Nội Dung Chính
Ngoài những yêu cầu chung như đã nêu ở tiết Trả bài viết số 1, với bài này, học sinh cần chú ý thêm một số điểm sau.
1. Phân tích đề : Cùng là nghị luận văn học, nhưng khác với đề văn ở Bài viết số 2 (nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ), Bài viết số 3 tập trung vào dạng bài nghị luận về một nhận định, một ý kiến bàn về văn học. Nếu như đề văn ở Bài viết số 2 kiểm tra năng lực cảm thụ, phân tích thơ, thì đề văn của Bài viết số 3 kiểm tra những hiểu biết chung về tác phẩm văn học, lịch sử văn học hoặc lí luận văn học thông qua một nhận định hay một ý kiến nào đó. Vì thế, người viết cần xác định được đề nêu lên một nhận định văn học sử hay một ý kiến về lí luận văn học. Liên hệ với các đề văn nêu ở Bài viết số 3 để thấy rõ hơn đặc điểm và yêu cầu của dạng đề này.
2. Những kiến thức và kĩ năng cần chú ý
– Về kiến thức, Đề 1 và Đề 3 liên quan đến các đặc điểm của văn học Việt Nam sau Cách mạng, vì thế cần nắm vững bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX. Đề 2 nêu lên ý kiến về đặc điểm của thơ. Đề 4 nêu lên đặc điểm của con đường thơ Tố Hữu. Về kiến thức tác phẩm, hai đề bàn về thơ liên quan đến các tác phẩm thơ đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một ; đối với hai đề về lịch sử văn học, ngoài các tác phẩm thơ như trên cần huy động cả tác phẩm văn xuôi và văn nghị luận (kể cả các tác phẩm đọc thêm).
– Về kĩ năng, bên cạnh các kĩ năng làm văn như phân tích đề, lập dàn ý, diễn đạt,... cần chú ý kĩ năng phân tích và làm sáng tỏ một nhận định, một ý kiến bàn về văn học. Vì thế cần vận dụng tốt các thao tác lập luận đã học ở lớp dưới như giải thích, chứng minh, phân tích, bác bỏ, bình luận,... để viết bài văn.
3. Xem xét và đối chiếu kết quả
– Xem xét và đối chiếu Bài viết số 3 của anh (chị) với yêu cầu của đề văn về kiến thức và kĩ năng đã nêu để tự đánh giá được chất lượng của bài viết.
– Đối chiếu với các bài viết trước để thấy được những lỗi nào đã được khắc phục và những lỗi vẫn còn mắc phải.
– Suy nghĩ để đề ra hướng sửa chữa, khắc phục những lỗi còn mắc phải.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn