Nội Dung Chính
1. Khái niệm kết cấu
Kết cấu là tổ chức nội dung và hình thức của bài văn. Kết cấu bao gồm :
– Tổ chức bên ngoài (tức bố cục), gồm ba phần quen thuộc : mở bài, thân bài, kết bài.
– Tổ chức bên trong, là cách sắp xếp ý theo một trật tự nhất định trong từng phần và giữa các phần trong toàn bài để cho ý chính được nổi bật lên, người đọc dễ nhận thấy, không hiểu lầm và do đó có sức thuyết phục cao. Đây là phần trọng tâm của bài.
2. Kiểu kết cấu
Trong thực tế, nói chung không có kiểu mẫu cố định cho bài văn nghị luận. Tuỳ theo yêu cầu lập luận mà mỗi bài có cách kết cấu phù hợp. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó vẫn nổi lên một số kiểu kết cấu thường gặp. Sau đây sẽ tìm hiểu một số kiểu kết cấu ấy.
a) Kiểu kết cấu đẳng lập : Trong kiểu kết cấu này, các luận điểm bộ phận thuộc luận điểm trung tâm của bài văn có vị trí ngang nhau, được trình bày theo lối liệt kê. Ví dụ :
Luận điểm trung tâm | Luận điểm bộ phận |
Vô tuyến truyền hình là phương tiện truyền thông cần thiết cho mỗi gia đình. | – Vô tuyến truyền hình là một nguồn tri thức phong phú cho mọi người. – Vô tuyến truyền hình là một cửa sổ để từ đó quan sát xã hội và thế giới. – Vô tuyến truyền hình là một sân khấu nhỏ trong nhà. |
b) Kiểu kết cấu tăng tiến : Trong kiểu kết cấu này, các luận điểm bộ phận thuộc luận điểm trung tâm có trật tự : luận điểm sau cao hơn, sâu hơn luận điểm trước, thường được trình bày bằng các từ liên kết "không chỉ", "mà còn". Ví dụ :
Luận điểm trung tâm | Luận điểm bộ phận |
Các Mác là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong các nhà tư tưởng. | – Mác tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. – Không chỉ thế, Mác tìm ra quy luật riêng của xã hội tư bản. – Mác không chỉ là nhà khoa học giải thích thế giới mà còn là nhà cách mạng cải tạo xã hội. |
c) Kiểu kết cấu đối chiếu : Trong kiểu kết cấu này, các luận điểm bộ phận đối sánh với nhau theo từng cặp làm cho luận điểm trung tâm trở nên nổi bật. Ví dụ :
Luận điểm trung tâm | Luận điểm bộ phận |
Hãy để các thần tượng khích lệ mình phấn đấu vươn lên. | – Có nhiều bạn học sinh sùng bái thần tượng, thuộc tên nhiều cầu thủ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, rồi chỉ bắt chước bề ngoài như trang phục, kiểu tóc của họ. – Tuy nhiên, không ít bạn học sinh, khi sùng bái thần tượng, đã biến họ thành nguồn khích lệ cho mình để phấn đấu vươn lên trong học tập. |
d) Kiểu kết cấu tổng – phân – hợp : Trong kiểu kết cấu này, khi trình bày luận điểm, luận điểm trung tâm được nêu trước, các luận điểm bộ phận lần lượt nêu sau. Cuối cùng quy nạp lại thành kết luận khái quát. Đây thường là kiểu kết cấu toàn bài, được thể hiện trong bố cục cả bài. Kiểu kết cấu này cũng có thể được thể hiện trong phần thân bài. Ví dụ :
Tổng | Phân | Hợp |
Nhân dân ta có một truyền thống yêu nước thiết tha. | – Lòng yêu nước thời xưa. – Lòng yêu nước trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc. – Lòng yêu nước trong hoà bình xây dựng đất nước. | Lòng yêu nước luôn luôn là một động lực để bảo vệ và xây dựng đất nước. |
LUYỆN TẬP
Dự kiến vận dụng kiểu kết cấu thích hợp cho mỗi đề văn sau :
Đề 1. Niềm vui và nỗi khổ của việc học môn Ngữ văn.
Đề 2. Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết : "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có".
Giải thích và bình luận ý kiến đó.
Đề 3. Bình luận bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy.
Đề 4. Nói và làm trong cuộc sống.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn