Nội Dung Chính
I – NỘI DUNG ÔN TẬP
Phần Văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, gồm các bài về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, văn bản nhật dụng và lí luận văn học, trong đó văn học Việt Nam là trọng tâm.
1. Văn học Việt Nam
a) Bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX
– Thời kì văn học từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX gồm mấy giai đoạn ? Nêu hoàn cảnh xã hội – lịch sử của mỗi giai đoạn.
– Nêu lên, miêu tả và giải thích nguyên nhân ba đặc điểm cơ bản của giai đoạn văn học 1945 - 1975.
Hãy nêu những thành tựu cơ bản của văn học giai đoạn 1945 - 1975 về các mặt : tác động đối với cuộc kháng chiến ; những đóng góp về tư tưởng ; những thành tựu nghệ thuật về các thể loại. (Thành tựu nổi trội nhất về thể loại của cả giai đoạn 1945 - 1975. Từ năm 1960, về tiểu thuyết có hiện tượng gì đặc biệt ? Từ năm 1965 đến 1975, về thơ có sự kiện gì đáng chú ý ?).
– Nêu những hạn chế của văn học giai đoạn 1945 - 1975.
– Những thành tựu đổi mới quan trọng của văn học giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX : về ý thức nghệ thuật của các cây bút, về thể loại văn học.
– Nêu những hạn chế của văn học giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.
b) Xác định đối tượng (Viết cho ai ?) và mục đích (Viết để làm gì ?) của bản Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh), từ đó phân tích, đánh giá hệ thống lập luận chặt chẽ và tính chiến đấu cao của bản Tuyên ngôn.
c) Phê bình văn học cũng là một dạng nghị luận nhưng khác với nghị luận xã hội, nghị luận về một tư tưởng, đạo lí ở chỗ nào ? Phân tích những điểm thống nhất và khác biệt về nội dung, nghệ thuật của hai tác phẩm : Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng (Nguyễn Đăng Mạnh).
d) Hãy phân tích những điểm thống nhất và khác biệt về thể loại, về tư tưởng và phong cách nghệ thuật của các bài kí : Người lái đò Sông Đà (Trích – Nguyễn Tuân), Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (Trích Những năm tháng không thể nào quên – Võ Nguyên Giáp), Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (Trích – Hoàng Phủ Ngọc Tường).
đ) Phân tích, tìm những đặc sắc riêng của từng bài thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một : Tây Tiến (Quang Dũng), Bên kia sông Đuống (Trích – Hoàng Cầm), Việt Bắc và Bác ơi ! (Tố Hữu), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Dọn về làng (Nông Quốc Chấn), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Đất Nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh), Đò Lèn (Nguyễn Duy), Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo).
Anh (chị) thích bài thơ, đoạn thơ nào nhất ? Vì sao ?
e) Phân tích diễn biến của mâu thuẫn kịch và ý nghĩa của mâu thuẫn này trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
g) Tóm tắt những ý chính về cuộc đời, con người, sự nghiệp, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của các tác gia : Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân.
2. Văn học nước ngoài
a) Nêu đặc điểm của thể loại chân dung văn học. Tác giả Xvai-gơ đã có cách diễn tả và thuật kể như thế nào để đối lập giữa thân phận vô cùng bất hạnh với sự nghiệp văn học vĩ đại của Đô-xtôi-ép-xki ?
b) Hãy chỉ ra nét độc đáo của bài thơ Tự do (Trích –Pôn Ê-luy-a).
3. Văn bản nhật dụng
Anh (chị) hiểu thế nào là văn bản nhật dụng ? Hãy phân tích ý nghĩa cấp thiết đối với đời sống của các bài : Nhìn về vốn văn hoá dân tộc (Trích Đến hiện đại từ truyền thống – Trần Đình Hượu), Con đường trở thành "kẻ sĩ hiện đại" (Trích Bàn về đạo Nho – Nguyễn Khắc Viện), Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 - 12 - 2003 (Cô-phi An-nan), Tư duy hệ thống – nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy (Trích Một góc nhìn của trí thức – Phan Đình Diệu).
4. Lí luận văn học
a) Hãy vận dụng những hiểu biết về khái niệm phong cách văn học vào việc phân tích những nét độc đáo trong cái nhìn đối với đời sống, cách xây dựng hình tượng, nghệ thuật trần thuật, giọng điệu và ngôn ngữ tác giả qua các tác phẩm : Việt Bắc (Trích – Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Sóng (Xuân Quỳnh), Đò Lèn (Nguyễn Duy), Người lái đò Sông Đà (Trích - Nguyễn Tuân), Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (Trích – Hoàng Phủ Ngọc Tường).
b) Hãy vận dụng những hiểu biết về khái niệm quá trình văn học để phân tích giai đoạn văn học từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1975 về các mặt : quy luật tiếp nhận tác động của đời sống và lịch sử ; quy luật kế thừa và cách tân ; quy luật giao lưu với văn học nước ngoài.
II – PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP
Đọc kĩ ở nhà các bài của phần Văn học và các phần Tri thức đọc - hiểu, chuẩn bị trả lời các câu hỏi (soạn đề cương), đến lớp thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn