Bài 15: Nhật Bản | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 15


Từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, ở Nhật Bản đã diễn ra cuộc cải cách trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục đến kinh tế, xã hội – cuộc Duy tân Minh Trị. Chính cuộc Duy tân này đã đưa Nhật Bản từ một nước nông nghiệp trở thành một nước tư bản có nền công nghiệp phát triển.

1. Nhật Bản từ nửa đầu thế kỉ XIX đến trước năm 1868

Đến giữa thế kỉ XIX, Nhật Bản vẫn là một quốc gia phong kiến. Mặc dù nhà vua được tôn là Thiên hoàng, có địa vị tối cao, song quyền hành thực tế nằm trong tay Sôgun (Tướng quân) ở phủ Chúa – Mạc phủ. Từ năm 1603, dòng họ Tô-ku-ga-oa nắm chức vụ Tướng quân. Vì thế, thời kì này ở Nhật Bản gọi là thời kì Mạc phủ Tô-ku-ga-oa.

Sau hơn 200 năm thống trị của dòng họ Tô-ku-ga-oa, chế độ phong kiến Nhật Bản đã rơi vào tình trạng bế tắc, suy thoái, không đáp ứng được những yêu cầu phát triển xã hội, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của các nước đế quốc Âu – Mĩ.

Về kinh tế, trong nông nghiệp, nông dân không có quyền chiếm hữu đất đai, các lãnh chúa phong kiến phát canh ruộng đất cho nông dân để thu tô.

Nông dân phải nộp tô đến 50% số hoa lợi, lại thêm nhiều thứ sưu thuế nặng nề nên đời sống rất khổ cực. Vào đầu thế kỉ XIX, những dấu hiệu khủng hoảng của nền kinh tế tự nhiên ngày càng lộ rõ. Tình trạng mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra. Trong 50 năm, từ 1790 đến 1840, ở Nhật Bản đã xảy ra 22 lần mất mùa, nạn đói bao trùm phần lớn đất nước.

Nghề thủ công như dệt lụa, dệt vải, làm giấy, nấu rượu, nấu đường, khai mỏ... phát triển mạnh ở nhiều lãnh địa phía tây nam. Song tình trạng cát cứ làm xuất hiện hàng rào thuế quan, đã ảnh hưởng đến sự phát triển công, thương nghiệp.

Đến giữa thế kỉ XIX, số công trường thủ công lên tới hàng trăm nhưng công nghiệp chế tạo vẫn chưa ra đời. Tỉ lệ sản phẩm công nghiệp của Nhật so với thế giới không đáng kể, ngành đúc đồng chỉ chiếm khoảng 6% và ngành sản xuất tơ cũng chỉ mới chiếm 10% của thế giới (1867).

Về mặt xã hội, Chính phủ Sôgun vẫn duy trì chế độ đẳng cấp. Tầng lớp Đaimyô gồm những quý tộc phong kiến lớn, quản lí các vùng lãnh địa trong nước, có quyền lực tuyệt đối trong lãnh địa của họ : có chế độ thuế khoá, luật pháp và quân đội riêng. Tầng lớp Samurai (Võ sĩ), chừng hơn 1 triệu người, không có ruộng đất, chỉ phục vụ các đaimyô bằng việc huấn luyện và chỉ huy các đội vũ trang để hưởng bổng lộc. Nhưng trong một thời gian dài không có chiến tranh, địa vị của Samurai bị suy giảm, lương bổng thất thường, đời sống khó khăn. Nhiều người rời khỏi lãnh địa, tham gia hoạt động thương nghiệp, mở xưởng thủ công... dần dần tư sản hoá, trở thành lực lượng đấu tranh chống chế độ phong kiến lỗi thời.

Do bị áp bức, bóc lột nặng nề, các tầng lớp nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân, thị dân, liên tiếp nổi dậy chống phong kiến.

Năm 1853, một hạm đội của Mĩ do Đô đốc Pe-ri chỉ huy tới uy hiếp vùng ven biển Nhật Bản. Năm 1854, trước áp lực của Mĩ, Mạc phủ buộc phải kí hiệp ước, theo đó mở 2 cửa biển Si-mô-đa và Ha-kô-đa-tê cho người Mĩ ra vào buôn bán. Sau đó, các nước Anh, Pháp, Nga, Đức đều đạt được những hiệp ước tương tự.

Việc chính quyền Tô-ku-ga-oa buộc phải mở cửa với những điều kiện bất bình đẳng đã khơi dậy lòng bất mãn vốn có trong nhân dân. Phong trào bài ngoại dâng cao, dư luận khắp nơi đòi đuổi người nước ngoài và tập trung mũi nhọn đả kích vào chế độ Tô-ku-ga-oa. Từ đó, xuất hiện phong trào “Đảo Mạc” – lật đổ Mạc phủ Tô-ku-ga-oa – để bảo vệ nền độc lập và phục hưng quốc gia. Phong trào bùng lên mạnh mẽ ở các công quốc phía tây nam (Chỗ-su, Sát-su-ma, Tô-xa...). Chính quyền cho quân trấn áp nhưng cũng không ngăn được làn sóng chống Mạc phủ Tô-ku-ga-oa.

Hãy trình bày những nét cơ bản về tình hình Nhật Bản từ nửa đầu thế kỉ XIX đến trước năm 1868.

2. Cuộc Duy tân Minh Trị

Tháng 12 – 1866, Thiên hoàng Kô-mây qua đời. Mút-xu-hi-tô, lúc đó mới 15 tuổi, lên làm vua, hiệu là Minh Trị. Minh Trị là ông vua có tư tưởng duy tân, chủ trương nắm lại quyền lực và tiến hành cải cách. Từ đó, phong trào “Đảo Mạc” càng phát triển dưới ngọn cờ của Thiên hoàng. Ngày 3 – 1 – 1868, Thiên hoàng Minh Trị thành lập chính phủ mới, chấm dứt thời kì thống trị của dòng họ Tô-ku-ga-oa.

Ngay khi nắm lại quyền lực, Thiên hoàng Minh Trị đã tiến hành cải cách hành chính và thể chế, cải tạo nền kinh tế, giáo dục và xây dựng lực lượng quân sự.

Về chính trị, Nhật hoàng tuyên bố chấm dứt chế độ Mạc phủ, thành lập chính phủ mới, xoá bỏ tình trạng cát cứ, đưa Nhật Bản thành một quốc gia thống nhất thuộc quyền chỉ đạo của chính phủ trung ương. Kinh đô được dời từ Ki-ô-tô về Ê-đô (sau đổi thành Tô-ki-ô). Chính phủ được tổ chức lại theo kiểu châu Âu, gồm 12 bộ, có đại diện quý tộc, tư sản tham gia, nhưng đóng vai trò quan trọng là các quý tộc tư sản hoá (Samurai) vùng Tây Nam.

Chính phủ ra lệnh bỏ ranh giới các công quốc, xoá bỏ đặc quyền và tước hiệu quý tộc. Nhiều quan chức Chính phủ được đào tạo từ phương Tây, đồng thời sử dụng các chuyên gia ngoại quốc như : Anh, Pháp, Đức, Mĩ về các lĩnh vực mà họ có thế mạnh.

Năm 1889, Hiến pháp được ban hành, chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập. Thiên hoàng là nguyên thủ tối cao, có quyền hạn rất lớn. Quốc hội gồm hai viện : Thượng viện và Hạ viện. Đại biểu Thượng viện do Thiên hoàng chọn trong số những hoàng thân, những người đóng thuế cao nhất và có công trạng đặc biệt. Đại biểu Hạ viện do bầu cử với điều kiện hạn chế (cử tri là nam giới trên 25 tuổi, đóng thuế cao, cư trú ổn định). Trên thực tế, chỉ 1% dân số có đủ điều kiện bầu cử.

Về kinh tế, Chính phủ thi hành nhiều cải cách như : thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường, cho phép mua bán ruộng đất, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống phục vụ giao thông liên lạc. Nhà nước nắm giữ việc khai mỏ (than, đồng, vàng...) v.v...

Nhờ những cải cách đó mà chỉ gần 30 năm sau khi Minh Trị cầm quyền (1868 – 1895), Nhật Bản đã có bước phát triển vượt bậc về công thương nghiệp. Lịch sử gọi giai đoạn này là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Nhật Bản.

Về giáo dục, Chính phủ Minh Trị đặc biệt coi trọng lĩnh vực này, xem như là chìa khoá cho công cuộc hiện đại hoá. Chế độ giáo dục bắt buộc được thi hành. Nội dung khoa học và kĩ thuật được tăng cường trong chương trình giảng dạy, những thanh niên ưu tú được cử đi du học ở phương Tây...

Về quân sự, Nhật Bản xác định biện pháp chủ yếu để vươn lên trong thế giới tư bản chủ nghĩa là tiến hành chiến tranh giành giật thuộc địa, mở rộng lãnh thổ. Vì thế, quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, chú trọng phát triển công nghiệp đóng tàu chiến, sản xuất vũ khí và đạn dược. Các chuyên gia quân sự người Đức giúp về lục quân, người Anh giúp về hải quân. Nhờ sức mạnh về quân sự, Nhật Bản đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895) và Nga – Nhật (1904 – 1905).

hinh-anh-bai-15-nhat-ban-3343-0

Hình 44. Thiên hoàng Minh Trị (1852_1912)

Nêu và nhận xét về những chính sách cải cách của Minh Trị.

3. Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa

Sau cuộc chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895), nhờ số tiền bồi thường và của cải cướp được ở Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản càng phát triển mạnh mẽ. Trong vòng 14 năm (từ 1900 đến 1914), tỉ lệ giá trị công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã tăng từ 19% lên 42%. Việc đẩy mạnh công nghiệp hoá đã kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng. Nhiều công ti độc quyền xuất hiện như Mít-su-bi-si, Mít-xưi, giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị ở Nhật Bản. Các công ti này sở hữu nhiều ngân hàng, hầm mỏ, xí nghiệp, đường sắt, tàu biển... Lịch sử Nhật Bản gọi giai đoạn này là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1895 – 1912).

Bước sang thế kỉ XX, giới cầm quyền Nhật Bản đẩy mạnh chính sách xâm lược và bành trướng. Chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905) kết thúc với sự thất bại của đế quốc Nga. Nhật chiếm bán đảo Liêu Đông, cảng Lữ Thuận và nam đảo Xa-kha-lin ; năm 1910, thôn tính toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Năm 1914, Nhật Bản dùng vũ lực để mở rộng khu vực ảnh hưởng ở Trung Quốc và chiếm Sơn Đông. Nhật trở thành một đế quốc hùng mạnh ở châu Á.

hinh-anh-bai-15-nhat-ban-3343-1

Hình 45. Lược đồ về sự bành trướng của đế quốc Nhật Bản cuối thế kỉ XIX _ đầu thế kỉ XX

Mặc dù tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa, song Nhật Bản vẫn duy trì quyền sở hữu ruộng đất phong kiến ; tầng lớp quý tộc, đặc biệt là giới võ sĩ Samurai, vẫn có ưu thế chính trị rất lớn. Những điều đó làm cho chủ nghĩa đế quốc Nhật có đặc điểm là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt.

Sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp làm cho giai cấp công nhân Nhật Bản ra đời và không ngừng phát triển, nhưng đời sống rất khổ cực. Công nhân Nhật phải làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ, trong những điều kiện rất tồi tệ, mà tiền lương lại thấp hơn ở các nước Âu – Mĩ rất nhiều. Do đó, họ đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện đời sống, đòi quyền tự do, dân chủ. Các chính đảng công nhân ra đời, tiếp thu học thuyết Mác. Năm 1901, Đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản thành lập dưới sự lãnh đạo của Ca-tai-a-ma Xen.

Ca-tai-a-ma Xen xuất thân trong một gia đình nghèo ; năm 23 tuổi, làm công nhân in ở Tô-ki-ô. Ông tham gia hoạt động trong phong trào công nhân. Năm 1898, ông lãnh đạo công nhân đường sắt bãi công thắng lợi sau hàng tháng đấu tranh. Ông là một trong những lãnh tụ nổi tiếng của phong trào công nhân Nhật Bản ; sau này là bạn của Nguyễn Ái Quốc trong Quốc tế Cộng sản.

Từ năm 1906, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Nga 1905, phong trào công nhân ở Nhật Bản phát triển mạnh hơn. Phong trào đấu tranh của nông dân và các tầng lớp lao động khác chống tô, thuế, nạn đắt đỏ... cũng diễn ra rộng khắp và quyết liệt.

Những điểm nào chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX Nhật Bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày những nét chủ yếu về tình hình Nhật Bản trước cuộc Duy tân Minh Trị.

2. Lập bảng thống kê về những chính sách của Minh Trị theo các nội dung sau :

Chính sách Nội dung Ý nghĩa
     

3. Hãy trình bày theo lược đồ quá trình bành trướng của Nhật Bản cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

PHẦN ĐỌC THÊM

Năm lời tuyên thệ của Minh Trị Thiên hoàng :

a) Quốc hội phải dân chủ và theo công luận quyết định việc nước.

b) Trên dưới đồng lòng lo việc nước.

c) Từ quan chức văn, võ đến nhân dân đều phải theo đuổi chí nguyện để trong nước không còn nỗi bất mãn.

d) Phá bỏ những tập quán xấu, mọi công việc theo pháp luật chung.

đ) Tiếp thu tri thức trên thế giới để chấn hưng sự nghiệp của hoàng triều.

(Theo : Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 314)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 15: Nhật Bản | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.