Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở thành phố Thanh Hoá. Năm 1966, ông nhập ngũ, từng chiến đấu ở chiến trường nổi tiếng ác liệt thời kì chống đế quốc Mĩ như Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị. Trở về từ chiến trường, Nguyễn Duy học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1976, ông là biên tập viên báo Văn nghệ Giải phóng. Từ năm 1977 đến nay, ông làm việc tại báo Văn nghệ. Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2007.
Các tác phẩm chính, về thơ : Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Bụi (1997),... ; về các thể loại khác : Em – Sóng (kịch thơ, 1983), Khoảng cách (tiểu thuyết, 1986), Nhìn ra bể rộng trời cao (bút kí, 1986),...
Nguyễn Duy được biết đến trước hết như một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hướng tới cái đẹp của đời sống giản dị quanh ta, phát hiện trong thế giới quen thuộc ấy sự lắng kết của những giá trị vĩnh hằng. Những xúc cảm chân thành, những suy tư sâu sắc được diễn tả bằng một hình thức thơ vừa giàu tính cách dân gian vừa phảng phất phong vị thơ cổ điển phương Đông.
Bài Đò Lèn tiêu biểu cho vẻ đẹp của thơ Nguyễn Duy, được in trong tập Ánh trăng.
⁎
1. Thuở nhỏ tôi ra cống Na(2) câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
(1) Đò Lèn : một địa danh thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (quê ngoại Nguyễn Duy), nơi nhà thơ đã sống và đi học suốt thời thơ ấu.
(2) Cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng, đồng Quan, Ba Trại : những địa danh thuộc huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
5. Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng(1)
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
10. bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao(2) thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
15. cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
20. bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
9 - 1983
(Ánh trăng, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984)
(1) Cô đồng : người hành nghề cúng lễ, gọi hồn ở các đền, phủ, điện thờ ; quan niệm mê tín coi là người được thần linh hay người chết nhập vào nên có khả năng nói ra những điều bí ẩn.
(2) Quán Cháo, Đồng Giao : các địa danh thuộc tỉnh Ninh Bình, khu vực giáp ranh với thị xã Bỉm Sơn.
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
1. Tuổi thơ hiện lên trong kí ức của nhà thơ như thế nào ?
2. Vì sao hình tượng người bà trong bài thơ có sức ám ảnh, cuốn hút người đọc ?
3. Cách dùng từ "thập thững" trong câu thơ "Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn" có gì đặc sắc ?
4. Phân tích quá trình nhận thức của người cháu qua hai khổ thơ từ câu 13 đến câu 20.
5. Nêu cảm nhận của anh (chị) về hai hình ảnh "dòng sông", "nấm cỏ" và ý nghĩa triết lí của khổ thơ cuối bài,
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn