Bài 12: Công Xã Pa-ri (1871) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 12


Vào những năm 1850 – 1860, phong trào công nhân, dưới sự lãnh đạo của Quốc tế thứ nhất, phát triển đến đỉnh cao. Cuộc Cách mạng năm 1871 ở Pháp đã đưa tới sự thành lập nhà nước vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân thế giới.

1. Cuộc Cách mạng 18 - 3 - 1871

Cuộc Chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra ngày 19 – 7 – 1870. Quân Pháp bị thất bại. Ngày 2 – 9, Na-pô-lê-ông III cùng toàn bộ quân chủ lực Pháp, gồm 10 vạn người, bị bắt tại thành Xơ-đăng (gần biên giới Pháp – Bỉ).

Ngày 4 – 9 – 1870, quần chúng công nhân và các tầng lớp dân nghèo Pa-ri đứng lên khởi nghĩa, đòi thiết lập chế độ cộng hoà và thành lập các đơn vị Quốc dân quân, chuẩn bị lực lượng chống quân Phổ xâm lược. Nhưng giai cấp tư sản Pháp đã thành lập chính phủ lâm thời với tên gọi “Chính phủ Vệ quốc”. Thực ra, “Chính phủ Vệ quốc” không tổ chức chống trả khi quân Phổ ngày càng tiến sâu vào đất Pháp và bao vây Pa-ri, ngược lại đã xin đình chiến, tìm cách phá hoại cuộc kháng chiến của nhân dân, ra lệnh chấm dứt phòng thủ đất nước.

Trước thái độ đầu hàng của “Chính phủ Vệ quốc”, quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa, “nhanh chóng cứu nguy cho Pa-ri!”.

Ba giờ sáng 18 – 3 – 1871, “Chính phủ Vệ quốc” do Chi-e đứng đầu cho quân đánh chiếm đồi Mông-mác (ở phía bắc Pa-ri), nơi tập trung đại bác của Quốc dân quân. Nghe tiếng chuông nhà thờ báo động, quần chúng nhân dân đã kịp thời kéo đến hỗ trợ cho Quốc dân quân, bao vây quân của Chính phủ.  m mưu chiếm đồi Mông-mác của Chính phủ bị thất bại.

Trưa 18 – 3, theo lệnh của Uỷ ban Trung ương Quốc dân quân, các tiểu đoàn tiến vào trung tâm thủ đô, chiếm các cơ quan Chính phủ, nhà ga, sở cảnh sát và toà Thị chính. Chiều 18 – 3, cờ đỏ phấp phới bay trên nóc toà Thị chính. Quân Chính phủ phải rút chạy về Véc-xai để củng cố lực lượng. Quân cách mạng làm chủ thành phố và ngày 26 – 3, đã tổ chức bầu cử Hội đồng Công xã. Ngày 28 – 3, Hội đồng Công xã làm lễ ra mắt, đánh dấu thắng lợi của cuộc cách mạng.

hinh-anh-bai-12-cong-xa-pa-ri-1871-3340-0

Hình 40. Quần chúng Pa-ri hân hoan đón chào Hội đồng Công xã

– Trước tình thế “Tổ quốc lâm nguy”, thái độ của quần chúng nhân dân Pa-ri và Chính phủ tư sản như thế nào ?

– Nêu diễn biến cuộc Cách mạng 18 – 3 – 1871.

2. Công xã Pa-ri _ Nhà nước vô sản đầu tiên

Để thay thế cho chính quyền tư sản, một chính phủ cách mạng được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Cơ quan cao nhất của nhà nước mới là Hội đồng Công xã, tập trung trong tay quyền lập pháp và quyền hành pháp. Các uỷ ban được thành lập(1), đứng đầu mỗi uỷ ban là một Uỷ viên Công xã, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị bãi miễn.

Quân đội và bộ máy cảnh sát của chính quyền cũ bị giải tán, thay vào đó là lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh nhân dân. Công xã quyết định tách nhà thờ ra khỏi những hoạt động của trường học và nhà nước ; nhà trường không dạy Kinh Thánh.

Công xã còn thi hành nhiều chính sách xã hội tiến bộ khác như : thực hiện quyền làm chủ của công nhân đối với những xí nghiệp chủ bỏ trốn ; những xí nghiệp còn chủ ở lại thì Công xã kiểm soát chế độ tiền lương, bớt lao động ban đêm, cấm cúp phạt và đánh đập công nhân. Công xã giải quyết nạn thất nghiệp, ra lệnh hoãn trả tiền thuê nhà, hoãn trả nợ. Công xã đề ra chế độ giáo dục bắt buộc, không mất tiền cho toàn dân, lập vườn trẻ, cải thiện điều kiện làm việc cho nữ công nhân. Nhiều tổ chức quần chúng ra đời, các câu lạc bộ trở thành nơi liên hệ giữa uỷ viên Công xã với nhân dân v.v...

(1) Công xã bao gồm các uỷ ban : Quân sự, An ninh xã hội, Đối ngoại, Tư pháp, Tài chính, Lương thực, Thương nghiệp, Giáo dục, Công tác xã hội ; đến ngày 1– 5 – 1871, thành lập thêm Uỷ ban Cứu quốc.

Cơ cấu tổ chức, các chính sách và hoạt động của Công xã Pa-ri chứng tỏ đây là một nhà nước khác hẳn các kiểu nhà nước của những giai cấp bóc lột trước kia, một nhà nước kiểu mới – nhà nước vô sản, của dân, do dân và vì dân.

Trình bày những chính sách của Công xã Pa-ri.

3. Cuộc chiến đấu bảo vệ Công xã Pa-ri

Chính phủ tư sản và các thế lực phản động Pháp tìm mọi cách tập hợp, củng cố lực lượng để bóp chết Công xã Pa-ri.

Từ tháng 4, quân Véc-xai bắt đầu tấn công Pa-ri. Ngày 21−5, quân Véc-xai tiến vào Pa-ri qua cửa Xanh Clu. Từ đó diễn ra các trận đánh ác liệt ở các đường phố, kéo dài trong một tuần (từ ngày 21 đến ngày 28 – 5 – 1871), được gọi là “Tuần lễ đẫm máu”. Các chiến sĩ Công xã đã anh dũng chiến đấu bảo vệ từng khu phố, từng căn nhà, từng tấc đất. Đặc biệt, cuộc chiến đấu của gần 200 chiến sĩ Công xã cố thủ trong nghĩa địa Cha La-se-dơ tiêu biểu cho tinh thần anh dũng của giai cấp công nhân.

Bị bao vây từ 4 giờ sáng, các chiến sĩ Công xã dùng mọi thứ vũ khí chống trả quân thù, cho đến khi vài chục người cuối cùng bị bắt, bị dẫn tới sát bức tường nghĩa địa và bị bắn chết tại đây. Từ đó, bức tường nghĩa địa Cha La-se-dơ được gọi là “Bức tường chiến sĩ Công xã”, nơi mà hằng năm vào ngày kỉ niệm Công xã (28 – 5), nhân dân lao động Pa-ri đến đặt hoa tưởng niệm.

Dựa vào bài học, viết bài tường thuật về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Công xã ở nghĩa địa Cha La-se-dơ.

4. Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của Công xã Pa-ri

Công xã Pa-ri thất bại chủ yếu vì giai cấp công nhân Pháp chưa đủ lực lượng và kinh nghiệm để đánh bại hoàn toàn giai cấp tư sản. Họ chưa có một chính đảng để lãnh đạo cuộc đấu tranh đi tới thắng lợi. Giai cấp tư sản và các thế lực phản động lại câu kết với nhau để tiêu diệt cách mạng.

Công xã Pa-ri còn phạm một số sai lầm như : bỏ lỡ thời cơ, thiếu kiên quyết trấn áp kẻ thù và chưa thực hiện được liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân.

Ý nghĩa lịch sử của Công xã Pa-ri vô cùng to lớn. Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên nhằm xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa và thiết lập nền chuyên chính vô sản.

Công xã Pa-ri cổ vũ tinh thần cách mạng cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình và để lại nhiều bài học quý giá. Đó là sự thử nghiệm đầu tiên về một nhà nước kiểu mới, một xã hội mới. Đó là những kinh nghiệm về việc cần thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng vô sản, về liên minh công – nông, về việc đập tan bộ máy nhà nước cũ, thiết lập nhà nước mới của dân.

Phân tích nguyên nhân thất bại của Công xã Pa-ri.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vẽ sơ đồ bộ máy Hội đồng Công xã.

2. Vì sao Công xã Pa-ri được gọi là Nhà nước kiểu mới ?

3. Ý nghĩa và bài học lịch sử của Công xã Pa-ri.

PHẦN ĐỌC THÊM

Mục đích của Công xã ấy thế nào ?

Khi vừa lấy được Pa-ri rồi thì Công xã lập nên chính phủ của dân và tuyên bố rằng Công xã sẽ thực hiện những việc sau này :

1. Bao nhiêu cơ quan sinh sản*) riêng đều đem làm của công.

2. Tất cả trẻ con trong nước, bất kì con trai, con gái, đều phải đi học. Học phí nhà nước phải cho.

3. Dân có quyền tự do tổ chức, làm báo, khai hội, xuất dương v.v...

4. Bất kì đàn ông, đàn bà ai cũng được quyền chính trị, tuyển cử và ứng cử.

5. Chính phủ tự dân cử lên và dân có quyền thay đổi chính phủ.

Bài học Công xã Pa-ri

a) Trong ba lần cách mệnh, 1789, 1848, 1870, đều vì dân can đảm nhiều, nhưng tri thức ít, cho nên để tư bản nó lợi dụng.

b) Pa-ri Công xã vì tổ chức không khéo và vì không liên lạc với dân cày, đến nỗi thất bại....

(Theo : Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 273 – 274)

(*) Tức là công xưởng, máy móc, nguyên vật liệu, sản phẩm... (tác giả SGK chú thích).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 12: Công Xã Pa-ri (1871) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.