lớp, về văn hoá – giáo dục, nhà trường chủ trương chống tư tưởng phong kiến lạc hậu, thực hiện cuộc cải cách văn hoá – xã hội. Trước hết là chống cựu học, hủ Nho, chống việc học chữ Hán và khoa cử Hán học. Về kinh tế, Đông Kinh nghĩa thục hô hào lập hội buôn. Nhiều hội buôn, công ti kinh doanh buôn bán ra đời.
Đông Kinh nghĩa thục rất chú trọng đến phương pháp học mới, cho phép học sinh tự do bàn bạc, thảo luận ; giảng sách, đọc báo, bình văn để cho “cái họ học và thi không trái ngược với cái họ phải làm”.
Ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục ngày càng lớn, số học sinh ngày càng đông (có lúc lên tới 2 000 người). Các cuộc bình thơ, văn đã thu hút nhiều người tham gia.
Một bài văn thời đó đã viết :
Buổi diễn thuyết, người đông nhỏ hội
Kì bình văn, khách đến nhà mua.
Hoạt động và ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục lan ra nhiều địa phương khác. Phân hiệu nghĩa thục đã hình thành ở Hà Đông, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phan Thiết...
Đông Kinh nghĩa thục không chỉ là một trường học mà còn là một tổ chức cách mạng, do các sĩ phu yêu nước tiến bộ tổ chức để hưởng ứng cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX. Tháng 11 – 1907, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trường, sách báo của trường bị cấm, một số nhân vật chủ chốt bị bắt.
Tuy chỉ hoạt động được 9 tháng, nhưng Đông Kinh nghĩa thục đã có những đóng góp lớn trong cuộc vận động văn hoá đầu thế kỉ XX.
– Đông Kinh nghĩa thục ra đời trong hoàn cảnh nào ? Nội dung và phương pháp dạy học của trường có gì mới ?
– Ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục trong phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX như thế nào ?
4. Vụ đầu độc binh lính Pháp tại Hà Nội
Đa số binh lính người Việt trong quân đội Pháp đều xuất thân từ nông dân bị phá sản vì sưu cao, thuế nặng, vì mất mùa, đói kém. Vào quân đội, họ bị phân biệt đối xử, khi ra trận thì bị đẩy lên phía trước làm bia đỡ đạn, buộc phải đi đàn áp bà con, tàn phá làng xóm của mình. Vì vậy, các sĩ phu yêu nước có xu hướng bạo động và Hoàng Hoa Thám rất chú ý đến việc tuyên truyền, vận động, giác ngộ binh lính.
Vào cuối năm 1907, cùng với những binh sĩ được giác ngộ, Hoàng Hoa Thám dự định đánh thành Hà Nội. Theo kế hoạch, nghĩa quân Yên Thế sẽ kéo về phục sẵn xung quanh Hà Nội ; bồi bếp bỏ thuốc độc vào thức ăn, đầu độc binh lính Pháp đóng trong thành. Khi có pháo lệnh, binh sĩ người Việt sẽ nổi dậy và từ trong đánh ra ; quân của Hoàng Hoa Thám từ ngoài đánh vào, nhanh chóng chiếm Hà Nội.
Kế hoạch bị thay đổi nhiều lần, đến tối 27 – 6 – 1908 việc đầu độc binh lính Pháp được thực hiện. Hơn 200 sĩ quan và binh lính trúng độc. Khi cuộc khởi nghĩa còn chưa tiến hành thì bị tố giác, thực dân Pháp đã kịp thời ngăn chặn. Sĩ quan và binh lính Pháp được cứu thoát khỏi bị ngộ độc. Binh lính người Việt bị tước hết vũ khí và giam trong trại. Lệnh thiết quân luật được ban bố. Những nơi quan trọng trong thành phố được canh gác nghiêm ngặt. Nhiều đội kị binh đi tuần tiễu, lùng sục trong thành phố và ngoại ô.
Vụ bạo động tuy chưa diễn ra, nhưng đã gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong sĩ quan và binh lính Pháp. Chúng đã thẳng tay đàn áp, trả thù những người yêu nước. Ngày 8 – 7 – 1908, chúng xử chém Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân. Tháng 10 – 1908, chúng kết án và xử tử thêm 13 người khác, kết án tử hình vắng mặt 6 người, tù chung thân một số người và nhiều người khác bị kết án tù có thời hạn, một số sĩ phu trong Đông Kinh nghĩa thục cũng bị buộc tội. Đồng thời, chúng quyết định mở cuộc tấn công lớn lên Yên Thế nhằm thanh toán căn cứ kháng chiến của Hoàng Hoa Thám.
Trước một kẻ thù mạnh thì một vụ đầu độc hay một kế hoạch đánh úp chúng ở Hà Nội không thành của một bộ phận người Việt Nam yêu nước là điều dễ hiểu. Nhưng nó cũng thể hiện ý thức dân tộc và khả năng tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của bộ phận binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp.
– Nguyên nhân dẫn đến vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội ngày 27 – 6 – 1908 là gì ?
– Tại sao sự phối hợp giữa nghĩa quân Yên Thế và binh lính người Việt Nam tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội năm 1908 thất bại ?
5. Những năm cuối cùng của khởi nghĩa Yên Thế
Cuộc hoà hoãn lần thứ hai (từ tháng 12 – 1897 đến tháng 1 – 1909) diễn ra khi nghĩa quân Yên Thế lâm vào tình thế khó khăn. Hoàng Hoa Thám đã tranh thủ thời gian để củng cố các đồn trại, mở thêm một số vị trí mới ở Bố Hạ, Nhã Nam ; cho thuộc hạ đi mua vũ khí, vật dụng ở vùng biên giới ; chia ruộng đất cho các gia đình nghĩa quân cày cấy ; mộ thêm quân v.v...
Hình 127. Một số tướng lĩnh của nghĩa quân Yên Thế
Vào những năm đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã lên Yên Thế. Giữa Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám đã có cam kết khi Trung Kì nổi dậy thì nghĩa quân Yên Thế sẽ hưởng ứng, phối hợp hành động.
Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, phát hiện thấy có sự dính líu của Đề Thám, thực dân Pháp ráo riết mở cuộc tấn công quyết định lên Yên Thế. Chúng lập thêm đồn bốt, mở thêm các tuyến đường thọc sâu vào vùng thượng du như đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn (hoàn thành năm 1902), nhằm chia cắt lực lượng nghĩa quân, ngăn chặn các con đường tiếp tế vũ khí, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân.
Cuối tháng 1 – 1909, Pháp huy động 15 000 quân gồm lính u – Phi, khố xanh, khố đỏ với đủ các binh chủng như pháo binh, kị binh, công binh dưới sự chỉ huy của tướng Ba-tay tấn công vào đồn Phồn Xương. Nghĩa quân đã thực hiện kế hoạch di chuyển, tránh sức mạnh của đối phương, đánh một số trận và giành được một số thắng lợi như : trận chợ Gồ, Sơn Quả, Rừng Phe (ở Bắc Giang, tháng 2 – 1909), đặc biệt là trận núi Sáng (Lập Thạch, Vĩnh Phúc, ngày 5 – 10 – 1909), tiêu diệt 50 sĩ quan và binh lính Pháp. Thế nhưng, những cuộc chiến đấu liên tiếp, quyết liệt và kéo dài đã làm cho nghĩa quân suy kiệt dần. Đến đầu tháng 11 – 1909, lực lượng nghĩa quân chỉ còn vài chục người, kho tàng bị phá sạch. Nhiều chỉ huy giỏi như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Ba Biều, Cả Tuyển (con trai Nguyễn Thiện Thuật), bà Ba Cẩn... đã hi sinh hoặc sa vào tay giặc. Một số người khác buộc phải ra hàng.
Trước tình thế ấy, Đề Thám quyết định trở lại khu vực Yên Thế, dựa vào dân để tiếp tục chống Pháp. Ngày 10 – 2 – 1913, ông bị bọn tay sai của Pháp giết hại tại một khu rừng cạnh chợ Gồ (Yên Thế). Sự kiện này đánh dấu thất bại hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Mặc dù thất bại, khởi nghĩa Yên Thế đã thể hiện tinh thần yêu nước và sức mạnh tiềm tàng của nông dân Việt Nam.
– Những điều kiện nào bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài được 30 năm ?
– Khởi nghĩa Yên Thế có đặc điểm gì khác so với các cuộc khởi nghĩa cùng thời ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Trình bày các khuynh hướng chủ yếu trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX.
2. Cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX có gì mới, khác với phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX ?
PHẦN ĐỌC THÊM
Kêu hồn nước (1907) (trích)
Hồn xưa dòng dõi Lạc Long,
Con nhà Nam-Việt, người trong giống vàng.
Chi-na chung một họ hàng,
Xiêm-la, Nhựt-bổn cùng làng Á-đông.
Trời Nam một dải non sông.
Ngàn năm cơ nghiệp cha ông hãy còn.
Từ khi đá lở sóng cồn,
Nước non trơ đó nào hồn ở đâu ?
.....
Xin hồn đã tỉnh đừng mê,
Tỉnh ra rồi sẽ liệu bề khuyên nhau.
Khuyên nhau lấy chữ đồng bào,
Lấy câu ích quốc, lấy điều lợi dân.
Đường bảo chủng, nghĩa hợp quần,
Tự cường thể ấy, duy tân thế nào ?
Sự học ta lấy làm đầu,
Công thương mọi việc liệu sao tính lần.
Cùng trong một bọn quốc dân,
Gánh giang sơn cũng một phần trên vai...
Than ôi ! Hồn nước ta ôi !
Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm !
NGUYỄN QUYỀN
(Theo : Đặng Thai Mai, Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX,
NXB Văn học giải phóng, H., 1976, tr. 232, 234)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn