Bài 2: Cuộc Cách Mạng Tư Sản Anh Giữa Thế Kỉ XVII | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 - Bài 2


Sau cách mạng Hà Lan gần một thế kỉ, một cuộc cách mạng khác đã nổ ra ở Anh. Đây là cuộc cách mạng tư sản có ảnh hưởng rộng lớn và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

I – NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA CÁCH MẠNG

1. Sự phát triển kinh tế

Dưới thời vua Sác-lơ I, thuộc Vương triều Xtiu-ớt, Anh là một nước quân chủ chuyên chế. Ruộng đất thuộc quyền sở hữu của quý tộc địa chủ. Tuy vậy, từ giữa thế kỉ XVI, quan hệ kinh tế tiền tệ đã thâm nhập vào nông thôn Anh, làm thay đổi cơ cấu kinh tế và phương thức kinh doanh : lãnh chúa phong kiến và một bộ phận nông dân chuyển sang nuôi cừu, lấy lông để bán ; nhiều công trường thủ công chuyên sản xuất len dạ xuất hiện và phát triển.

Một số địa chủ đuổi tá điền, biến ruộng đất thành một vùng rộng lớn rồi áp dụng phương thức canh tác mới, hoặc trồng cỏ nuôi cừu. Nông dân bị đuổi khỏi đồng ruộng, một bộ phận đi làm thuê cho địa chủ, quý tộc, được trả tiền công. Họ sản xuất nguyên liệu và thực phẩm để cung cấp cho thị trường ngày càng mở rộng.

Ngoài ngành sản xuất len dạ nổi tiếng, nhiều ngành công nghiệp khác của Anh cũng lớn mạnh. Những năm trước 1640, sản lượng than khai thác ở Anh chiếm 4/5 tổng sản lượng than của châu Âu. Các ngành luyện sắt, thiếc, chế thuỷ tinh, làm xà phòng, đóng tàu cũng phát triển nhanh. Nhiều ngân hàng ra đời. Việc buôn bán phát đạt, nhưng phần lớn do thương nhân Anh chi phối.

Thương nhân Anh nắm giữ việc xuất khẩu len, vải và việc nhập khẩu các loại sợi (bông của Ấn Độ và Bắc Mĩ ; tơ của Trung Quốc, I-ta-li-a và Tây Ban Nha ; lanh của Ai-len và Bắc Mĩ).

Đầu thế kỉ XVII, Anh là nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu.

Quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa thâm nhập vào nông thôn Anh như thế nào và kết quả ra sao ?

2. Những biến đổi về xã hội

Đông đảo nông dân bị đuổi khỏi ruộng đất phải ra thành thị, làm thuê trong các công xưởng hay di cư sang Tây bán cầu. Một số địa chủ, quý tộc chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa, trở thành những quý tộc mới.

Tầng lớp quý tộc mới ở Anh bao gồm một số quý tộc cũ, vẫn duy trì những đặc quyền phong kiến nhưng đã chuyển hướng kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa. Trong số quý tộc mới này còn có thương nhân, người cho vay lãi, họ đã sở hữu ruộng đất và có tước vị quý tộc do nhà vua ban cho. Quý tộc mới là tầng lớp quý tộc đã tư sản hoá, giữ vai trò lớn trong quá trình cách mạng.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều thành phố lớn mọc lên. Thủ đô Luân Đôn trở thành một trung tâm tài chính, công nghiệp và thương mại bậc nhất châu  u, với số dân tương đối đông vào thời đó (64 vạn người).

hinh-anh-bai-2-cuoc-cach-mang-tu-san-anh-giua-the-ki-xvii-3330-0

Hình 3. Quang cảnh Luân Đôn thế kỉ XVII

Những biến đổi về kinh tế, xã hội làm cho mâu thuẫn trong nước thêm gay gắt.

Nhà nước phong kiến dựa vào quý tộc và Giáo hội Anh đã cản trở việc kinh doanh của tư sản và quý tộc mới (nhiều thuế mới được đặt ra, Nhà nước nắm độc quyền thương mại...). Vì vậy, bên cạnh mâu thuẫn vốn có giữa nông dân và quý tộc địa chủ, đã nảy sinh mâu thuẫn giữa tư sản và quý tộc mới với chế độ quân chủ.

Những mâu thuẫn này dẫn tới cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến chuyên chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển, thể hiện qua những cuộc xung đột giữa Quốc hội và nhà vua.

Tình hình xã hội nước Anh trước cách mạng có những nét nổi bật nào ?

II – DIỄN BIẾN CỦA CÁCH MẠNG

Cuộc cách mạng Anh diễn ra qua 2 giai đoạn chính :

1. Giai đoạn 1642 – 1648

Ở Anh, Quốc hội được thành lập vào thế kỉ XIII, nhưng từ đầu thế kỉ XVII không còn hoạt động vì sự chuyên chế của nhà vua. Tháng 4 – 1640, do cần tiền để đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Xcốt-len chống lại việc họ bị cưỡng bức theo Anh giáo), vua Sác-lơ I buộc phải triệu tập Quốc hội.

Quốc hội, gồm đa số là đại biểu quý tộc mới và tư sản, kịch liệt công kích những chính sách bạo ngược của nhà vua, không phê duyệt các khoản thuế mới và nêu ra một số yêu sách được nhân dân ủng hộ. Quốc hội cũng đòi kiểm soát quân đội, tài chính và Giáo hội.

Tuy nhà vua phải nhượng bộ một số yêu sách của Quốc hội, nhưng vẫn chuẩn bị lực lượng chống lại. Nhân dân ủng hộ Quốc hội, phản đối nhà vua.

Tháng 1 – 1642, Sác-lơ I chạy lên miền Bắc, dựa vào quý tộc phong kiến ở đây để chống lại Quốc hội. Ngày 22 – 8 – 1642, nhà vua tuyên chiến với Quốc hội. Cuộc nội chiến bắt đầu.

Ban đầu, quân đội Quốc hội bị đánh bại vì lực lượng của nhà vua được trang bị tốt và thiện chiến. Những người chỉ huy quân đội Quốc hội lại chia rẽ, một số người muốn thoả hiệp với phe Bảo hoàng, họ thiếu một đường lối chiến lược và quyết tâm chiến đấu.

Được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, Ô-li-vơ Crôm-oen đã tiến hành cải cách quân đội. Ông tổ chức một đội quân, gồm chủ yếu là nông dân, có kỉ luật, có tính chiến đấu cao, được gọi là “Đội quân sườn sắt”.

Ngày 14 – 6 – 1645, quân đội của Sác-lơ I thua trận và sau đó nhà vua bị bắt. Sau khi trốn thoát, đến mùa xuân 1648 nhà vua lại tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống Quốc hội, nhưng thất bại và bị kết án tử hình. Cuộc nội chiến kết thúc.

Cuộc Cách mạng tư sản Anh diễn ra như thế nào trong những năm 1642 1648 ?

(1) Anh giáo : Giáo hội ra đời vào thế kỉ XVI. Anh giáo dựa trên cơ sở giáo lí của đạo Kitô, nhưng về tổ chức thì tách khỏi Giáo hội Rô-ma. Người đứng đầu Anh giáo là vua Anh. Vì vậy, đã nảy sinh mâu thuẫn giữa Anh giáo (của thế lực phong kiến) với Thanh giáo (của tư sản, quý tộc mới).

2. Giai đoạn 1649 - 1688

Ngày 30 – 1 – 1649, theo nguyện vọng của nhân dân, vua Sác-lơ I bị xử tử. Quốc hội tuyên bố nền quân chủ là “không cần thiết” và nguy hiểm đối với tự do, an ninh và quyền lợi của nhân dân.

hinh-anh-bai-2-cuoc-cach-mang-tu-san-anh-giua-the-ki-xvii-3330-1

Hình 4. Sác-lơ I (1600 1649) bị xử tử

hinh-anh-bai-2-cuoc-cach-mang-tu-san-anh-giua-the-ki-xvii-3330-2

Hình 5. Ô. Crôm-oen (1599_1658)

Anh trở thành nước cộng hoà. Cách mạng đạt tới đỉnh cao, quyền hành trong nước thuộc về quý tộc mới và tư sản. Nông dân và binh lính không được hưởng quyền lợi gì nên tiếp tục đấu tranh đòi tự do và ruộng đất.

Nhân dân đấu tranh đòi mọi nam công dân đều được quyền bỏ phiếu bầu Quốc hội, được tự do tín ngưỡng và có ruộng đất. Quý tộc mới và tư sản không những không đáp ứng các yêu cầu trên mà còn tiếp tục bao chiếm đất đai, đàn áp các cuộc đấu tranh.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, quý tộc mới và tư sản Anh đưa Crôm-oen lên làm Bảo hộ công vào năm 1653. Chế độ độc tài quân sự được thiết lập.

Ngày 3 – 9 – 1658, Crôm-oen qua đời, nước Anh rơi vào tình trạng không ổn định về chính trị. Quý tộc mới và tư sản lo sợ nhân dân nổi dậy đấu tranh, nên chủ trương thoả hiệp với lực lượng phong kiến cũ, lập lại chế độ quân chủ.

Năm 1660, con Sác-lơ I được đưa lên ngôi vua, tức Sác-lơ II. Triều đại Xtiu-ớt được phục hồi, chấp nhận điều kiện phải tôn trọng những thành quả cách mạng đã đạt được.

Nhưng Sác-lơ II, sau đó là Giêm II (lên ngôi năm 1685) rắp tâm khôi phục chế độ quân chủ chuyên chế, giành lại những quyền lợi đã mất, trả thù những người cách mạng. Tháng 12 – 1688, Quốc hội dùng áp lực truất ngôi Giêm II. Sự kiện này thực chất là một cuộc đảo chính, được gọi là “cuộc cách mạng quang vinh”.

Đầu năm 1689, tư sản và quý tộc mới đưa Vin-hem Ô-ran-giơ III (1650 – 1702)(1), lên ngôi vua. Từ sau cuộc đảo chính 1688, chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập ở Anh.

Trình bày diễn biến chính và kết quả của cuộc Cách mạng tư sản Anh từ năm 1649 đến những năm 1688 – 1689.

III – TÍNH CHẤT VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG

Cuộc cách mạng Anh do tầng lớp quý tộc mới và tư sản lãnh đạo, đã lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở Anh. Quần chúng nhân dân – thợ thủ công, tư sản nhỏ, nhất là nông dân – giữ vai trò quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Nhưng quý tộc mới và tư sản nắm chính quyền không đáp ứng những quyền lợi chính đáng của nhân dân mà còn đàn áp họ. Cách mạng kết thúc bằng sự nhượng bộ của quý tộc mới và tư sản cầm quyền đối với thế lực phong kiến cũ và thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.

Đó là cuộc cách mạng tư sản không triệt để.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng này không những đã xoá bỏ chế độ quân chủ chuyên chế ở nước Anh, xác lập chủ nghĩa tư bản mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của xã hội loài người trong buổi đầu chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản.

Về thắng lợi của cách mạng Anh thế kỉ XVII, cũng như các cuộc cách mạng tư sản tiếp sau, C. Mác chỉ rõ : “Thắng lợi của giai cấp tư sản có nghĩa là thắng lợi của chế độ xã hội mới, thắng lợi của chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa đối với chế độ sở hữu phong kiến”.

Vì sao nói : Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII là cuộc cách mạng tư sản không triệt để ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những tiền đề của Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII.

2. Lập niên biểu các sự kiện chính của cuộc Cách mạng tư sản Anh.

3. Tìm hiểu đôi nét về Ô-li-vơ Crôm-oen.

(1) Vin-hem Ô-ran-giơ III là con rể Giêm II, trước khi lên ngôi vua Anh là Quốc trưởng Hà Lan.

PHẦN ĐỌC THÊM

Xã hội Anh trước cách mạng

Thời kì đó, nước Anh còn là một nước có số dân ít hơn nước Pháp (khoảng trên 5 triệu người), nhưng ngành chăn nuôi, công nghiệp và thương mại phát triển hơn nước Pháp nhiều.

... Nếu một phía là sự tồn tại của giai cấp đại địa chủ, đa số là những sủng thần được giàu có do ân huệ của triều đình, thì phía khác là một giai cấp đông đảo những người nghèo. Theo Luật đối với người nghèo thì họ phải có nghĩa vụ phục dịch. Giữa hai giai cấp cực đoan đó, còn có thêm những giai cấp trung gian, hoạt động ở nông thôn. Họ là những thành viên của quý tộc nhỏ, sống trong những trang trại của mình, những địa chủ nhỏ tự do và những nông dân tự canh (Yeomen). Ở các thành phố, đặc biệt ở Luân Đôn, có một tầng lớp tư sản là những nhà buôn, nhà sản xuất vật dụng, những người làm áo giáp, dệt dạ, sản xuất bia. Nhờ họ mà một số đông thợ thuyền, người làm công, trẻ em trông coi cửa hiệu bám vào để sống. Những tầng lớp trung gian này quan tâm đặc biệt tới những việc công cộng. Họ có xu hướng độc lập và lo lắng đến việc bảo vệ quyền lợi của mình chống lại sự chuyên chế của vương triều.

(Theo : A. Ma-lê và J. I-sa-ac, Thế kỉ XVII và XVIII,
Pa-ri, 1938, tr. 128 – 129, tiếng Pháp)

Xử tử vua Sác-lơ I

Ở giữa quảng trường đặt một bục gỗ cao, xung quanh có binh lính. Việc thi hành án tử hình bắt đầu. Nhà vua run sợ bước lên bục xử án ; vệ binh, đao phủ, linh mục theo sau. Một uỷ viên đọc bản cáo trạng, kết tội nhà vua phản bội đất nước. Sác-lơ bị bắt cúi xuống bục. Một nhát rìu giáng xuống cổ, chặt đứt đầu vua, người đao phủ giơ cao chiếc đầu tên vua chuyên chế.

(Theo : Bách khoa toàn thư Xô viết, tập 7, tr. 292, tiếng Nga)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 2: Cuộc Cách Mạng Tư Sản Anh Giữa Thế Kỉ XVII | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.