Nội Dung Chính
1. Đọc, đánh dấu những câu mang ý chính trong bài Khoảnh khắc truyện ngắn dưới đây của Bùi Hiển và viết thành bản tóm tắt khoảng 20 dòng.
"Tôi không quan tâm lắm đến những tranh cãi đại loại : truyện ngắn cần có tình tiết (hiểu theo nghĩa cốt truyện, diễn biến sự việc phản ánh sự vận động của hiện thực) hay không cần có tình tiết. Có cốt truyện rành mạch thì thường dễ đọc, dễ theo dõi, ý nghĩa rõ, dễ nhớ. Nhưng rõ ràng là có những truyện ngắn kiểu khác hẳn, chỉ nói lên một tâm trạng, tâm tình, ít sự việc, càng không có "sự cố" nhưng vẫn vang vọng vào tâm hồn người đọc rất lâu, bởi vì, như ai từng nói, cái toả ra từ sự vật thường có tính biểu hiện và gợi cảm hơn bản thân sự vật ; ấn tượng lưu lại trong trí nhớ ta, không phải bản thân câu chuyện mà là cái không khí, cái âm hưởng, cái trạng thái tâm hồn, cái sắc thái tư tưởng bàng bạc suốt trong tác phẩm. Như vậy chẳng đáng quý hay sao ?
Mặt khác, cuộc tranh luận về vấn đề dung lượng thể loại đáng làm ta chú ý hơn. Truyện ngắn, phải chăng là một truyện dài "dồn nén" lại, như có người lập luận. Chắc hẳn không phải. Tôi đồng tình với cách định nghĩa : truyện ngắn là "một đoạn trong cả bài thơ dài vô tận của số phận nhân loại", là "một chương rút ra trong truyện dài".
Vấn đề đặt ra với người viết là lựa chọn thật xác đáng và "đắc địa" cái đoạn, cái chương, cái khoảnh khắc ấy.
Hãy nhớ lại Ngựa người và người ngựa của Nguyễn Công Hoan. Hai số phận, hai cuộc đời nghèo khổ và bi thảm ở dưới đáy xã hội cũ, mỗi cuộc đời vốn dĩ có thể là đề tài cho cả một thiên tiểu thuyết : bác kéo xe và cô gái giang hồ. Khoảnh khắc được chọn ở đây là sự gặp gỡ tình cờ giữa hai người trong thời khắc cuối năm trước giao thừa, họ tưởng có thể nương tựa vào nhau kiếm thêm chút tiền nuôi sống. Không ngờ cái vận khốn đeo đuổi họ đến cùng, họ dằn vặt nhau tí chút rồi, thêm một lần nữa, ngậm ngùi chấp nhận số phận – lần này càng lên đến cực độ tải cực và bi đát, như một dấu ấn đen in hằn trên trán họ, suốt cả cuộc đời của họ.
Lại nhớ đến Đôi mắt Nam Cao. Thời điểm câu chuyện là thời kì đầu chống Pháp. Nhân vật nhà văn Hoàng sơ tán khỏi Hà Nội, bước đầu tiếp xúc với nông thôn. Qua mấy lời hầu như độc thoại nhận xét về người nông dân, về thời cuộc, qua một cảnh sinh hoạt gia đình phơi bày lộ liễu tất cả bản chất của một kiểu người tiểu tư sản thiểu kiến, cố chấp, bảo thủ, vị kỉ và cơ hội. Khoảnh khắc được chọn đã phát lộ mọi khía cạnh tư tưởng của anh ta. Đối với anh ta, cứ như không hề có cách mạng, không hề có những chuyển biến lớn lao đầy ý nghĩa trong đời sống xã hội cũng như ý thức con người. Quá khứ vẫn đè nặng lên nhận thức trì trệ của cái con người cũng gọi là trí thức ấy. Thế thì cũng chẳng hề có triển vọng mở đến tương lai. Dường như tác giả đã linh cảm bước rẽ ngang không tốt đẹp gì và hầu như không thể tránh khỏi của nhân vật (và của cả nguyên mẫu).
Khoảnh khắc, đúng vậy, phải là cái "khoảnh khắc cốt yếu", khi nhân vật, đặt trong một hoàn cảnh nhất định, tất phải bộc lộ tính cách chủ yếu của mình, cái tính cách chi phối cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử, đường đi nước bước và số phận của đời mình.
Điều này giả định tác giả phải "thuộc" nhân vật của mình biết chừng nào ! Cứ như tác giả vốn quen biết anh ta từ lâu, sống kề cạnh, lặng lẽ quan sát, nhận xét ức đoán, và khi xảy ra cái sự kiện đột xuất khiến nhân vật bộc lộ rõ rệt nhất nhân cách mình (xảy trong thực tế hoặc trong tưởng tượng sáng tạo của người nghệ sĩ), tác giả mới cầm bút ghi lại, chỉ một sự kiện ấy thôi, nhưng nó là hệ quả tất yếu của một quá trình, quá trình này được hiểu ngầm trong truyện hoặc chỉ được gợi lên bằng đôi nét chấm phá.
Nói cho đúng, đã cầm bút ít nhiều, người viết thường sẵn có ý thức lựa chọn thời điểm, khoảnh khắc thích hợp cho truyện. Vấn đề nảy sinh thường ở khâu thể hiện. Và ở đây, nổi bật lên sự cần thiết về vốn sống phong phú nhiều mặt, cũng như về nhãn quan bén nhạy, tư tưởng chủ đạo vững vàng để hướng dẫn sự lựa chọn, nhằm làm cho sự kiện duy nhất được miêu tả ấy vừa mang tính hợp lí của sự việc, cái hợp lí đôi khi rất nội tại, kín đáo đến có vẻ như đột ngột, vừa có ý nghĩa rõ ràng, cô đọng, khám phá".
(Trích Công việc viết văn,
Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, Hà Nội, 1985)
2. Tóm tắt bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng của Nguyễn Đăng Mạnh thành văn bản khoảng 20 dòng.
Gợi ý : Bài văn có tám đoạn. Tìm ý chính của mỗi đoạn và tóm tắt từng đoạn, nối lại thành văn bản tóm tắt toàn bài. Chú ý tìm từ chìa khoá của mỗi đoạn. (Ví dụ, đoạn 1 : chủ đề tác phẩm của Nguyên Hồng ; đoạn 2 : tình cảm thống thiết và niềm tin mãnh liệt ; đoạn 3 : ca ngợi lao động ; đoạn 4 : một tâm hồn đầy ánh sáng ; đoạn 5 : lí tưởng cách mạng ; đoạn 6 : vị trí không thay thế được ; đoạn 7 : cái chết đột ngột của Nguyên Hồng ; đoạn 8 : con người dễ xúc động).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn