Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Ngày 2 - 9 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của dân tộc đang tiếp diễn gay go, quyết liệt. Người qua đời là một tổn thất vô cùng to lớn đối với cách mạng và dân tộc Việt Nam. Trong những ngày ấy, cả dân tộc ta và bè bạn quốc tế đã biểu lộ niềm tiếc thương, nỗi đau xót vô hạn trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của cách mạng và dân tộc Việt Nam.
Bài Bác ơi ! của Tố Hữu được viết trong không khí những ngày tang lễ ấy, như một tiếng khóc tiễn biệt, một "điếu văn bi hùng" bằng thơ (Xuân Diệu). Bài thơ không chỉ bộc lộ nỗi đau xót, tiếc thương của tác giả và mọi người, mà còn là sự đúc kết những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời Hồ Chí Minh.
*
1. Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...(1)
Chiều nay con chạy về thăm Bác(2)
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa !
5. Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa(3) ?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn !
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi !
10. Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười !
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài(4) !
15. Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay...
⁎
Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
20. Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
(1) Trong những ngày diễn ra lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Hà Nội và nhiều địa phương miền Bắc có mưa lớn kéo dài.
(2) Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Tố Hữu đang phải điều trị tại Bệnh viện Việt – Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị). Khi được tin, ông vội đến ngay khu nhà sàn, nơi Bác đã từng ở và làm việc.
(3) Trên cánh cửa cuối thang gác lên nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có treo một cái chuông nhỏ để báo hiệu khi khách đẩy cửa vào.
(4) Trong khu vườn cạnh nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch có trồng nhiều loại hoa và cây quen thuộc của làng quê Việt Nam như hoa nhài, hoa mộc, cây cam, cây bưởi,...
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...
25. Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
30. Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.
Bác vui như ảnh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
35. Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
40. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
*
Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu !
Ra đi, Bác dặn : "Còn non nước..."(1)
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.
(1) "Còn non nước" : lấy ý câu thơ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh :
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay !
45. Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền(1)
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên !
Nhớ đôi dép cũ(2) nặng công ơn
50. Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
6-9-1969
(Ra trận, NXB Văn học, Hà Nội, 1972)
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
1. Bài thơ có mấy phần ? Nêu nội dung chính của từng phần.
2. Nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn của tác giả và mọi người khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời được diễn tả như thế nào trong phần đầu của bài thơ ? (Chú ý các chi tiết cảnh vật thiên nhiên nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cảm nhận qua tâm trạng đau xót của tác giả).
3. Phần thứ hai của bài thơ là sự suy ngẫm khái quát về cuộc đời, con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phân tích từng khổ của đoạn thơ này (từ câu 17 đến câu 40) để thấy các phương diện nổi bật, bao trùm nhất của con người và cuộc đời Hồ Chí Minh qua sự cảm nhận của Tố Hữu.
4. Trong bài thơ, có nhiều câu đạt đến sự cô đúc, hàm súc, có sức khái quát cao, chứa đựng cả cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc về Bác Hồ. Ví dụ :
– Bác ơi, tim Bác mênh mông thể
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
– Bác sống như trời đất của ta
– Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
– Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn.
Hãy chọn bình hai câu trong các câu thơ dẫn trên đây.
5. Hình tượng Hồ Chí Minh thể hiện tập trung suy nghĩ, cảm xúc của Tố Hữu về lí tưởng và lẽ sống, niềm vui và ân tình cách mạng. Hãy chứng minh nhận xét ấy qua bài thơ Bác ơi !
(1) Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền : trong Di chúc, Hồ Chí Minh có viết : "[...] phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin..." (Người Hiền : người tài trí và đức độ).
(2) Hằng ngày, Bác Hồ thường đi đôi dép cao su cũ.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn