I – CUỘC ĐỜI
Tố Hữu (1920 - 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh tại thị xã Hội An (tỉnh Quảng Nam), quê ở làng Phù Lai (nay thuộc xã Quảng Thọ), huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông thân sinh là một nhà nho nghèo, tuy không đỗ đạt và phải chật vật để kiếm sống bằng nhiều nghề nhưng lại yêu thơ và thích sưu tầm ca dao, tục ngữ. Từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã được cha dạy làm thơ theo những lối cổ. Bà mẹ Tố Hữu là con một nhà nho, thuộc nhiều ca dao, dân ca xứ Huế. Tố Hữu mồ côi mẹ từ năm mười hai tuổi và một năm sau lại xa gia đình vào học Trường Quốc học Huế.
Quê hương cũng góp phần quan trọng vào sự hình thành hồn thơ Tố Hữu. Tuy là một vùng đất nghèo nhưng phong cảnh thiên nhiên, núi sông lại rất nên thơ, xứ Huế còn nổi tiếng là một vùng văn hoá phong phú, độc đáo, đậm bản sắc dân tộc bao gồm cả văn hoá cung đình và văn hoá dân gian mà nổi tiếng nhất là những điệu ca, hò như Nam ai, Nam bình, mái nhì, mái đẩy,...
Bước vào tuổi thanh niên đúng vào những năm phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo đang dấy lên sôi nổi trong cả nước, mà Huế là một trong những trung tâm sôi động nhất, tuổi trẻ của Tố Hữu đã có sự gặp gỡ may mắn và đẹp đẽ với lí tưởng cách mạng. Được lôi cuốn vào phong trào đấu tranh, Tố Hữu trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1937, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và từ đó hoàn toàn hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Đầu năm 1939, thực dân Pháp trở lại đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Cuối tháng tư năm ấy, Tố Hữu bị bắt giam tại nhà lao Thừa Thiên, rồi lần lượt bị giam giữ trong nhiều nhà tù ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 - 1942, Tố Hữu vượt trại giam Đắc Lay (Kon Tum), vượt hàng trăm cây số đường rừng, thoát khỏi sự truy lùng của kẻ thù, về Huế rồi tìm ra Thanh Hoá, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng, tiếp tục hoạt động. Tháng Tám 1945, Tố Hữu là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Huế quê hương, nơi đầu não của bộ máy chính quyền phong kiến.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều động làm Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá một thời gian, rồi lên Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, đặc trách về văn hoá, văn nghệ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và cho đến năm 1986, Tố Hữu liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Ông mất ngày 8 - 12 - 2002 tại Hà Nội.
Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất làm một, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng, trở thành một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Tố Hữu được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.
II – SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
1. Con đường thơ của Tố Hữu
Tố Hữu đến với thơ và cách mạng gần như cùng một lúc. Năm 1937, những bài thơ đầu của Tố Hữu đã đem đến một tiếng thơ mới mẻ cho thơ ca cách mạng đương thời. Vào thời gian ấy, phong trào Thơ mới đã hoàn toàn thắng thế, công cuộc hiện đại hoá thơ ca đã được thực hiện thành công. Là người cùng thế hệ với nhiều nhà thơ mới, Tố Hữu trước khi giác ngộ lí tưởng cách mạng cũng tìm thấy ở họ những tâm trạng gần gũi với mình trong lúc đang "Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời". Bởi vậy, một cách tự nhiên, Tố Hữu đã tiếp nhận những thành tựu nghệ thuật của thơ mới để làm giàu cho thơ cách mạng. Nhưng con đường thơ của Tố Hữu khác hẳn với con đường của các nhà thơ mới, vì nó gắn liền với lí tưởng cộng sản và cuộc đấu tranh cách mạng.
Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng, nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.
Tập thơ Từ ấy (1937 - 1946) là chặng đường đầu mười năm thơ Tố Hữu, cũng là mười năm hoạt động sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên cách mạng trong một giai đoạn lịch sử diễn ra nhiều biến cố to lớn làm rung chuyển và đổi thay sâu sắc xã hội Việt Nam.
Tập thơ gồm ba phần : Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng, tương ứng với ba chặng đường trong mười năm đầu hoạt động của người thanh niên cách mạng Tố Hữu.
Máu lửa là tiếng reo náo nức của một tâm hồn trẻ đang băn khoăn đi tìm lẽ sống thì gặp gỡ ánh sáng lí tưởng :
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
(Từ ấy)
Nhờ ánh sáng lí tưởng ấy, nhà thơ nhận rõ những áp bức, bất công trong xã hội, cảm thông sâu sắc với số phận những con người lao khổ (những em bé mồ côi, chị vú em, lão đầy tớ, cô gái giang hồ,...) và khơi dậy ở họ lòng căm hận, ý chí đấu tranh, niềm tin vào tương lai. Chất men say lí tưởng khiến cho những bài thơ Tố Hữu ở buổi đầu, dù còn những non nớt khó tránh, nhưng có giọng điệu thiết tha, sôi nổi, chân thành và chất lãng mạn trong trẻo.
Xiềng xích ghi lại những cuộc đấu tranh gay go của người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, cả những giờ phút kề bên cái chết mà người chiến sĩ ấy đã gửi những lời trăng trối tha thiết và đầy tin tưởng cho đời (Trăng trối ; Con cá, chột nưa,...). Xiềng xích thể hiện sự trưởng thành vững vàng của người thanh niên cách mạng qua những gian lao thử thách hiểm nghèo, đồng thời cũng bộc lộ ở tác giả một tâm hồn tha thiết yêu đời, hướng về cuộc sống và con người ở bên ngoài nhà tù, khát khao tự do và hành động (Tâm tư trong tù, Khi con tu hú, Nhớ đồng,...). Đây là phần có giá trị nổi bật và đặc sắc của tập thơ.
Giải phóng gồm những bài thơ sáng tác sau khi tác giả thoát khỏi nhà tù thực dân, tiếp tục hoạt động cách mạng và những ngày đầu tưng bừng của đất nước trong niềm vui độc lập, tự do sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Nhà thơ nồng nhiệt, say sưa ngợi ca thắng lợi của cách mạng, nền độc lập, tự do của Tổ quốc, ngây ngất trong niềm "vui bất tuyệt" với cảm hứng lãng mạn dâng trào trước cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc (Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt).
Tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954) là chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước vào cuộc kháng chiến, thơ Tố Hữu tập trung thể hiện con người quần chúng kháng chiến, trước hết là công, nông, binh, với một nghệ thuật thơ giàu tính dân tộc và đại chúng. Nhân vật trữ tình của tập thơ là anh Vệ quốc quân hiền lành xuất thân từ nông dân, đã làm nên chiến thắng Việt Bắc vang dội (Cá nước) ; là anh bộ đội vượt lên những gian khổ, thiếu thốn, hào hùng trong tư thế vươn tới trên những núi đèo Tây Bắc hiểm trở (Lên Tây Bắc) ; là người phụ nữ Bắc Giang dù việc nhà bề bộn vẫn hăng hái tham gia công tác kháng chiến (Phá đường) ; là những người mẹ nông dân chất phác gắn bó với kháng chiến, hoà làm một tình thương con với lòng yêu nước (Bà mẹ Việt Bắc, Bà bủ, Bầm ơi) ; là em bé liên lạc hồn nhiên, anh dũng ngã xuống trên cánh đồng quê dưới làn đạn giặc mà linh hồn và hình ảnh của em vẫn còn mãi với quê hương, đất nước (Lượm),... Tập trung và tiêu biểu cho mọi phẩm chất của dân tộc là hình ảnh Bác Hồ (Sáng tháng Năm).
Vào năm cuối của cuộc kháng chiến, những sự kiện lịch sử trọng đại như chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại, miền Bắc được giải phóng, tất cả đã chắp cánh cho hồn thơ Tố Hữu bay bổng và rộng mở trong cảm hứng sử thi – trữ tình (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc).
Việt Bắc là bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và những bước đi lên của cả dân tộc cho đến ngày thắng lợi. Tập thơ kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt Nam kháng chiến, mà thống nhất và bao trùm là tình yêu nước. Tình cảm ấy được biểu hiện trong nhiều trạng thái phong phú, đa dạng : tình quân dân "cá nước", nghĩa tình hậu phương với tiền tuyến, miền ngược với miền xuôi, nghĩa tình gắn bó người cán bộ với quần chúng, lòng kính yêu của nhân dân với lãnh tụ. Tập thơ Việt Bắc là một trong những thành tựu xuất sắc của văn học thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954).
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng bước vào một giai đoạn mới với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất đất nước. Thơ Tố Hữu vẫn bám sát những bước đi và nhiệm vụ của cách mạng, của đời sống chính trị trên đất nước ta.
Tập thơ Gió lộng (1955 - 1961) khai thác những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương thời : niềm vui và niềm tự hào, tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, tình cảm với miền Nam và ý chí thống nhất Tổ quốc, tình cảm quốc tế vô sản rộng mở với các nước anh em. Niềm vui chiến thắng cùng với niềm tự hào của con người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, vững tin vào tương lai đã đem đến cho tập thơ Gió lộng cảm hứng lãng mạn cùng khuynh hướng sử thi đậm nét. Thơ Tố Hữu trong thời kì này cũng không tránh khỏi cái nhìn còn giản đơn về chủ nghĩa xã hội, ngợi ca một chiều cuộc sống mới ở miền Bắc như khá nhiều sáng tác về đề tài này trong văn học đương thời. Trong mạch cảm hứng về ân tình cách mạng, Mẹ Tơm là bài thơ đặc sắc hơn cả. Từ cuộc đời và sự hi sinh thầm lặng của mẹ Tơm, nhà thơ suy ngẫm về lẽ sống và sự mất, còn : "Sống trong cát, chết vùi trong cát - Những trái tim như ngọc sáng ngời !".
Hai tập Ra trận (1962 - 1971), Máu và hoa (1972 - 1977) là chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước cho tới ngày toàn thắng. Thơ Tố Hữu lúc này là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ trong cuộc chiến đấu quyết liệt và hào hùng của cả dân tộc.
Tập Ra trận có hai bài thơ đặc sắc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh : Bác ơi ! là "điếu văn bi hùng" được viết ngay sau khi Bác Hồ qua đời; Theo chân Bác tái hiện hình ảnh của Hồ Chí Minh trên những chặng đường lịch sử cách mạng trong hơn nửa thế kỉ. Năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri, Tố Hữu thực hiện một chuyến đi dài từ Bắc vào Nam, dọc theo tuyến đường Trường Sơn rồi vào đến miền Đông Nam Bộ. Đây là cuộc trở về trong không gian và cả trong tâm tưởng, với hiện tại và với cả kỉ niệm quá khứ tuổi trẻ sôi nổi cách mạng. Chuyến đi này đã được ghi lại trong bài thơ dài Nước non ngàn dặm (1973) ở tập Máu và hoa.
Thơ Tố Hữu những năm chống Mĩ cứu nước mang đậm tính chính luận và cảm hứng sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng hùng ca, tập trung thể hiện hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và con người Việt Nam. Do đi theo hướng khái quát – tổng hợp và chú trọng nội dung chính luận, thời sự, thơ Tố Hữu thời kì này có khi phải trở thành những lời kêu gọi, hô hào như mệnh lệnh, khẩu hiệu và không phải lúc nào cảm xúc nghệ thuật cũng theo kịp.
Sau năm 1977, Tố Hữu còn có hai tập thơ : Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999). Khuynh hướng trữ tình chính trị với sự nhạy cảm trước các vấn đề thời sự tuy vẫn dễ nhận ra như một nét ổn định của thơ Tố Hữu, nhưng đã không còn là mạch cảm hứng duy nhất hay nổi trội nữa. Đã qua những thăng trầm, trải nghiệm trước cuộc đời, như một lẽ thường, nhà thơ muốn chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời, hướng tới những quy luật phổ quát và kiếm tìm những giá trị bền vững, giọng thơ vì thế thường trầm lắng, thấm đượm chất suy tư. Điều đáng trân trọng hơn cả là trước sau thơ Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lí tưởng và con đường cách mạng.
2. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu
Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị.
Tố Hữu là một chiến sĩ – thi sĩ. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Thơ Tố Hữu từ trước đến sau, dù đề tài, nội dung cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ lấy lí tưởng cách mạng, quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tượng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư của chính nhà thơ. Với Tố Hữu "tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ [...] là để nói cho được cái lí tưởng cộng sản ấy thôi"(1).
Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lí tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng. Đặc biệt ở những bước ngoặt trong đời sống cách mạng của dân tộc, hồn thơ Tố Hữu thường rung động nhạy bén và dào dạt cảm hứng, kết tinh trong những bài thơ đặc sắc, được sự đồng cảm và hưởng ứng rộng rãi của đông đảo công chúng. Xuân Diệu khẳng định : "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi
(1) Chế Lan Viên, Thơ Tố Hữu, trong sách Suy nghĩ và bình luận, NXB Văn học, Hà Nội, 1971.
trữ tình"(1). Thơ Tố Hữu đã kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỉ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thơ của các chiến sĩ cộng sản lớp trước ở nửa đầu những năm ba mươi,... nhưng đã được đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hoá thơ ca đương thời, đem đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ sôi nổi, trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy cảm hứng lãng mạn, đã mở ra một khuynh hướng lớn và có vị trí chủ đạo – khuynh hướng trữ tình chính trị – trong suốt mấy chục năm của nền thơ hiện đại Việt Nam.
Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi nổi bật trong thơ Tố Hữu nhất là ở những thời kì sau, kể từ cuối tập Việt Bắc. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là cái tôi chiến sĩ, về sau càng trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là con người thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước được nâng lên thành những hình tượng anh hùng mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hoá. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng. Do khuynh hướng cảm hứng ấy mà thơ Tố Hữu thường cất lên thành những tiếng hát : khúc hát tâm tình, bài ca chiến đấu và tiếng reo ca chiến thắng.
Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Giọng điệu ấy có phần là do được thừa hưởng từ điệu tâm hồn con người xứ Huế với những câu ca, giọng hò tha thiết ngọt ngào của quê hương. Nhưng nó cũng được xuất phát từ một quan niệm của nhà thơ : "Thơ là chuyện đồng điệu. [...] Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí"(2). Nhà thơ đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình cách mạng, luôn hướng đến đồng bào, đồng chí mà giãi bày tâm sự, trò chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ. Thơ Tố Hữu phần nhiều có cách diễn đạt tự nhiên, hơi thơ liền mạch.
(1) Xuân Diệu, Tố Hữu với chúng tôi, Lời nói đầu cuốn sách "Máu và hoa" – con đường của nhà thơ Tố Hữu (tiếng Pháp), Liên hiệp các nhà xuất bản, Pa-ri, 1975, bản dịch báo Văn nghệ, 6 - 3 - 1976.
(2) Trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn nghệ, tháng 5 - 1961.
Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Hiện thực đời sống cách mạng, những tình cảm chính trị, đạo lí cách mạng qua sự cảm nhận và thể hiện của Tố Hữu đã gắn bó, hoà nhập với truyền thống tinh thần, tình cảm và đạo lí của dân tộc, làm phong phú thêm cho truyền thống ấy. Về thể thơ, Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ truyền thống của dân tộc (như lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ) và có những sáng tạo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này. Trong thơ Tố Hữu có thể bắt gặp một cách phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Sáng tạo hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị tạo hình, thậm chí nhà thơ còn sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng khá quen thuộc. Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu, đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng, nhịp nhàng nên dễ ngâm, dễ thuộc. Nghệ thuật thơ Tố Hữu nghiêng về tính truyền thống hơn là sự tìm tòi đổi mới theo hướng hiện đại hoá.
*
Thơ Tố Hữu là một thành tựu xuất sắc của thơ cách mạng, kế tục truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam qua nhiều thời đại : gắn bó với vận mệnh của đất nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Thơ ông là sự kết hợp hài hoà hai yếu tố, hai cội nguồn cách mạng và dân tộc trong hình thức đẹp đẽ của thơ ca. Sức thu hút của thơ Tố Hữu với những thế hệ người đọc mấy chục năm qua chủ yếu là ở niềm say mê lí tưởng, những tình cảm cách mạng, tính dân tộc đậm đà trong cả nội dung và hình thức của thơ ông.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Tìm đọc các tập thơ của Tố Hữu ; ghi lại tên những bài thơ của Tố Hữu đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở và sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 11, 12).
2. Nêu những đặc điểm nổi bật của cuộc đời Tố Hữu. Những đặc điểm ấy có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp thơ của ông ?
3. Đọc lại mục 1 trong phần II của bài để tóm tắt con đường thơ của Tố Hữu. Chứng minh rằng những chặng đường thơ ông gắn liền và phản ánh các giai đoạn của cuộc đấu tranh cách mạng trên đất nước ta kể từ thời kì Mặt trận Dân chủ đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
4. Nêu những nét chính trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Hãy làm rõ những đặc điểm phong cách nghệ thuật Tố Hữu qua các bài thơ Việt Bắc, Bác ơi !.
5. Anh (chị) hiểu như thế nào về nhận định của Xuân Diệu : "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình" ?
6. Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
BÀI TẬP NÂNG CAO
Tố Hữu từng quan niệm "Thơ là chuyện đồng điệu. [...] Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí". Quan niệm trên đây đã được thể hiện như thế nào trong những bài thơ của Tố Hữu mà anh (chị) đã học ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn