Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Trần Đình Hượu (1926 - 1995) quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh. Sau khi tốt nghiệp hệ dự bị Đại học kháng chiến, ông dạy học ở Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An). Từ năm 1959 đến năm 1963, ông tu nghiệp tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp. Từ năm 1963 đến năm 1993, ông dạy học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phó Giáo sư Trần Đình Hượu được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1985, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000.
Trần Đình Hượu là chuyên gia nghiên cứu triết học, lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam trung cận đại. Tác phẩm tiêu biểu của ông gồm : Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930 (Chủ biên, 1988), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Đến hiện đại từ truyền thống (1996)....
(*) Tên bài do người biên soạn đặt.
Nhìn về vốn văn hoá dân tộc được trích từ phần II tiểu luận Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc (in trong Đến hiện đại từ truyền thống). Số thứ tự trong bài được hiệu chỉnh trên cơ sở số thứ tự ở nguyên bản.
*
1. Trong lúc chờ đợi kết luận khoa học của các ngành chuyên môn, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét về vài ba mặt của cái vốn văn hoá dân tộc ; không phải cái hình thành vào thời kì định hình mà là cái ổn định dần, tồn tại cho đến trước thời cận – hiện đại. Chúng tôi không nghĩ đó là đặc sắc văn hoá dân tộc nhưng chắc chắn có liên quan gần gũi với nó. [...]
2. Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Ở một số dân tộc hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, một ngành khoa học, một nền âm nhạc, hội hoạ,... phát triển rất cao, ảnh hưởng phổ biến và lâu dài đến toàn bộ văn hoá, thành đặc sắc văn hoá của dân tộc đó, thành thiên hướng văn hoá của dân tộc đó. Ở ta, thần thoại không phong phú – hay là có nhưng một thời gian nào đó đã mất hứng thú lưu truyền ? Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Người Việt Nam không có tâm lí kiền thành(1), cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả khoa học(2) nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ(3). Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có. Xã hội có trọng văn chương, nhưng [...] bản thân các nhà thơ cũng không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thơ ca. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hoá nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hoá.
Thực tế đó cho ta biết khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích, nhưng hơn thế, còn cho ta biết sự hạn chế của trình độ sản xuất, của đời sống xã hội. Đó là văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị. [...]
(1) Kiền thành : cung kính, thành khẩn.
(2) Giả khoa học : các bộ môn có bề ngoài giống như khoa học nhưng thực ra không phải là khoa học. Còn gọi là ngụy khoa học (tiếng Anh : pseudoscience).
(3) Tuyệt kĩ : khéo léo đến cực điểm, ở đây có thể hiểu là đỉnh cao tuyệt đối.
3. Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế(1) trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh hồn, ma quỷ, thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình. Tuy là coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết (sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường(2), không mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. [...] Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo quốc hộ dân và Bụt hay cứu giúp mọi người ; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ(3), cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.
Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng(4). Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải.
Không có công trình kiến trúc nào, kể cả của vua chúa, nhằm vào sự vĩnh viễn. Hình như ta coi trọng Thế hơn Lực, quý sự kín đáo hơn sự phô trương, sự hoà đồng hơn rạch ròi trắng đen. Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc ?
(1) Hiện thế : đời nay, đời hiện tại.
(2) Yên phận thủ thường : giữ yên phận mình, không đi ra ngoài cái đã biết, đã có.
(3) Dị kỉ : khác với mình.
(4) Phải khoảng : vừa phải.
Nhìn vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người Việt Nam sống có văn hoá, người Việt Nam có nền văn hoá của mình. Những cái thô dã(1), những cái hung bạo đã bị xoá bỏ để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hoà. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn.
Những cái vừa nói là cái đã lắng đọng, đã ổn định, chắc chắn là kết quả của sự dung hợp của cái vốn có, của văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo, cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản sắc của mình. Phật giáo, Nho giáo tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc. Có điều, để thích ứng với cái vốn có, Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt. Đạo giáo hình như không có nhiều ảnh hưởng trong văn hoá nhưng tư tưởng Lão – Trang thì lại ảnh hưởng nhiều đến lớp trí thức cao cấp, để lại dấu vết khá rõ trong văn học.
Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hoá những giá trị văn hoá bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh.
(Đến hiện đại từ truyền thống,
NXB Văn hoá, Hà Nội, 1996)
(1) Thô dã : không tinh khéo, thuần thục ; ở đây dùng để chỉ phần hoang dã mang tính chất tự nhiên chưa được cải tạo, tồn tại trong từng con người và trong cuộc sống.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Đoạn trích nêu lên vấn đề gì ? Xác định thái độ chính của tác giả khi bàn về vấn đề đó.
2. Tìm những dẫn chứng cụ thể trong đời sống và trong văn học để làm sáng tỏ nhận định sau đây về một số đặc điểm của văn hoá Việt Nam : "Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải".
3. Kết luận quan trọng nhất của tác giả về tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là gì ? Nêu suy nghĩ của anh (chị) về kết luận đó.
4. Hệ thống lập luận của tác giả đã gợi mở được điều gì về phương pháp tìm hiểu đặc sắc văn hoá Việt Nam?
BÀI TẬP NÂNG CAO
Trong bối cảnh thời đại ngày nay, việc tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc có những ý nghĩa thiết thực gì ?
TRI THỨC ĐỌC - HIỂU
Vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc trong thời đại hội nhập
Trong xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống hiện nay, bản sắc văn hoá dân tộc trở thành một vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bởi vì, giao lưu, hội nhập một mặt là cơ hội lớn để một dân tộc có điều kiện tiếp thu các giá trị của nhiều nền văn hoá trên thế giới ; mặt khác, cũng là dịp để dân tộc đó nhìn lại mình, soát xét lại toàn bộ "vốn liếng" của mình, nhằm xây dựng một chiến lược bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc phù hợp với xu thế thời đại. Không hiểu biết thấu đáo bản sắc văn hoá dân tộc sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất các giá trị truyền thống quý báu, thiếu phương hướng tiếp nhận các giá trị văn hoá nhân loại để tự đổi mới mình, làm phong phú thêm bản sắc của mình, "góp mặt" cùng văn hoá năm châu.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn