1. Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
Văn nghị luận là một thể loại có truyền thống lâu đời, có giá trị và tác dụng hết sức to lớn trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Có thể kể từ Chiếu dời đô (1010) của Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ (1285) của Trần Quốc Tuấn, Đại cáo bình Ngô (1427) của Nguyễn Trãi, Tựa "Trích diễm thi tập" (1497) của Hoàng Đức Lương, Chiếu cầu hiền (1788) của Ngô Thì Nhậm đến bản điều trần Tế cấp bát điều (1867) của Nguyễn Trường Tộ, Chiếu Cần vương (1885) của vua Hàm Nghi,... Và đặc biệt từ thế kỉ XX trở đi, văn nghị luận ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng mà tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập (1945).
Có thể nói trong suốt trường kì lịch sử, văn nghị luận phản ánh rõ nhất đời sống tinh thần, tư tưởng, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc. Đó là lòng yêu nước nồng nàn trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn ; là tinh thần tự hào về một dân tộc có truyền thống lịch sử – văn hoá lâu đời, giàu tư tưởng nhân nghĩa trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi ; là ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", khát vọng hoà bình, tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong Tuyên ngôn Độc lập và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh việc phản ánh tư tưởng yêu nước, chống xâm lăng, văn nghị luận còn phản ánh tinh thần và ý chí của cha ông ta trong công cuộc dựng nước. Đó là khát vọng muốn xây dựng một quốc gia hùng cường, độc lập trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn ; là tư tưởng coi trọng người hiền tài trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do Thân Nhân Trung soạn thảo (1484) đặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đặc biệt trong Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm,...
Không chỉ nói lên tư tưởng, ý chí và khát vọng của một dân tộc, văn nghị luận còn phản ánh nhận thức thẩm mĩ và quan niệm của cha ông ta về văn chương, nghệ thuật. Có thể thấy rõ điều đó qua nhiều áng nghị luận văn học súc tích, tài hoa, uyên bác, từ những bài luận bàn về vẻ đẹp và ý nghĩa của văn chương như Tựa "Trích diễm thi tập" của Hoàng Đức Lương đến những lời bình tinh tế của Hoài Thanh về thơ mới (1932 - 1945) trong Thi nhân Việt Nam,...
Có thể nói, càng ngày văn nghị luận càng phát triển mạnh mẽ, càng trở nên đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nếu nhìn từ đề tài, ta có thể chia văn nghị luận thành hai loại lớn : nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về các vấn đề xã hội – chính trị : một tư tưởng, đạo lí ; một lối sống cao đẹp ; một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực của đời sống ; một vấn đề về thiên nhiên, môi trường,...
Nghị luận văn học là những bài văn bàn về các vấn đề văn chương thuật : phân tích, bàn luận về vẻ đẹp của tác phẩm văn học ; trao đổi về một vấn đề lí luận văn học hoặc làm sáng tỏ một nhận định văn học sử,...
Nhìn chung, cả hai loại văn nghị luận đều nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về các vấn đề chính trị, đạo đức, lối sống,... và về văn học bằng một ngôn ngữ trong sáng, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục.
2. Các dạng đề văn nghị luận
Ứng với hai loại văn nghị luận nói trên là hai loại đề nghị luận. Trong mỗi loại đề có thể chia ra các dạng nhỏ hơn để luyện tập và ứng dụng.
a) Đề nghị luận xã hội
– Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Dạng đề này thường nhân một câu danh ngôn, một nhận định, đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận và thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình. Ví dụ :
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về câu nói của nhà văn Pháp Mi-sen Ê-kem đơ Mông-te-nhơ (1533 - 1592) : "Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa".
– Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận xã hội trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đang quan tâm. Ví dụ :
Phải chăng chỉ ở các thành phố lớn môi trường mới bị ô nhiễm nặng nề ?
– Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong các tác phẩm văn học. Dạng đề này kết hợp kiểm tra được cả về năng lực đọc - hiểu tác phẩm văn học, cả về kiến thức xã hội và khả năng nghị luận với hai hình thức sau :
+ Từ một tác phẩm đã học, đề yêu cầu người viết bàn về một ý nghĩa xã hội nào đó. Ví dụ :
Nhân được học một số bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về ý chí và nghị lực của con người.
+ Cũng có thể từ một tác phẩm chưa được học, thường là câu chuyện nhỏ (truyện mi ni), đề yêu cầu bàn về ý nghĩa xã hội đặt ra trong đó. Ví dụ :
Suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện sau :
"Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi.
Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời : "Không có gì . Con chỉ để ông ấy khóc"".
(Theo Phép màu nhiệm của đời – NXB Trẻ, 2005)
b) Đề nghị luận văn học
– Nghị luận về tác phẩm văn học. Dạng đề này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ văn học (hiểu, phân tích, lí giải, bình giá) của người viết. Đối tượng cảm thụ có thể là thơ, truyện, kịch hoặc văn nghị luận ; có thể là toàn bộ tác phẩm, nhưng cũng có thể chỉ là đoạn trích. Ví dụ :
+ Sức hấp dẫn từ truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
+ Phân tích đoạn thơ sau :
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
(Tố Hữu – Từ ấy)
– Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Đối tượng bàn luận ở đây có thể là một nhận định về văn học sử, về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm ; hoặc một ý kiến về lí luận văn học. Ví dụ :
+ "Thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc". Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên ?
+ Giải thích và bình luận ý kiến sau của Xuân Diệu : "Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, nhưng thơ còn là thơ nữa".
LUYỆN TẬP
1. Hãy liệt kê tên một số bài văn nghị luận tiêu biểu cho hai loại nghị luận văn học và nghị luận xã hội đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao.
2. Từ các dạng đề nghị luận đã nêu trong bài học, hãy dẫn ra một số đề nghị luận tương tự minh hoạ cho các dạng đề đó.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn