Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích) | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1


TIỂU DẪN

Hoàng Cầm (1922 – 2010) tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, quê ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Từ nhỏ, ông sống trong không khí dân ca – đặc biệt là dân ca quan họ, sớm có năng khiếu làm thơ và ngâm thơ.

Hoàng Cầm gia nhập Thanh niên cứu quốc từ năm 1944. Sau Cách mạng tháng Tám, ông hăng hái hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến (viết kịch và diễn kịch, sáng tác thơ). Ông tham gia quân đội từ năm 1947 đến năm 1955, từng làm đoàn trưởng Đoàn văn công Tổng cục chính trị và uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Hoàng Cầm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2007.

Tác phẩm chính : trước Cách mạng tháng Tám có các vở kịch thơ Hận Nam Quan (1937), Kiều Loan (1942), Lên đường (1944) ; sau Cách mạng tháng Tám có trường ca Tiếng hát quan họ (1956), kịch thơ Tiếng hát Trương Chi (1957), truyện thơ Men đá vàng (1989), các tập thơ Mưa Thuận Thành (1991), Về Kinh Bắc (1994),...

Bài Bên kia sông Đuống ra đời năm 1948. Sông Đuống còn gọi là sông Thiên Đức, là một nhánh của sông Hồng nối với sông Thái Bình, chia tỉnh Bắc Ninh ra làm hai phần : nam (hữu ngạn – "bên kia") và bắc (tả ngạn). Quê hương, gia đình Hoàng Cầm ở bờ nam sông Đuống. Khi giặc Pháp chiếm nam phần Bắc Ninh thì Hoàng Cầm đang công tác ở Việt Bắc. Một đêm giữa tháng 4 - 1948, Hoàng Cầm nghe tin giặc đánh phá quê hương mình, ông xúc động và ngay đêm ấy viết bài Bên kia sông Đuống. Bài thơ đăng lần đầu tiên trên báo Cứu quốc tháng 6 - 1948 và được phổ biến nhanh chóng từ Việt Bắc tới Khu Ba, Khu Bốn, vào miền Nam và ra tận Côn Đảo.

Bản thảo gốc của bài thơ không còn nữa. Ở đây văn bản Bên kia sông Đuống được chỉnh lí, khôi phục dựa trên sự đối chiếu nhiều văn bản khác nhau và trí nhớ của nhà thơ. Văn bản này được tác giả xác nhận là gần với bản gốc hơn cả. Vì bài thơ quá dài nên người biên soạn có lược một số đoạn.

*

1.       Em ơi buồn làm chi
          Anh đưa em về sông Đuống
          Ngày xưa cát trắng phẳng lì

          Sông Đuống trôi đi
5.       Một dòng lấp lánh
          Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì

          Xanh xanh bãi mía bờ dâu
          Ngô khoai biêng biếc
          Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
10.     Sao xót xa như rụng bàn tay

*

          Bên kia sông Đuống
          Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
          Tranh Đông Hồ(1) gà lợn nét tươi trong

(1) Tranh Đông Hồ : Đông Hồ và Bắc Hồ (tức làng Lạc Thổ) là hai thôn kề nhau bên bờ sông Đuống, nay hợp nhất gọi là Song Hồ. Đông Hồ nổi tiếng về nghề vẽ tranh dân gian ngày Tết : tranh gà lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen, tranh các anh hùng thời xưa, v.v. nét vẽ vui nhộn, hóm hỉnh, màu sắc tươi tắn, trong sáng.

          Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp(1)
15.     Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
          Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
          Ruộng ta khô
          Nhà ta cháy
          Chó ngộ(2) một đàn
20.     Lưỡi dài lê sắc máu
          Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
          Mẹ con đàn lợn âm dương(3)
          Chia lìa đôi ngả
          Đám cưới chuột(4) đang tưng bừng rộn rã
25.     Bây giờ tan tác về đâu

          Ai về bên kia sông Đuống
          Cho ta gửi tấm the đen
          Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên(5)
          Những hội hè đình đám
30.     Trên núi Thiên Thai(6)
          Trong chùa Bút Tháp(7)
          Giữa huyện Lang Tài(8)
          Gửi về may áo cho ai
          Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu

35.     Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
          Những cụ già phơ phơ tóc trắng

(1) Giấy điệp : giấy vẽ tranh của làng Hồ là loại giấy dó, dày và dai, quét điệp (một chất liệu chế tạo bằng bột vỏ điệp (giống như loài hến), hoà với chất keo, màu trắng tinh nổi cát óng ánh).

(2) Chó ngộ : chó dại.

(3) Đàn lợn âm dương : làng Hồ thường vẽ tranh lợn có xoáy âm dương xanh đỏ – tượng trưng loại lợn giống tốt, hay ăn chóng lớn. Ngày Tết, người ta treo tranh lợn âm dương để mong chăn nuôi phát đạt.

(4) Đám cưới chuột : một đề tài tranh Đông Hồ.

(5) Có bản chép : "Mấy trăm năm ước hẹn tình duyên - Tiếng trống hội làng giục giã".

(6) Núi Thiên Thai : thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

(7) Chùa Bút Tháp : thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

(8) Huyện Lang Tài : nay là huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

          Những em sột soạt quần nâu
          Bây giờ đi đâu về đâu

          Ai về bên kia sông Đuống
40.     Có nhớ từng khuôn mặt búp sen(1)
          Những cô hàng xén răng đen
          Cười như mùa thu toả nắng
          Chợ Hồ, chợ Sủi(2) người đua chen
          Bãi Trầm Chỉ(3) người giăng tơ nghẽn lối
45.     Những nàng dệt sợi
          Đi bán lụa màu
          Những người thợ nhuộm
          Đồng Tỉnh, Huê Cầu(4)
          Bây giờ đi đâu về đâu

50.     Bên kia sông Đuống
          Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
          Dăm miếng cau khô
          Mấy lọ phẩm hồng
          Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
55.     Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
          Khua giày đinh đạp gãy quán gây teo
          Xì xồ cướp bóc
          Tan phiên chợ nghèo
          Lá đa lác đác trước lều
60.     Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

(1) Khuôn mặt búp sen : hình ảnh ví von gợi trí tưởng tượng của người đọc về vẻ đẹp xinh, dịu dàng, tươi tắn và thanh quý của khuôn mặt những cô gái Bắc Ninh.

(2) Chợ Hồ, chợ Sủi : chợ Hồ thuộc xã Song Hồ, chợ Sủi cũng ở bờ nam sông Đuống, trước thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

(3) Bãi Trầm Chỉ : thuộc địa phận làng Trầm Chỉ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Làng Trầm Chỉ ở cạnh chùa Dâu, có nghề tơ tằm xe chỉ. Có bản chép : "Cổng chùa Dâu tơ hồng giăng nghẽn lối" gợi không khí vắng lặng, lạc hẳn với chủ đề đoạn thơ.

(4) Đồng Tỉnh, Huê Cầu : hai thôn liền kề (Đồng Tỉnh, Xuân Cầu tức Huế Cầu) thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, xưa thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hưng Yên, cũng ở "bên kia" sông Đuống. Đồng Tỉnh, Huế Cầu là những làng nghề nổi tiếng. Ca dao : "Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu - Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm".

          Chưa bán được một đồng
          Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
          Bước cao thấp bên bờ tre hun hút
          Có con cò trắng bay vùn vụt
65.     Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
          Mẹ ta lòng đói dạ sầu
          Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

          Bên kia sông Đuống
          Ta có đàn con thơ
70.     Ngày tranh nhau một bát cháo ngôi
          Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
          Lấy mẹt quây tròn
          Tưởng làm tổ ấm
          Trong giấc thơ ngây, tiếng súng dồn tựa sấm
75.     Ú ớ cơn mê
          Thon thót giật mình
          Bóng giặc giày vò những nét môi xinh

          Đã có đất này chép tội
          Chúng ta không biết nguội hờn
          [...]

Việt Bắc, tháng 4 - 1948

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM

1. Qua ba khổ thơ đầu (từ câu 1 đến câu 10), anh (chị) hình dung toàn cảnh "bên kia sông Đuống" nhìn từ "bên này" như thế nào ? Anh (chị) tưởng tượng như thế nào về hình ảnh sông Đuống "Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì" ? Phân tích tâm trạng nhà thơ qua hình ảnh so sánh "Sao xót xa như rụng bàn tay".

2. Từ câu 11 đến hết đoạn trích, niềm thương mến và nỗi đau đớn, xót xa của nhà thơ biểu hiện như thế nào qua những hình ảnh và giọng thơ khi nói đến những giá trị văn hoá, vẻ đẹp cổ truyền, sinh hoạt yên bình và những con người thân yêu trên quê hương bị giặc tàn phá, đày đoạ ? Niềm thương xót của nhà thơ chủ yếu hướng về những nhân vật nào ? Vì sao ? Điệp khúc "đi đâu, về đâu" gợi cho anh (chị) cảm xúc gì?

3. Bài thơ chỉ nói về một vùng quê cụ thể nhưng đã động tới tình quê hương của mọi người Việt Nam. Hãy giải thích vì sao,

4. Anh (chị) thích những câu thơ, những hình ảnh nào trong bài thơ ? Hãy phân tích nội dung và nghệ thuật của những câu thơ, những hình ảnh ấy.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích) | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

  1. Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX
  2. Nghị Luận Xã Hội Và Nghị Luận Văn Học
  3. Tuyên Ngôn Độc Lập
  4. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
  5. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  6. Bài Viết Số 1
  7. Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ Của Dân Tộc
  8. Đọc thêm: Mấy Ý Nghĩ Về Thơ (Trích)
  9. Đọc thêm: Thương Tiếc Nhà Văn Nguyên Hồng
  10. Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (Trích)
  11. Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Nghị Luận
  12. Tây Tiến
  13. Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích)
  14. Đọc thêm: Dọn Về Làng
  15. Luyện Tập Về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  16. Trả Bài Viết Số 1
  17. Việt Bắc (Trích)
  18. Đọc thêm: Bác Ơi!
  19. Tố Hữu
  20. Nghị Luận Về Một Bài Thơ, Đoạn Thơ
  21. Tiếng Hát Con Tàu
  22. Đọc thêm: Đất Nước
  23. Bài Viết Số 2
  24. Đất Nước (trích trường ca Mặt Đường Khát Vọng)
  25. Sóng
  26. Đọc thêm: Đò Lèn
  27. Luật Thơ
  28. Đàn Ghi-ta Của Lor-ca
  29. Đọc thêm: Tự Do
  30. Luyện Tập Về Luật Thơ
  31. Nghị Luận Về Một Ý Kiến Bàn Về Văn Học
  32. Con Đường Trở Thành
  33. Các Kiểu Kết Cấu Của Bài Văn Nghị Luận
  34. Trả Bài Viết Số 2
  35. Người Lái Đò Sông Đà (trích)
  36. Luyện Tập Về Cách Dùng Biện Pháp Tu Từ Ẩn Dụ
  37. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Phương Pháp Biểu Đạt Trong Bài Văn Nghị Luận
  38. Nguyễn Tuân
  39. Phong Cách Văn Học
  40. Nghị Luận Về Một Tư Tưởng, Đạo Lí
  41. Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông?
  42. Đọc thêm: Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới (Trích
  43. Bài Viết Số 3 (Nghị luận văn học)
  44. Nhìn Về Vốn Văn Hóa Dân Tộc
  45. Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  46. Nghị Luận Về Một Hiện Tượng Đời Sống
  47. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt (trích)
  48. Thông Điệp Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống AIDS, 1 - 12 - 2003
  49. Luyện Tập Nghị Luận Về Một Vấn Đề Xã Hội Trong Tác Phẩm Văn Học
  50. Tư Duy Hệ Thống - Nguồn Sức Sống Mới Của Đổi Mới Tư Duy
  51. Luyện Tập Về Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  52. Trả Bài Viết Số 3
  53. Quá Trình Văn Học
  54. Luyện Tập Về Cách Tránh Hiện Tượng Trùng Nghĩa
  55. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận
  56. Ôn Tập Về Văn Học (Học kì I)
  57. Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  58. Luyện Tập Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  59. Ôn Tập Về Tiếng Việt (Học kì I)
  60. Ôn Tập Về Làm Văn (Học kì I)
  61. Bài Viết Số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.