Nội Dung Chính
1. Tìm và chép lại những thuật ngữ ngôn ngữ học có trong bài Phong cách ngôn ngữ khoa học.
2. Hãy giải thích các khái niệm sau bằng câu có từ là (mẫu : X là Y) : truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết.
3. Chỉ ra những yếu tố thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học được dùng trong Bài viết số 2 của anh (chị).
4. Cho biết mỗi phần trích sau đây thuộc phong cách ngôn ngữ nào ? Vì sao ?
a) CÂY CHUỐI
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
(Nguyễn Trãi)
b) Chuối. Cây ăn quả nhiệt đới, thân ngầm, lá có bẹ to ôm lấy nhau thành một thân giả hình trụ, quả dài hơi cong, xếp thành buồng gồm nhiều nải.
(Hoàng Phê (Chủ biên) – Từ điển tiếng Việt)
c) Khu vực Hà Nội : Nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to. Gió đông – bắc cấp 3, cấp 4. Trời rét. Nhiệt độ : từ 14° đến 22°C.
(Bản tin dự báo thời tiết)
d) Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.
Gió.
Mưa.
Não nùng.
Đường vắng ngắt. Chưa đến tám giờ mà đường đã vắng ngắt.
(Nguyễn Công Hoan – Anh xẩm)
5. Đọc đoạn văn sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
Sông Đà khai sinh ở huyện Cảnh Đông tỉnh Vân Nam, lấy tên là Li Tiên (theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì tên Trung Quốc của Sông Đà lại là Bả Biên Giang) mà đi qua một vùng núi ác, rồi đến gần nửa đường thì xin nhập quốc tịch Việt Nam, trưởng thành mãi lên và đến ngã ba Trung Hà thì chan hoà vào sông Hồng. Từ biên giới Việt – Trung tới ngã ba Trung Hà là 500 cây số lượn rồng rắn, và tính toàn thân Sông Đà thì chiều dài là 883 nghìn thước mét chảy qua hai nước Việt Nam, Trung Quốc xóm giềng.
(Nguyễn Tuân – Người lái đò Sông Đà)
a) Hãy diễn đạt nội dung đoạn văn trên theo phong cách ngôn ngữ khoa học.
b) Hãy nói rõ những đặc điểm khác nhau giữa phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và phong cách ngôn ngữ khoa học qua so sánh đoạn văn của Nguyễn Tuân với đoạn văn anh (chị) vừa mới viết.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn