Nội Dung Chính
I – VỀ SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, tiếng Việt đã trở thành một công cụ giao tiếp có khả năng diễn đạt một cách chính xác và tinh tế mọi tư tưởng, tình cảm, mọi lĩnh vực kiến thức trong hoạt động và đời sống con người, sáng tạo những tác phẩm khoa học, tư tưởng và văn học bất hủ.
Được như thế là nhờ tiếng Việt có một hệ thống gồm những quy tắc chung về phát âm, viết chữ, dùng từ, đặt câu, về cấu tạo văn bản, về sử dụng các biện pháp tu từ. Những quy tắc ấy làm thành nền tảng cho các chuẩn mực diễn đạt, đảm bảo cho tiếng Việt một phẩm chất trong sáng. Nếu không tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ấy, viết và nói tuỳ tiện, chẳng hạn, một số ví dụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như "no cơm áo", "cười thênh thênh"(1) thì không ai hiểu được và như thế là thiếu trong sáng.
Sự trong sáng của tiếng nói không chỉ thể hiện ở các quy tắc bền vững và những chuẩn mực xác định của ngôn ngữ dân tộc mà còn được thể hiện sinh động qua thực tiễn sử dụng, đó là "tiếng nói của quần chúng nhân dân, đầy tình cảm, hình ảnh màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa, đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học, văn nghệ mà những nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v. những nhà văn, nhà thơ hiện nay [...] đã nâng lên đến trình độ cao về nghệ thuật, khiến cho nó trở nên trong sáng,
(1) Bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, trong sách Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 246 - 247.
đẹp đẽ lạ thường"(1). Thật vậy, là một thứ tiếng đơn tiết tính, giàu thanh điệu, vẫn điệu, nhiều âm thanh có sức gợi tả, vốn từ vựng phong phú, nhiều cách nói đa dạng, tiếng Việt có khả năng biểu đạt rất linh hoạt và đẹp đẽ.
Như thế phẩm chất trong sáng của tiếng Việt không tách rời với tính chất giàu đẹp của nó. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng nói : "Quan niệm trong sáng cũng như quan niệm về dân tộc, không phải là một cái gì tuyệt đối cố định. [...] Có sự trong sáng quay lại sau, lấy cha ông làm mẫu mực tuyệt đối, nhưng cũng có sự trong sáng nhìn ra trước, mở đường đi cho con cháu mai sau. Có sự trong sáng dân tộc hẹp hòi, chỉ biết mình say mê ngắm nghía lấy dân tộc mình, nhưng cũng có sự trong sáng đặt dân tộc mình là một bộ phận của nhân loại. Có trong sáng động và trong sáng tĩnh, trong sáng giàu và trong sáng nghèo"(2).
Sự trong sáng không mâu thuẫn với việc tiếp thu một số từ vựng, cách nói của tiếng nước ngoài, không mâu thuẫn với việc các nhà văn và nhân dân không ngừng tạo ra những cách nói mới để làm giàu cho tiếng nói dân tộc.
Nhưng sự trong sáng không chấp nhận sự pha tạp, lai căng, như việc lạm dụng từ ngữ tiếng nước ngoài. Những từ tiếng Việt có mà không dùng, lại vay mượn tuỳ tiện tiếng nước ngoài thì đó là lạm dụng. Sự trong sáng của tiếng Việt cũng không chấp nhận những cách nói thiếu văn hoá, thiếu lịch sự trong giao tiếp.
Chính vì vậy, yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được đặt ra như một nội dung quan trọng của chính sách ngôn ngữ. Sử sách cho biết năm 1374, vua Trần Duệ Tông xuống chiếu cho quân dân không được bắt chước tiếng nói của dân tộc khác. Chủ trì biên soạn Dư địa chí (năm 1435), một công trình khoa học lớn của thời đại nhà Lê, Nguyễn Trãi nhấn mạnh : người nước ta không được bắt chước ngôn ngữ và y phục nước ngoài để làm loạn ngôn ngữ và y phục nước nhà. Kế thừa và phát triển tư tưởng của ông cha, suốt từ những năm ba mươi của thế kỉ XX đến nay, Đảng và Nhà nước ta mà tiêu biểu là những nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng có sự quan tâm thường xuyên và sâu sắc đối với vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong thời kì hiện nay, tiếng Việt đang phát triển rất mạnh mẽ, với vị thế ngày càng được nâng cao, chức năng xã hội ngày càng rộng lớn. Mỗi thành viên của cộng đồng dùng tiếng Việt càng phải có ý thức đầy đủ đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ; và quan trọng hơn, ý thức đó phải trở thành hành động cụ thể.
(1) Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1977.
(2) Chế Lan Viên, Làm cho tiếng nói trong sáng, giàu và phát triển, trong sách Suy nghĩ và bình luận, NXB Văn học, Hà Nội, 1971, trang122.
II – NHIỆM VỤ GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
Từ những hiểu biết về sự trong sáng của tiếng Việt, có thể thấy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mọi người Việt Nam. Cụ thể như sau.
1. Phải biết yêu và quý trọng tiếng Việt. Đó cũng chính là một biểu hiện hùng hồn và sinh động về tinh thần tự hào dân tộc, về lòng yêu nước hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử lâu dài. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh : "Điều quan trọng nhất là phải biết yêu và quý tiếng nói của dân tộc. Tiếng nói đó bắt nguồn từ cuộc sống lâu đời của dân tộc, phản ánh tư tưởng và tình cảm của quần chúng nhân dân, mỗi chữ, mỗi tiếng có sức cảm xúc mạnh mẽ tâm hồn người Việt Nam ta"(1).
2. Phải thường xuyên rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Mỗi người cần có ý thức trau dồi hiểu biết về vốn từ ngữ và hệ thống những quy tắc chung trong việc sử dụng tiếng Việt ; phải biết phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng nói dân tộc để nói và viết đúng, sáng sủa, rõ ràng, có sức hấp dẫn.
3. Phải biết bảo vệ tiếng Việt. Để bảo vệ tiếng Việt, điều quan trọng là phải chống lại bệnh lạm dụng từ ngữ tiếng nước ngoài khi nói và viết. Trước đây, đó là bệnh lạm dụng tiếng Hán, "bệnh nói chữ". Hiện nay, đó là bệnh lạm dụng tiếng Anh, một bệnh đang có nguy cơ lây lan trong nhiều bài viết trên sách báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán căn bệnh này : "Của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao ?"(2).
4. Phải có ý thức về sự phát triển của tiếng Việt. Cần nhận thức được rằng : "Tiếng ta phải phát triển. Tất cả vấn đề là làm sao bảo đảm sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tinh hoa của nó" (Phạm Văn Đồng)(3). Có như vậy, tiếng Việt mới đáp ứng được những nhu cầu mới của xã hội, nhất là của sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước ngày nay.
Tóm lại, thực thi những nhiệm vụ trên đây chính là chúng ta đã làm theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp"(4).
(1), (2), (3), (4) Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sđd.
LUYỆN TẬP
1. Hãy trình bày cách hiểu của anh (chị) về các ý kiến sau đây :
– Chúng ta cần suy nghĩ thêm về những yêu cầu cơ bản trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng cơ bản nhất là phải qua việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn hoá nó từng bước, một cách rất thận trọng và vững chắc, mà phát triển tốt tư duy, tư duy của con người, con người Việt Nam ta : tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy nghệ thuật, tư duy khoa học,... Đó là một điểm quan trọng trong phương pháp tư tưởng của chúng ta. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn hoá nó là để phục vụ sự phát triển của tư duy, sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Nếu không như thế, thì không hiểu được công việc này có ích chỗ nào, cần thiết thế nào.
(Phạm Văn Đồng, trích trong Chuẩn hoá
chính tả và thuật ngữ, NXB Giáo dục, 1983)
– Sự trong sáng của ngôn ngữ là kết quả của một cuộc phấn đấu. Trong và sáng dính liền nhau. Tuy nhiên, cũng có thể phân tích ra để cho được rõ nghĩa hơn nữa. Theo tôi nghĩ, sáng là sáng sủa, dễ hiểu, khái niệm được rõ ràng ; thường thường khi khái niệm, nhận thức, suy nghĩ được rõ ràng, thì lời diễn đạt ra cũng được minh bạch. Tuy nhiên, nhất là trong thơ, có rất nhiều trường hợp ý nghĩa sáng rồi, dễ hiểu rồi, nhưng lời diễn đạt còn thô, chưa được trong, chưa được gọn, chưa được chuốt. Do đó, tôi muốn hiểu chữ sáng là nặng về nói nội dung, nói tư duy, và chữ trong là nặng về nói hình thức, nói diễn đạt (và cố nhiên là nội dung và hình thức gắn liền). Cho nên phải phấn đấu cho được sáng nghĩa, đồng thời lại phải phấn đấu cho được trong lời, đặng cho câu thơ, câu văn trong sáng.
(Xuân Diệu, trích trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sđd)
2. Tìm và ghi lại những hiện tượng lạm dụng tiếng Anh trong một quyển sách hay một tờ báo mà anh (chị) đọc hằng ngày.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn