I – KHÁI QUÁT VỀ LUẬT THƠ
Nói đến thơ là nói đến tổ chức ngữ âm, tức tính nhạc của thơ. Nó là kết quả của việc vận dụng tổng hợp các yếu tố ngữ âm như thanh điệu, vần, độ cao, độ dài, độ mạnh của "tiếng" (âm tiết) để tạo nên sự hài hoà về âm thanh cho lời thơ.
Luật thơ bao gồm những quy định, những quy tắc bảo đảm cho thơ có tính nhạc, được rút ra từ thực tiễn sáng tác thơ, có sức chi phối thi sĩ khi làm thơ. Trong luật thơ, có hai nhân tố vô cùng quan trọng là tiết tấu và vần. Trong luật thơ tiếng Việt, tầm quan trọng của hai nhân tố đó được thể hiện thông qua vai trò của đơn vị "tiếng".
1. "Tiếng" là căn cứ để xác lập thể thơ
Các thể thơ của dân tộc như lục bát, song thất lục bát và các thể thơ mượn của Trung Quốc như thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn đều lấy số lượng "tiếng" trong một câu (dòng) thơ để xác định. Còn thơ tự do, sở dĩ có tên như vậy chủ yếu là vì không bị hạn định về số lượng "tiếng" trong mỗi câu thơ.
2. "Tiếng" là căn cứ để ngắt nhịp trong thơ
Các tiếng trong một câu thơ thường được tách thành từng khúc, mỗi khúc ấy được gọi là nhịp.
Thơ lục bát thường có nhịp đôi, tức mỗi nhịp gồm hai tiếng. Ví dụ :
Yêu nhau / cởi áo / cho nhau,
Về nhà / dối mẹ / qua cầu / gió bay.
(Ca dao)
Câu thất trong thơ song thất lục bát có nhịp là 3 / 4 (hoặc 3 / 2 / 2). Ví dụ :
Trời thăm thẳm / xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng / đau đáu nào xong.
(Đoàn Thị Điểm – Bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm)
Còn câu thất trong thơ Đường luật lại có nhịp là 4 / 3 (hoặc 2 / 2 / 3). Ví dụ :
Xiên ngang mặt đất / rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây / đá mấy hòn.
(Hồ Xuân Hương – Tự tình, bài II)
3. Thanh của "tiếng" là căn cứ để xác định luật bằng — trắc
Như đã biết, các "tiếng" mang thanh ngang, thanh huyền là "tiếng bằng", các "tiếng" mang thanh sắc, thanh nặng, thanh hỏi, thanh ngã là "tiếng trắc". Mỗi thể thơ tiếng Việt thường có luật bằng – trắc riêng. Chẳng hạn, trong thơ lục bát, các "tiếng" thứ hai, thứ tư và thứ sáu của mỗi câu đều phải theo luật bằng – trắc chặt chẽ ; trong thơ Đường luật, tuỳ theo sự phối hợp bằng – trắc mà có thơ luật bằng và thơ luật trắc.
4. Vần của "tiếng" là căn cứ để hiệp vần thơ
Hiệp vẫn là cách liên kết các câu thơ bằng sự trùng hợp hay gần trùng hợp phần vần của những "tiếng" nhất định. Vần của hai "tiếng" hoàn toàn trùng hợp là vần chính, không hoàn toàn trùng hợp là vần thông. Vần của tiếng ở cuối câu thơ là vần chân, ở giữa câu thơ là vần lưng. Ví dụ :
Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.
(Đồng dao)
II – NHỮNG THỂ THƠ TIẾNG VIỆT THƯỜNG GẶP
Thể thơ tiếng Việt được xác định căn cứ vào số lượng tiếng trong một dòng thơ. Theo sự phát triển của thơ, có thể nhận ra những thể thơ cổ truyền và những thể thơ hiện đại.
Thơ cổ truyền là những thể thơ tuân theo cách luật chặt chẽ, gồm những thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, thơ hát nói và những thể thơ có nguồn gốc từ Trung Quốc (thơ Đường luật) như ngũ ngôn, thất ngôn (tứ tuyệt, bát cú).
Thơ hiện đại là những thể thơ không tuân theo cách luật chặt chẽ, có thơ năm tiếng, thơ bảy tiếng, thơ tám tiếng, thơ tự do,... và gồm cả thơ văn xuôi.
LUYỆN TẬP
1. Ôn lại bài Đặc điểm loại hình của tiếng Việt (phần II – Đơn vị ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt) trong sách giáo khoa Ngữ văn 11, Nâng cao, tập hai, trang 177.
2. Trong buổi chơi xuân, bên mộ Đạm Tiên, Thuý Kiều "Rút trâm sẵn giắt mái đầu - Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần" (Nguyễn Du – Truyện Kiều).
Theo anh (chị), Thuý Kiều làm thơ theo thể thơ nào ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn