Tiếng Hát Con Tàu | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1


TIỂU DẪN

Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê gốc ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ và nhiều năm thời thanh niên ông sống cùng gia đình ở Bình Định nên đây được coi là quê hương thứ hai của nhà thơ. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông dạy trường tư, làm báo ở Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Tập thơ đầu – Điêu tàn – xuất bản lúc tác giả mới mười bảy tuổi đã đưa Chế Lan Viên vào trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.

hinh-anh-tieng-hat-con-tau-2804-0

Chế Lan Viên tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 ở Quy Nhơn, rồi trong kháng chiến chống thực dân Pháp hoạt động văn nghệ ở Liên khu Bốn và có những chuyến đi vào chiến trường Bình – Trị – Thiên. Sau năm 1954, ông ra Hà Nội tiếp tục hoạt động văn học, nhiều năm ở trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Chế Lan Viên từng là đại biểu Quốc hội nhiều khoá và nhiều lần có mặt tại những diễn đàn quốc tế về văn hoá, văn học. Sau năm 1975, ông vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục sáng tác cho tới lúc qua đời. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm chính : các tập thơ Điêu tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Hải theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Di cảo thơ (tập I – 1992, tập II – 1993, tập III – 1996) ; tiểu luận, phê bình : Nói chuyện văn thơ (1960), Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971),... ; tuỳ bút – bút kí : Vàng sao (1942), Những ngày nổi giận (1966), Giờ của số thành (1977),...

Con đường thơ của Chế Lan Viên trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ. Thơ Chế Lan Viên có phong cách rõ nét và độc đáo, nổi bật nhất là chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của thế giới hình ảnh.

Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa, tập thơ đánh dấu bước trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên con đường thơ cách mạng và là một trong những thành tựu xuất sắc của nền thơ Việt Nam từ sau năm 1945. Tập thơ thể hiện hành trình tư tưởng và tâm hồn của người nghệ sĩ đi "từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui", "từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người" (Pôn Ê-luy-a(1)).

Tiếng hát con tàu được gợi cảm hứng từ một sự kiện kinh tế – xã hội là cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên tham gia xây dựng Tây Bắc vào những năm 1958 - 1960 ở miền Bắc. Nhưng không dừng lại ở đó, bài thơ là khúc hát về lòng biết ơn, tình yêu, sự gắn bó với nhân dân, đất nước của một tâm hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình ở đời sống nhân dân và đất nước.

                                               Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc
                                               Khi lòng ta đã hoá những con tàu
                                               Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
                                               Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

1.       Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng ?
          Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
          Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
          Ngoài cửa ô ? Tàu đói những vành trăng.

(1) Pôn Ê-luy-a (Paul Éluard, 1895 - 1952) : nhà thơ Pháp.

5.       Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
          Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi ?
          Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
          Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

          Trên Tây Bắc ! Ôi mười năm Tây Bắc
10.     Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
          Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
          Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân.

          Ơi kháng chiến(1) ! Mười năm qua như ngọn lửa
          Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường.
15.     Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
          Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

          Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
          Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
          Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
20.     Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

          Con nhớ anh con, người anh du kích
          Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
          Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
          Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.

25.     Con nhớ em con, thằng em liên lạc
          Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
          Sáng bản Na chiều em qua bản Bắc(2)
          Mười năm tròn ! Chưa mất một phong thư.

(1) Kháng chiến : chỉ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

(2) Câu thơ này có bản in là : "Sáng bản Nam, chiều em qua bản Bắc". Ở đây, những địa danh chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, không phải là địa danh xác thực.

          Con nhớ mế(1) ! Lửa hồng soi tóc bạc
30.     Năm con đau, mê thức một mùa dài.
          Con với mế không phải hòn máu cắt
          Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

          Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
          Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương ?
35.     Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
          Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn !

          Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
          Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng(2),
          Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
40.     Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

          Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
          Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng,
          Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
          Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.

45.     Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi ?
          Tình em đang mong tình mẹ đang chờ,
          Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
          Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.

          Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
50.     Mùa nhân dân giăng lúa chín vì vào
          Rẽ người mà đi vịn tay mà đến
          Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao.

(1) Mế : từ gọi mẹ trong một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cũng dùng để gọi một cách thân mật và kính trọng những người phụ nữ cao tuổi.

(2) Cánh kiến hoa vàng : loài cây thân gỗ, là cây chủ cho loài cánh kiến kí sinh, vào mùa xuân nở hoa vàng lộng lẫy. Còn có cách hiểu khác : tổ cánh kiến do loài côn trùng này tiết ra, có màu đỏ thẫm, khi tổ cánh kiến nổi các chấm hoa vàng là lúc có thể thu hoạch được.

          Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
          Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ,
55.     Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa(1),
          Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.

          Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
          Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng.
          Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
60.     Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

(Ánh sáng và phù sa, NXB Văn học, Hà Nội, 1960)

(1) "Thật vàng chẳng phải thau đâu - Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng" (ca dao) ; vàng trong câu thơ này là biểu tượng để chỉ tâm hồn thơ.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Anh (chị) hiểu như thế nào về ý nghĩa của hình tượng con tàu và địa danh Tây Bắc trong bài thơ ? Giải thích nhan đề bài thơ và bốn câu thơ đề từ.

2. Bài thơ có bố cục ba phần. Hãy chỉ rõ từng phần và khái quát nội dung của mỗi phần. Bố cục như trên thể hiện sự vận động của tâm trạng chủ thể trữ tình như thế nào ?

3. Tác giả diễn tả niềm hạnh phúc được về với nhân dân bằng một loạt hình ảnh so sánh trong khổ thơ từ câu 17 đến câu 20. Phân tích cách so sánh và ý nghĩa của những hình ảnh so sánh ấy trong khổ thơ trên.

4. Kỉ niệm về nhân dân trong kháng chiến được tái hiện qua hình ảnh những con người cụ thể nào ? Sự gắn bó và lòng biết ơn sâu nặng với nhân dân được thể hiện như thế nào ? Nhận xét về bút pháp sáng tạo hình ảnh nhân dân của tác giả.

5. Nêu cách hiểu và cảm nhận của anh (chị) về khổ thơ từ câu 37 đến câu 40. Trong mạch hồi tưởng về nhân dân, vì sao tác giả lại xen vào những câu thơ về tình yêu ?

6. Nhận xét về sự biến đổi nhịp điệu, giọng điệu và hình ảnh trong phần cuối bài thơ (từ câu 45 đến hết bài).

7. Một nét đặc sắc của thơ Chế Lan Viên là sự suy tưởng, triết lí. Từ những trải nghiệm, gắn bó với nhân dân và đất nước trong kháng chiến, tác giả đã chiêm nghiệm, khái quát về chân lí đời sống trong những câu thơ nào ? Phân tích và bình luận những câu thơ ấy.

BÀI TẬP NÂNG CAO

Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu.

TRI THỨC ĐỌC - HIỂU

Vẻ đẹp trí tuệ trong thơ

Mặc dù nguồn gốc và bản chất của thơ là ở tình cảm, ở những rung động tâm hồn, nhưng thơ cũng không hề đối lập với tư tưởng và trí tuệ.

Trong một số phong cách thơ, trí tuệ không chỉ tham gia vào sự sáng tạo nghệ thuật như một sức mạnh nổi trội mà còn tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng của thơ. Đó là những cây bút coi trọng vai trò nhận thức của thơ. Họ quan niệm : "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh" (Chế Lan Viên). Họ có thể huy động vào công việc sáng tạo nghệ thuật nhiều thao tác của tư duy như phân tích, so sánh, khái quát, suy luận, liên tưởng,... Ở khuynh hướng này, nếu thế giới nghệ thuật thơ có bớt đi cái tươi non, sống động, gợi cảm trực tiếp, thì bù lại, nó được làm giàu bằng những phát hiện sâu sắc về chân lí đời sống và đem đến cho người đọc những "khoái cảm trí tuệ". Tất nhiên, trí tuệ trong thơ phải gắn liền với tình cảm, cảm xúc.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Tiếng Hát Con Tàu | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 28 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 4.0 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

  1. Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX
  2. Nghị Luận Xã Hội Và Nghị Luận Văn Học
  3. Tuyên Ngôn Độc Lập
  4. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
  5. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  6. Bài Viết Số 1
  7. Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ Của Dân Tộc
  8. Đọc thêm: Mấy Ý Nghĩ Về Thơ (Trích)
  9. Đọc thêm: Thương Tiếc Nhà Văn Nguyên Hồng
  10. Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (Trích)
  11. Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Nghị Luận
  12. Tây Tiến
  13. Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích)
  14. Đọc thêm: Dọn Về Làng
  15. Luyện Tập Về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  16. Trả Bài Viết Số 1
  17. Việt Bắc (Trích)
  18. Đọc thêm: Bác Ơi!
  19. Tố Hữu
  20. Nghị Luận Về Một Bài Thơ, Đoạn Thơ
  21. Tiếng Hát Con Tàu
  22. Đọc thêm: Đất Nước
  23. Bài Viết Số 2
  24. Đất Nước (trích trường ca Mặt Đường Khát Vọng)
  25. Sóng
  26. Đọc thêm: Đò Lèn
  27. Luật Thơ
  28. Đàn Ghi-ta Của Lor-ca
  29. Đọc thêm: Tự Do
  30. Luyện Tập Về Luật Thơ
  31. Nghị Luận Về Một Ý Kiến Bàn Về Văn Học
  32. Con Đường Trở Thành
  33. Các Kiểu Kết Cấu Của Bài Văn Nghị Luận
  34. Trả Bài Viết Số 2
  35. Người Lái Đò Sông Đà (trích)
  36. Luyện Tập Về Cách Dùng Biện Pháp Tu Từ Ẩn Dụ
  37. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Phương Pháp Biểu Đạt Trong Bài Văn Nghị Luận
  38. Nguyễn Tuân
  39. Phong Cách Văn Học
  40. Nghị Luận Về Một Tư Tưởng, Đạo Lí
  41. Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông?
  42. Đọc thêm: Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới (Trích
  43. Bài Viết Số 3 (Nghị luận văn học)
  44. Nhìn Về Vốn Văn Hóa Dân Tộc
  45. Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  46. Nghị Luận Về Một Hiện Tượng Đời Sống
  47. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt (trích)
  48. Thông Điệp Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống AIDS, 1 - 12 - 2003
  49. Luyện Tập Nghị Luận Về Một Vấn Đề Xã Hội Trong Tác Phẩm Văn Học
  50. Tư Duy Hệ Thống - Nguồn Sức Sống Mới Của Đổi Mới Tư Duy
  51. Luyện Tập Về Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  52. Trả Bài Viết Số 3
  53. Quá Trình Văn Học
  54. Luyện Tập Về Cách Tránh Hiện Tượng Trùng Nghĩa
  55. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận
  56. Ôn Tập Về Văn Học (Học kì I)
  57. Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  58. Luyện Tập Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  59. Ôn Tập Về Tiếng Việt (Học kì I)
  60. Ôn Tập Về Làm Văn (Học kì I)
  61. Bài Viết Số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.