Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Pôn Ê-luy-a (Paul Éluard, 1895 - 1952), nhà thơ Pháp sinh ở Xanh Đơ-ni, phía bắc thủ đô Pa-ri. Vì sức khoẻ yếu, ông phải bỏ dở công việc học tập ở Pa-ri để sang Thụy Sĩ chữa bệnh dài ngày. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Ê-luy-a tham gia trào lưu chủ nghĩa siêu thực vừa mới hình thành. Sau năm 1930, ông đứng về phía các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới mới, đồng thời tách dần ra khỏi những mặt hạn chế của trào lưu siêu thực như tính chất xa rời thực tại và chủ nghĩa chủ quan. Năm 1936, Ê-luy-a phát biểu tại Tây Ban Nha : "Đã đến lúc tất cả các nhà thơ có quyền và bổn phận khẳng định mình gắn bó sâu sắc với đời sống của những người khác, với đời sống cộng đồng". Bước chuyển biến về tư tưởng và nghệ thuật của ông càng rõ nét hơn trong Chiến tranh thế giới thứ hai ; ông tham gia kháng chiến cùng nhân dân Pháp chống phát xít Đức xâm lăng ; ông vào Đảng Cộng sản Pháp (1942). Tuy nhiên, thơ Ê-luy-a với nội dung mới, vẫn giữ lại một số đặc trưng nghệ thuật của chủ nghĩa siêu thực dựa trên quan niệm cho rằng trong tư duy không có sự phân cách giữa những phạm trù tưởng chừng đối lập hoặc khác biệt nhau như cái sống và cái chết, cái hiện thực và cái tưởng tượng, cái quá khứ và cái tương lai, cái cao và cái thấp,...
Ê-luy-a sáng tác rất nhiều thơ, xuất bản rải rác từ năm 1914 đến năm 1951 như các tập Thơ (1914), Quyển sách để mở (2 tập : 1940, 1941), v.v. Bài thơ Tự do rút trong tập Thơ ca và chân lí, 1942 (1942), đúng thời gian quân phát xít Đức đang giày xéo nước Pháp. Trong những ngày tháng ấy, bài thơ in hàng vạn bản, được máy bay rải xuống khắp nơi để động viên nhân dân Pháp chống quân thù. Tự do là một trong những kiệt tác của thơ ca Pháp. Toàn bài gồm 21 khổ thơ, không kể dòng thơ cuối cùng chỉ là chữ TỰ DO (viết hoa). Nguyên bản bài thơ không có vần, không có các loại dấu chấm câu, trừ dấu chấm hết ở cuối bài ; mỗi khổ thơ có bốn câu, ba câu đầu là thơ bảy âm tiết, câu thứ tư (điệp khúc) chỉ còn bốn âm tiết. Dưới đây là bản dịch bài thơ đã lược bớt một số khổ.
⁎
Bản dịch thơ :
1. Trên những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Tôi viết tên em
5. Trên những trang sách đã đọc
Trên những trang trắng chưa dùng
Đủ màu giấy hoặc tro tàn
Tôi viết tên em
Trên hình ảnh rực vàng son
10. Trên gươm đao người lính chiến
Trên mũ áo các vua quan
Tôi viết tên em
Trên sa mạc trên rừng hoang
Trên tổ chim trên hoa trái
15. Trên thời thơ ấu âm vang
Tôi viết tên em
Trên điều huyền diệu đêm đêm
Trên khoanh bánh trắng hằng ngày
Trên các mùa cùng gắn bó
20. Tôi viết tên em
Trên những mảnh trời trong xanh
Trên ao mặt trời ẩm mốc
Trên hồ vầng trăng lung linh
Tôi viết tên em
25. Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông
Trên đại dương trên tàu thuyền
Trên vùng núi non điên dại
Tôi viết tên em
Trên áng mây trôi bềnh bồng
30. Trên nhễ nhại cơn bão dông
Trên hạt mưa rào nhạt thếch
Tôi viết tên em
Trên cây đèn vừa thắp sáng
Trên cây đèn đang lụi dần
35. Trên cả họ hàng quây quần
Tôi viết tên em
Trên nơi trú ẩn tan hoang
Trên ngọn hải đăng đổ nát
Trên mấy bức tường ngao ngán
40. Tôi viết tên em
Trên sức khoẻ được phục hồi
Trên hiểm nguy đã tan biến
Trên hi vọng chẳng vấn vương
Tôi viết tên em
45. Và bằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em
TỰ DO.
PHÙNG VĂN TỬU dịch
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
1. Đọc đoạn trích bài thơ, tìm nét chung của các khổ thơ, từ đó rút ra tứ thơ bao trùm toàn bài và chủ đề của bài thơ.
2. Theo dõi đoạn trích, tập trung vào các từ "trên" với nghĩa quen dùng để chỉ nơi chốn, rồi chọn ra và bình luận một số ý thơ dễ hiểu (viết... trên những vật cụ thể hữu hình) và một số ý thơ khó hiểu hơn (viết... trên những cái trừu tượng, vô hình).
3. Vẫn tập trung vào các từ "trên", hãy lựa chọn và bình luận một số ý thơ, nếu ta hình dung thi sĩ xoá nhoà ranh giới hai phạm trù không gian và thời gian, dùng từ "trên" theo nghĩa "khi" (đang làm cái gì đấy).
4. Căn cứ vào hoàn cảnh ra đời của bài thơ, hãy bình luận tình cảm tha thiết của thi sĩ với tự do, nếu ta quan niệm chủ thể "tôi" trong bài thơ trữ tình đồng nhất với tác giả (chú ý các điệp khúc và sự lặp lại từ "tự do" ở cuối bài).
5. Lựa chọn rồi bình luận một số ý thơ, nếu ta hình dung chủ thể trữ tình "tôi" ở mỗi khổ thơ không nhất thiết là thi sĩ mà có thể là những người khác nhau, và động từ "viết" không chỉ hiểu theo nghĩa đen.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn