Bài 29: Phong Trào Cách Mạng Ở Trung Quốc Và Ấn Độ (1918 - 1939) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 29


Trong những năm 1918 – 1939, phong trào cách mạng ở Trung Quốc và Ấn Độ đã có những chuyển biến to lớn. Phong trào Ngũ tứ (1919) đã mở đầu thời kì cách mạng dân chủ mới ở Trung Quốc. Ở Ấn Độ, cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, đòi độc lập dân tộc do giai cấp tư sản, đứng đầu là M. Gan-đi, đã vượt qua nhiều thử thách và đạt được những bước tiến mới.

I – PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở TRUNG QUỐC (1919 – 1939)

1. Phong trào Ngũ tứ và sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và sự kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm bùng nổ một cao trào cách mạng mới ở Trung Quốc, mở đầu bằng phong trào Ngũ tứ.

Ngày 4 – 5 – 1919, hơn 3 000 sinh viên yêu nước ở Bắc Kinh đã đứng lên đấu tranh, phản đối quyết định bất công của các nước đế quốc về việc chuyển giao những đặc quyền của nước Đức ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cho Nhật Bản. Phong trào lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố trong cả nước, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là giai cấp công nhân.

Phong trào giương cao các khẩu hiệu đấu tranh : “Trung Quốc của người Trung Quốc”, “Xoá bỏ 21 điều” (là hiệp ước của các nước đế quốc đưa ra, nhằm xâu xé Trung Quốc), “Giết hết bọn giặc bán nước”... Những cuộc bãi công chính trị to lớn của công nhân Thượng Hải, Nam Kinh, Thiên Tân, Hàng Châu... đã đưa phong trào nhanh chóng giành được thắng lợi.

Phong trào Ngũ tứ đã mở đầu cao trào cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến ở Trung Quốc. Lần đầu tiên, giai cấp công nhân Trung Quốc xuất hiện trên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng cách mạng độc lập. Phong trào Ngũ tứ đánh dấu bước chuyển của cách mạng Trung Quốc từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ sang cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.

Từ sau phong trào Ngũ tứ, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, sâu rộng. Tầng lớp trí thức tiến bộ, tiêu biểu là Lý Đại Chiêu (Giáo sư Trường Đại học Bắc Kinh), đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin vào Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1920, một số nhóm cộng sản đã ra đời với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản. Trên cơ sở các nhóm này, tháng 7 – 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cách mạng Trung Quốc. Từ đây, giai cấp vô sản Trung Quốc đã có chính đảng của mình để từng bước nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.

– Từ các khẩu hiệu đấu tranh nêu trong bài, em thấy phong trào Ngũ tử có điểm gì mới so với các phong trào đấu tranh vào nửa sau thế kỉ XIX ở Trung Quốc ?

– Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập như thế nào ? Ý nghĩa của sự kiện này là gì ?

2. Chiến tranh Bắc phạt (1926 _ 1927) và Nội chiến Quốc _ Cộng (1927_1937)

Trong những năm 1926 – 1927, Đảng Cộng sản hợp tác với Quốc dân đảng tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng nhằm đánh đổ các tập đoàn quân phiệt Bắc Dương đang chia nhau thống trị các vùng ở miền Bắc Trung Quốc (gọi là “Chiến tranh Bắc phạt”).

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, trong vòng 6 tháng, quân đội cách mạng đã giải phóng được một vùng rộng lớn ở lưu vực sông Trường Giang, chiếm các thành phố lớn như Nam Kinh, Thượng Hải... Trong khi chiến tranh cách mạng đang tiến triển thắng lợi, các phần tử cánh hữu trong Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã câu kết với các thế lực đế quốc, phong kiến, chống lại phong trào cách mạng. Ngày 12 – 4 – 1927, Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc chính biến ở Thượng Hải, tàn sát, khủng bố đẫm máu những người cộng sản, mở đầu cho các hoạt động công khai chống phá cách mạng ở nhiều địa phương khác. Ngày 18 – 4 – 1927, Tưởng Giới Thạch thành lập chính phủ tại Nam Kinh, đại diện cho quyền lợi của đại địa chủ, đại tư sản ở Trung Quốc. Đến tháng 7 – 1927, chính quyền hoàn toàn rơi vào tay Tưởng Giới Thạch. Cuộc Chiến tranh Bắc phạt đến đây chấm dứt.

Sau Chiến tranh Bắc phạt, quần chúng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tiến hành cuộc chiến đấu chống Chính phủ Quốc dân đảng, gọi là Nội chiến Quốc – Cộng, diễn ra trong những năm 1927 – 1937.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Vũ Xương (1 – 8 – 1927) và những cuộc khởi nghĩa ở các thành thị miền Nam thất bại, Đảng Cộng sản chuyển hướng lấy nông thôn làm trung tâm cách mạng, phát động nông dân nổi dậy, thành lập chính quyền Xô viết, Hồng quân công nông và tiến hành cách mạng ruộng đất.

Tưởng Giới Thạch đã tổ chức 4 lần vây quét lớn nhằm tiêu diệt các khu xô viết nhưng đều thất bại. Trong cuộc vây quét lần thứ năm (1933 – 1934), các khu xô viết bị tấn công, lực lượng cách mạng bị thiệt hại nghiêm trọng.

Tháng 10 – 1934, Hồng quân công nông phải tiến hành cuộc phá vây, rút khỏi căn cứ địa cách mạng, tiến lên phía bắc, trong lịch sử gọi là cuộc Vạn lí trường chinh. Trên đường trường chinh, tại Hội nghị Tuân Nghĩa (tỉnh Quý Châu), họp tháng 1 – 1935, Mao Trạch Đông trở thành người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 10 – 1936, cuộc Vạn lí trường chinh vượt qua chặng đường dài hơn 5 000 km, đầy gian khổ hi sinh của Hồng quân Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi. Tháng 7 – 1937, giới quân phiệt Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược nhằm thôn tính toàn bộ Trung Quốc. Trước nguy cơ dân tộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ động đề nghị Quốc dân đảng đình chiến, cùng hợp tác, tập trung sức mạnh chống ngoại xâm. Do áp lực đấu tranh của quần chúng, Quốc dân đảng buộc phải hợp tác với Đảng Cộng sản để thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật. Cách mạng Trung Quốc chuyển sang thời kì kháng chiến chống phát xít Nhật.

hinh-anh-bai-29-phong-trao-cach-mang-o-trung-quoc-va-an-do-1918-1939-3358-0

Hình 83. Mao Trạch Đông trên đường Vạn lí trường chinh

Nêu diễn biến chính của cách mạng Trung Quốc những năm 1926 – 1937.

II – PHONG TRÀO ĐỘC LẬP DÂN TỘC Ở ẤN ĐỘ (1918 - 1939)

1. Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1918 – 1929

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Anh đã trút toàn bộ gánh nặng chi phí chiến tranh cho các thuộc địa, nhất là Ấn Độ – thuộc địa lớn nhất của đế quốc Anh.

Sau chiến tranh, chính quyền thực dân tăng cường bóc lột thuộc địa, củng cố bộ máy cai trị và ban hành những đạo luật phản động... làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng căng thẳng. Một làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh dâng cao khắp Ấn Độ trong những năm 1918 – 1922.

Từ các cuộc bãi công kinh tế năm 1918 đến các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân ở các thành phố, phong trào đạt đến hình thức cao nhất là khởi nghĩa vũ trang ở Pen-giáp. Nét đặc biệt của phong trào trong thời kì này là sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nông dân, thị dân và đặc biệt là công nhân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1920, ở Ấn Độ đã nổ ra 200 cuộc bãi công với 1,5 triệu công nhân tham gia. Phong trào đấu tranh lan rộng khắp trong nước với một sức mạnh mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc đại.

Chính trong thời gian này, sự xuất hiện của Mô-han-đát Ca-ram-cha-đơ Gan-đi, được nhân dân Ấn Độ suy tôn là Ma-hát-ma Gan-đi, cùng với đường lối cách mạng của ông, đã tạo ra bước ngoặt vô cùng quan trọng cho cách mạng Ấn Độ. Là lãnh tụ có uy tín lớn, Gan-đi có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân dân Ấn Độ.

hinh-anh-bai-29-phong-trao-cach-mang-o-trung-quoc-va-an-do-1918-1939-3358-1

Hình 84. M. Gan-đi (1869_1948)

Xuất phát từ đặc điểm dân tộc và tôn giáo của Ấn Độ, Gan-đi đề ra chủ trương và phương pháp đấu tranh “bất bạo động” và “bất hợp tác”, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị thực dân, thủ tiêu mọi tàn tích phong kiến cản trở sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dân tộc, xây dựng đất nước Ấn Độ phồn thịnh. Gan-đi kêu gọi tiến hành đấu tranh bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng bạo lực (như biểu tình hoà bình, bãi công ở các nhà máy, công sở, bãi khoá ở các trường học, tẩy chay hàng hoá Anh, không nộp thuế...). Phong trào bất bạo động, bất hợp tác do Gan-đi và Đảng Quốc đại lãnh đạo nhằm mục tiêu giành quyền tự trị, tiến tới giành độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ được các tầng lớp nhân dân Ấn Độ hưởng ứng.

Cũng từ đầu những năm 20 của thế kỉ XX, ở Ấn Độ đã xuất hiện những nhóm cộng sản đầu tiên. Cùng với sự trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, tháng 12 – 1925 Đảng Cộng sản Ấn Độ được thành lập. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy làn sóng đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh.

Nêu những diễn biến chính của phong trào cách mạng Ấn Độ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

2. Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1929 – 1939

Những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) đã làm bùng lên làn sóng đấu tranh mới của nhân dân Ấn Độ. Phong trào kéo dài trong suốt thập niên 30, thông qua các chiến dịch bất hợp tác với thực dân Anh do Gan-đi và Đảng Quốc đại khởi xướng.

Đầu năm 1930, chiến dịch bất hợp tác lại bùng nổ với việc Gan-đi thực hiện một cuộc hành trình lịch sử dài 300 km để phản đối chính sách độc quyền muối của thực dân Anh. Tháng 12 – 1931, ông lại phát động chiến dịch bất hợp tác mới. Thực dân Anh tăng cường khủng bố, đàn áp và thực hiện các biện pháp mua chuộc chính trị nhằm chia rẽ hàng ngũ cách mạng. Bất chấp các thủ đoạn hai mặt của chính quyền thực dân, phong trào đấu tranh vẫn diễn ra sôi động và lan rộng trong cả nước, liên kết được tất cả các lực lượng chính trị thành một mặt trận thống nhất trên thực tế.

Tháng 9 – 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền Anh tuyên chiến ở châu  u và tuyên bố Ấn Độ là một bên tham chiến. Phong trào cách mạng Ấn Độ chuyển sang một thời kì mới.

Nội dung chủ yếu của phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ vào những năm 30 của thế kỉ XX.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vì sao nói phong trào Ngũ tứ (4 – 5 – 1919) mở đầu cuộc cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến ở Trung Quốc ?

2. Nội chiến Quốc – Cộng (1927 – 1937) diễn ra như thế nào ?

3. Nêu những điểm khác nhau về giai cấp lãnh đạo, con đường và phương pháp đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ so với Trung Quốc trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

PHẦN ĐỌC THÊM

Phong trào Ngũ tứ (4 _ 5 _ 1919)

Chiều 4 – 5 – 1919, hơn 3 000 học sinh sinh viên của 13 trường đại học ở Bắc Kinh đã tập hợp trước Thiên An Môn, giương cao khẩu hiệu : “Xoá bỏ 21 điều !”, “Trả ta Thanh Đảo !”, “Thà chết, đấu tranh đến cùng”, “Giết hết bọn giặc bán nước Tào Nhữ Lâm, Chương Tông Đường, Lục Tông Du !” (ba kẻ thân Nhật trong Chính phủ quân phiệt Bắc Dương). Tại cuộc mít tinh đã công bố bản Tuyên ngôn của học sinh, sinh viên Bắc Kinh : “Đất đai Trung Quốc có thể bị chinh phục chứ không thể bị cắt cho. Nhân dân Trung Quốc có thể bị giết chứ không thể cúi đầu. Nước đã mất rồi ! Đồng bào hãy vùng lên !”... Ngày 19 – 5, học sinh, sinh viên bắt đầu tổng bãi khoá. Đầu tháng 6, phong trào đấu tranh lan rộng ra cả nước, tới các tầng lớp nhân dân : công nhân, nông dân, giới nhân sĩ. Khắp nơi học sinh bãi khoá, thương nhân bãi thị, công nhân bãi công...

(Theo : Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý,
Lịch sử Trung Quốc, NXB Giáo dục, H., 2001, tr. 262 – 263)

M. Gan-di (1869 – 1948)

M. Gan-đi, nhà yêu nước Ấn Độ, được suy tôn là Ma-hát-ma, có nghĩa là “Tâm hồn vĩ đại”. Nhân dân gọi ông là Thánh. M. Gan-đi là lãnh tụ Đảng Quốc đại, người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ theo đường lối bất bạo động, bất hợp tác.

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Tây Ấn Độ, ông tốt nghiệp đại học Luật ở Anh, sau đó làm cố vấn pháp luật cho một công ti ở Nam Phi, tham gia những hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân. Đầu năm 1915 ông về nước, vận động cuộc đấu tranh chống thực dân Anh. Ông bị thực dân Anh bắt giam hai lần vào các năm 1922 và 1930. Sau khi Ấn Độ được trao trả độc lập (15 – 8 – 1947), M. Gan-đi đã tiếp tục đấu tranh ngăn chặn cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa người Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Ngày 30 – 1 – 1948, M. Gan-đi bị một phần tử phản động sát hại.

(Theo : Phan Ngọc Liên (Chủ biên),
Từ điển tri thức lịch sử phổ thông thế kỉ XX, Sđd, tr. 327)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 29: Phong Trào Cách Mạng Ở Trung Quốc Và Ấn Độ (1918 - 1939) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.