Nội Dung Chính
1. Đọc hai văn bản sau, chỉ ra luận điểm và các thao tác lập luận được sử dụng trong đó :
HẠNH PHÚC VÀ TIỀN BẠC
"Liệu bạn có hạnh phúc hơn nếu bạn giàu có hơn ? Nhiều người tin rằng "có". Nhưng các nghiên cứu trong nhiều năm qua chỉ ra rằng người có tiền bạc dồi dào hơn chỉ hạnh phúc hơn rất ít so với người có thu nhập thấp, thậm chí chưa chắc đã hạnh phúc hơn.
Tính trung bình, dân Mĩ giàu hơn dân Niu Di-lân nhưng họ không hạnh phúc hơn. Người dân ở những nước giàu có như Áo, Pháp và Đức dường như cũng chẳng hạnh phúc hơn là bao so với những người dân ở các nước nghèo hơn như Bra-xin, Cô-lôm-bi-a và Phi-líp-pin.
Tuy nhiên, so sánh giữa các nước có nền văn hoá khác nhau thì rất khó. Song nếu so sánh các mức thu nhập ở cùng một nước trong các thời điểm khác nhau thì cũng cho thấy tăng thu nhập không làm thay đổi đáng kể hạnh phúc của con người (trừ mức thu nhập quá thấp). Ngày nay, dân Mĩ giàu có hơn so với năm mươi năm trước nhưng họ không hạnh phúc hơn. Một gia đình Mĩ thu nhập trung bình vào khoảng 50000 – 90000 USD/năm có mức hạnh phúc gần giống với những gia đình Mĩ khá giả, thu nhập hơn 90000 USD/năm. Theo khảo sát mới đây của tờ Nam Phương cuối tuần (Quảng Châu, Trung Quốc), những triệu phú ở Trung Quốc (có mức tài sản trung bình là 2,2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 275 triệu USD) vẫn cảm thấy bất an và lo lắng mặc dù họ có vị thế xã hội và được hưởng cảm giác thoả mãn mà tài sản của họ mang lại.
Giáo sư Đa-ni-ơn Ka-nơ-men ở Trường Đại học Prin-xơ-tơn (Mĩ) – chủ nhân giải Nô-ben Kinh tế 2002 – và các nhà nghiên cứu khác đã thử đo tình trạng hạnh phúc chủ quan của con người bằng cách hỏi về trạng thái của họ những lúc nghỉ ngơi trong ngày. Kết quả nghiên cứu đưa ra trên tờ Science (Khoa học) số ra ngày 30 - 06 - 2006 khẳng định rằng có rất ít sự tương quan giữa thu nhập và hạnh phúc. Ka-nơ-men và các cộng sự còn phát hiện ra rằng những người có thu nhập cao hơn thường dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động gắn với những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng và stress. Thay vì dành nhiều thời gian hơn để giải trí, họ thường phải dành nhiều thời gian hơn để làm việc. Họ thường xuyên ở những trạng thái như thù địch, giận dữ, lo lắng và căng thẳng.
Tất nhiên, ý tưởng tiền bạc không mua được hạnh phúc thì "xưa như Trái Đất" rồi. Nhiều tôn giáo cũng khuyên con người rằng sự gắn bó với những sở hữu vật chất khiến chúng ta không hạnh phúc. Ban nhạc Bít-tơn cũng nhắc nhở chúng ta là tiền không thể mua được tình yêu ("money can't buy me love") và những điều tốt đẹp nhất trên đời lại không mất tiền mua ("The best things in life are free"). Chính A-đam Smít đã miêu tả các thú vui tưởng tượng của giàu có chỉ như là "một sự lừa gạt".
Tuy nhiên, dường như có gì đó rất mâu thuẫn về điều này. Nếu tiền bạc không mang lại hạnh phúc thì tại sao tất cả chính phủ các nước lại tập trung vào việc tăng thu nhập quốc dân theo đầu người ? Tại sao rất nhiều người trong chúng ta lại phải gắng sức để kiếm nhiều tiền hơn nếu tiền bạc không làm chúng ta hạnh phúc hơn ?
Có lẽ câu trả lời nằm ở bản chất của chúng ta là con người luôn sống có mục đích. Chúng ta phải làm việc để kiếm ăn, tìm bạn đời và nuôi dạy con. Tích luỹ tiền đến một mức nào đó để mang lại một sự bảo đảm cho những thời kì khó khăn. Tiền cũng là một cách thức đo độ thành công của chúng ta. Và tiền là một mục tiêu cần cầu viện đến khi chúng ta chán làm bất cứ việc gì và không thể nghĩ ra lí do nào khác để làm việc. Kiếm tiền khiến chúng ta phải làm gì đó để cảm thấy mình có ích, khi chúng ta không biết rõ tại sao chúng ta đang làm việc".
(Theo Thương Vũ, tuoitreonline, 13 - 5 - 2007)
TRIẾT LÍ NHÂN NGHĨA CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
"Triết lí nhân sinh của Nguyễn Đình Chiểu lấy nhân nghĩa làm gốc, dường như nó tóm tắt trong tám câu này :
Đạo trời nào phải ở đâu xa ?
Gọi tấm lòng người có giải ra.
Mến nghĩa sao đành làm phản nước,
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.
Xưa nay đều chọn đường trung hiếu,
Sách vở còn ghi lẽ chánh tà.
Năm phẩm(1) rừng Nho săn sóc lấy,
Ấy là đạo vị ở lòng ta.
Có người bẻ : nhân nghĩa, thì xưa nay, nhà nho nào, ông quan nào, ông vua nào lại không nói đến ? Vậy nếu nói rằng nhân nghĩa là đặc điểm của tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu thì cũng như không nói gì hết, cũng như nói rằng tư tưởng cụ chẳng có gì đặc sắc.
Thực ra, không phải như vậy. Chịu khó suy nghĩ về nội dung khái niệm "nhân nghĩa" của Nguyễn Đình Chiểu, ta sẽ thấy rằng nhân nghĩa của cụ khác xa nhân nghĩa của hầu hết nhà nho đương thời và trước đó.
Xét kĩ Lục Vân Tiên, chủ yếu không phải là chuyện trung, hiếu, tiết, hạnh, mà chủ yếu là chuyện nhân nghĩa, còn trung, hiếu, tiết, hạnh ở đây lại phụ thuộc vào nhân nghĩa, làm sáng thêm nhân nghĩa : nhân nghĩa của Vân Tiên, Nguyệt Nga ; nhân nghĩa của Tử Trực, Hớn Minh, Tiểu đồng ; nhân nghĩa của các ông Quán, ông Tiều, ông Chài, bà Sư,... Vân Tiên vì nghĩa mà đánh Phong Lai ; Nguyệt Nga chính là cũng vì nghĩa mà một lòng thờ bức tượng ; Hớn Minh dám bẻ giò con quan huyện nhưng sụp lạy ông Tiều đã cứu bạn mình ; "Mặc dầu bữa đói bữa no", ông Tiều không nhận hai lạng bạc đền ơn ; Tiểu đồng bị Trịnh Hâm
(1) Năm phẩm (tức ngũ thường) : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
trói vào gốc cây rừng, khóc la, nhưng nghĩ đến Vân Tiên bơ vơ hơn là nghĩ đến mình sắp bị cọp xé :
Phận mình còn mất chẳng than,
Thương thay họ Lục suối vàng bơ vơ.
Xiết bao những nỗi dật dờ,
Bể sông nào biết, bụi bờ nào hay.
Vân Tiên hồn có thiêng thay,
Đem tôi theo với đỡ tay chân cùng.
Toàn là nhân nghĩa có ý thức, có suy nghĩ, mà không tính toán thiệt hơn. Chính vì vậy mà nó cao quý. Càng cao quý, vì đó là nhân nghĩa của những người dân thường, và nhân nghĩa với những người thường dân. Tình bạn thiêng liêng, tính chất keo sơn của sự kết nghĩa là một điểm quan trọng trong đạo đức mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi. Chúng ta lại đặc biệt chú ý đến điều này : trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, kẻ bất nhân, phi nghĩa đều bị công luận, pháp luật và lương tâm trừng trị gắt gao, xứng đáng ; không có nhân nghĩa với kẻ bất nhân phi nghĩa. Như vậy, nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu rất là dứt khoát [...].
Có thể khẳng định rằng, trừ phi phát hiện những văn kiện mới, thì từ sau Nguyễn Trãi cho đến trước Nguyễn Đình Chiểu chưa có ai chủ trương một thứ nhân nghĩa tiến bộ và nhất quán như nhà thơ mù đất Lục tỉnh. Nhân nghĩa của cụ như sợi tơ điều xuyên qua văn chương, xử thế, tính tình ; đó là nhân nghĩa của dân trước hết. Nhân nghĩa cho người nghèo khó trước hết, cho người bị lép trong xã hội phong kiến đang suy vong".
(Theo Trần Văn Giàu –
Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu)
2. Chọn một trong các ý kiến sau đây làm chủ đề, vận dụng kết hợp các thao tác lập luận để viết đoạn văn hoàn chỉnh.
a) "Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau" (Ta-go).
b) Người sống ở đời không thể thiếu bạn.
c) Tình cảm ruột thịt giữa cha mẹ và con cái là tình cảm chân thành nhất, thiêng liêng nhất. Nó không có lịch sử, không có biên giới, là cái tình chung của loài người.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn