Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1


I – KHÁI QUÁT VỀ PHONG CÁCH NGÔN NGỮ KHOA HỌC

Phong cách ngôn ngữ khoa học là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ, thường gọi là văn bản khoa học.

Văn bản khoa học tồn tại ở cả hai dạng : dạng viết và dạng nói. Ở dạng viết, đó là các văn bản khoa học đăng tải trong sách, báo. Ở dạng nói, đó là các lời giảng bài trong nhà trường, lời thuyết trình, báo cáo trong hội thảo khoa học,... Dù ở dạng nào, văn bản khoa học cũng thường có ba loại : văn bản khoa học chuyên sâu (công trình nghiên cứu, chuyên luận, luận án,...), văn bản khoa học giáo khoa (giáo khoa, giáo trình,...) và văn bản khoa học phổ cập (phổ biến kiến thức khoa học phổ thông,...).

Phong cách ngôn ngữ khoa học có các đặc điểm chung như sau.

1. Tính khái quát, trừu tượng : Khoa học không dừng lại ở những hiện tượng cá biệt, riêng lẻ mà nhằm tới những quy luật khái quát, trừu tượng. Do đó, ngôn ngữ trong văn bản khoa học cũng phải đảm bảo tính khái quát, trừu tượng.

2. Tính lí trí, lô gích : Để diễn đạt những thành quả của tư duy khoa học và thuyết phục người đọc tin vào những kết luận khoa học, ngôn ngữ trong văn bản khoa học phải đảm bảo tính lí trí, lô gích.

3. Tính khách quan, phi cá thể : Mục đích của khoa học là khám phá các quy luật của xã hội, tự nhiên. Do vậy, ngôn ngữ được sử dụng trong các văn bản khoa học phải có tính khách quan, thường không mang dấu ấn cá nhân.

Các đặc điểm của phong cách ngôn ngữ khoa học được thể hiện ở những mức độ nghiêm ngặt khác nhau tuỳ theo loại văn bản khoa học : chuyên sâu, giáo khoa hay phổ cập.

II – CÁCH SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN NGÔN NGỮ TRONG PHONG CÁCH NGÔN NGỮ KHOA HỌC

1. Về ngữ âm – chữ viết

Ở dạng nói, văn bản khoa học tuân theo những yêu cầu phổ biến về phát âm, tạo nên sức thu hút người nghe. Ở dạng viết, ngoài những đặc điểm của chuẩn chính tả tiếng Việt nói chung, văn bản khoa học còn có những điểm riêng về hệ thống kí hiệu khoa học mà người viết và người đọc phải biết mới sử dụng và tiếp nhận được.

Ví dụ : các kí hiệu m, m2, kg, S, F, a, H2O,...

2. Về từ ngữ

– Mỗi ngành khoa học có hệ thống thuật ngữ riêng buộc người dùng phải hiểu chính xác mới sử dụng được.

Ví dụ : Chủ ngữ, vị ngữ, câu đơn, câu ghép,... là các thuật ngữ của khoa học về ngôn ngữ.

– Từ ngữ dùng trong văn bản khoa học thuộc lớp từ ngữ chung. Văn bản khoa học không dùng các từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội,...

– Văn bản khoa học đòi hỏi tính khách quan, phi cá thể nên từ ngữ trong đó thường mang sắc thái biểu cảm trung hoà.

3. Về kiểu câu

– Văn bản khoa học thường dùng các kiểu câu có chủ ngữ không xác định, hoặc khuyết chủ ngữ.

Ví dụ :

+ Để phát hiện các vật nhiễm điện, người ta dùng cái điện nghiệm.
                                                                                              (Vật lí 9)

+ Cho một hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn.
                                                                            (Đại số 10 Nâng cao)

– Câu có nghĩa bị động và câu có từ là được sử dụng thường xuyên khi đánh giá, nhận xét, định nghĩa.

Ví dụ :

+ Như vậy trong mặt phẳng toạ độ, mỗi nghiệm của bất phương trình bậc nhất hai ẩn được biểu diễn bởi một điểm và tập nghiệm của nó được biểu diễn bởi một tập hợp điểm.
                                                                            (Đại số 10 Nâng cao)

+ Muối là hợp chất mà phân tử gồm nguyên tử kim loại liên kết với gốc axít.
                                                                                        (Hóa học 9)

– Để trình bày những biện luận, suy lí khoa học, văn bản khoa học dùng các kiểu câu phức có đầy đủ các cặp quan hệ từ hô ứng như : nếu... thì, vì... nên, tuy... nhưng, v.v.

Ví dụ :

+ Nếu một đường thẳng song song với một đường thẳng nào đó của một mặt phẳng không chứa nó, thì nó song song với mặt phẳng ấy.
                                                                                        (Hình học 9)

+ Vì dầu chỉ dính ướt quặng nên quặng bám vào các màng dầu bao quanh bọt khí và các hạt quặng nổi lên cùng với bọt khí, còn bẩn quặng thì chìm xuống đáy.
                                                                             (Vật lí 10 Nâng cao)

+ Tuy không tác dụng trực tiếp với oxi nhưng clo tạo ra một loạt oxit được điều chế bằng con đường gián tiếp.
                                                                         (Hóa học 10 Nâng cao)

4. Về biện pháp tu từ

Văn bản khoa học chuyên sâu và giáo khoa thường không dùng các biện pháp tu từ. Song, trong văn bản khoa học phổ cập, để tăng sự hấp dẫn đối với người đọc và dễ phổ biến những kiến thức khoa học phổ thông, người ta cũng thường sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, nhân hoá, so sánh,...

5. Về bố cục, trình bày

Cách trình bày, bố cục văn bản khoa học đòi hỏi phải chặt chẽ, lô gích. Các văn bản khoa học không có khuôn mẫu cố định, nhưng thường được trình bày theo trật tự chương, mục.

Trong văn bản khoa học, ngoài cách trình bày thông thường, còn có bảng biểu, sơ đồ, mô hình,... và thường xuất hiện những chú thích, với những quy định sử dụng chặt chẽ, buộc phải tuân theo.

LUYỆN TẬP

1. Hãy nêu các đặc điểm chung và cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ khoa học.

2. Chỉ ra những đặc điểm chung và cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ khoa học được thể hiện ở đoạn trích sau :

Ngoại cảm (tiếng Pháp : extéroception): cảm giác do những kích thích từ bên ngoài tác động lên những giác quan : mắt thấy, tai nghe, da cảm nóng lạnh, mũi ngửi, lưỡi nếm. Đối lập với nội cảm (intéroception) là cảm giác từ nội tạng, tim, gan, ruột,... và tự cảm (proprioception) từ cơ, khớp và tiền đình. Những cảm giác truyền đến vỏ não kết hợp với nhiều tín hiệu khác thành trị giác.

Ngoại cảm còn có nghĩa là khả năng có những cảm giác dị thường, ngoài những cảm giác kể trên như là có những giác quan đặc biệt (giác quan thứ sáu). Đây còn là vấn đề đang tranh luận, có người cho rằng không có những hiện tượng như vậy, còn một số người khác lại xem đây là một ngành khoa học mới rất quan trọng, cần nghiên cứu, mà gọi là tâm lí học ngoại cảm (parapsychologie).

(Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lí,
NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2001)   

3. Đoạn văn bản sau có thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học không ? Tại sao ?

Văn học viết do tầng lớp trí thức sáng tạo nên, chính thức ra đời từ khoảng thế kỉ X như một bước nhảy vọt của tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Văn học viết đóng vai trò chủ đạo và thể hiện những nét chính của diện mạo văn học dân tộc. Cho đến đầu thế kỉ XX, văn học viết chủ yếu gồm hai thành phần tồn tại song song và có quan hệ qua lại mật thiết : thành phần viết bằng chữ Hán và thành phần viết bằng chữ Nôm. Văn học chữ Hán có thơ và văn (bao gồm các loại chiếu, biểu, hịch, cáo, chép sử, bình sử, truyện, kí, bình luận văn chương, v.v.). Văn học chữ Nôm hầu hết là thơ, phú.

(Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một)

 

Tin tức mới


Đánh giá

Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

  1. Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX
  2. Nghị Luận Xã Hội Và Nghị Luận Văn Học
  3. Tuyên Ngôn Độc Lập
  4. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
  5. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  6. Bài Viết Số 1
  7. Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ Của Dân Tộc
  8. Đọc thêm: Mấy Ý Nghĩ Về Thơ (Trích)
  9. Đọc thêm: Thương Tiếc Nhà Văn Nguyên Hồng
  10. Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (Trích)
  11. Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Nghị Luận
  12. Tây Tiến
  13. Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích)
  14. Đọc thêm: Dọn Về Làng
  15. Luyện Tập Về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  16. Trả Bài Viết Số 1
  17. Việt Bắc (Trích)
  18. Đọc thêm: Bác Ơi!
  19. Tố Hữu
  20. Nghị Luận Về Một Bài Thơ, Đoạn Thơ
  21. Tiếng Hát Con Tàu
  22. Đọc thêm: Đất Nước
  23. Bài Viết Số 2
  24. Đất Nước (trích trường ca Mặt Đường Khát Vọng)
  25. Sóng
  26. Đọc thêm: Đò Lèn
  27. Luật Thơ
  28. Đàn Ghi-ta Của Lor-ca
  29. Đọc thêm: Tự Do
  30. Luyện Tập Về Luật Thơ
  31. Nghị Luận Về Một Ý Kiến Bàn Về Văn Học
  32. Con Đường Trở Thành
  33. Các Kiểu Kết Cấu Của Bài Văn Nghị Luận
  34. Trả Bài Viết Số 2
  35. Người Lái Đò Sông Đà (trích)
  36. Luyện Tập Về Cách Dùng Biện Pháp Tu Từ Ẩn Dụ
  37. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Phương Pháp Biểu Đạt Trong Bài Văn Nghị Luận
  38. Nguyễn Tuân
  39. Phong Cách Văn Học
  40. Nghị Luận Về Một Tư Tưởng, Đạo Lí
  41. Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông?
  42. Đọc thêm: Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới (Trích
  43. Bài Viết Số 3 (Nghị luận văn học)
  44. Nhìn Về Vốn Văn Hóa Dân Tộc
  45. Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  46. Nghị Luận Về Một Hiện Tượng Đời Sống
  47. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt (trích)
  48. Thông Điệp Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống AIDS, 1 - 12 - 2003
  49. Luyện Tập Nghị Luận Về Một Vấn Đề Xã Hội Trong Tác Phẩm Văn Học
  50. Tư Duy Hệ Thống - Nguồn Sức Sống Mới Của Đổi Mới Tư Duy
  51. Luyện Tập Về Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  52. Trả Bài Viết Số 3
  53. Quá Trình Văn Học
  54. Luyện Tập Về Cách Tránh Hiện Tượng Trùng Nghĩa
  55. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận
  56. Ôn Tập Về Văn Học (Học kì I)
  57. Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  58. Luyện Tập Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  59. Ôn Tập Về Tiếng Việt (Học kì I)
  60. Ôn Tập Về Làm Văn (Học kì I)
  61. Bài Viết Số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.