Nội Dung Chính
Trong một bài văn nghị luận, để làm sáng tỏ vấn đề và thuyết phục người đọc, người viết không chỉ cần biết kết hợp các thao tác lập luận (giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận) mà còn phải biết kết hợp các phương thức biểu đạt (tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh), đặc biệt chú ý vai trò của phương thức biểu cảm.
1. Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
"Cứ nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè nóng bức, càng nghẹt thở vì chất thải của động cơ xe máy, xe ô tô mà cho dù khẩu trang che kín mũi miệng, cũng không sao thoát nổi những chất độc ấy chui vào phổi. Hậu quả sẽ ra sao với sức khoẻ của con người, khó mà lường được. Nhưng trước mắt thì vẫn cứ phải tồn tại bằng thở hít cái khói bụi độc hại đó để mà bươn chải với cuộc mưu sinh. Cứ ngỡ như chỉ cư dân ở đô thị mới trực tiếp gánh chịu tai hoạ đó. Song, như nhận định có trách nhiệm của một nhà khoa học trong Hội thảo về Phát triển nông thôn vừa rồi, thì cư dân nông thôn cũng cùng chung thảm hoạ đó. Đấy là chưa nói đến một thực trạng mà theo ông, sự ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn có khía cạnh nặng nề hơn. Mới đó, nông thôn thơ mộng với những "con sông xanh biếc - Nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Tế Hanh), mà nay đang "có những dòng sông sắp qua đời" ! Các dữ liệu mà báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa công bố tập trung vào tình hình ba lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy ở phía bắc và lưu vực sông Đồng Nai ở phía nam cho thấy rõ điều đó.
Ai kia ở chốn phồn hoa đô hội ồn ào, bụi bặm mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, đắm mình vào dòng sông quê hương "soi tóc những hàng tre", đang thật sự bị thất vọng. Sự "trong lành" ấy đang bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ mạnh ai nấy được trong nuôi trồng thuỷ sản. Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180000 tấn phân hoá học, 1500 tấn thuốc trừ sâu ! Lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm, nước sông đang bốc mùi ! [...] Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp lưu suối Cả – Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân,... Rồi câu chuyện về "làng ung thư", thảm hoạ đau thương ngày càng tăng của một cộng đồng do tác động trực tiếp của chất thải công nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận thật rõ ràng : ai là thủ phạm của những cái chết đau thương đó là một ví dụ quá đau xót. Phải xem đây là nỗi đau không chỉ của một làng, một địa phương, mà là nỗi đau chung của những ai có lương tri với đạo lí dân tộc máu chảy ruột mềm, thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Làm sao có thể dửng dưng, vô cảm khi trên màn hình, những cư dân ở cái "làng ung thư" kia hiện bị căn bệnh quái ác tấn công đang hiền lành và bất lực kêu cứu ?".
(Tương Lai – Môi trường và phát triển,
www.nguoidaihieu.com.vn)
Câu hỏi :
a) Đoạn trích trên đây bàn về vấn đề gì ? Để làm nổi bật vấn đề đó, ngoài phương thức nghị luận, tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào ?
b) Chỉ ra các biểu hiện cụ thể của mỗi phương thức biểu đạt được kết hợp trong đoạn trích và tác dụng của phương thức ấy.
2. Viết một đoạn văn phân tích bốn câu thơ sau (khi viết, cần kết hợp được các phương thức biểu đạt) :
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Quang Dũng – Tây Tiến)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn