Bài 26: Nước Đức Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 26


Sau thất bại nặng nề của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cao trào cách mạng bùng nổ và lan rộng khắp nước Đức vào những năm 1918 – 1923. Cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) đã chấm dứt thời kì phục hồi ngắn ngủi của nền kinh tế và đưa đất nước bước vào một thời kì đen tối : thời kì thống trị và chuẩn bị phát động chiến tranh thế giới của chủ nghĩa phát xít Đức.

I – NƯỚC ĐỨC TRONG NHỮNG NĂM 1918 – 1929

1. Nước Đức và cao trào cách mạng 1918 – 1923

Cuối năm 1918, nước Đức bại trận hoàn toàn, bị suy sụp về kinh tế, chính trị và quân sự. Tai hoạ của chiến tranh làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, dẫn tới sự bùng nổ cuộc Cách mạng dân chủ tư sản tháng 11 – 1918.

Cách mạng bùng nổ ngày 3 – 11 – 1918 bằng cuộc khởi nghĩa của thuỷ thủ ở Ki-en. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, cách mạng lan rộng ra cả nước. Vua Đức Vin-hem II buộc phải thoái vị, nền quân chủ bị lật đổ. Theo gương cách mạng Nga, các xô viết đại biểu công nhân và binh lính được thành lập. Tuy nhiên, cuối cùng mọi thành quả cách mạng lại rơi vào tay giai cấp tư sản. Mùa hè năm 1919, Quốc hội Lập hiến đã họp tại thành phố Vai-ma, thông qua Hiến pháp, đặt cơ sở pháp lí cho sự thiết lập chế độ cộng hoà ở Đức – thường được gọi là nền Cộng hoà Vaima.

Tháng 6 – 1919, Chính phủ Đức buộc phải kí kết Hoà ước Vécxai với những điều kiện hết sức nặng nề. Việc thực hiện hoà ước này làm cho đất nước vốn đã kiệt quệ sau 4 năm chiến tranh càng trở nên rối loạn.

hinh-anh-bai-26-nuoc-duc-giua-hai-cuoc-chien-tranh-the-gioi-1918-1939-3355-0

Hình 75. Lạm phát ở Đức _ trẻ em làm diều bằng những đồng mác mất giá vào đầu năm 1920

Với Hoà ước Vécxai, nước Đức mất đi 1/8 diện tích đất đai, 1/12 dân số, 1/3 mỏ sắt, 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, 1/3 sản lượng thép và một khoản bồi thường chiến phí khổng lồ... Toàn bộ gánh nặng của Hoà ước đè nặng lên vai quần chúng lao động. Nước Đức lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính tồi tệ chưa từng thấy. Đồng mác sụt giá nghiêm trọng (năm 1914 :1 đôla Mĩ tương đương 4,2 mác, tháng 9 – 1923 : 1 đôla Mĩ tương đương 98 860 000 mác).

Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh của nhân dân lao động tiếp tục dâng cao. Đảng Cộng sản Đức (thành lập tháng 12 – 1918) đã trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Phong trào lan rộng trong toàn quốc và kéo dài đến cuối năm 1923.

Tháng 4 – 1919, công nhân thành phố Muy-ních (thủ phủ của vùng Ba-vi-e) nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, thiết lập nước Cộng hoà Xô viết Ba-vi-e. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng sự ra đời của nước Cộng hoà Xô viết Ba-vi-e là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1918 – 1923 ở Đức.

Tháng 10 – 1923, cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Hăm-buốc bùng nổ dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản. Khởi nghĩa Hãm-buốc là âm hưởng cuối cùng của bão táp cách mạng vô sản ở Đức.

Em có nhận xét gì về tình hình nước Đức trong những năm 1918 – 1923 ?

2. Những năm ổn định tạm thời (1924 – 1929)

Cuối năm 1923, nước Đức đã vượt qua thời kì khủng hoảng kinh tế và chính trị sau chiến tranh. Chính quyền tư sản đã đẩy lùi phong trào cách mạng của quần chúng, từng bước khắc phục tình trạng hỗn loạn về tài chính, tạo đà cho nền kinh tế khôi phục và phát triển.

Với sự ủng hộ và tiếp sức của các nước Mĩ, Anh, thông qua kế hoạch Đa-oét (1924) và Y-ơng (1928), giai cấp tư sản Đức đã sử dụng những khoản tiền vay để hiện đại hoá nền công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất. Từ năm 1925, sản xuất công nghiệp Đức phát triển mạnh và đến năm 1929 đã vượt qua Anh, Pháp, đứng đầu châu Âu. Quá trình tập trung sản xuất diễn ra mạnh mẽ, các tập đoàn tư bản độc quyền lớn xuất hiện, thâu tóm những ngành kinh tế chính của nước Đức.

Về chính trị, chế độ Cộng hoà Vaima được củng cố, quyền lực của giới tư bản độc quyền được tăng cường. Chính phủ tư sản thi hành chính sách đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân. Các đảng tư sản công khai tuyên truyền tư tưởng phục thù cho nước Đức. Về đối ngoại, vị trí quốc tế của nước Đức dần dần được phục hồi với việc nước này tham gia Hội Quốc liên, kí kết một số hiệp ước với các nước tư bản châu Âu và Liên Xô.

Nêu những điểm nổi bật của tình hình nước Đức trong những năm 1924 – 1929.

II – NƯỚC ĐỨC TRONG NHỮNG NĂM 1929 – 1939

1. Khủng hoảng kinh tế và sự thiết lập chế độ phát xít của Đảng Quốc xã

Cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế Đức. Sau 3 năm đình trệ, năm 1932 sản xuất công nghiệp giảm 47% so với trước khủng hoảng. Hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa. Số người thất nghiệp tăng vọt. Hàng triệu người lao động ở thành thị và nông thôn lâm vào cảnh nghèo đói và thất nghiệp.

Số người thất nghiệp ở Đức :

Năm 1928 1930 1932
Số người 1 368 000 3 076 000 5 250 000

Mâu thuẫn xã hội và cuộc đấu tranh của quần chúng lao động đã dẫn tới khủng hoảng chính trị trầm trọng. Giai cấp tư sản cầm quyền không đủ sức mạnh để duy trì chế độ cộng hoà tư sản, không thể đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, các thế lực phản động hiếu chiến, đặc biệt là Đảng Công nhân quốc gia xã hội (gọi tắt là Đảng Quốc xã, thành lập năm 1919) đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền mị dân, nhằm mở rộng ảnh hưởng trong quần chúng. Các thủ lĩnh Đảng Quốc xã, đứng đầu là Hít-le, đã lợi dụng tâm lí bất mãn của người dân Đức đối với Hoà ước Vécxai để kích động chủ nghĩa phục thù, chủ nghĩa chống cộng và phân biệt chủng tộc, chủ trương phát xít hoá bộ máy nhà nước, thiết lập chế độ độc tài khủng bố công khai.

hinh-anh-bai-26-nuoc-duc-giua-hai-cuoc-chien-tranh-the-gioi-1918-1939-3355-1

Hình 76. Tổng thống Hin-đen-bua trao quyền Thủ tướng cho Hít-le ngày 30 _ 1 _ 1933

Trong khi giới đại tư bản ngày càng ủng hộ lực lượng phát xít, Đảng Cộng sản Đức đã chỉ rõ chủ nghĩa phát xít là nguy cơ lớn đối với nhân dân Đức và kêu gọi quần chúng đấu tranh thành lập Mặt trận thống nhất chống phát xít. Tuy nhiên, Đảng Xã hội dân chủ – đảng có ảnh hưởng lớn trong nhân dân lao động – đã từ chối hợp tác với những người cộng sản. Điều đó đã tạo điều kiện cho các thế lực phát xít lên cầm quyền ở Đức. Ngày 30 – 1 – 1933, Tổng thống Hin-đen-bua chỉ định Hít-le làm Thủ tướng và thành lập chính phủ mới, mở ra một thời kì đen tối trong lịch sử nước Đức.

Vì sao chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Đức ?

2. Nước Đức trong những năm 1933 – 1939

Sau khi nắm chính quyền, Chính phủ Hít-le ráo riết thiết lập nền chuyên chính độc tài, công khai khủng bố các đảng phái dân chủ tiến bộ, trước hết là Đảng Cộng sản Đức.

Tháng 3 – 1933, Hít-le nắm trong tay cả quyền hành pháp và lập pháp, mọi hoạt động không bị Quốc hội kiểm soát. Sau khi vu cáo những người cộng sản trong vụ đốt cháy nhà Quốc hội, Chính quyền phát xít đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật và bắt giam 10 vạn đảng viên cộng sản. Tất cả các đảng phái đều bị giải tán, hàng nghìn nhà khoa học, văn nghệ sĩ bị trục xuất khỏi nước Đức. Năm 1934, Hin-đen-bua qua đời, Hít-le tuyên bố huỷ bỏ Hiến pháp Vaima, tự xưng là Quốc trưởng suốt đời. Chế độ Cộng hoà Vaima hoàn toàn sụp đổ.

Về kinh tế, chính quyền phát xít tiến hành tổ chức nền kinh tế theo hướng tập trung, mệnh lệnh, nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Tháng 7 – 1933, Hít-le thành lập Tổng hội đồng kinh tế, bao gồm đại diện của nhà nước phát xít và 18 tập đoàn tư bản độc quyền lớn nhất, thâu tóm toàn bộ đời sống kinh tế đất nước.

Dưới sự điều hành của Tổng hội đồng kinh tế, các ngành công nghiệp dần dần được phục hồi và hoạt động hết sức khẩn trương, đặc biệt là ngành công nghiệp quân sự. Các ngành giao thông vận tải, xây dựng đường sá được tăng cường để giải quyết nạn thất nghiệp và phục vụ nhu cầu quân sự. Nông nghiệp cũng được cải tổ theo hướng phục vụ chiến tranh. Nền kinh tế Đức thoát khỏi khủng hoảng : năm 1938, tổng sản lượng công nghiệp tăng 28% so với trước khủng hoảng và vượt qua một số nước tư bản châu Âu.

Bảng thống kê sản lượng một số sản phẩm công nghiệp của Anh, Pháp, I-ta-li-a, Đức năm 1937

Sản phẩm Nước
Anh Pháp I-ta-li-a Đức
Than (triệu tấn) 244,3 45,5 1,6 239,9
Điện (tỉ kW/giờ) 33,1 20,0 15,4 49,0
Sắt (triệu tấn) 4,3 11,5 0,5 2,8
Thép (triệu tấn) 13,2 7,9 2,1 19,8
Ô tô (nghìn chiếc) 493,0 200,0 78,0 351,0

Về đối ngoại, chính quyền Hít-le tăng cường các hoạt động chuẩn bị chiến tranh. Tháng 10 – 1933, nước Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc liên để được tự do hành động. Năm 1935, Hít-le ban hành lệnh tổng động viên, tuyên bố thành lập đội quân thường trực và bắt đầu triển khai các hoạt động quân sự ở châu Âu.

Tháng 3 – 1936, Hít-le đưa quân chiếm đóng khu phi quân sự sông Ranh. Ngày 25 – 11 – 1936, Đức kí với Nhật hiệp ước “Chống Quốc tế Cộng sản”, sau đó I-ta-li-a cũng tham gia hiệp ước này, hình thành liên minh chính trị – quân sự, chuẩn bị chiến tranh thế giới. Đến năm 1938, với một đội quân 1 500 000 người cùng 30 000 xe tăng và khoảng 4 000 máy bay, nước Đức trở thành một trại lính khổng lồ, đủ sức tiến hành các kế hoạch gây chiến tranh xâm lược.

hinh-anh-bai-26-nuoc-duc-giua-hai-cuoc-chien-tranh-the-gioi-1918-1939-3355-2

Hình 77. Cuộc duyệt binh kỉ niệm 5 năm ngày Hít-le nắm chính quyền (Béc-lin, tháng 1 _ 1938)

– Nêu nhận xét về tình hình kinh tế nước Đức so với các nước châu Âu khác qua bảng thống kê ở trang 170.

– Chính sách đối ngoại của Hit-le được thể hiện như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập bảng hệ thống kiến thức về các giai đoạn phát triển của nước Đức giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939).

2. Hít-le lên nắm quyền ở Đức trong bối cảnh như thế nào ?

3. Trình bày những chính sách lớn của nước Đức trong những năm 1933 – 1939.

PHẦN ĐỌC THÊM

Về chủ nghĩa phát xít Đức

Loại chủ nghĩa phát xít phản động nhất là chủ nghĩa phát xít kiểu Đức. Nó trơ tráo tự xưng là chủ nghĩa xã hội – quốc gia nhưng không hề có một chút gì giống với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa phát xít kiểu Hít-le không phải chỉ là chủ nghĩa dân tộc tư sản, đó là một thứ chủ nghĩa sôvanh đầy thú tính. Đó là một chế độ cai trị theo lối ăn cướp về chính trị, một chế độ khiêu khích và hành hạ giai cấp công nhân cùng những phần tử cách mạng trong nông dân, trong giai cấp tiểu tư sản và trong trí thức. Đó là chế độ dã man, tàn bạo kiểu trung cổ. Đó là một chế độ xâm lược “thả cửa” đối với các dân tộc khác và các nước khác.

Chủ nghĩa phát xít Đức tỏ ra là một đội xung kích phản cách mạng quốc tế, là kẻ chủ yếu gây ra chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, là kẻ âm mưu tổ chức cuộc thảo phạt chống Liên Xô – Tổ quốc vĩ đại của những người lao động trên toàn thế giới.

A-đôn-phơ Hít-le

Hít-le sinh năm 1889, gốc người Áo, là sĩ quan quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918). Hít-le gia nhập Đảng Quốc xã tháng 8 – 1919. Là một người có nhiều tham vọng và thủ đoạn, Hít-le nhanh chóng trở thành thủ lĩnh Đảng Quốc xã và đề ra Côơng lĩnh 25 điều của đảng này.

Năm 1923, Hít-le tổ chức đảo chính ở Muy-ních nhưng thất bại và bị kết án 5 năm tù. Trong tù, Hít-le viết cuốn Cuộc đời chiến đấu của tôi, trình bày một cách hoàn chỉnh lí luận và đường lối của chủ nghĩa phát xít Đức. Cuốn sách được xem như Cương lĩnh của chủ nghĩa phát xít. Sau đó, Hít-le được tự do. Sau khi lên cầm quyền, năm 1933 Hít-le thiết lập chế độ phát xít, biển nước Đức thành nhà tù và trại lính, kích động tinh thần dân tộc “siêu đẳng” trong nhân dân Đức, tuyên bố xoá bỏ Hoà ước Vécxai, gây Chiến tranh thế giới thứ hai với tham vọng bá chủ thế giới. Hít-le là tội phạm chiến tranh hàng đầu thế giới, là kẻ chủ mưu sát hại tù binh và dân thường tại các khu vực phát xít Đức chiếm đóng. Hít-le tự sát ngày 30 – 4 – 1945, khi quân đội Liên Xô tiến vào Béc-lin.

(Theo : Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Từ điển tri thức lịch sử phổ thông thế kỉ XX,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2002, tr. 376).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 26: Nước Đức Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.