Bài 21: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 21


Từ năm 1914 đến năm 1918, nhân loại đã phải trải qua một cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, lôi cuốn vào vòng chiến hàng chục nước, chủ yếu là ở châu Âu, gây nên những thiệt hại to lớn về người và của.

I − QUAN HỆ QUỐC TẾ CUỐI THẾ KỈ XIX - ĐẦU THẾ KỈ XX. NGUYÊN NH N CỦA CHIẾN TRANH

Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỉ XIX − đầu thế kỉ XX đã làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc. Bên cạnh các đế quốc “già” (Anh, Pháp) với hệ thống thuộc địa mênh mông là các đế quốc “trẻ” (Mĩ, Đức, Nhật Bản) đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế nhưng lại có quá ít thuộc địa. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa là không tránh khỏi và ngày càng gay gắt. Giới cầm quyền Đức đã vạch ra kế hoạch tiến hành chiến tranh nhằm giành giật thuộc địa, chia thị trường. Nhật Bản và Mĩ cũng ráo riết hoạch định chiến lược bành trướng của mình. Vì vậy, ngay từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, những cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên đã xảy ra để tranh giành thuộc địa.

Sau Chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895), Nhật Bản giành được bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu, Đài Loan, Bành Hồ.

Sau Chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha (1898), Mĩ chiếm Phi-líp-pin, Cu-ba, Pu-éc-tô Ri-cô...

Sau Chiến tranh Anh – Bô-ơ(1) (1899 – 1902), Anh chiếm được vùng đất Nam Phi. Sau Chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905), Nhật Bản gạt Nga để khẳng định quyền thống trị của mình trên bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và nam đảo Xa-kha-lin.

(1) Người Bộ-ơ gồm nhiều thế hệ người gốc Hà Lan di cư đến và sinh sống ở cực Nam châu Phi, đã lập ra hai quốc gia của họ là Ô-răng-giơ và Tơ-răng-xvan.

Trong cuộc tranh giành thuộc địa, đế quốc Đức là kẻ hung hăng nhất vì có tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng lại ít thuộc địa. Thái độ của Đức đã làm thay đổi quan hệ quốc tế ở châu Âu, trở thành đầu mối của mọi mâu thuẫn, mọi sự tranh chấp phức tạp và căng thẳng giữa các nước đế quốc với nhau.

Từ những năm 80 của thế kỉ XIX, giới cầm quyền Đức đã vạch ra kế hoạch chiến tranh nhằm chiếm hầu hết châu  u, vươn ra các thuộc địa của Anh, Pháp ở châu Phi và châu Á. Năm 1882, Đức cùng Áo – Hung và I-ta-li-a thành lập liên minh tay ba, được gọi là phe Liên minh. Sau này, I-ta-li-a rút khỏi Liên minh (1915) và chống lại Đức.

Đối phó với âm mưu của Đức, Anh cũng chuẩn bị kế hoạch chiến tranh. Lúc này, Pháp cũng muốn đòi Đức trả lại hai vùng An-dát và Lo-ren. Nga ủng hộ các nước Ban-căng chống lại Áo – Hung. Vì thế, Anh, Pháp, Nga tuy có tranh chấp về thuộc địa nhưng phải nhân nhượng lẫn nhau, kí những bản hiệp ước tay đôi : Pháp – Nga (1890), Anh – Pháp (1904), Anh – Nga (1907), hình thành phe Hiệp ước.(1)

hinh-anh-bai-21-chien-tranh-the-gioi-thu-nhat-1914-1918-3349-0

Hình 59. Lược đồ hai khối quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

(1) Sau này, phe Liên minh có thêm Thổ Nhĩ Kì (10 – 1914) và Bun-ga-ri (10 – 1914). Phe Hiệp ước có thêm Nhật Bản (8 – 1914), I-ta-li-a (5 – 1915), Ru-ma-ni (8 – 1916), Mĩ (4 – 1917).

Như vậy, đến đầu thế kỉ XX, châu  u đã hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau. Cả hai khối này đều ôm mộng xâm lược, cướp đoạt lãnh thổ và thuộc địa của nhau, đều điên cuồng chạy đua vũ trang. Cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc là không tránh khỏi. Nó bắt nguồn từ quy luật phát triển không đều về kinh tế, chính trị của các nước tư bản chủ nghĩa và đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Chính mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa, trước tiên là giữa đế quốc Anh với đế quốc Đức, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc chiến tranh.

Tình hình căng thẳng ở Ban-căng từ năm 1912 đến năm 1913 đã tạo cớ cho chiến tranh bùng nổ. Ngày 28 – 6 – 1914, Thái tử Áo – Hung bị một người Xéc-bi ám sát tại Bô-xni-a. Giới quân phiệt Đức, Áo chớp lấy cơ hội đó để gây ra cuộc chiến tranh.

– Nêu đặc điểm nổi bật trong quan hệ quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

− Hãy cho biết nguyên nhân sâu xa và duyên cớ trực tiếp dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

II – DIỄN BIẾN CỦA CHIẾN TRANH

1. Giai đoạn thứ nhất (1914 – 1916)

Ngày 28 – 7 – 1914, Áo – Hung tuyên chiến với Xéc-bi. Ngày 1 – 8, Đức tuyên chiến với Nga và ngày 3 – 8, tuyên chiến với Pháp. Ngày 4 – 8, Anh tuyên chiến với Đức. Chiến tranh đế quốc đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng thành chiến tranh thế giới.

Mở đầu cuộc chiến, Đức dự định đánh bại Pháp một cách chớp nhoáng, sau đó quay sang tiến công Nga. Vì vậy, Đức tập trung phần lớn binh lực ở Mặt trận phía Tây và ngay trong đêm 3 – 8 – 1914 đã tràn vào Bỉ – một nước trung lập – rồi đánh thọc sang Pháp như vũ bão. Đức chặn cả con đường ra biển không cho quân Anh sang tiếp viện. Pa-ri bị uy hiếp, quân Pháp có nguy cơ bị tiêu diệt.

Giữa lúc đó, ở Mặt trận phía Đông, quân Nga tấn công vào Đông Phổ, buộc Đức phải điều bớt quân từ Mặt trận phía Tây về chống lại quân Nga. Pa-ri được cứu thoát. Lợi dụng thời cơ, đầu tháng 9 – 1914, Pháp phản công và giành thắng lợi trên sông Mác-nơ. Quân Anh cũng đổ bộ lên lục địa châu Âu. Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Đức đã bị phá sản. Quân hai bên rút xuống chiến hào cầm cự với nhau dai dẳng trên một chiến tuyến dài 780 km – từ Biển Bắc tới biên giới Thuỵ Sĩ.

Thấy chưa hạ ngay được Pháp, năm 1915, Đức dồn binh lực sang phía đông, cùng quân Áo – Hung tấn công Nga quyết liệt, âm mưu đè bẹp Nga. Chế độ Nga hoàng đang khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng Đức không đạt được mục đích loại Nga ra khỏi chiến tranh. Cuối năm, hai bên đều ở trong thế cầm cự trên một mặt trận dài 1 200 km, từ sông Đơ-nhi-ép đến vịnh Ri-ga.

Trong năm thứ hai của cuộc chiến tranh (1915), cả hai bên đều đưa ra những phương tiện chiến tranh mới như xe tăng, pháo tầm xa, sử dụng máy bay để trinh sát và ném bom, thậm chí dùng cả hơi độc,... Vì thế hai bên đều thiệt hại khá nặng nề, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 1916, do không đánh bại được quân Nga, Đức lại chuyển trọng tâm hoạt động về Mặt trận phía Tây, mở chiến dịch Véc-đoong hòng tiêu diệt quân chủ lực của Pháp. Chiến sự ở đây diễn ra hết sức quyết liệt, kéo dài 10 tháng (từ tháng 2 đến tháng 12 – 1916), gần 70 vạn người chết và bị thương. Cuối cùng, quân Đức vẫn không hạ nổi thành Véc-đoong, buộc phải rút lui.

Năm 1916, hai bên vẫn duy trì thế cầm cự. Từ cuối năm 1916 trở đi, Đức, Áo – Hung từ thế chủ động đã chuyển sang phòng ngự ở cả hai mặt trận.

Trong giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh, sự khốn cùng của nhân dân lao động ngày càng thêm trầm trọng ; đói rét, bệnh tật và những tai hoạ do chiến tranh gây ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, bọn trùm công nghiệp chiến tranh đã giàu lên nhanh chóng nhờ buôn bán vũ khí. Mâu thuẫn xã hội trong các nước tham chiến trở nên vô cùng gay gắt. Chỉ hơn 2 năm chiến tranh, đã có gần 6 triệu người chết và hơn 10 triệu người bị thương. Phong trào công nhân, phong trào quần chúng phản đối chiến tranh phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1916, tình thế cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu.

– Trình bày diễn biến chính giai đoạn thứ nhất của chiến tranh.

− Theo em, giai đoạn này có những điểm gì nổi bật ?

2. Giai đoạn thứ hai (1917 – 1918)

Tháng 2 – 1917, nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, với các khẩu hiệu “Đả đảo chiến tranh !”, “Đả đảo Nga hoàng !”, “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng !”..., đã tiến hành cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành công. Chế độ Nga hoàng bị lật đổ. Chính phủ lâm thời tư sản được thành lập và vẫn tiếp tục theo đuổi chiến tranh.

Lúc này, Đức muốn cắt đứt đường tiếp tế trên biển của phe Hiệp ước, liền sử dụng phương tiện mới là tàu ngầm. Cuộc “chiến tranh tàu ngầm” gây cho Anh nhiều thiệt hại.

Chính sách ban đầu của Mĩ là giữ thái độ “trung lập” trong chiến tranh. Thực ra, Mĩ muốn lợi dụng chiến tranh để bán vũ khí cho cả hai phe và khi chiến tranh kết thúc, dù thắng hay bại, các nước tham chiến đều bị suy yếu, điều đó giúp Mĩ sẽ khẳng định ưu thế của mình. Đến năm 1917, khi phong trào cách mạng ở các nước dâng cao, Mĩ thấy cần phải kết thúc chiến tranh và đứng về phe Hiệp ước.

Lấy cớ tàu ngầm Đức vi phạm quyền tự do thương mại trên biển, tấn công cả vào tàu buôn cập bến các nước thuộc phe Hiệp ước, ngày 2 – 4 – 1917 Mĩ tuyên chiến với Đức. Sự tham chiến của Mĩ có lợi cho phe Anh, Pháp, Nga.

Trong năm 1917, những cuộc phản công của phe Hiệp ước đều không thành công. Pháp và Anh cố phá vỡ phòng tuyến của Đức và giải toả vòng vây bờ biển, nhưng thất bại. Những cuộc tấn công của Nga cũng bất thành. Áo – Hung tỏ ra nao núng muốn cầu hoà, nhưng Nga và I-ta-li-a còn nhiều tham vọng, không chấp nhận thương thuyết. Đức lại dồn lực lượng đánh Nga và loại I-ta-li-a ra khỏi vòng chiến.

Tháng 11 – 1917, nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Lê-nin và Đảng Bônsêvích tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Xô viết ra đời, thông qua Sắc lệnh hoà bình, kêu gọi chính phủ các nước tham chiến chấm dứt chiến tranh. Lời kêu gọi hoà bình của Chính phủ Xô viết không được các nước Hiệp ước hưởng ứng, vì Anh, Pháp, Mĩ muốn kết thúc chiến tranh trên thế thắng. Trong tình thế đó, để bảo vệ chính quyền non trẻ, Nhà nước Xô viết buộc phải kí riêng với Đức bản Hoà ước Brét – Litốp (3 – 3 – 1918). Nước Nga ra khỏi chiến tranh đế quốc.

Trong nửa đầu năm 1918, tranh thủ thời cơ quân Mĩ chưa sang đến châu Âu, Đức đã mở liên tiếp 4 đợt tấn công với quy mô lớn trên mặt trận Pháp. Một lần nữa, Chính phủ Pháp chuẩn bị rời khỏi Pa-ri. Nhưng đến tháng 7 – 1918, 65 vạn quân Mĩ đổ bộ vào châu Âu cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Mĩ trực tiếp tham chiến khi cả hai phe bị thiệt hại quá nhiều, đã hết sức mỏi mệt nên trở thành nước đứng đầu phe Hiệp ước thay Anh. Nhờ đó, quân Pháp và Anh quay lại phản công mạnh mẽ quân Đức trên các mặt trận.

Ngày 18 – 7 – 1918, quân Pháp với 600 xe tăng phá vỡ phòng tuyến sông Mác-nơ của Đức, bắt 3 vạn tù binh. Ngày 8 – 8, liên quân Anh – Pháp với 400 xe tăng đập tan phòng tuyến sông Xen, tiêu diệt 16 sư đoàn quân Đức. Ngày 12 – 9, liên quân Pháp – Mĩ đánh Xanh Mi-hi-en, một phòng tuyến quan trọng của Đức.

Từ cuối tháng 9 – 1918, quân Đức liên tiếp thất bại, phải bỏ chạy khỏi lãnh thổ Pháp và Bỉ. Các nước đồng minh của Đức cũng bị tấn công liên tiếp buộc phải đầu hàng : Bun-ga-ri (29 – 9), Thổ Nhĩ Kì (30 – 10), Áo – Hung (2 − 11).

hinh-anh-bai-21-chien-tranh-the-gioi-thu-nhat-1914-1918-3349-1

Hình 60. Đức kí hiệp định đầu hàng, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất

Trước nguy cơ thất bại, chính phủ mới được thành lập ở Đức (3 – 10 – 1918) đề nghị thương lượng với Mĩ, nhưng đã không được chấp nhận vì Mĩ muốn đánh đến cùng để buộc Đức phải đầu hàng không điều kiện. Trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, ngày 9 – 11 – 1918) cách mạng bùng nổ ở Đức, vua Vin-hem II phải bỏ chạy sang Hà Lan. Ngày 11 – 11 – 1918, Chính phủ Đức buộc phải kí hiệp định đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phe Đức, Áo – Hung.

Nét nổi bật trong giai đoạn thứ hai của Chiến tranh thế giới thứ nhất là gì ? Vì sao Mĩ tham gia chiến tranh muộn ?

III – KẾT CỤC CỦA CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đã gây nên những thảm hoạ hết sức nặng nề đối với nhân loại : 38 nước với tổng số quân là 37 triệu người và 1,5 tỉ dân bị lôi cuốn vào vòng khói lửa ; 10 triệu người chết, trên 20 triệu người bị thương. Nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá huỷ. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới 85 tỉ đôla. Các nước châu Âu đều biến thành con nợ của Mĩ. Riêng nước Mĩ được hưởng lợi trong chiến tranh nhờ buôn bán vũ khí, đất nước không bị bom đạn tàn phá, thu nhập quốc dân tăng gấp đôi, vốn đầu tư ra nước ngoài tăng 4 lần. Nhật Bản chiếm lại một số đảo của Đức, nâng cao vị thế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Trong quá trình chiến tranh, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và việc thành lập Nhà nước Xô viết đánh dấu một bước chuyển lớn trong cục diện chính trị thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã gây ra những hậu quả như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập niên biểu về diễn biến chính của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

2. Trình bày tính chất và kết cục của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

PHẦN ĐỌC THÊM

Về tính chất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, Lê-nin đã chỉ rõ : “Về cả hai phía, cuộc chiến tranh đó đều là chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, điều đó hiện nay không còn phải bàn cãi gì nữa ... Chiến tranh vô luận là do giai cấp tư sản Đức hoặc do giai cấp tư sản Anh – Pháp, cũng đều nhằm cướp bóc các nước khác, bóp nghẹt các dân tộc nhược tiểu, thống trị thế giới về mặt tài chính, chia và chia lại thuộc địa...”.

(Theo : Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 288)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 21: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.