Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, quê gốc ở thành phố Huế. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức cách mạng, cha là Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) - nhà lí luận, phê bình văn học theo quan điểm mác xít trong giai đoạn 1930 - 1945. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm về miền Nam tham gia cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Sau năm 1975, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục hoạt động văn nghệ và công tác chính trị ở thành phố Huế quê hương, rồi làm Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam (khoá V), Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin. Từ năm 2001 đến năm 2006, ông là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2000.
Tác phẩm chính : Đất ngoại ô (tập thơ, 1972), Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986), Cõi lặng (tập thơ, 2007).
Đoạn trích dưới đây thuộc phần đầu chương V có tên Đất Nước của trường ca Mặt đường khát vọng. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng bị tạm chiếm ở miền Nam trước năm 1975. Nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân, đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, họ đứng dậy xuống đường đấu tranh hoà nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.
Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974.
*
1. Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
5. Tóc mẹ thì bới sau đầu(1)
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn(2)
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
10. Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
(1) Bới sau đầu : búi tóc thành một cuộn sau gáy, một tập tục cổ truyền của phụ nữ Việt (khác với một số dân tộc, phụ nữ búi tóc thành cuộn trên đỉnh đầu).
(2) Gừng cay muối mặn : thành ngữ, chỉ những cay đắng, gian nan đã gắn bó tình nghĩa vợ chồng (ca dao : "Tay nâng chén muối đĩa gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau").
Lễ hội Đền Hùng
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
15. Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"(2)
Thời gian đằng đẳng
Không gian mênh mông
(1) Lấy ý từ bài ca dao "Khăn thương nhớ ai - Khăn rơi xuống đất - Khăn thương nhớ ai - Khăn vắt lên vai - Khăn thương nhớ ai - Khăn chùi nước mắt...".
(2) Hai câu thơ này lấy từ một câu hò ở vùng Bình – Trị – Thiên : "Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc - Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi - Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời - Kẻo mai kia con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh" (móng : cá đớp trên mặt nước tạo thành những bong bóng).
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
20. Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
25. Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ(1)
30. Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
35. Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
40. Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
*
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước
những núi Vọng Phu(2)
(1) Giỗ Tổ : theo tục truyền, mồng 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương ; hiện nay đã được chính thức coi là ngày quốc lễ.
(2) Núi Vọng Phu : ở nhiều nơi trên đất nước ta có những tảng đá lớn hoặc núi đá trông như hình người đàn bà bồng con, thường gắn với sự tích về người vợ ngóng trông chồng.
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái(1)
45. Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên(3)
Con cóc, con gà(4) quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
50. Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang,
Bà Đen, Bà Điểm(5) Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...
55. Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
60. Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
65. Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
(1) Hòn Trống Mái : nằm trên núi Trường Lệ, thuộc địa phận thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá). Nó gồm ba khối đá thiên nhiên : khối lớn bằng phẳng ở dưới tạo thành cái bệ, hai khối chồng lên trên đối diện nhau tựa hình gà trống và gà mái. Hòn Trống Mái gắn với truyền thuyết về một mối tình chung thuỷ.
(2) Bao quanh núi Hi Cương, nơi có đền thờ các vua Hùng, có nhiều quả đồi thấp hơn. Theo truyền thuyết, đó là đàn voi chín mươi chín con quây quần thần phục.
(3) Núi Bút, non Nghiên : tên những hòn núi đẹp ở Quảng Ngãi.
(4) Con cóc, con gà : những đảo đá ở vịnh Hạ Long có hình thù trông xa như con cóc, con gà.
(5) Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm : những địa danh ở Nam Bộ.
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
70. Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi(1)
75. Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
80. Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết "yêu em từ thuở trong nôi"(2)
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội(3)
85. Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu(4)
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
90. Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.
[...]
12-1971
(Mặt đường khát vọng, NXB Văn nghệ Giải phóng, 1974)
(1) Con cúi : vật dụng bện bằng rơm để giữ lửa âm ỉ, dùng trong nhà hay mang theo ra đồng (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu có câu : "Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia").
(2) Lấy ý từ câu ca dao "Yêu em từ thuở trong nôi - Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru".
(3) Lấy ý từ câu ca dao "Cầm vàng mà lội qua sông - Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng".
(4) Lấy ý từ câu ca dao "Thù này ắt hẳn còn lâu - Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què".
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Đoạn trích gồm hai phần, anh (chị) hãy nêu ý chính của mỗi phần và sự liên kết giữa chúng.
2. Trong phần đầu, tác giả đã cảm nhận đất nước về những phương diện nào ? Vì sao có thể nói qua cách cảm nhận ấy, đất nước hiện ra vừa thiêng liêng, sâu xa, lớn lao, vừa gần gũi, thân thiết với mỗi người ? Cách định nghĩa của nhà thơ về đất nước có gì mới lạ, sâu sắc ?
3. Phần sau của đoạn trích (từ câu 43 đến hết) tập trung làm nổi bật tư tưởng : "Đất Nước của Nhân dân". Tư tưởng ấy đã quy tụ mọi cách nhìn nhận, đưa đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hoá,... của đất nước như thế nào ?
4. Trong đoạn trích có sử dụng nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian (ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, phong tục,...). Hãy nhận xét về cách sử dụng chất liệu dân gian của tác giả và nêu ý nghĩa của việc sử dụng chất liệu ấy.
5. Đoạn thơ từ câu 30 đến câu 43 gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì về sự gắn bó và trách nhiệm của mỗi người với đất nước ?
6. Nhận xét về sự kết hợp chất chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc, về việc sử dụng thể thơ tự do trong đoạn trích.
BÀI TẬP NÂNG CAO
Cảm hứng về đất nước là một cảm hứng chủ đạo trong thơ Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975. Hãy làm rõ những nét riêng trong nội dung và cách biểu hiện cảm hứng ấy trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi và đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
TRI THỨC ĐỌC - HIỂU
Cảm hứng về đất nước trong văn học Việt Nam hiện đại
Cảm hứng về đất nước, dân tộc là một trong những nguồn cảm hứng rộng lớn và lâu bền nhất của văn học Việt Nam qua mọi thời kì lịch sử. Văn học giai đoạn 1945 - 1975 đã tiếp nối mạch cảm hứng ấy và phát triển nó ngày một phong phú, sâu rộng, mang đậm tinh thần thời đại, trở thành cảm hứng bao trùm. Nhiều tác phẩm, ngay từ tên gọi đã tập trung thể hiện cảm hứng này : Đất nước đứng lên, Rừng xà nu (Nguyên Ngọc), Hòn Đất, Đất (Anh Đức), Vùng trời (Hữu Mai), Việt Bắc, Nước non ngàn dặm (Tố Hữu), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Đất ngoại ô (Nguyễn Khoa Điềm),...
Cảm hứng ấy mang đậm tính sử thi, được thể hiện trong niềm tự hào sâu xa về đất nước, về truyền thống dân tộc, về sự gắn bó cá nhân với cộng đồng. Cảm hứng về đất nước còn được thể hiện trong tình quê hương, trong sự yêu mến và gắn bó với mọi miền của Tổ quốc, những nơi nhà văn đã sống và cả những nơi mà họ chưa từng đi tới.
Cảm hứng về đất nước luôn hướng về những con người, mà trước hết là quần chúng nhân dân – những con người bình dị, vô danh "Không ai nhớ mặt, đặt tên - Nhưng họ đã làm ra Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm). "Đất Nước của Nhân dân" là một nhận thức đã thấm sâu, chi phối mạnh mẽ mọi khía cạnh và làm nên một nét đặc trưng của cảm hứng về đất nước trong văn học Việt Nam hiện đại.
Trong những năm đất nước bị chia cắt (1954 - 1975), văn học đã khơi sâu tình cảm yêu nước trong khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cảm hứng về đất nước còn gắn liền với cảm hứng về lí tưởng xã hội chủ nghĩa như một viễn cảnh tươi đẹp đang từng bước trở thành hiện thực trong cuộc sống mới ở miền Bắc, điều đó đem đến cho văn học chất lãng mạn dồi dào, tuy nhiều khi không tránh khỏi cái nhìn còn giản đơn, một chiều.
Từ sau năm 1975, cảm hứng về đất nước trong văn học gắn liền với truyền thống văn hoá của dân tộc, với khát vọng nhận thức sâu sắc, toàn vẹn về đời sống xã hội và con người trong tinh thần dân chủ hoá của thời đại.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn