Nội Dung Chính
I – CUỘC ĐỜI
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) thời thơ ấu và thanh thiếu niên tên là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác.
Hồ Chí Minh sinh trong một gia đình nhà nho yêu nước, quê ở làng Kim Liên (làng Sen), nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, Nguyễn Tất Thành học chữ Hán, sau đó học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp ở Trường Quốc học Huế. Người vào dạy học ở Trường Dục Thanh – một trường học của tổ chức yêu nước ở Phan Thiết (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) một thời gian ngắn rồi vào Sài Gòn ; đến đầu tháng 6 năm 1911, Người xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Năm 1918, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước. Năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị hoà bình họp ở Véc-xay (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, kí tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Người tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân và đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Từ năm 1923 đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan. Ngày 3 - 2 - 1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hương Cảng (Hồng Kông). Đầu năm 1941, Người về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng để đưa cách mạng Việt Nam tới thắng lợi. Từ năm 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh. Ngày 2 - 9 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếp đó, Người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, giành độc lập, tự do của dân tộc. Hồ Chí Minh qua đời ngày 2 - 9 - 1969.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Đóng góp to lớn nhất của Người đối với đất nước là sự nghiệp cách mạng.
Bên cạnh Hồ Chí Minh – nhà cách mạng, còn có Hồ Chí Minh – nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá lớn.
II – SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
1. Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh
Là một nhà cách mạng với "ham muốn tột bậc" : đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, Hồ Chí Minh coi văn chương trước hết phải là vũ khí chiến đấu, có đối tượng và mục đích rõ ràng. Khi viết, nhà văn phải tự hỏi viết cho ai, viết để làm gì, sau đó mới quyết định viết cái gì (nội dung) và viết thế nào (hình thức). Vì quan điểm ấy, sáng tác của Người chủ yếu tập trung vào đề tài "chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai các nhà báo Việt Nam)(1).
Chức năng của văn nghệ đối với Hồ Chí Minh trước hết là tuyên truyền, cổ động, ca tụng các anh hùng, chiến sĩ xả thân vì nước, những người tốt, việc tốt để động viên nhân dân và làm gương cho con cháu mai sau. Quan điểm đó vừa phát huy truyền thống văn thơ đuổi giặc ("thoái lỗ thi") của cha ông ta từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đến Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,..., vừa thống nhất với quan điểm văn học mác xít, xem văn học nghệ thuật như "một mặt trận", các nhà văn "là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Người khẳng định :
(1) Những thơ văn nhằm vận động tuyên truyền cách mạng trực tiếp của Hồ Chí Minh đều viết về đề tài này. Nhưng những bài thơ nghệ thuật trong Nhật kí trong tù hay trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (phần nhiều bằng chữ Hán) thì đề tài rộng mở hơn, thể hiện tâm hồn phong phú của Người.
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi")
Sức mạnh của văn học cốt ở tính chân thực, hiện thực. Hồ Chí Minh đề cao thứ văn học "chân thật", "thật thà" ; chống văn học "giả dối", "bịa đặt". Đồng thời, để tuyên truyền cách mạng nhằm vào đối tượng công nông binh, Người chủ trương phải viết cho dễ hiểu, cho "thấm thía", có "văn chương" thì quần chúng mới thích đọc.
Đó là quan điểm sáng tác văn học phù hợp với nhu cầu cách mạng.
2. Sáng tác văn học của Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời cách mạng của mình, khi ở nước ngoài cũng như ở trong nước, vì nhằm vào những đối tượng cụ thể và những mục tiêu chính trị cụ thể khác nhau, Hồ Chí Minh đã sáng tạo nên một sự nghiệp văn học rất phong phú, gồm nhiều thể loại và phong cách khác nhau, khi viết bằng tiếng Pháp, khi viết bằng tiếng Hán, tiếng Việt. Đáng chú ý nhất là các tác phẩm chính luận, truyện ngắn, thơ ca và hồi kí. Văn chính luận chiếm khối lượng lớn nhất trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh.
Bìa sách Bản án chế độ thực dân Pháp và Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
(Ảnh : Thông tấn xã Việt Nam)
Từ những năm hai mươi của thế kỉ XX, dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp (tiếng Pháp). Với bằng chứng xác thực, lời văn sắc bén, cuốn sách đã tố cáo tội ác và sự lừa dối của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa. Như ở chương Thuế máu chẳng hạn, mỗi câu văn là một làn roi quất vào luận điệu bịp bợm của thực dân Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945) là một văn kiện lịch sử bất hủ, một tác phẩm chính luận mẫu mực : ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ ; vạch rõ các chính sách tàn bạo của thực dân Pháp, tố cáo chúng đã hai lần bán nước ta cho Nhật ; chỉ rõ nhân dân ta giành độc lập từ tay Nhật, để tuyên bố cắt đứt mọi ràng buộc mà thực dân Pháp đã áp đặt cho Việt Nam ; khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập.
Văn chương hư cấu viết theo cảm hứng thẩm mĩ không chiếm số lượng lớn trong sự nghiệp văn học của Người. Về văn xuôi có thể kể một số truyện ngắn như Pa-ri, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, "Vi hành", Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu,... ra đời vào những năm hai mươi và viết bằng tiếng Pháp. Qua các tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng hình ảnh biếm hoạ sắc sảo tên vua bù nhìn Khải Định, tên thực dân Va-ren trơ tráo, giả dối ; đã dựng lên hình tượng Phan Bội Châu uy nghi lẫm liệt. Tác giả có con mắt quan sát sắc sảo, tưởng tượng độc đáo và lời văn linh hoạt, hóm hỉnh, sắc lạnh. So với các truyện ngắn tiếng Việt cùng thời ở trong nước, các truyện ngắn của Người, xét về mặt nghệ thuật thể loại, là cả một cuộc cách mạng.
Hồ Chí Minh còn có những bài hồi kí viết vào những năm năm mươi, sáu mươi, kí tên là T. Lan (Vừa đi đường vừa kể chuyện), L.T,... Đọc những bài kí này, người ta có một cái thú đặc biệt là được thấy hiển hiện một cái tôi Hồ Chí Minh, một cái tôi rất đỗi trẻ trung và hồn nhiên, giản dị, say mê hoạt động, ham học hỏi, có năng khiếu quan sát sắc sảo, mau lẹ của một kí giả có tài, ở đâu, làm gì cũng sống hết mình với công việc, với người, với cảnh, tinh thần dân chủ thấm sâu trong tác phong sinh hoạt hằng ngày, trong thái độ chân tình và yêu quý đối với những con người bình thường vô danh, nhưng họ là nền tảng của dân tộc, là động lực vĩ đại của lịch sử.
Về thơ, Hồ Chí Minh đã sáng tác tập Nhật kí trong tù trong thời gian bị giam giữ tại Quảng Tây dưới chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943. Ngoài ra là một số chùm thơ Người làm ở Việt Bắc từ năm 1941 đến năm 1945 và trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Những tác phẩm này hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ điển và viết bằng chữ Hán. Đây lại là bằng chứng của một tài thơ lớn, một tâm hồn nghệ sĩ phong phú, tinh tế trước vẻ đẹp của tạo vật và tình người.
3. Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh có phong cách nghệ thuật hết sức phong phú và đa dạng. Chẳng hạn, nếu đặt những truyện kí Người viết từ những năm hai mươi ở Pháp cạnh tập Nhật kí trong tù, sẽ thấy, một bên rõ ràng là những áng văn xuôi theo phong cách u châu hiện đại, một bên lại là những vần thơ hàm súc một cách cổ điển rất gần gũi với những thi phẩm thời Đường, thời Tống.
Nói riêng trong sáng tác thơ cũng thế, tuỳ từng đối tượng (Viết cho ai ?), Người sử dụng nhiều hình thức khác nhau : bài ca, bài vè nhằm tuyên truyền cách mạng ; thơ có tính chất châm ngôn, tục ngữ như những bài Gửi nông dân, Khuyên thanh niên ; lối thơ chúc Tết mừng xuân theo tục lệ cổ truyền của dân tộc ; thơ trữ tình cổ điển giàu chất trữ tình, phần lớn viết bằng chữ Hán. Cố nhiên, loại thơ nghệ thuật này là tiếng nói sâu sắc và tinh tế nhất của tâm hồn Hồ Chí Minh : vừa hồn nhiên tự nhiên vừa thâm trầm sâu sắc, vừa trẻ trung hiện đại vừa đậm đà phong vị cổ điển, vừa đầy chất thép kiên cường vừa chan chứa tình nhân đạo và dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên,...
Về truyện kí, khi viết cho người Pháp đọc thì Hồ Chí Minh sử dụng bút pháp hiện đại, khi viết cho đồng bào mình thì lại trở về lối truyện truyền thống.
Văn chính luận cũng vậy, tuỳ mục đích và đối tượng khác nhau, có khi là những lập luận hùng hồn đanh thép, đầy tính chiến đấu như dồn đối phương vào chỗ cùng đường, có khi lại kết hợp tình và lí, giọng điệu ôn tồn thân mật như đưa lẽ phải thấm vào lòng người.
Tuy nhiên, phong cách nghệ thuật là một hiện tượng vừa đa dạng vừa thống nhất. Tính thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh thể hiện trong toàn bộ sáng tác thơ văn của Người : trên cơ sở nhất quán về quan điểm sáng tác (Viết cho ai ? Viết để làm gì ?), lối viết của Người bao giờ cũng ngắn gọn, trong sáng, giản dị, đi đôi với sự sáng tạo linh hoạt, hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng các hình thức thể loại và ngôn ngữ, các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau nhằm mục đích thiết thực của mỗi tác phẩm ; đồng thời, từ tư tưởng tới hình tượng nghệ thuật đều luôn luôn vận động một cách tự nhiên, nhất quán hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai,...
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng, đồng thời là nhà văn, nhà thơ. Thơ văn của Hồ Chí Minh gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Hồ Chí Minh là người có quan điểm sáng tác dứt khoát, rõ ràng, lấy việc phục vụ cách mạng, phụng sự đất nước làm mục đích. Quan điểm đó đã có ảnh hưởng sâu rộng tới văn học cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh viết nhiều thể loại văn học. Nổi bật nhất là những áng văn chính luận với những tác phẩm sắc bén, bất hủ. Nhật kí trong tù – tập nhật kí tâm hồn chân thực, hóm hỉnh, tài hoa, vừa cổ điển vừa hiện đại – đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Các tác phẩm truyện và kí của Nguyễn Ái Quốc là những áng văn với kết cấu và cách diễn đạt hiện đại.
Văn chương nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Việt Nam và bạn bè quốc tế, thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá Việt Nam.
Đây là những di sản vô cùng quý báu lưu lại mãi mãi những khía cạnh tâm hồn của một người Việt Nam đẹp nhất, vĩ đại nhất trong thời đại ngày nay.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh có những nội dung gì ? Vì sao Người lại có quan điểm sáng tác văn học như vậy ?
2. Hãy giải thích vì sao sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh lại hết sức phong phú, đa dạng và chứng minh tính chất phong phú, đa dạng ấy bằng một số tác phẩm của Người mà anh (chị) đã được học hoặc được đọc trên sách báo.
3. Anh (chị) hãy trình bày các nội dung cơ bản trong sáng tác của Hồ Chí Minh (văn chính luận, truyện và kí, thơ trữ tình).
4. Hãy nêu những đặc điểm chung nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn