Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh tại La Khê, thành phố Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Tại đây, Xuân Quỳnh bắt đầu làm thơ. Những bài thơ đầu tiên của Xuân Quỳnh đã bộc lộ một tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt, phong phú và giàu khát vọng. Từ năm 1963, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo, làm biên tập ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Xuân Quỳnh mất đột ngột cùng chồng là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vì tai nạn giao thông tại Hải Dương.
Tác phẩm chính : Tơ tằm - Chồi biếc (in chung với Cẩm Lai, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Tự hát (1984), Sân ga chiều em đi (1984), Hoa cỏ may (1989).
Xuân Quỳnh còn có một số sáng tác cho thiếu nhi, tiêu biểu là các tập truyện : Bến tàu trong thành phố, Bầu trời trong quả trứng, Vẫn còn ông trăng khác. Mảng sách này mang đến cho trẻ em những tình cảm trong trẻo, trìu mến, nhân hậu và một cái nhìn hóm hỉnh, thông minh. Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 2017.
Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường.
Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh, được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào.
*
1. Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
5. Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
10. Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên ?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu ?
15. Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
20. Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
25. Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
30. Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
35. Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Biển Diêm Điền, 29 - 12 - 1967
(Hoa dọc chiến hào, NXB Văn học, Hà Nội, 1968)
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Anh (chị) có nhận xét gì về âm điệu của bài thơ ? Những yếu tố nào tạo nên âm điệu đó ?
2. Phân tích hình tượng sóng trong mạch liên kết các khổ thơ với những khám phá liên tục về sóng.
3. Khổ thơ từ câu 13 đến câu 16 là một cách cắt nghĩa "rất Xuân Quỳnh" về quy luật của tình yêu. Anh (chị) hiểu cách cắt nghĩa ấy như thế nào ?
4. Kết cấu bài thơ dựa trên sự tương đồng giữa tâm trạng người phụ nữ đang yêu với những con sóng. Hãy chỉ ra sự tương đồng đó và hiệu quả thẩm mĩ từ nghệ thuật kết cấu của bài thơ.
5. Những xúc cảm trong tình yêu (nỗi nhớ, niềm thương, sự lo âu, khát khao gắn bó dài lâu, cảm giác hạnh phúc,...) thường mang tính phổ quát nhưng mỗi nhà thơ lại có cách nói riêng. Theo anh (chị), đâu là cái riêng của Xuân Quỳnh ở bài Sóng ?
BÀI TẬP NÂNG CAO
1. Khổ thơ từ câu 31 đến câu 34 đã có hai cách hiểu : một là, sự khẳng định sức mạnh của tình yêu ; hai là, dự cảm lo âu trước cái mong manh, hữu hạn của tình yêu. Hãy nêu ý kiến riêng của anh (chị).
2. Có nhiều câu thơ, bài thơ so sánh tình yêu với sóng hoặc biển. Hãy dẫn ra những ví dụ mà anh (chị) cho là đặc sắc.
TRI THỨC ĐỌC - HIỂU
Thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước
Văn học cách mạng trong thời kì chống Mĩ cứu nước có sự phát triển mạnh mẽ, sôi nổi theo khuynh hướng sử thi, với sự góp mặt của nhiều thế hệ cầm bút. Hiện tượng nổi bật trong thơ thời kì này là sự xuất hiện đông đảo và liên tiếp một đội ngũ các nhà thơ trẻ, đem đến những tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, vừa giàu chất hiện thực vừa đậm chất suy tư, làm phong phú cho những giá trị của thơ chống Mĩ cứu nước.
Những cây bút lớp đầu của thế hệ này xuất hiện từ sau năm 1960 và trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước như Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Mỹ, Lưu Quang Vũ,... Họ đem đến những xúc cảm trong trẻo, tha thiết về quê hương, đất nước, niềm khao khát lên đường ra trận và niềm tin vào cuộc chiến đấu. Đến những năm giữa cuộc kháng chiến, có sự xuất hiện của nhiều cây bút mới, phần lớn là những nhà thơ mặc áo lính, bổ sung cho đội ngũ thơ trẻ thêm đông đảo và sung sức : Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi,... Từ trong phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, sinh viên các đô thị miền Nam đã nảy nở nhiều cây bút thơ sôi sục nhiệt huyết chiến đấu và tinh thần yêu nước : Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Vàng Sao,... Thơ trẻ ở chặng đường này đã phát triển mạnh mẽ, đạt đến sự trưởng thành vững chắc với nhiều phong cách đa dạng. Tăng cường và mở rộng chất liệu hiện thực, đặc biệt là hiện thực chiến trường, đồng thời gia tăng sức khái quát, chiều sâu suy nghĩ, tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ với đời sống tâm hồn phong phú, cao đẹp và chủ nghĩa anh hùng, đó là những đóng góp nổi bật của thơ trẻ ở chặng đường này. Vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, cùng với những cây bút xuất hiện từ những chặng đường trước, đội ngũ các nhà thơ trẻ lại được bổ sung bằng những tài năng mới như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo,... với chất thơ chứa đựng nhiều suy tư, trải nghiệm về cuộc chiến tranh, về thế hệ mình và về nhân dân, Tổ quốc.
Sau năm 1975, nhiều nhà thơ thuộc thế hệ thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ vẫn tiếp tục viết về cuộc kháng chiến, đặc biệt là ở các trường ca ra đời trong những năm 1976 - 1980, có ý nghĩa như sự tổng kết hành trình của thế hệ trẻ và cả dân tộc đi qua cuộc chiến tranh đầy gian khổ, khốc liệt nhưng cũng hết sức hào hùng.
Phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước là một hiện tượng đặc sắc trong tiến trình thơ Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945. Thơ trẻ đã có những đóng góp nổi bật cho thơ ca thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ, nhất là ở khuynh hướng mở rộng, đào sâu chất liệu hiện thực và tăng cường sức khái quát, chất suy tưởng, đồng thời đẩy mạnh xu hướng tự do hoá hình thức thơ. Thơ trẻ thời kì này đã cống hiến cho thơ hiện đại Việt Nam nhiều thi phẩm đặc sắc và nhiều nhà thơ tài năng.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn