I – CUỘC ĐỜI
1. Tiểu sử
Nguyễn Tuân (1910 - 1987) quê ở làng Nhân Mục (thường gọi là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn.
Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khoá phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt Nam (1929). Sau đó ít lâu, ông lại bị tù vì "xê dịch" qua biên giới không có giấy phép(1). Ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm ba mươi của thế kỉ XX, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm có phong cách độc đáo : Một chuyến đi, Vang bóng một thời,...
Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa vì giao du với những người hoạt động chính trị.
(1) Vượt biên giới Đông Dương sang Thái Lan.
Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ năm 1948 đến năm 1958, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông mất năm 1987 tại Hà Nội.
Nguyễn Tuân để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa. Ông là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hoá lớn. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.
2. Con người
Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước của ông có những nét riêng : gắn bó với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà,... ; những nhạc điệu hoặc đài các của thể ca trù(1), hoặc dân dã mà thiết tha của giọng hò Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Bộ,... ; những phong cảnh đẹp của quê hương đất nước, những thú chơi tao nhã như uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp, đánh thơ, thả thơ,... ; những món ăn truyền thống thể hiện khẩu vị tinh tế của người Việt,...
Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân(2) phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình. Ông ham du lịch, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là "chủ nghĩa xê dịch". Lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa (tuy không hoạt động cách mạng mà hai lần bị tù).
Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa, uyên bác. Ngoài văn chương, ông còn am hiểu nhiều ngành văn hoá, nhiều môn nghệ thuật khác như hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, v.v. Ông là một diễn viên kịch nói có tài và là một trong những diễn viên điện ảnh đầu tiên ở nước ta(3). Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành văn hoá, nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật ngôn từ.
Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã quan niệm nghề văn là một cái gì
(1) Ca trù : còn gọi là hát ả đào.
(2) Ý thức cá nhân : ý thức về sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trên đời và khát vọng muốn khẳng định sự tồn tại đó.
(3) Cuối năm 1937, Nguyễn Tuân được tuyển vào một đoàn diễn viên đi Hương Cảng đóng cuốn phim Việt Nam đầu tiên (Cánh đồng ma).
đối lập với tính vụ lợi kiểu con buôn(1), và ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đấy không thể có cái đẹp(2). Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí "khổ hạnh"(3) và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỉ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy.
II – SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
1. Quá trình sáng tác và các đề tài chính
Nguyễn Tuân không phải là nhà văn thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay. Ông đã thử bút qua nhiều thể loại : thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Nhưng mãi đến đầu năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với các tác phẩm Một chuyến đi (1941), Vang bóng một thời (1940), Thiếu quê hương (1943), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), v.v.
Tác phẩm của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám chủ yếu xoay quanh ba đề tài : "chủ nghĩa xê dịch", vẻ đẹp "vang bóng một thời" và đời sống truỵ lạc.
"Chủ nghĩa xê dịch" vốn là một lí thuyết vay mượn của phương Tây, chủ trương đi không mục đích, chỉ cốt luôn luôn thay đổi chỗ để tìm cảm giác mới lạ, thoát li mọi trách nhiệm với gia đình và xã hội. Nguyễn Tuân đã tìm đến lí thuyết này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về "chủ nghĩa xê dịch", Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và hương vị của đất nước mà ông đã ghi lại được bằng một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa.
Không tin tưởng ở hiện tại và tương lai, Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp của quá khứ còn "vang bóng một thời". Ấy là thời phong kiến đã qua nhưng dư âm còn vang vọng lại. Ông chủ yếu không viết về trật tự xã hội, về tư tưởng, đạo đức cũ, mà thiên về mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã, những cách ứng xử giữa người với người đầy nghi lễ nhịp nhàng,... Tất cả được thể hiện thông qua những con người thuộc lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí, tuy đã thất thế, thua cuộc nhưng không chịu làm lành với xã hội thực dân (trong số này cũng có người có khí phách ngang tàng như Huấn Cao trong Chữ người tử tù chẳng hạn).
(1) Phát biểu trong truyện Nhà Nguyễn (tập Nguyễn, 1945).
(2) Phát biểu trong truyện Hai tấm vé số (báo Thanh nghị, 1944).
(3) Phát biểu trong bài tuỳ bút Những đứa con hoang (tập Giai phẩm, 1943).
Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống truỵ lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật "tôi" hoang mang bế tắc, tìm cách thoát li trong đàn hát, trong rượu và thuốc phiện. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục, niềm khát khao một thế giới tinh khiết, thanh cao được nâng đỡ trên đôi cánh của nghệ thuật (Chiếc lư đồng mắt cua).
Vào những năm cuối cùng của chế độ thuộc địa Pháp (1943 - 1945), trong tâm trạng hoang mang, bế tắc đến cực độ, Nguyễn Tuân còn tìm đến một đề tài mà ông gọi là "yêu ngôn", viết về thế giới hoang đường, ma quỷ theo kiểu Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Những tác phẩm này, tuy thế, vẫn chứa đựng ít nhiều tinh thần dân tộc và yếu tố "thiên lương" của Nguyễn Tuân.
Lòng yêu nước và thái độ bất mãn với xã hội thực dân đã đưa Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến. Từ năm 1945 đến năm 1975, ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân trong chiến đấu và lao động.
Cũng như đặc điểm chung của nền văn học mới, hình tượng chính của tác phẩm Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám là nhân dân lao động và người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang. Nhưng dưới ngòi bút của ông, những nhân vật ấy không phải chỉ là những công dân dũng cảm mà còn là những con người tài hoa nghệ sĩ được mô tả trong khung cảnh cũng phù hợp với tính cách tài hoa nghệ sĩ ấy. Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Tuân đã đem đến cho người đọc niềm tự hào của một dân tộc không chỉ có chính nghĩa và khí phách anh hùng, mà còn có tư thế sang trọng và đẹp của những con người sinh ra trên một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến.
Về mặt thể loại sáng tác, sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân chủ yếu vẫn viết kí. Tác phẩm chính của ông gồm : tập tuỳ bút Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Kí (1976), Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988).
2. Phong cách nghệ thuật
Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.
Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong một chữ ngông. Ngông là phản ứng tiêu cực nhưng kiêu ngạo đối với xã hội. Người "chơi ngông" muốn dựa vào tài hoa, sự lịch lãm(1) và nhân cách hơn đời để đặt mình lên trên thiên hạ. Thái độ "ngông"(2) của Nguyễn Tuân có màu sắc riêng : vừa kế thừa truyền thống "ngông" của các nhà nho tài hoa bất đắc chí như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà,... vừa tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của văn hoá phương Tây hiện đại. Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ sự độc đáo, tài hoa và uyên bác, mỗi nhân vật dù thuộc loại người nào cũng đều phải là những nghệ sĩ xuất chúng trong nghề nghiệp của mình. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn, cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật.
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân quan niệm văn minh cơ khí hiện đại và xã hội đồng tiền giết chết cái đẹp. Ông đi tìm cái đẹp mà ông tưởng chỉ có ở thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là "vang bóng một thời". Thế giới nhân vật mà ông ưa thích hầu hết đều là những con người thuộc về cái thời "vang bóng" ấy, nếu họ còn sống trong hiện tại thì cũng bơ vơ, lạc lõng như những kẻ "sinh lầm thế kỉ". Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân không đối lập xưa với nay, cổ với kim mà tìm thấy sự gắn bó giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông phát hiện chất tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở những nhân vật phi thường, mà ở cả những người dân bình thường nhất : lái đò, lái xe, dân quân, bộ đội, v.v. Văn Nguyễn Tuân bao giờ cũng vậy, vừa đĩnh đạc, cổ kính, vừa trẻ trung, hiện đại.
Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch" chẳng qua là luôn luôn thèm khát những cảm giác mới lạ. Đấy là "một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát" (Tóc chị Hoài). Ông không thích cái gì bằng phẳng, nhợt nhạt, khuôn phép yên ổn. Ông là nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, của núi cao, rừng thiêng, của thác ghềnh dữ dội,...
(1) Lịch lãm : từng trải và hiểu biết nhiều.
(2) Thái độ ngông của Nguyễn Tuân một mặt là sự tiếp nối cái tinh thần mà Nguyễn Công Trứ gọi là "ngất ngưởng" (Bài ca ngất ngưởng) của một loạt nhà nho tài hoa bất đắc chí cuối thời trung đại ở Việt Nam ; mặt khác là sự tiếp thu ảnh hưởng của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa rất phát triển trong triết học và văn học phương Tây hiện đại cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Không phải ai cũng có thể "chơi ngông" được trong văn chương. Điều kiện chủ quan của người "chơi ngông" như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Tuân là phải rất mực tài hoa, uyên bác và có nhân cách.
Nguyễn Tuân cũng là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi sông, cây cỏ trên đất nước mình. Phong cách tự do phóng túng và ý thức cá nhân sâu sắc đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tuỳ bút như một điều tất yếu – một thể loại hầu như không có phép tắc, quy phạm gì chặt chẽ, nhân vật chủ chốt là cái tôi của chính người cầm bút. Ông gọi thế là lối văn "độc tấu". Đây là một đóng góp của ông về mặt thể loại đối với lịch sử văn học. Tất cả sự hấp dẫn của thể tuỳ bút, xét đến cùng, phụ thuộc ở chỗ cái tôi của người viết có thực sự độc đáo, phong phú và tài hoa hay không. Điều ấy nói rằng không phải ai cũng có thể trở thành nhà tuỳ bút lớn như Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ông có một kho từ vựng phong phú, một khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, lại có nhạc điệu trầm bổng và như Nguyễn Tuân thường nói, biết co duỗi nhịp nhàng...
*
Có người nói, Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Nhưng Nguyễn Tuân, xét từ bản chất, không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Tài phải đi với tâm. Ấy là "thiên lương" trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục. Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách ấy nữa.
Văn Nguyễn Tuân, tuy thế, không phải ai cũng ưa thích – một lối văn kén chọn độc giả. Vả lại, một số bài viết của ông cũng có nhược điểm : mạch văn quá phóng túng theo lối tuỳ hứng, khó theo dõi ; nhiều đoạn ham phô bày kiến thức và tư liệu khiến người đọc cảm thấy nặng nề,...
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Hãy tóm lược những ý chính mà anh (chị) cho là quan trọng nhất của phần I (Cuộc đời) và phần II (Sự nghiệp văn học) của bài học.
2. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của Nguyễn Tuân có nét gì riêng biệt ?
3. Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có những đặc điểm gì ? Anh (chị) hiểu thế nào là "thái độ ngông" trong văn học, biểu hiện cụ thể của nó ra sao ? Để có thể "chơi ngông" trong văn chương, về mặt chủ quan, nhà văn phải có những điều kiện gì ?
4. Thể loại tuỳ bút có đặc điểm gì ? Vì sao Nguyễn Tuân gọi tuỳ bút là "chơi lối độc tấu" ? Vì sao người ta cho rằng thể loại này rất phù hợp với phong cách Nguyễn Tuân ?
5. Trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có mặt thống nhất và có mặt biến đổi như thế nào ?
BÀI TẬP NÂNG CAO
Vì sao người ta từng đặt cho Nguyễn Tuân danh hiệu "Người suốt đời đi tìm cái đẹp" ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn