Phong Cách Văn Học | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1


1. Khái niệm

Phong cách văn học là khái niệm được dùng để chỉ tính độc đáo có ý nghĩa thẩm mĩ của một hiện tượng văn học. Cái gọi là hiện tượng văn học này bao gồm phạm vi rất rộng, từ nền văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, một trường phái tới toàn bộ sáng tác của một nhà văn, thậm chí tới những tác phẩm văn học riêng lẻ,... Chính vì vậy, ta thường bắt gặp những cách nói : phong cách văn học của một thời đại, phong cách văn học của một dân tộc, phong cách nghệ thuật của nhà văn, phong cách nghệ thuật của một tác phẩm văn học cụ thể,...

Giữa các hiện tượng văn học có phong cách nói trên luôn có mối liên hệ qua lại. Ví dụ : Phong cách văn học của thời đại chi phối một phần sự hình thành phong cách nghệ thuật của các nhà văn và ngược lại, điểm gần gũi giữa các phong cách nghệ thuật của nhiều nhà văn hoạt động sáng tạo trong cùng thời đại sẽ góp phần tạo ra phong cách văn học của chính thời đại đó. Ta cũng có thể nói tương tự về mối quan hệ đa chiều, đa dạng giữa phong cách của các hiện tượng văn học khác (như tác phẩm văn học, trào lưu văn học, văn học dân tộc,...) đã làm nên đời sống văn học.

Phong cách văn học được tạo nên nhờ sự thống nhất mang tính ổn định của tất cả các yếu tố cấu thành hiện tượng văn học với tư cách là một chỉnh thể nghệ thuật. Các yếu tố đó bao gồm hệ thống hình tượng, các phương thức biểu hiện nghệ thuật,... Phong cách văn học luôn thể hiện một cách cảm thụ, khám phá, chiếm lĩnh nghệ thuật độc đáo đời sống con người. Yêu cầu về sự thống nhất mang tính ổn định trong phong cách văn học không mâu thuẫn với yêu cầu về tính độc đáo, ngược lại, nó đảm bảo cho sự độc đáo có giá trị nhận thức và thẩm mĩ sâu sắc, bền vững, không rơi vào tình trạng tự phát, ngẫu nhiên, nhất thời.

Sự tồn tại của phong cách văn học có ý nghĩa to lớn đối với quá trình phát triển của chính văn học, đảm bảo cho quá trình ấy không phải là sự lặp lại nhàm chán những điều đã biết, mà là sự tiếp nối của những phát hiện nghệ thuật mới mẻ, giàu ý nghĩa.

Trong khái niệm phong cách văn học có bao hàm khái niệm phong cách nghệ thuật của nhà văn. Phong cách nghệ thuật của nhà văn biểu hiện tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc sống, con người, thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo và những phương thức, phương tiện thể hiện đặc thù in đậm dấu ấn cá nhân chủ thể sáng tạo. Không phải mọi nhà văn đều có phong cách nghệ thuật riêng. Người ta chỉ dùng khái niệm này để nói về những nhà văn tài năng mà các sáng tác của họ hợp thành một thể thống nhất và độc đáo, không thể trộn lẫn, chẳng hạn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên,...

Phong cách nghệ thuật của nhà văn có cội nguồn từ cá tính sáng tạo của tác giả, mà cá tính sáng tạo này lại là sự hợp thành của những yếu tố như thế giới quan, tâm lí, khí chất, cá tính sinh hoạt,... Phong cách nghệ thuật của nhà văn cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, một kiểu sáng tác,... Ví dụ : Nguyễn Bính có một phong cách thơ vừa riêng biệt của mình, vừa rất truyền thống, rất Việt Nam, lại cũng rất lãng mạn, rất "thơ mới",... Nhìn khái quát, cái riêng và cái chung quyện hoà vào nhau hết sức chặt chẽ trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn là phải nói đến sự thống nhất, lặp đi lặp lại có quy luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm, đủ để nhà văn tạo được cho mình một "chân dung tinh thần" riêng. Nhưng sự thống nhất đó không cản trở và cũng không mâu thuẫn gì với sự đa dạng, phong phú vốn cũng là bản chất của phong cách văn học. Do đòi hỏi có tính bắt buộc của hoạt động sáng tạo là phải thường xuyên đổi mới và do nhà văn phải không ngừng tiếp xúc, thể hiện cuộc sống phức tạp, đầy biến động nên phong cách nghệ thuật của nhà văn không đơn điệu mà có nhiều nét bổ sung mới mẻ theo từng thời kì sáng tác. Ngoài ra, do áp lực của phong cách thể loại mà sáng tác của nhà văn trên các thể loại khác nhau mang những nét phong cách khác nhau. Vì tất cả những điều trên, hiện tượng đa phong cách ở một nhà văn là hiện tượng không đến nỗi hiếm trong lịch sử văn học. Ví dụ : Hồ Chí Minh hết sức dân dã trong các bài vè tuyên truyền, cổ điển trong thơ chữ Hán, nhưng rất hiện đại trong truyện và kí viết bằng tiếng Pháp,...

2. Những biểu hiện của phong cách văn học

Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cái nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật đối với cuộc đời. Nhà văn Pháp Mác-xen Pruxt nói : "Đối với nhà văn cũng như đối với nhà hoạ sĩ, phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn. Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp ; bởi đó là một khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới, một cách cảm nhận, nếu không do nghệ thuật mang lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến". Phong cách của các nền văn học, thời đại văn học, tác gia văn học phân biệt với nhau đầu tiên là ở cái nhìn và cách cảm thụ đó. Do vậy, đi vào tìm hiểu một phong cách văn học, người ta không thể bỏ qua việc xác định hay nắm bắt cho được yếu tố cốt tử này. Bà Huyện Thanh Quan đã có cái nhìn và cách cảm thụ ra sao về thời đại, thế cuộc, về thời gian ? Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có cái nhìn và cách cảm thụ như thế nào đối với đời sống trần tục của con người, đối với thân phận người phụ nữ ? Có lẽ đó là những câu hỏi mà người đọc phải tìm cách trả lời nếu muốn bắt đầu khám phá phong cách nghệ thuật của hai nữ sĩ kì tài trong nền văn học Việt Nam thời trung đại.

Giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác cũng là một biểu hiện của phong cách văn học. Thơ mới 1932 - 1945 là thơ của "thời đại lãng mạn", có giọng điệu nổi bật là đau buồn, than thở ; còn thơ cách mạng 1945 - 1975 lại mang giọng điệu tin tưởng, hào hùng. Rõ là hai giọng điệu khác nhau, đã vạch ra nét đặc thù của hai thời đại khác nhau trong thi ca. Ở một cấp độ khác, chính khả năng nhập được vào giọng điệu từng tác giả cũng cho ta thêm cứ liệu đáng tin cậy để rút ra nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn : giọng nhỏ nhẹ, man mác buồn của Thạch Lam ; giọng mỉa mai chua chát, cay độc của Vũ Trọng Phụng ; giọng thiết tha, dằn vặt của Nam Cao ; giọng thương cảm thống thiết của Nguyên Hồng,

Biểu hiện quan trọng khác của phong cách văn học là nét riêng trong sự lựa chọn, xử lí đề tài ; xác định chủ đề ; xác định đối tượng miêu tả,... Những con người "dưới đáy", nạn nhân của chế độ thuộc địa nửa phong kiến là đối tượng cơ bản của sự tìm hiểu, cảm thông và miêu tả trong sáng tác của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng. Chính sự lựa chọn nghệ thuật này góp phần tạo nên phong cách riêng cho "dòng" văn học mà tác giả là Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng,... Còn việc hướng tới khắc hoạ hình ảnh những người anh hùng của thời đại cách mạng vô sản, bước ra từ bóng tối của cuộc đời cũ, "Trán cháy rực nghĩ trời đất mới", lại là điều kiện không thể thiếu để nền văn học hướng về đại chúng sau năm 1945 xác lập phong cách của mình. Tìm hiểu phong cách nghệ thuật Nguyễn Khải phải chú ý tới hứng thú của nhà văn khi tập trung soi tỏ cách ứng xử của con người trước các quan hệ giữa cái riêng và cái chung, cái thiển cận và "tầm nhìn xa", cái hữu hạn và cái vô cùng, để từ đó đề xuất những bài học về thái độ sống, cách sống. Nghiên cứu phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, không thể không nhớ tới sự miệt mài của ông trên hành trình đi tìm cái đẹp như những "hạt ngọc ẩn giấu ở bề sâu tâm hồn con người Việt Nam", cũng như những trăn trở trong việc thể hiện và lí giải vô số nghịch lí tồn tại trong đời sống,...

Một biểu hiện hết sức cơ bản nữa của phong cách văn học là tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật. Những phương diện như kết cấu, nghệ thuật miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm nhân vật, nghệ thuật huy động những biện pháp tu từ, xây dựng hệ thống hình ảnh, lối dùng từ, đặt câu,... đều cần phải được khảo sát một cách kĩ lưỡng khi phân tích phong cách văn học. Chẳng hạn, đọc thơ Tố Hữu, cần lưu ý tới sự xuất hiện dày đặc của những tiếng hô, lời chào, sự có mặt thường xuyên của những hình ảnh như "mặt trời", "con đường", "bàn chân", sự phong phú của lớp từ ngữ chính trị – xã hội,... Đọc thơ Chế Lan Viên, không thể không tìm hiểu lối kiến trúc hình ảnh tầng tầng lớp lớp, sự ưa thích thủ pháp tương phản – đối lập, sự linh hoạt, tài hoa trong cách hình tượng hoá những mệnh đề triết lí, chính trị,...

Các biểu hiện nói trên của phong cách văn học vốn không tồn tại trong thế cô lập, tách rời. Chúng thuộc nhiều cấp độ, bao hàm lẫn nhau hay tồn tại thông qua nhau. Tất cả tạo thành một nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho hiện tượng văn học một tính chỉnh thể toàn vẹn.

LUYỆN TẬP

1. Trả lời các câu hỏi :

– Phong cách văn học là gì ?

– Phong cách nghệ thuật của nhà văn là gì ?

– Phong cách văn học được biểu hiện ở những phương diện chính nào ?

2. Tìm nét chung trong phong cách thơ của những nhà thơ mới được thể hiện qua các bài : Vội vàng (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Tương tư (Nguyễn Bính), Tống biệt hành (Thâm Tâm).

3. Qua tìm hiểu truyện ngắn Hai đứa trẻ và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, hãy nêu những nhận xét bước đầu về phong cách cá nhân của hai tác giả Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng.

4. So sánh sự khác biệt giữa phong cách nghệ thuật của Tố Hữu và Chế Lan Viên qua các bài thơ Việt BắcTiếng hát con tàu.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Phong Cách Văn Học | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

  1. Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX
  2. Nghị Luận Xã Hội Và Nghị Luận Văn Học
  3. Tuyên Ngôn Độc Lập
  4. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
  5. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  6. Bài Viết Số 1
  7. Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ Của Dân Tộc
  8. Đọc thêm: Mấy Ý Nghĩ Về Thơ (Trích)
  9. Đọc thêm: Thương Tiếc Nhà Văn Nguyên Hồng
  10. Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (Trích)
  11. Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Nghị Luận
  12. Tây Tiến
  13. Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích)
  14. Đọc thêm: Dọn Về Làng
  15. Luyện Tập Về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  16. Trả Bài Viết Số 1
  17. Việt Bắc (Trích)
  18. Đọc thêm: Bác Ơi!
  19. Tố Hữu
  20. Nghị Luận Về Một Bài Thơ, Đoạn Thơ
  21. Tiếng Hát Con Tàu
  22. Đọc thêm: Đất Nước
  23. Bài Viết Số 2
  24. Đất Nước (trích trường ca Mặt Đường Khát Vọng)
  25. Sóng
  26. Đọc thêm: Đò Lèn
  27. Luật Thơ
  28. Đàn Ghi-ta Của Lor-ca
  29. Đọc thêm: Tự Do
  30. Luyện Tập Về Luật Thơ
  31. Nghị Luận Về Một Ý Kiến Bàn Về Văn Học
  32. Con Đường Trở Thành
  33. Các Kiểu Kết Cấu Của Bài Văn Nghị Luận
  34. Trả Bài Viết Số 2
  35. Người Lái Đò Sông Đà (trích)
  36. Luyện Tập Về Cách Dùng Biện Pháp Tu Từ Ẩn Dụ
  37. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Phương Pháp Biểu Đạt Trong Bài Văn Nghị Luận
  38. Nguyễn Tuân
  39. Phong Cách Văn Học
  40. Nghị Luận Về Một Tư Tưởng, Đạo Lí
  41. Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông?
  42. Đọc thêm: Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới (Trích
  43. Bài Viết Số 3 (Nghị luận văn học)
  44. Nhìn Về Vốn Văn Hóa Dân Tộc
  45. Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  46. Nghị Luận Về Một Hiện Tượng Đời Sống
  47. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt (trích)
  48. Thông Điệp Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống AIDS, 1 - 12 - 2003
  49. Luyện Tập Nghị Luận Về Một Vấn Đề Xã Hội Trong Tác Phẩm Văn Học
  50. Tư Duy Hệ Thống - Nguồn Sức Sống Mới Của Đổi Mới Tư Duy
  51. Luyện Tập Về Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  52. Trả Bài Viết Số 3
  53. Quá Trình Văn Học
  54. Luyện Tập Về Cách Tránh Hiện Tượng Trùng Nghĩa
  55. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận
  56. Ôn Tập Về Văn Học (Học kì I)
  57. Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  58. Luyện Tập Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  59. Ôn Tập Về Tiếng Việt (Học kì I)
  60. Ôn Tập Về Làm Văn (Học kì I)
  61. Bài Viết Số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.