Việt Bắc (Trích) | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1


TIỂU DẪN

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết (tháng 7 - 1954), hoà bình trở lại, miền Bắc nước ta được giải phóng. Một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của cách mạng được mở ra. Tháng 10 - 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Với Tố Hữu, Việt Bắc là nơi ông đã sống và gắn bó suốt thời kì kháng chiến, nay phải từ giã để cùng cơ quan Trung ương Đảng về thủ đô. Trong không khí lịch sử ấy và tâm trạng khi chia tay với Việt Bắc, Tố Hữu sáng tác bài Việt Bắc. Bài thơ gồm hai phần. Phần I tái hiện một giai đoạn gian khổ, vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỉ niệm sâu nặng trong lòng người. Phần II nói lên sự gắn bó giữa miền ngược và miền xuôi trong một viễn cảnh hoà bình tươi sáng của đất nước và kết thúc bằng lời ngợi ca công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng đối với dân tộc.

Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Dưới đây trích phần I của bài thơ.

(⁎) Về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Tố Hữu, xem bài Tố Hữu ở trang 93.

(1) Việt Bắc : khu căn cứ địa đầu não của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bao gồm phần lớn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

                             – Mình về mình có nhớ ta
                   Mười lăm năm(1) ấy thiết tha mặn nồng.
                             Mình về mình có nhớ không
                   Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ?

5.                          – Tiếng ai tha thiết bên cồn
                   Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
                             Áo chàm(2) đưa buổi phân li
                   Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

                             – Mình đi, có nhớ những ngày
10.               Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
                             Mình về, có nhớ chiến khu
                   Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai ?
                             Mình về, rừng núi nhớ ai
                   Trám bùi để rụng, măng mai để già.
15.                        Mình đi, có nhớ những nhà
                   Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
                             Mình về, còn nhớ núi non
                   Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
                             Mình đi, mình có nhớ mình
                   Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa(3) ?

                             – Ta với mình, mình với ta
                   Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
                             Mình đi, mình lại nhớ mình
                   Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...

(1) Mười lăm năm : tính từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (1940), tiếp đó là thành lập Mặt trận Việt Minh (1941) xây dựng khu căn cứ cách mạng ở Việt Bắc. Ở dưới có câu "Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh".

(2) Áo chàm : áo màu chàm (màu lam sẫm – giữa màu tím và màu lam). Trước đây, người dân tộc thiểu số ở Việt Bắc thường mặc quần áo nhuộm chàm (chất nhuộm chiết xuất từ lá cây chàm rất bền màu).

(3) Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa : đình Hồng Thái (thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) là nơi họp Quốc dân Đại hội (tháng 8 - 1945) thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng và phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cây đa Tân Trào là nơi diễn ra lễ xuất phát của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

25.                        Nhớ gì như nhớ người yêu
                   Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
                             Nhớ từng bản khói cùng sương
                   Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
                             Nhớ từng rừng nứa bờ tre
30.              Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê(1) vơi đầy.
                             Ta đi ta nhớ những ngày
                   Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi....
                             Thương nhau, chia củ sắn lùi
                   Bát cơm sẻ nửa, chăn sui(2) đắp cùng.
35.                        Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
                   Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
                             Nhớ sao lớp học i tờ
                   Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
                             Nhớ sao ngày tháng cơ quan
40.              Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
                             Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều(3)
                   Chày đêm nện cối đều đều suối xa(4)...

                             Ta về, mình có nhớ ta
                   Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
45.                        Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
                   Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
                             Ngày xuân mơ nở trắng rừng
                   Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

(1) Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê : những địa danh trong khu căn cứ địa Việt Bắc.

(2) Chăn sui : chăn bằng vỏ cây sui (sui : loài cây to, gỗ nhẹ, có vỏ dày và dai ; người miền núi ở Việt Bắc thường lấy vỏ cây sui đập mềm ra làm chăn đắp).

(3) Tiếng mõ rừng chiều : tiếng mõ trâu buổi chiều trở về làng bản (ở Việt Bắc, người ta đeo vào cổ mỗi con trâu một cái mõ bằng gỗ hoặc tre, khi trâu di chuyển phát ra tiếng mõ).

(4) Chày đêm nện cối đều đều suối xa : cối giã gạo hoạt động bằng sức nước. Nước suối dẫn theo máng chảy vào một hõm khoét ở phía đuôi chày, khi nước đầy, đuôi chày bị nhấn xuống, đầu chày được nhấc lên rồi rơi xuống giã vào cối gạo.

                             Ve kêu rừng phách(1) đổ vàng
50.              Nhớ cô em gái hái măng một mình
                             Rừng thu trăng rọi hoà bình
                   Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

                             Nhớ khi giặc đến giặc lùng
                   Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
55.                        Núi giăng thành luỹ sắt dày
                   Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
                             Mênh mông bốn mặt sương mù
                   Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
                             Ai về ai có nhớ không ?
60.               Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng(2)
                             Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
(3)
                   Nhớ từ Cao – Lạng(4), nhớ sang Nhị Hà(5)...

                             Những đường Việt Bắc của ta
                   Đêm đêm rầm rập như là đất rung
65.                        Quân đi điệp điệp trùng trùng
                   Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
                             Dân công đỏ đuốc từng đoàn
                   Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
                             Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
70.              Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

(1) Phách : một loài cây thân gỗ ở rừng Việt Bắc, nở hoa vàng vào đầu mùa hè.

(2) Phủ Thông, đèo Giàng : những địa điểm ở Việt Bắc, nơi đã diễn ra các trận đánh hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

(3) Sông Lô, phố Ràng : địa danh ở Việt Bắc, nơi đã diễn ra những trận đánh lớn : trận sông Lô đánh tàu chiến Pháp trong chiến dịch Việt Bắc (cuối năm 1947), trận đánh đồn phố Ràng (thuộc Yên Bái) năm 1948.

(4) Cao – Lạng : Cao Bằng và Lạng Sơn, hai tỉnh ở giáp biên giới Việt – Trung ; năm 1950, ta mở chiến dịch giải phóng biên giới, cũng gọi là chiến dịch Cao – Lạng.

(5) Nhị Hà : tên gọi (cũ) của sông Hồng (đúng ra là Nhĩ Hà, nhưng người ta thường phát âm thuận miệng là Nhị Hà).

                             Tin vui chiến thắng trăm miền
                   Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên(1) vui về
                             Vui từ Đồng Tháp(2), An Khê(3)
                   Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng(4).

75.                         Ai về ai có nhớ không ?
                   Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.

hinh-anh-viet-bac-trich-2800-0

Cây đa Tân Trào
(Ảnh : Thông tấn xã Việt Nam)

                             Nắng trưa rực rỡ sao vàng
                   Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
                             Điều quân chiến dịch Thu – đông
80.              Nông thôn phát động(5), giao thông mở đường

(1) Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên : các địa danh, nơi đã diễn ra những chiến dịch lớn trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

(2) Đồng Tháp : Đồng Tháp Mười, khu căn cứ kháng chiến Nam Bộ.

(3) An Khê : địa danh ở Tây Nguyên, nơi đầu năm 1954 bộ đội ta đánh thắng nhiều trận, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn.

(4) Đèo De, núi Hồng (Đèo De thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ; núi Hồng ở tỉnh Thái Nguyên) : những nơi có các cơ quan Trung ương thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

(5) Nông thôn phát động : phát động quần chúng nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ để đòi giảm tô và cải cách ruộng đất, chia ruộng đất cho nông dân.

                             Giữ đê, phòng hạn, thu lương
                   Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu
                             

                             Ở đâu u ám quân thù
                   Nhìn lên Việt Bắc : Cụ Hồ sáng soi
85.                        Ở đâu đau đớn giống nòi
                   Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
                             Mười lăm năm ấy, ai quên
                   Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà.
                             Mình về mình lại nhớ ta
90.              Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

                   [...]

10 - 1954              
(Việt Bắc, NXB Văn học, Hà Nội, 1962)

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Đọc phần Tiểu dẫn và cho biết bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh nào. Cảm xúc bao trùm trong đoạn trích là gì ?

2. Nhận xét về cách kết cấu của đoạn trích bài thơ (chú ý cảnh chia tay, lời hỏi và lời đáp). Cách kết cấu ấy có gì gần gũi với ca dao, dân ca và có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm trong đoạn trích ?

3. Nhận xét về cách sử dụng hai từ "mình" và "ta" ("mình", "ta" là ai ?). Hãy nêu sự thống nhất và chuyển đổi của hai "nhân vật" ấy. "Mình", "ta" trong bài Việt Bắc giống và khác như thế nào với "mình", "ta" trong ca dao ?

4. Trong đoạn thơ từ câu 25 đến câu 52, những hình ảnh nào của thiên nhiên và con người Việt Bắc được tái hiện ? Trong không gian và thời gian nào ? Giữa cảnh và người có sự gắn bó như thế nào ? Nêu cảm nhận của anh (chị) về tình cảm của người cán bộ kháng chiến với Việt Bắc qua những hình ảnh ấy. Nhận xét về bút pháp miêu tả và giọng điệu của đoạn thơ này.

5. Trong đoạn thơ từ câu 53 đến câu 88, khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến được tái hiện qua những hình ảnh, sự việc nào ? Bút pháp và giọng điệu trong đoạn thơ này có gì khác với đoạn thơ trước (từ câu 25 đến câu 52) ?

6. Phân tích tính dân tộc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích bài thơ Việt Bắc (ở bức tranh đời sống và nội dung tình cảm ; ở các hình thức nghệ thuật nổi bật như thể thơ, lối kết cấu, hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu).

BÀI TẬP NÂNG CAO

Tìm hiểu phong vị dân gian trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

TRI THỨC ĐỌC - HIỂU

• Thơ lục bát

Trong các thể thơ Việt Nam có nguồn gốc dân tộc thì lục bát được sử dụng phổ biến nhất và cũng được coi là tiêu biểu nhất. Nó phát huy đầy đủ những đặc điểm của tiếng Việt, nhất là về phương diện ngữ âm.

Thể thơ lục bát khởi nguồn từ ca dao. Nó được đưa vào văn học viết, có lẽ ban đầu là để sáng tác các truyện thơ Nôm bình dân – một thể loại nằm giữa văn học dân gian và văn học viết. Các tác giả truyện thơ Nôm bác học, mà tiêu biểu nhất là Nguyễn Du với Truyện Kiều, đã đưa thể lục bát đến trình độ điêu luyện mang tính cổ điển, nhưng vẫn không hề xa rời cái gốc dân gian của nó.

Thơ lục bát có đầy đủ khả năng để biểu hiện các trạng thái tình cảm, cảm xúc từ mơ hồ, mong manh đến sôi nổi, mạnh mẽ. Quy tắc luân chuyển thanh điệu và tạo nhịp đều đặn của câu thơ lục bát phù hợp với những trạng thái cân xứng, êm ả, nhịp nhàng của cảm xúc hay hình ảnh. Nhưng câu thơ lục bát cũng cho phép thay đổi cách ngắt nhịp khá linh hoạt, sự phối hợp về thanh điệu cũng không quá cứng nhắc, vì vậy, nó có thể tạo ra những âm hưởng hoàn toàn khác với vẻ nhịp nhàng, êm ả vốn quen thuộc của thể thơ này. Lục bát cũng rất dễ dàng sử dụng để miêu tả, tự sự. Từ láy, từ tượng thanh, tượng hình có thể phát huy triệt để giá trị tạo hình và biểu cảm trong câu thơ lục bát. Sự phối hợp xen kẽ vần lưng và vần chân khiến cho bài thơ lục bát tránh được sự đơn điệu về vần, lại có thể tương đối dễ dàng tìm được vẫn thích hợp, bởi thế mà từ xưa người ta đã dùng thể thơ này vào việc kể chuyện, để tạo nên một loại tiểu thuyết bằng thơ – truyện thơ Nôm, một thể loại đặc sắc của văn học trung đại Việt Nam. Các nhà thơ hiện đại, từ Huy Cận, Nguyễn Bính đến Tố Hữu, rồi Nguyễn Duy và các tác giả gần đây, đã kế thừa câu thơ lục bát truyền thống đồng thời đem lại nhiều cách tân cho thể thơ này. Câu thơ lục bát hiện đại thường khá tự do trong việc tạo nhịp, gieo vần, liên kết giữa hai dòng thơ.

• Tính dân tộc của văn học

Tính dân tộc là phẩm chất tư tưởng – thẩm mĩ độc đáo của sáng tác văn học, thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học với văn hoá và tinh thần dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cuộc sống, cách cảm thụ thế giới và hệ giá trị riêng do truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, tâm lí và ngôn ngữ tạo thành. Sự biểu hiện tập trung các phương diện ấy vào nội dung và hình thức của tác phẩm làm thành tính dân tộc của văn học. Tính dân tộc thể hiện ở cảnh sắc thiên nhiên, nhịp điệu đời sống, cái nhìn và tính cách dân tộc ; đặc biệt là ở các hình thức thể loại và phương tiện ngôn từ mà dân tộc ấy ưa chuộng. Cùng với sự vận động của lịch sử và giao lưu với văn hoá nước ngoài, tính dân tộc của văn học cũng biến đổi, hiện đại hoá và phong phú mãi lên. Tính dân tộc của văn học Việt Nam tuy đã có từ thời trung đại nhưng còn chưa tự giác. Phải đến thời kì từ đầu thế kỉ XX trở đi, cùng với sự mở rộng giao lưu, ý thức dân tộc mài sắc, tính dân tộc của văn học mới được biểu hiện rõ nét và phong phú.

Tính dân tộc là dấu ấn độc đáo không lặp lại của văn học một dân tộc so với văn học các dân tộc khác, đồng thời góp phần làm nên sự phong phú của văn học nhân loại.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay, việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cũng như những biểu hiện phong phú của tính dân tộc trong sáng tác là một con đường làm cho văn học dân tộc giữ được sức hấp dẫn đối với thế giới.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Việt Bắc (Trích) | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

  1. Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX
  2. Nghị Luận Xã Hội Và Nghị Luận Văn Học
  3. Tuyên Ngôn Độc Lập
  4. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
  5. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  6. Bài Viết Số 1
  7. Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ Của Dân Tộc
  8. Đọc thêm: Mấy Ý Nghĩ Về Thơ (Trích)
  9. Đọc thêm: Thương Tiếc Nhà Văn Nguyên Hồng
  10. Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (Trích)
  11. Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Nghị Luận
  12. Tây Tiến
  13. Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích)
  14. Đọc thêm: Dọn Về Làng
  15. Luyện Tập Về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  16. Trả Bài Viết Số 1
  17. Việt Bắc (Trích)
  18. Đọc thêm: Bác Ơi!
  19. Tố Hữu
  20. Nghị Luận Về Một Bài Thơ, Đoạn Thơ
  21. Tiếng Hát Con Tàu
  22. Đọc thêm: Đất Nước
  23. Bài Viết Số 2
  24. Đất Nước (trích trường ca Mặt Đường Khát Vọng)
  25. Sóng
  26. Đọc thêm: Đò Lèn
  27. Luật Thơ
  28. Đàn Ghi-ta Của Lor-ca
  29. Đọc thêm: Tự Do
  30. Luyện Tập Về Luật Thơ
  31. Nghị Luận Về Một Ý Kiến Bàn Về Văn Học
  32. Con Đường Trở Thành
  33. Các Kiểu Kết Cấu Của Bài Văn Nghị Luận
  34. Trả Bài Viết Số 2
  35. Người Lái Đò Sông Đà (trích)
  36. Luyện Tập Về Cách Dùng Biện Pháp Tu Từ Ẩn Dụ
  37. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Phương Pháp Biểu Đạt Trong Bài Văn Nghị Luận
  38. Nguyễn Tuân
  39. Phong Cách Văn Học
  40. Nghị Luận Về Một Tư Tưởng, Đạo Lí
  41. Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông?
  42. Đọc thêm: Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới (Trích
  43. Bài Viết Số 3 (Nghị luận văn học)
  44. Nhìn Về Vốn Văn Hóa Dân Tộc
  45. Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  46. Nghị Luận Về Một Hiện Tượng Đời Sống
  47. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt (trích)
  48. Thông Điệp Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống AIDS, 1 - 12 - 2003
  49. Luyện Tập Nghị Luận Về Một Vấn Đề Xã Hội Trong Tác Phẩm Văn Học
  50. Tư Duy Hệ Thống - Nguồn Sức Sống Mới Của Đổi Mới Tư Duy
  51. Luyện Tập Về Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  52. Trả Bài Viết Số 3
  53. Quá Trình Văn Học
  54. Luyện Tập Về Cách Tránh Hiện Tượng Trùng Nghĩa
  55. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận
  56. Ôn Tập Về Văn Học (Học kì I)
  57. Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  58. Luyện Tập Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  59. Ôn Tập Về Tiếng Việt (Học kì I)
  60. Ôn Tập Về Làm Văn (Học kì I)
  61. Bài Viết Số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.