Bài 10: Phong Trào Đấu Tranh Của Công Nhân Nửa Đầu Thế Kỉ XIX | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 10


Giai cấp công nhân ra đời và lớn mạnh cùng với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Do đối lập về quyền lợi, mâu thuẫn giữa tư sản với công nhân đã nảy sinh, dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt.

1. Sự ra đời và tình cảnh của giai cấp vô sản công nghiệp

Chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển thì sự phân chia xã hội thành hai giai cấp cơ bản đối lập nhau – giai cấp tư sản và giai cấp vô sản – ngày càng rõ rệt. Giai cấp tư sản bao gồm những chủ công xưởng, nhà máy, chủ đồn điền, quý tộc mới... Họ tích luỹ tài sản thông qua bóc lột những người lao động nghèo khổ và tiến hành buôn bán nô lệ. Những người vô sản xuất thân từ những nông dân bị phá sản, mất đất, phải rời bỏ quê hương ra thành thị tìm đường sinh sống, phải làm thuê trong các công xưởng, nhà máy. Bổ sung cho đội ngũ này có cả những thợ thủ công ở thành thị bị phá sản. Giai cấp vô sản hoàn toàn không có tư liệu sản xuất, chỉ dựa vào việc bán sức lao động của mình cho tư sản để sinh sống. Giai cấp vô sản cộng nghiệp ra đời từ nửa cuối thế kỉ XVIII, trước tiên là ở Anh, khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu. Về sau, khi cách mạng công nghiệp phát triển, lan nhanh ở nhiều nước thì giai cấp vô sản ở các nước này cũng xuất hiện và ngày càng lớn mạnh.

Do bị giai cấp tư sản áp bức bóc lột nặng nề nên đời sống của công nhân hết sức cơ cực.

Ở nước Anh, mỗi ngày công nhân trong các xưởng dệt (kể cả phụ nữ và trẻ em) phải lao động 14 – 15 giờ, thậm chí có nơi 16 – 18 giờ. Điều kiện làm việc rất tồi tệ, với môi trường luôn ẩm thấp, nóng nực, bụi bông phủ đầy những căn phòng chật hẹp. Tiền lương của công nhân rất thấp, lương của phụ nữ và trẻ em còn rẻ mạt hơn. Trong vòng 20 năm (1815 – 1835), tiền lương thực tế giảm 3 lần.

hinh-anh-bai-10-phong-trao-dau-tranh-cua-cong-nhan-nua-dau-the-ki-xix-3338-0

Hình 31. Lao động trẻ em trong hầm mỏ ở Anh

Việc sử dụng máy móc ngày càng rộng rãi làm cho nhiều công nhân có nguy cơ mất việc làm. Trước tình hình ấy, công nhân đã đứng lên đấu tranh chống giai cấp tư sản.

Tình cảnh của công nhân ở các nước tư bản như thế nào ?

2. Phong trào đấu tranh của công nhân trong nửa đầu thế kỉ XIX

Lúc đầu, do nhận thức còn hạn chế, công nhân cho rằng máy móc là nguồn gốc gây nên sự đói nghèo, đau khổ và thất nghiệp. Phong trào đập phá máy móc, đốt công xưởng là hình thức đấu tranh tự phát đầu tiên của giai cấp vô sản. Phong trào này diễn ra trong thời gian cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, trước hết ở Anh rồi lan ra các nước khác. Song, việc đập phá máy móc không đem lại kết quả gì ngoài sự tăng cường đàn áp của giai cấp thống trị.

Qua thực tiễn, công nhân ngày càng nhận thấy rõ rằng chính giai cấp tư sản mới là kẻ bóc lột họ và mục tiêu đấu tranh nhằm vào giai cấp tư sản.

Ở Anh, trong những năm 20 – 30 của thế kỉ XIX, công nhân đấu tranh đòi quyền bầu cử. Năm 1832, Quốc hội Anh phải thông qua đạo luật cải cách tuyển cử ; theo đó, điều kiện tài sản của cử tri được hạ thấp, song vẫn không đem lại quyền bầu cử cho công nhân, tiểu tư sản và tư sản hạng trung. Trong những năm 1836 – 1848, một phong trào công nhân rộng lớn, có tổ chức đã diễn ra – phong trào Hiến chương.

Công nhân tổ chức mít tinh, lấy chữ kí, đưa kiến nghị đến Nghị viện, đòi quyền phổ thông đầu phiếu, tăng lương và giảm giờ làm cho người lao động. Mặc dù bị đàn áp và kiến nghị của công nhân không được chấp nhận, song đây là “phong trào cách mạng đầu tiên thực sự có tính quần chúng, có ý thức chính trị” (Lê-nin).

hinh-anh-bai-10-phong-trao-dau-tranh-cua-cong-nhan-nua-dau-the-ki-xix-3338-1

Hình 32. Phong trào Hiến chương ở Anh

Ở Pháp, năm 1831, do bị bóc lột nặng nề và đời sống quá khó khăn, công nhân dệt thành phố Li-ông khởi nghĩa đòi tăng lương, giảm giờ làm. Những người khởi nghĩa đã làm chủ thành phố trong 10 ngày. Quyết tâm đấu tranh của họ thể hiện trong khẩu hiệu : “Sống trong lao động hoặc chết trong chiến đấu !”. Năm 1834, công nhân các nhà máy tơ ở Li-ông lại khởi nghĩa, đòi thiết lập nền cộng hoà. Cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra suốt 4 ngày, cuối cùng bị dập tắt.

Ở Đức, đời sống của công nhân và thợ thủ công rất cơ cực, do sự phát triển của nền đại công nghiệp và sự cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu từ Anh vào.

Công nhân Đức, ngoài việc bị nhà tư bản (chủ công trường thủ công) bóc lột tàn nhẫn, còn bị “chủ cũ” (địa chủ) áp bức nặng nề. Để được đi làm trong các nhà máy, công nhân phải đóng thuế đặc biệt cho địa chủ.

Năm 1844, công nhân dệt vùng Sơ-lê-din khởi nghĩa, phá huỷ nhà cửa của chủ tư bản. Cuộc khởi nghĩa mặc dù không duy trì được lâu nhưng mang tính quần chúng rõ rệt, có tác dụng mở đầu phong trào đấu tranh sôi nổi của công nhân Đức sau này.

Những cuộc đấu tranh trên của vô sản Anh, Pháp, Đức đều thất bại vì thiếu sự lãnh đạo đúng đắn và chưa có đường lối chính trị rõ ràng, song đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân quốc tế, tạo điều kiện quan trọng cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Nêu những nét chủ yếu của phong trào công nhân vào nửa đầu thế kỉ XIX.

3. Chủ nghĩa xã hội không tưởng

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ngày càng phơi bày những mặt tiêu cực của nó trong việc bóc lột tàn nhẫn người lao động và gây ra nhiều tệ nạn xã hội. Điều này tác động tới ý thức của một số nhà tư tưởng tiến bộ nhất lúc bấy giờ như : Xanh Xi-mông, S. Phu-ri-ê ở Pháp và R. Ô-oen ở Anh... Họ nêu tư tưởng về xây dựng một xã hội mới, không có chế độ tư hữu, không bóc lột, nhân dân làm chủ mọi phương tiện sản xuất.

Xanh Xi-mông _ nhà tư tưởng Pháp, cho rằng động lực phát triển của lịch sử là kiến thức khoa học, đạo đức và tôn giáo. Ông chủ trương xây dựng một xã hội đang tồn tại chế độ tư hữu, vô sản và tư sản chung sống hoà bình với nhau.

Sác-lơ Phu-ri-ê – nhà xã hội không tưởng Pháp, phê phán mạnh mẽ chế độ tư bản, vạch kế hoạch xây dựng một xã hội phát huy mọi khả năng của con người. Ông cho rằng trong xã hội tương lai, lao động là nghĩa vụ, là nguồn vui và nhu cầu của tất cả mọi người, không có ai ăn bám.

Rô-be Ô-oen – nhà xã hội không tưởng Anh, đề ra kế hoạch cải thiện đời sống của công nhân trong khuôn khổ chế độ tư bản. Ông chủ trương xoá bỏ tư hữu, giai cấp, sự bóc lột bằng con đường hợp tác và giúp đỡ nhau.

hinh-anh-bai-10-phong-trao-dau-tranh-cua-cong-nhan-nua-dau-the-ki-xix-3338-2

Hình 33. Xanh Xi-mông (1760_1825)

hinh-anh-bai-10-phong-trao-dau-tranh-cua-cong-nhan-nua-dau-the-ki-xix-3338-3

Hình 34. S. Phu-ri-ê (1772_1837)

hinh-anh-bai-10-phong-trao-dau-tranh-cua-cong-nhan-nua-dau-the-ki-xix-3338-4

Hình 35. R. Ô-oen (1771_1858)

Tuy tố cáo mạnh mẽ chế độ tư bản chủ nghĩa, ước mơ một xã hội tốt đẹp, công bằng hơn, song các ông lại không vạch ra con đường đúng đắn để thủ tiêu bóc lột, xây dựng xã hội mới. Kế hoạch của họ không thể thực hiện được khi xã hội tư bản không bị xoá bỏ. Họ là những người xã hội không tưởng.

Sự phát triển của phong trào công nhân đòi hỏi sự ra đời một học thuyết thực sự khoa học, định hướng cho cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội mới tốt đẹp.

Chủ nghĩa xã hội không tưởng ra đời trong điều kiện nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hãy phân tích các mặt mạnh, yếu của phong trào công nhân nửa đầu thế kỉ XIX.

2. Tìm hiểu thêm nội dung tư tưởng của Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê, Ô-oen. Vì sao gọi là “chủ nghĩa xã hội không tưởng” ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Tình trạng lao động của trẻ em trong các nhà máy dệt ở Anh đầu thế kỉ XIX

Thường trẻ em phải đi làm từ 4 giờ sáng trong thời tiết khắc nghiệt, gió thổi mạnh, tuyết hoặc mưa rơi và chỉ được trở về lúc chiều tối cũng trong những điều kiện như vậy, sau khi bị giam giữ nhiều tiếng đồng hồ trong xưởng có nhiệt độ rất cao. Sự thay đổi nhiệt độ như thế đối với thân thể mềm yếu của trẻ em khiến cho chúng rất ốm yếu, mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Lúc này, phần lớn trẻ em là dưới 16 tuổi, quần áo mong manh... Không khí trong xưởng rất khó thở vì ở đó trong một thời gian lâu có nhiều người thở, dầu mỡ máy móc làm bẩn môi trường, hơi nhả ra lại thêm bụi bông rất độc.

(Theo : Lu-kin và Da-lin, Tư liệu lịch sử cận đại thế giới,
Mát-xcơ-va, tr. 87, tiếng Nga)

Về chủ nghĩa xã hội không tưởng

Chủ nghĩa xã hội không tưởng phát sinh vào thời kì mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản chưa phát triển. Những lí luận chưa chín muồi của chủ nghĩa xã hội không tưởng phù hợp với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa chín muồi và với tình trạng quan hệ giai cấp chưa phát triển mấy.

Tầm quan trọng của những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đối với phong trào công nhân là ở chỗ họ đã kịch liệt công kích chế độ tư bản chủ nghĩa bằng cách phơi trần những mâu thuẫn của chế độ đó.

(Theo : V. E-phi-mốp và M. Khơ-vô-xtốp, Lịch sử cận đại,
NXB Sự thật, H., 1963, tr. 161)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 10: Phong Trào Đấu Tranh Của Công Nhân Nửa Đầu Thế Kỉ XIX | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.