Nội Dung Chính
Đọc các đề văn sau và thực hành tìm hiểu đề, lập dàn ý, viết đoạn văn.
Đề 1. Bình luận đoạn thơ sau trong bài Vội vàng của Xuân Diệu :
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi ;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người !
Đề 2. Về đoạn thơ mở đầu bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay.
Đề 3. Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Gợi ý :
Đề 1
a) Tìm hiểu đề, tìm ý
Đê yêu cầu bình luận một đoạn trích trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Người viết phải đọc kĩ, nhận ra ý nghĩa và cách biểu đạt của đoạn trích để nhận định về khuynh hướng tư tưởng và giá trị của nó. Ví dụ, đây là đoạn cao trào cảm xúc của toàn bài, thể hiện mãnh liệt niềm khao khát sống, một lí tưởng sống lấy hưởng thụ cảm tính "đã đầy" để tự khẳng định mình. Đoạn thơ đầy những hành động của ý chí, tình cảm. Lời thơ trùng điệp, sôi nổi, trẻ trung, mạnh bạo. Trên cơ sở phân tích, người viết phải đưa ra nhận định của mình về giá trị đoạn trích. Trước hết, cần giới thiệu nội dung bài thơ Vội vàng, vị trí đoạn trích trong bài thơ. Tiếp theo, nhận định tính chất cảm xúc của đoạn trích, khuynh hướng tư tưởng thấm nhuần ở trong đó. Khuynh hướng tư tưởng ấy có giá trị gì trong thời đại trước Cách mạng và hiện nay ? Các biện pháp nghệ thuật được thể hiện trong đoạn trích có gì đặc biệt ? Thực hiện các yêu cầu và trả lời các câu hỏi ấy một cách có luận cứ chính là bình luận đoạn thơ.
b) Lập dàn ý
– Mở bài : Giới thiệu tổng quát bài thơ và đoạn trích. Nêu nội dung bình luận.
– Thân bài : Sắp xếp nội dung các nhận xét, đánh giá đã nêu ở mục a) Tìm hiểu đề, tìm ý theo một trật tự hợp lí.
– Kết bài : Đánh giá chung về khuynh hướng tư tưởng trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám bộc lộ qua đoạn trích.
c) Viết đoạn văn đánh giá khuynh hướng tư tưởng của đoạn thơ.
Đề 2, Đề 3
Vận dụng phương pháp tìm hiểu đề và tìm ý đã nêu ở Đề 1 để luyện kĩ năng thực hành đối với Đề 2 và Đề 3 (nêu luận điểm, nhận xét, đánh giá ; phân tích, chứng minh cho luận điểm và các nhận xét, đánh giá đó).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn