Bài 14: V.I.Lê-nin Và Phong Trào Công Nhân Nga Đầu Thế Kỉ XX - Cách Mạng Nga 1905 - 1907 | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 14


Đầu thế kỉ XX, kế tục sự nghiệp của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V. I. Lê-nin đã tiến hành cuộc đấu tranh chống các trào lưu tư tướng cơ hội chủ nghĩa, làm cho chủ nghĩa Mác ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào công nhân Nga và phong trào công nhân quốc tế.

Cách mạng 1905 – 1907 ở Nga nổ ra, có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh của nhân dân các nước.

I – V. I. LÊ-NIN VÀ SỰ THÀNH LẬP CHÍNH ĐẢNG CÔNG NHÂN Ở NGA

Từ sau cuộc Cải cách nông nô năm 1861, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Nga phát triển nhưng vẫn chậm chạp so với nhiều nước Âu – Mĩ khác. Cuối thế kỉ XIX, nước Nga bắt đầu chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa mặc dù nền quân chủ phong kiến vẫn tồn tại. Dưới chế độ Nga hoàng, tình cảnh của giai cấp công nhân, nông dân và các dân tộc khác trong đế quốc Nga vô cùng khốn khổ. Công nhân phải lao động 12 – 14 giờ một ngày nhưng với đồng lương thấp. Nông dân không có ruộng, phải cày thuê, quanh năm đói kém. Các dân tộc trong đế quốc Nga bị nhiều tầng bóc lột và sống trong tình trạng lạc hậu.

hinh-anh-bai-14-vile-nin-va-phong-trao-cong-nhan-nga-dau-the-ki-xx-cach-mang-nga-1905-1907-3342-0

Hình 42. V.I. Lê-nin (1870_1924)

Phong trào đấu tranh chống chế độ Nga hoàng ngày một phát triển mạnh mẽ, đi đầu là giai cấp công nhân. Nhiều cuộc bãi công lớn, xung đột vũ trang của công nhân liên tiếp nổ ra. Yêu cầu xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân Nga được đặt ra. Lê-nin giữ vai trò to lớn trong việc này.

Vla-đi-mia I-lích U-li-a-nốp, tức Lê-nin, sinh ngày 22 – 4 – 1870 trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Lê-nin sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào đấu tranh chống chế độ Nga hoàng từ hồi còn học ở trường trung học. Năm 1893, Lê-nin tới Xanh Pê-téc-bua và trở thành người đứng đầu một nhóm mácxít ở đây.

Mùa thu năm 1895, Lê-nin thống nhất những nhóm mácxít Pê-téc-bua thành một tổ chức chính trị duy nhất, lấy tên là “Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”. Những năm 1895 – 1900, Lê-nin bị bắt và bị đày đi Xi-bia. Hết hạn đày, ông đã tích cực hoạt động chuẩn bị thành lập chính đảng cho giai cấp vô sản Nga. Năm 1900, Lê-nin cùng các đồng chí của ông ra báo Tia lửa.

Năm 1903, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga chính thức ra đời(1), đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng Nga. Khác với các đảng xã hội dân chủ ở châu  u, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga là đảng vô sản kiểu mới, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, lật đổ chế độ Nga hoàng, thiết lập chuyên chính vô sản, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân...

Đầu thế kỉ XX, khi các nước đế quốc chuẩn bị chiến tranh, những phần tử cơ hội trong Quốc tế thứ hai ngả theo chính phủ tư sản thì đảng của Lê-nin – Đảng Bônsêvích – kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đấu tranh cách mạng, từng bước giành thắng lợi.

– Nêu tiểu sử tóm tắt của V. I. Lê-nin.

– Tại sao nói Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga là đảng kiểu mới ?

II – CÁCH MẠNG NGA 1905 – 1907

1. Cách mạng bùng nổ

Từ cuối năm 1904, ở Nga nhiều cuộc bãi công và biểu tình của quần chúng đã diễn ra với khẩu hiệu : “Đả đảo chế độ chuyên chế !”, “Đả đảo chiến tranh !”. Các cuộc đấu tranh của quần chúng đã châm ngòi lửa cho cách mạng.

Ngày chủ nhật 9 – 1 – 1905, 14 vạn công nhân Xanh Pê-téc-bua và gia đình tay không vũ khí, mang theo cờ xí và ảnh của Nga hoàng, tiến đến Cung điện Mùa Đông để cầu xin Nga hoàng cải thiện đời sống. Nhưng quân đội và cảnh sát đã xả súng vào đoàn biểu tình của quần chúng, hơn 1 000 người chết và gần 5 000 người bị thương. Đó là “Ngày Chủ nhật đẫm máu”. Lòng tin của nhân dân vào Nga hoàng bị tiêu tan và họ nhận thấy rằng : “Nga hoàng đã đánh chúng ta, chúng ta phải đánh trả lại !”. Cách mạng bùng nổ.

Công nhân Xanh Pê-téc-bua nổi dậy vũ trang, dựng chiến luỹ, chuẩn bị khởi nghĩa. Công nhân nhiều nơi bãi công.

Nông dân cũng nổi dậy ở nhiều nơi, đập phá dinh thự của địa chủ, thiêu huỷ văn tự, khế ước, lấy của cải chia cho nhau.

(1) Đại hội lần thứ nhất được tiến hành vào năm 1898, nhưng trên thực tế Đại hội lần thứ hai (1903) mới được coi là Đại hội thành lập Đảng Cộng nhân xã hội dân chủ Nga.

Khẩu hiệu “Đả đảo chế độ chuyển chế !” được truyền đi khắp nơi, một làn sóng bãi công phản đối bùng lên trong cả nước. Chỉ trong tháng 1 – 1905, số người bãi công đã lên đến 44 vạn, nhiều hơn số người bãi công của 10 năm trước đó cộng lại.

Đến mùa hè năm 1905, phong trào lan rộng, lôi cuốn cả binh lính và nông dân tham gia. Lễ kỉ niệm ngày 1 – 5 – 1905 đã biến thành cuộc biểu dương tình đoàn kết của công nhân toàn Nga. Tinh thần cách mạng tác động đến cả quân đội. Tháng 6 – 1905, thuỷ thủ trên chiến hạm Pô-tem-kin ở Ô-đét-xa khởi nghĩa, làm chủ chiến hạm. Nhiều đơn vị hải quân, lục quân khác cũng phản chiến. Nông dân tiếp tục nổi dậy, đưa ra những yêu sách chính trị. Trong quá trình bãi công, ở nhiều nơi, các xô viết đại biểu công nhân được thành lập. Đó là tổ chức chính quyền cách mạng, tiền thân của Nhà nước Xô viết sau này.

hinh-anh-bai-14-vile-nin-va-phong-trao-cong-nhan-nga-dau-the-ki-xx-cach-mang-nga-1905-1907-3342-1

Hình 43. Cuộc khởi nghĩa trên chiến hạm Pô-tem-kin (tranh cổ động)

Từ mùa thu năm 1905, phong trào cách mạng tiếp tục dâng cao với những cuộc bãi công chính trị của quần chúng, làm ngưng trệ mọi hoạt động kinh tế và giao thông trong cả nước. Tháng 12 – 1905, cuộc tổng bãi công được bắt đầu ở Mát-xcơ-va, rồi nhanh chóng biến thành khởi nghĩa vũ trang. Công nhân đã dựng hàng nghìn chiến luỹ và chiến đấu anh dũng trong 2 tuần lễ. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp đẫm máu.

Theo gương Mát-xcơ-va, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang cũng nổ ra ở những thành phố khác như : Ni-giơ Nốp-gô-rốt, Rô-xtốp trên sông Đông, Đôn-bát, Cra-xnô-đa... Song, do diễn ra lẻ tẻ và thiếu tổ chức chặt chẽ nên những cuộc khởi nghĩa này đã nhanh chóng bị thất bại. Phong trào cách mạng xuống dần và chấm dứt vào cuối năm 1907.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng 1905 –1907 ở Nga là gì?

2. Tính chất và ý nghĩa lịch sử

Cách mạng Nga 1905 – 1907 là cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên do giai cấp vô sản lãnh đạo trong thời kì đế quốc chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nó là xoá bỏ chế độ chuyên chế Nga hoàng, thực hiện các nhiệm vụ dân chủ, mở đường cho sản xuất phát triển. Đây là cuộc cách mạng tư sản kiểu mới, khác với các cuộc cách mạng tư sản trước đây.

Tuy thất bại, nhưng Cách mạng Nga 1905 – 1907 có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Cách mạng đã phát động được các giai cấp bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức trong đế quốc Nga đứng lên đấu tranh, làm lung lay đến tận gốc chế độ Nga hoàng, đưa đến một cao trào đấu tranh của giai cấp vô sản trong các nước đế quốc và chuẩn bị toàn diện cho Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Nó còn thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông vào đầu thế kỉ XX.

Nêu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Nga 1905 – 1907.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Viết một bài văn ngắn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của V. I. Lê-nin.

2. Trình bày diễn biến Cách mạng Nga 1905 – 1907.

3. Tại sao nói : Cách mạng Nga 1905 – 1907 là cuộc cách mạng tư sản kiểu mới ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Về V.I. Lê-nin

Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lê-nin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lê-nin là một người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa...

Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi.

(Theo : Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1,
NXB Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 295)

Ảnh hưởng của Cách mạng Nga 1905 _ 1907 với các nước châu Á

Cách mạng đó (1905) còn làm cho toàn thể châu Á chuyển động. Những cuộc cách mạng ở Thổ, Ba Tư, Trung Quốc đang chứng tỏ rằng cuộc khởi nghĩa vĩ đại năm 1905 đã để lại những dấu vết sâu xa và tỏ rõ rằng không thể nào tiêu diệt được ảnh hưởng của nó đối với phong trào tiến bộ của hàng trăm triệu người.

(Theo : V. I. Lê-nin, Tuyển tập, Chương I, Phần II,
NXB Sự thật, tr. 153 – 154)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 14: V.I.Lê-nin Và Phong Trào Công Nhân Nga Đầu Thế Kỉ XX - Cách Mạng Nga 1905 - 1907 | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.