Bài 23: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Cuộc Đấu Tranh Bảo Vệ Cách Mạng (1917 - 1921) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 23


Năm 1917, ở nước Nga đã diễn ra hai cuộc cách mạng : Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai và Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời kì mới trong lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới.

I – CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917

1. Tình hình nước Nga trước cách mạng

Đầu thế kỉ XX, Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Nga hoàng Ni-cô-lai II. Chế độ quân chủ Nga hoàng cùng với sự tồn tại những tàn tích phong kiến lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga. Việc Nga hoàng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, phơi bày sự lạc hậu về kinh tế, chính trị và làm cho những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt.

Sau 3 năm theo đuổi chiến tranh, đến đầu năm 1917 nền kinh tế quốc dân hoàn toàn kiệt quệ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đình đốn. Nạn thất nghiệp tăng nhanh, nạn đói xảy ra trầm trọng ở nhiều nơi. Mọi nỗi khổ đè nặng lên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân, công nhân và hơn 100 dân tộc khác trong đế quốc Nga.

Nền kinh tế của nước Nga lạc hậu, không chịu đựng được tình trạng căng thẳng của chiến tranh. Ngoài mặt trận, quân đội liên tiếp thất bại. Tính đến đầu năm 1917, có tới 1,5 triệu người chết và trên 4 triệu người bị thương.

hinh-anh-bai-23-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-cach-mang-1917-1921-3352-0

Hình 61. Nơi ở của nhân dân Nga năm 1917

hinh-anh-bai-23-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-cach-mang-1917-1921-3352-1

Hình 62. Những người lính Nga ngoài mặt trận, tháng 1 _ 1917

Phong trào phản đối chiến tranh, đòi lật đổ chế độ Nga hoàng lan rộng khắp nơi. Chính phủ Nga hoàng ngày càng trở nên bất lực, không còn khả năng tiếp tục thống trị như cũ được nữa. Nước Nga đã tiến sát tới một cuộc cách mạng.

Hãy nhận xét về tình cảnh của người dân Nga trước cách mạng qua các hình trên.

2. Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai

Tháng 2 – 1917 (theo lịch Nga)(1), Cách mạng dân chủ tư sản đã bùng nổ ở Nga. Mở đầu là cuộc biểu tình ngày 23 – 2 (tức 8 – 3 theo dương lịch ) của 9 vạn nữ công nhân ở Pê-tơ-rô-grát (nay là Xanh Pê-téc-bua). Ngày 27 – 2 (12 – 3), cuộc tổng bãi công lan rộng khắp thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, công nhân chuyển từ tổng bãi công chính trị sang khởi nghĩa vũ trang.

hinh-anh-bai-23-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-cach-mang-1917-1921-3352-2

Hình 63. Tự do cho nước Nga (tranh vẽ năm 1917 về Cách mạng tháng Hai)

Hơn 66 000 binh lính được tuyên truyền giác ngộ đã đứng về phía cách mạng. Quân khởi nghĩa chiếm toàn bộ các công sở quan trọng nhất, nhà ga, cầu, bưu điện... Nga hoàng Ni-cô-lai II tuyên bố thoái vị. Chế độ quân chủ chuyên chế sụp đổ. Phong trào cách mạng lan rộng khắp trong nước, quần chúng nổi dậy bầu ra các Xô viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Tháng 3 – 1917, toàn nước Nga có 555 xô viết. Cùng thời gian đó, giai cấp tư sản thành lập Chính phủ tổ sản lâm thời.

Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai thắng lợi. Tuy nhiên, một tình hình chính trị chưa từng có đã diễn ra ở nước Nga, đó là tình trạng hai chính quyền song song tồn tại : Chính phủ tư sản lâm thời và Xô viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Hai chính quyền này đại diện cho lợi ích của các giai cấp khác nhau nên không thể cùng tồn tại. Trước tình hình đó, Lê-nin và Đảng Bônsêvích Nga đã chuẩn bị kế hoạch tiếp tục làm cách mạng lật đổ Chính phủ tư sản lâm thời.

(1) Ở Nga, trước tháng 3 – 1918 dùng lịch cũ, so với dương lịch chậm 13 ngày. SGK ghi những sự kiện trước tháng 3 – 1918 theo lịch Nga cũ, có ghi chú phần tính theo dương lịch trong ngoặc đơn.

Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917 đã giải quyết được những nhiệm vụ gì ?

3. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười

Tháng 4 – 1917, Lê-nin trình bày trước Trung ương Đảng Bônsêvích bản báo cáo quan trọng “Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay” (sau này đã đi vào lịch sử với tên gọi Luận cương tháng Tư), chỉ ra mục tiêu và đường lối chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Luận cương tháng Tư nêu rõ : “Đặc điểm của tình hình hiện nay ở Nga là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng, là giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản do trình độ giác ngộ và tổ chức của giai cấp vô sản còn thấp, tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng, là giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản, những tầng lớp nghèo và cho nông dân”.

Trải qua 8 tháng đấu tranh, từ đấu tranh hoà bình nhằm tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo để đủ sức lật đổ giai cấp tư sản, Đảng Bônsêvích đã chuyển sang thời kì khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Đầu tháng 10 – 1917, không khí cách mạng bao trùm khắp nước Nga. Ngày 7 – 10 (20 – 10), Lê-nin bí mật rời Phần Lan về Pê-tơ-rô-grát, trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Những đội Cận vệ đỏ ra đời. Trung tâm Quân sự cách mạng được thành lập để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong cả nước. Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra cụ thể và được quyết định hết sức nhanh chóng.

Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ đêm 24 – 10 (6 – 11). Các đơn vị Cận vệ đỏ đã chiếm được những vị trí then chốt của Thủ đô và bao vây Cung điện Mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của Chính phủ tư sản lâm thời. Đêm 25 – 10 (7 – 11), quân khởi nghĩa tấn công Cung điện Mùa Đông, các bộ trưởng của Chính phủ (trừ Thủ tướng Kê-ren-xki) bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa ở Pê-tơ-rô-grát giành được thắng lợi hoàn toàn.

Vào lúc 9 giờ 40 phút đêm 25 – 10, đại bác của các đơn vị Cận vệ đỏ bắt đầu nã đạn vào Cung điện Mùa Đông. Các chiến sĩ Cận vệ đỏ từ 4 phía trực diện tấn công, nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến bên ngoài, xông vào cổng chính của Cung điện. Đến 1 giờ 50 phút sáng 26 – 10, cánh cửa gian phòng, nơi các bộ trưởng ẩn nấp, đã bị bật tung. Người chỉ huy đội Cận vệ đỏ An-tô-nốp Ốp-sen-kô dõng dạc tuyên bố : “Nhân danh Uỷ ban Quân sự cách mạng Xô viết Pê-tơ-rô-grát, tôi tuyên bố Chính phủ tư sản lâm thời đã bị lật đổ”.

Tiếp theo thắng lợi ở Pê-tơ-rô-grát, Chính quyền Xô viết được thành lập ở Mát-xcơ-va đầu tháng 11 – 1917. Sau thắng lợi ở hai trung tâm quan trọng là Pê-tơ-rô-grát và Mát-xcơ-va, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương diễn ra mạnh mẽ.

hinh-anh-bai-23-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-cach-mang-1917-1921-3352-3

Hình 64. Cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông

Cuối tháng 11 – 1917, Chính quyền Xô viết đã được thành lập ở 28 tỉnh (trong tổng số 49 tỉnh) thuộc phần lãnh thổ châu  u của nước Nga. Đến cuối tháng 3 – 1918, Chính quyền Xô viết đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên khắp đất nước Nga rộng lớn. Đó là thời kì “tiến quân thắng lợi rực rỡ” của Chính quyền Xô viết như nhận định của Lê-nin.

– Luận cương tháng Tư của Lê-nin có ý nghĩa như thế nào đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga ?

– Vì sao ở nước Nga năm 1917 lại có hai cuộc cách mạng ?

– Lập bảng thống kê các sự kiện chính từ Cách mạng tháng Hai đến Cách mạng tháng Mười.

II – CUỘC ĐẤU TRANH XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN XÔ VIẾT

1. Xây dựng Chính quyền Xô viết

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, nhiệm vụ hàng đầu của Chính quyền Xô viết là đập tan bộ máy nhà nước cũ của giai cấp tư sản và địa chủ, khẩn trương xây dựng bộ máy nhà nước mới của những người lao động.

Ngay trong đêm 25 – 10 – 1917 (7 – 11 – 1917), Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai khai mạc ở Điện Xmô-nơi, ra tuyên bố thành lập chính quyền Xô viết do Lê-nin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô viết đã được thông qua – Sắc lệnh hoà bình và Sắc lệnh ruộng đất – đáp ứng những nguyện vọng cấp thiết nhất của quần chúng nhân dân. Chính quyền Xô viết nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm thủ tiêu những tàn tích của chế độ phong kiến, xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp, những đặc quyền của Giáo hội ; thực hiện nam nữ bình quyền.

Sắc lệnh hoà bình lên án cuộc chiến tranh đế quốc là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại” và đề nghị các nước tham chiến hãy nhanh chóng đàm phán để kí một hoà ước dân chủ và công bằng – không có thôn tính đất đai và bồi thường chiến tranh. Sắc lệnh ruộng đất tuyên bố tịch thu ruộng đất của địa chủ, quý tộc và Giáo hội, quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất. Từ mùa xuân năm 1918, Sắc lệnh ruộng đất bắt đầu được thực hiện. Nông dân đã được nhận hơn 150 triệu hécta ruộng đất, thực hiện mơ ước từ lâu đời của mình.

hinh-anh-bai-23-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-cach-mang-1917-1921-3352-4

Hình 65. Hội đồng các Dân uỷ (Bộ trưởng) đầu tiên của nước Nga Xô viết (Điện Xmô-nỗi, tháng 1 _ 1918)

Các cơ quan trung ương và Xô viết các địa phương được thành lập ; chính quyền tư sản, địa chủ các cấp đều bị bãi bỏ. Hồng quân công nông được thành lập để bảo vệ chính quyền mới. Chính phủ Xô viết công bố bản Tuyên ngôn về quyền các dân tộc ở Nga, khẳng định những nguyên tắc căn bản về quyền dân tộc tự quyết, sự bình đẳng và chủ quyền của tất cả các dân tộc ở Nga.

Từ cuối tháng 11 – 1917, Chính quyền Xô viết bắt đầu quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp của giai cấp tư sản. Tháng 12 – 1917, Hội đồng Kinh tế quốc dân tối cao được thành lập, nhằm quản lí toàn bộ nền kinh tế quốc dân và thực hiện chức năng xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Những việc làm của Chính quyền Xô viết đem lại lợi ích cho ai ?

2. Bảo vệ chính quyền Xô viết

hinh-anh-bai-23-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-cuoc-dau-tranh-bao-ve-cach-mang-1917-1921-3352-5

Hình 66. Áp phích năm 1920 _ “Bạn đã ghi tên tình nguyện chưa?” kêu gọi thanh niên nhập ngũ, bảo vệ đất nước

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô viết làm cho các nước đế quốc lo lắng, tìm cách tập hợp lực lượng để tiêu diệt nước Cộng hoà Xô viết non trẻ. Tình hình nước Nga Xô viết cực kì khó khăn : quân đội 14 nước đế quốc câu kết với bọn phản cách mạng trong nước mở cuộc tấn công vũ trang kéo dài trong 3 năm – từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920. Nhân dân Nga tập trung toàn bộ sức lực tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng chống thù trong, giặc ngoài trong những điều kiện vô cùng khốc liệt để giữ vững Chính quyền Xô viết non trẻ.

Trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, từ năm 1919, nước Nga thực hiện Chính sách cộng sản thời chiến (Nhà nước kiểm soát toàn bộ nền công nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, thi hành chế độ lao động bắt buộc đối với toàn dân (từ 16 đến 50 tuổi)...) nhằm huy động tối đa và sử dụng hợp lí mọi nguồn của cải, nhân lực của đất nước, phục vụ cho cuộc chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài.

Chế độ nghĩa vụ quân sự được thực hiện trong cả nước. Hồng quân đã xây dựng được đội quân trên 5 triệu chiến sĩ tham gia chiến đấu. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, Hồng quân và nhân dân Xô viết đã vượt qua được những thử thách cực kì hiểm nghèo, từng bước đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù.

Năm 1919 đã diễn ra bước ngoặt căn bản của cuộc nội chiến, tạo điều kiện để giành thắng lợi hoàn toàn vào cuối năm 1920. Tháng 11 – 1920, Hồng quân đánh tan đội quân Bạch vệ (gồm 6 vạn quân) của tướng Vran-ghen, chấm dứt chiến sự. Nhà nước Xô viết được bảo vệ và giữ vững.

Vì sao nhân dân Xô viết phải thực hiện Chính sách cộng sản thời chiến ?

III – Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Cách mạng tháng Mười có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với nước Nga và thế giới. Một kỉ nguyên mới đã mở ra làm thay đổi hoàn toàn tình hình đất nước và số phận hàng triệu người ở Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc được giải phóng, thoát khỏi mọi gông xiềng nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh của mình. Lịch sử nước Nga đã sang trang : một chế độ xã hội mới được thiết lập với mục đích cao cả là xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc và công bằng cho người lao động.

Cách mạng tháng Mười có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã phá vỡ trận tuyến của chủ nghĩa tư bản, làm cho nó không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới. Sự xuất hiện của nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới đã tạo ra một chế độ xã hội đối lập với hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa.

Cách mạng tháng Mười đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Thực tiễn của Cách mạng tháng Mười không những đã thức tỉnh, cổ vũ ý chí đấu tranh mà còn mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Nêu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những việc làm đầu tiên của Chính quyền Xô viết.

2. Vì sao nhân dân Xô viết bảo vệ những thành quả của Cách mạng tháng Mười ?

3. Sưu tầm tài liệu nói về ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười.

PHẦN ĐỌC THÊM

Tình hình nước Nga trước Cách mạng

...Không thể sống được nữa. Không có ăn. Không có mặc. Không có gì để sưởi ấm. Ở ngoài mặt trận là máu, là thương tật, là chết chóc. Hết đợt bắt lính này đến đợt bắt lính khác, con em chúng ta bị lùa đến lò sát sinh dành cho con người. Không thể im lặng được nữa !

Hãy kêu gọi tất cả mọi người đấu tranh. Thà chết vinh quang vì đấu tranh cho sự nghiệp công nhân còn hơn là bỏ mạng ngoài mặt trận vì độc lập của bọn tư sản hay tàn tạ vì đói và vì làm việc quá sức.

(Trích truyền đơn của BCH Đảng bộ Bônsêvích Pê-tơ-rô-grát ngày 25 – 2 – 1917. Dẫn theo : A. Nê-na-rô-cốp,
Lịch sử cách mạng tháng Môời Nga, tr. 49 – 50).

Cách mạng tháng Mười ở Pê-tơ-rô-grát

... 1 giờ 25 phút ngày 25 – 10, các đơn vị chiến đấu đã chiếm Bưu điện trung tâm. Hai giờ sáng, binh sĩ của tiểu đoàn công binh số 6 chiếm nhà ga Ni-cô-lai-ép-xki, mấy tiếng đồng hồ trước đó các binh sĩ cũng đã chiếm ga Ban-tích... Khoảng 8 giờ sáng, nhà ga Vác-sa-va được chuyển giao dưới sự kiểm soát của Uỷ ban quân sự cách mạng. Ngân hàng nhà nước và ban biên tập các báo trung ương cũng do quân cách mạng kiểm soát từ 6 giờ sáng... Sáng ngày 25 – 10, hầu như toàn bộ Pê-tơ-rô-grát đã nằm trong tay những người khởi nghĩa, trừ Cung điện Mùa Đông và Quảng trường I-xa-ác... Đêm 25 – 10, Cung điện Mùa Đông bị bao vây và cuối cùng đã bị Quân cách mạng kiểm soát sau một trận công kích...

(Theo : A. Nê-na-rô-cốp, Sđd, tr. 251 – 252)

Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười

Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.

(Theo : Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, NXB Chính trị Quốc gia,
H., 1996, tr. 300)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 23: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Cuộc Đấu Tranh Bảo Vệ Cách Mạng (1917 - 1921) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.