Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở chiến trường miền Nam. Từ sau năm 1975, Thanh Thảo chuyên hoạt động văn nghệ.
Các tác phẩm chính : Những người đi tới biển (trường ca – 1977), Dấu chân qua trảng cỏ (thơ – 1978), Những ngọn sóng mặt trời (trường ca 1981), Khối vuông ru-bích (thơ 1985), Từ một đến một trăm (thơ - 1988), Cỏ vẫn mọc (trường ca – 2002),... Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001.
(*) Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca sinh năm 1898 ở tỉnh Gra-na-đa miền Nam Tây Ban Nha. Ông được coi là nhà thơ lớn nhất Tây Ban Nha thế kỉ XX. Ngoài thơ, ông còn là tác giả nhiều vở kịch nổi tiếng. Dù luôn bị ám ảnh về cái chết, Gar-xi-a Lor-ca vẫn là một nghệ sĩ hát lên bằng thơ sức sống mãnh liệt của dân tộc mình. Thơ ông gắn bó máu thịt với mạch nguồn văn hoá dân gian, hồn nhiên, phóng khoáng. Nhân cách nghệ sĩ của ông được nhiều người biết đến qua câu thơ nổi tiếng : "khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" (câu mở đầu bài thơ Ghi nhớ). Gar-xi-a Lor-ca bị phe phát xít Phrăng-cô thủ tiêu trong thời gian đầu cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha vào ngày 19 - 8 - 1936. Xác ông bị vùi đâu đó gần Gra-na-đa, trong một nấm mồ vô danh.
Thơ Thanh Thảo dù viết từ cảm hứng công dân hay từ các cảm hứng khác đều đậm chất triết luận. Mạch suy cảm trữ tình trong thơ ông thường hướng tới những vẻ đẹp tinh thần của con người : nhân ái, bao dung, can đảm, trung thực và yêu tự do. Thơ ông dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù số phận có thể ngang trái như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Ê-xê-nhin, Pa-xtéc-nắc, Gar-xi-a Lor-ca,...
Tâm huyết với thơ, Thanh Thảo luôn trăn trở trong khát vọng kiếm tìm những cách biểu đạt mới. Dấu ấn sáng tạo của ông khá đậm nét ở loại thơ văn xuôi và trường ca. Thi phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca được xem là thành công nhiều mặt của thơ Thanh Thảo.
*
"khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn"
PH.G. LOR-CA
Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca
1. những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
5. với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
10. áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
15. tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
không ai chôn cất tiếng đàn
20. tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
25. Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan(1)
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
30. vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la...
(Khối vuông ru-bích, NXB Tác phẩm mới,
Hà Nội, 1985)
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Nhạc tính của bài thơ được tạo nên từ những yếu tố nào ?
2. Bài thơ viết về một nhà thơ nổi tiếng của đất nước Tây Ban Nha. Theo anh (chị), tác giả đã dùng những chi tiết nghệ thuật nào để gợi bản sắc dân tộc của hình tượng Gar-xi-a Lor-ca ?
3. Khổ 2 và 3 của bài thơ (từ câu 7 đến câu 18) tái hiện giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời Gar-xi-a Lor-ca. Những biện pháp nghệ thuật nào được tác giả dùng để khắc đậm ấn tượng về giây phút đó ?
4. Nửa cuối bài thơ (từ câu 19 đến hết) toát lên niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn Gar-xi-a Lor-ca. Theo anh (chị), niềm tin ấy thể hiện rõ nhất ở những hình ảnh nào ?
5. Nêu cảm nhận của anh (chị) về hình tượng Gar-xi-a Lor-ca.
(1) Di-gan : một tộc người châu u thường sống lang thang nay đây mai đó, mưu sinh bằng múa hát, xem tướng và bùa chú.
BÀI TẬP NÂNG CAO
Hãy tìm trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca những hình ảnh được tạo ra theo lối "lạ hoá" và phân tích hiệu quả thẩm mĩ của những hình ảnh ấy.
TRI THỨC ĐỌC - HIỂU
Thơ tự do
Thơ tự do có hình thức phân biệt với thơ cách luật, không bị ràng buộc vào quy tắc cố định nào về số câu, số chữ, niêm luật, đối, vần. Thơ tự do là thơ có phân dòng dài ngắn khác nhau tuỳ theo nhu cầu của tiết tấu, nhịp điệu. Nó có thể là hợp thể, phối xen các đoạn thơ làm theo các thể khác nhau hoặc hoàn toàn tự do. Chẳng hạn như các bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo, đoạn trích Đất Nước trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm,... Khổ thơ trong thơ tự do cũng tự do, không đều đặn bốn dòng hay sáu dòng, mà luôn thay đổi. Câu thơ tự do có thể rút ngắn thành một chữ hay có thể mở rộng thành chín, mười chữ hoặc nhiều hơn, tuỳ theo yêu cầu của nhịp điệu. Nó cũng có thể được sắp xếp như "bậc thang" để tô đậm tiết tấu.
Sự xuất hiện của thơ tự do đánh dấu sự phát triển của ý thức thơ, khi nhà thơ không muốn gò mình vào bất cứ hình thức, khuôn khổ cố định nào. So với thơ mới 1932 - 1945, thơ kháng chiến chống thực dân Pháp có tỉ lệ thơ tự do nhiều hơn. Thơ ca trong thời kì chống Mĩ cứu nước còn có tỉ lệ thơ tự do nhiều hơn nữa.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn