Nội Dung Chính
1. Khái niệm
Quá trình văn học là sự tồn tại, vận động và tiến hoá của văn học vừa phụ thuộc vào quá trình lịch sử xã hội vừa tuân theo những quy luật riêng.
Trước hết, khái niệm quá trình văn học phản ánh sự vận động của văn học trong thời gian và trong không gian. Nói về thời gian, nó cho thấy văn học đã phát triển qua nhiều thời kì và giai đoạn, trong đó các thời kì lớn là cổ đại, trung đại và hiện đại, còn các giai đoạn cụ thể thì tuỳ từng nền văn học dân tộc mà có những cách phân chia khác nhau. Nói về không gian, nó cho thấy văn học đã phát triển không giống nhau và không đồng đều ở từng khu vực văn hoá, từng lãnh thổ quốc gia – dân tộc hay trên phạm vi toàn cầu.
Thứ hai, khái niệm quá trình văn học còn chỉ ra cả cấu trúc của bản thân văn học nữa. Đó là một cấu trúc phức tạp vừa bao gồm toàn thể các tác phẩm văn học, mọi hình thức lưu giữ và truyền bá văn học, mọi thành tố của đời sống văn học, lại vừa chứa đựng tất cả những mối quan hệ đa chiều giữa các bộ phận văn học và giữa văn học với các loại hình nghệ thuật, các hình thái ý thức xã hội khác. Sự đổi thay của ý thức văn học, hình thức văn học, sự biến động trong tiếp nhận văn học cũng là những bộ phận không thể tách rời của quá trình văn học, thậm chí đây là những bộ phận cơ bản nhất. Thiếu chúng, người ta khó mà hình dung được bản chất của quá trình văn học.
Khái niệm quá trình văn học có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu, phê bình, thưởng thức văn học. Đó là cơ sở của nguyên tắc đánh giá : Khi xem xét một hiện tượng văn học cụ thể, phải xác định đúng vị trí của nó trong quá trình văn học. Ví dụ : Muốn hiểu đúng đóng góp của phong trào Thơ mới, điều không thể bỏ qua là phải đặt nó trong tiến trình vận động của thơ ca Việt Nam từ cổ điển sang hiện đại để xem xét ; mặt khác cũng phải thấy rằng thơ mới là thành quả đẹp đẽ của thơ ca và của nền văn hoá dân tộc trong bối cảnh của cuộc tiếp xúc, giao lưu với nền văn minh, văn hoá phương Tây những năm đầu thế kỉ XX.
2. Các quy luật cơ bản của quá trình văn học
a) Quy luật tiếp nhận tác động của đời sống và lịch sử
Là một bộ phận của lịch sử xã hội, quá trình văn học tất yếu phải chịu sự chi phối của những yếu tố, điều kiện đã làm nên hay thúc đẩy quá trình đó. Tuy các thời kì của quá trình văn học không phải bao giờ cũng trùng khít với các thời kì của lịch sử xã hội, nhưng sự phát triển của lịch sử xã hội thường tác động trực tiếp tới đời sống văn học và sớm muộn cũng kéo nó theo sự vận động của mình. Có thể khẳng định : mọi hiện tượng của quá trình văn học đều có tiền đề trực tiếp hay gián tiếp trong đời sống văn hoá, xã hội và lịch sử. Đúng như người ta thường nói : "thời đại nào văn học ấy", không thể có thứ văn học tách rời thực tại. Những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm liên tiếp trong lịch sử Việt Nam đã quy định tính chủ lưu của dòng văn học yêu nước trong văn học dân tộc. Những điều kiện xã hội dẫn đến sự trỗi dậy của ý thức về quyền sống con người cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam giai đoạn này, với các sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,...
b) Quy luật kế thừa và cách tân
Quá trình văn học chủ yếu là quá trình của sự sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật – thẩm mĩ mới. Những thành tựu văn học có trước luôn tạo ra những điểm xuất phát thuận lợi cho những tìm tòi hướng tới các thành tựu mới và quá trình này là vô tận. Ở đây, giữa kế thừa và cách tân có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Truyện Kiều của Nguyễn Du là đỉnh cao trong nền văn học dân tộc Việt Nam. Nó có những cách tân rõ rệt ở cái nhìn nghệ thuật về con người, ở mô hình tự sự, ở thể thơ, ngôn ngữ,... Nhưng khi nói Truyện Kiều là một "tập đại thành" thì đã ngầm thừa nhận sự kế thừa tốt đẹp của Nguyễn Du đối với những di sản văn học, văn hoá quý báu của dân tộc Việt Nam và của Trung Quốc, thậm chí kế thừa cả những kinh nghiệm nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ cùng thời. Đến lượt mình, Truyện Kiều lại tạo ra một khởi điểm mới cho cả nền văn học. Bao nhiêu nhà thơ sau Nguyễn Du đã tìm thấy ở tác phẩm của ông cả một kho kinh nghiệm nghệ thuật quý báu có thể vận dụng để tiếp tục hành trình sáng tạo.
c) Quy luật giao lưu
Văn học một dân tộc không thể phát triển nếu thiếu giao lưu. Giao lưu càng rộng, văn học càng có điều kiện phát triển. Nhưng văn học một dân tộc chỉ thực sự phát triển khi giữa các yếu tố nội sinh và ngoại lai có sự tương tác tích cực, khiến các yếu tố ngoại lai không làm triệt tiêu bản sắc vốn có của nền văn học dân tộc mà ngược lại, làm cho bản sắc ấy thêm phong phú. Trong quá trình phát triển, văn học Việt Nam đã có sự giao lưu với nhiều nền văn học : văn học Trung Quốc thời trung đại, văn học Pháp từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX, văn học các nước xã hội chủ nghĩa từ sau năm 1945 và nhiều nền văn học trên thế giới trong thời điểm hiện nay. Qua quá trình giao lưu đó, văn học Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí riêng với những thành tựu đáng trân trọng và tự hào.
Nhìn chung, các quy luật nói trên tác động đến quá trình văn học không phải theo con đường thẳng băng, đơn giản. Chúng tạo thành một hệ thống, cùng phối hợp tác động, khiến cho quá trình văn học càng thêm phức tạp và phong phú.
3. Các trào lưu và trường phái văn học lớn
a) Khái niệm trào lưu văn học, trường phái văn học
Trào lưu là một hiện tượng lịch sử của quá trình văn học, thể hiện chính những nỗ lực của quá trình văn học nhằm khắc phục những mâu thuẫn nội tại để tự vượt lên chính mình, nhằm phát triển sang một giai đoạn mới hoặc hướng mới. Ta có thể hình dung các trào lưu như những đợt sóng lớn nổi lên trong quá trình văn học, bao trùm những hoạt động sáng tác sôi nổi xoay quanh một tư tưởng, một nguồn cảm hứng lớn nào đó. Khái niệm trào lưu văn học thường được dùng song song với khái niệm khuynh hướng văn học. Khái niệm khuynh hướng văn học nghiêng về phản ánh định hướng tư tưởng thẩm mĩ của một loạt "sự kiện văn học". Một trào lưu văn học có thể bao gồm hay làm nảy sinh nhiều khuynh hướng, ngược lại, một khuynh hướng văn học khi đã hình thành thì có thể tồn tại xuyên qua nhiều trào lưu khác nhau.
Trường phái văn học là khái niệm thường được dùng để chỉ một số hiện tượng đặc biệt trong quá trình văn học, mà ở đó, hoạt động sáng tạo của nhiều nhà văn diễn ra dưới ảnh hưởng của một hệ thống quan điểm thẩm mĩ và nguyên tắc sáng tạo chung. Quan điểm thẩm mĩ và nguyên tắc sáng tạo này có thể được khởi nguồn từ uy tín của một nhà văn nổi tiếng, có tác phẩm được thừa nhận như một trường học nghệ thuật lớn cho nhiều người.
Có trường hợp khái niệm trường phái văn học được hiểu giống như khái niệm trào lưu văn học. Tên các trào lưu, trường phái nhiều khi được gắn với từ chủ nghĩa.
b) Một số trào lưu, trường phái văn học lớn
Dưới đây trình bày khái quát, sơ lược về một số trào lưu, trường phái văn học lớn ở châu u đã ít nhiều có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam.
– Văn học thời Phục hưng ở châu u thế kỉ XV – XVI (tiêu biểu là văn học các nước I-ta-li-a, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,...) đề cao con người, giải phóng cá tính, chống lại các tư tưởng giáo điều, hẹp hòi thời Trung cổ (Đôn Ki-hô-tê của Xéc-van-tét ; Ham-lét, Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia,...).
– Chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỉ XVII chủ trương mô phỏng văn học cổ đại, sáng tác theo các quy tắc lí tính chặt chẽ (như tác phẩm Lơ Xít, Người nói dối của Coóc-nây ; Ăng-đrô-mác của Ra-xin ; Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang của Mô-li-e).
– Chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ XVIII – XIX chủ trương phá bỏ các giáo điều, đề cao sức tưởng tượng, xây dựng các hình tượng nghệ thuật theo mong muốn chủ quan của nhà văn (Những người khốn khổ của Huy-gô, Những tên cướp của Si-le,...).
– Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX chủ trương nhà văn là "người thư kí trung thành của thời đại", quan sát thực tế để sáng tạo những bức tranh đời sống giàu chi tiết chân thực, mỗi nhân vật là một điển hình trong hoàn cảnh điển hình (Ơ-giê-ni Grăng-đê của Ban-dắc, Chiến tranh và hoà bình của L. Tôn-xtôi,...).
– Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chủ trương miêu tả xã hội trong quá trình phát triển cách mạng, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân lao động (Người mẹ của Goóc-ki, Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khốp).
– Đa-đa, vị lai, tượng trưng, siêu thực,... là những trường phái văn học hiện đại đã đưa đến nhiều cách nhìn mới về thế giới, con người và có những cách tân quan trọng về thi pháp.
c) Sự tác động của các trào lưu, trường phái văn học thế giới vào văn học Việt Nam
Các trào lưu, trường phái văn học kể trên đã có tác động vào văn học Việt Nam, góp phần hình thành các khuynh hướng sáng tác khá đa dạng trong văn học nước ta suốt thế kỉ XX.
Trong giai đoạn 1930 - 1945, văn học Việt Nam tồn tại khuynh hướng lãng mạn với các sáng tác văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn, Nguyễn Tuân, thơ mới của Thế Lữ, Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử,... Giai đoạn này cũng có khuynh hướng hiện thực phê phán với nhiều sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng,... Tố Hữu xuất hiện như nhà thơ cách mạng có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn 1945 - 1975, văn học cách mạng Việt Nam tiếp thu phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, hướng tới biểu hiện các hình tượng quần chúng nhân dân, ngợi ca sự lãnh đạo của Đảng.
Từ sau năm 1975, văn học Việt Nam đang ở trong quá trình chuyển mình, đổi mới, mở ra nhiều hướng.
LUYỆN TẬP
1. Trả lời các câu hỏi :
– Quá trình văn học là gì ?
– Nêu các quy luật cơ bản của quá trình văn học.
– Trào lưu văn học là gì ? Trường phái văn học là gì ?
2. Hãy nêu những nét khác biệt lớn giữa văn học trung đại và văn học hiện đại Việt Nam.
3. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 đã kế thừa và cách tân những gì từ văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn