Nội Dung Chính
Để làm tốt Bài viết số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I), cần chú ý một số vấn đề sau đây.
1. Nắm vững các nội dung đã nêu ở ba bài ôn tập cuối học kì trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một : Ôn tập về Văn học, Ôn tập về Tiếng Việt và Ôn tập về Làm văn.
2. Chú ý nội dung và cấu trúc của bài kiểm tra tổng hợp : kết hợp hình thức trắc nghiệm với tự luận theo một tỉ lệ phù hợp. Phần trắc nghiệm sẽ kiểm tra một cách tổng hợp các kiến thức Văn học, Tiếng Việt và Làm văn đã học. Phần tự luận kiểm tra năng lực cảm thụ văn học và các kĩ năng viết bài văn, đoạn văn.
3. Việc kiểm tra, đánh giá kiến thức và kĩ năng ngữ văn tập trung vào hai phương diện :
– Những kiến thức của học sinh về đọc - hiểu văn bản phần văn (đã nêu ở bài Ôn tập về Văn học) và các kiến thức tiếng Việt (đã nêu ở bài Ôn tập về Tiếng Việt). Những nội dung trên có thể kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm.
– Đánh giá năng lực cảm thụ, phân tích văn học và kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận của học sinh (đã nêu ở bài Ôn tập về Làm văn). Những nội dung này được kiểm tra bằng hình thức đề tự luận (viết một bài văn, đoạn văn).
4. Tham khảo bài kiểm tra tổng hợp sau đây.
Đề bài (gồm hai phần)
Phần I. Trắc nghiệm (12 câu, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm, tổng cộng : 3 điểm)
1. Dòng nào sau đây không phải là đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 ?
A. Nền văn học phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu
B. Nền văn học luôn hướng về đại chúng
C. Nền văn học có nhịp độ phát triển hết sức mau lẹ
D. Nền văn học có khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
2. "Đây là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm của nó phải là những con người gắn bó số phận mình với số phận đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng – trước hết đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và thời đại, chứ không phải cho cá nhân mình. Và người cầm bút cũng vậy : nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca người anh hùng với những chiến công chói lọi". Đó là nội dung nói về... của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.
Cụm từ nào sau đây điền vào chỗ trống trong câu văn in đậm ở trên là phù hợp ?
A. Tính chiến đấu
B. Tính dân tộc
C. Cảm hứng lãng mạn
D. Khuynh hướng sử thi
3. "Đem lại một cách hiểu mới đối với quần chúng lao động về phẩm chất tinh thần và sức mạnh của họ trong cuộc kháng chiến, phê phán tư tưởng coi thường quần chúng". Đây là một trong hai chủ đề thể hiện rõ đặc điểm : văn học Việt Nam 1945 - 1975 luôn...
Điền cụm từ nào dưới đây vào chỗ trống trong câu văn in đậm ở trên cho phù hợp ?
A. Phục vụ cách mạng
B. Hướng về đại chúng
C. Đậm đà tính dân tộc
D. Có khuynh hướng sử thi
4. Cho các nhận định sau đây :
1. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá.
2. Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận xuất sắc.
3. Tuyên ngôn Độc lập là một bản án đối với thực dân Pháp.
4. Tuyên ngôn Độc lập là một mẫu mực về nghệ thuật lập luận.
Hai nhận định nào trên đây khái quát được đúng nhất giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập ?
A. 1 và 3
B. 2 và 4
C. 1 và 2
D. 3 và 4
5. Dòng nào sau đây nêu không đúng đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ khoa học ?
A. Tính biểu cảm, sinh động
B. Tính khái quát, trừu tượng
C. Tính lí trí, lô gích
D. Tính khách quan, phi cá thể.
6. Điểm giống nhau giữa bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu là :
A. Cùng sử dụng thể thơ lục bát
B. Viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp
C. Cùng đề tài viết về người lính
D. Cùng cảm hứng ngợi ca đất nước
7. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lí tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Ông là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng.
Nhận định trên nói về nhà thơ nào sau đây ?
A. Hồ Chí Minh
B. Nguyễn Đình Thi
C. Tố Hữu
D. Chế Lan Viên
8. "Lòng yêu nước của ông có những nét riêng : gắn bó với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà,... ; những nhạc điệu hoặc đài các của thể ca trù, hoặc dân dã mà thiết tha của giọng hò Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Bộ,...; những phong cảnh đẹp của quê hương đất nước, những thú chơi tao nhã như uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp, đánh thơ, thả thơ,... ; những món ăn truyền thống thể hiện khẩu vị tinh tế của người Việt".
Đoạn văn trên nói về tác giả nào và về vấn đề gì sau đây ?
A. Thạch Lam và tình yêu tiếng mẹ đẻ
B. Nguyễn Tuân và các giá trị văn hoá cổ truyền
C. Vũ Bằng và những thú chơi tao nhã
D. Xuân Diệu và lòng yêu quý văn chương cổ điển
9. Đoạn văn (nêu ở câu 8) triển khai theo cách nào ? Câu nào là câu chủ đề của đoạn văn ấy ?
A. Quy nạp. Câu chủ đề : "Lòng yêu nước của ông có những nét riêng : gắn bó với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc".
B. Tổng – phân – hợp. Câu chủ đề : "Ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà,...".
C. Diễn dịch. Câu chủ đề : "Lòng yêu nước của ông có những nét riêng : gắn bó với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc".
D. Diễn dịch. Câu chủ đề : "Ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà".
10. Để xác định nhịp trong thơ, người ta căn cứ vào yếu tố nào sau đây ?
A. Thanh của tiếng
B. Tiếng
C. Vần của tiếng
D. Tiếng và vẫn của tiếng
11. Câu văn : "Hắn là một thanh niên mạnh khoẻ, giỏi giang, nhưng ai lấy được hắn như có được một con trâu mộng" mắc phải lỗi gì ?
A. Lỗi ngữ pháp
B. Lỗi lô gích
C. Lỗi chính tả
D. Lỗi tu từ
12. Cho đề văn : Tìm câu trả lời cho câu hỏi của nhà thơ Tố Hữu "Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?".
Đề văn trên thuộc loại đề nào sau đây ?
A. Nghị luận về một tác phẩm thơ
B. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
C. Nghị luận về một hiện tượng đời sống
D. Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học
Phần II. Tự luận (7 điểm)
Câu 1. (3 điểm) Phải chăng "Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống" ? (Noóc-man Ku-sin, theo Những vòng tay âu yếm – NXB Trẻ, 2003).
Câu 2. (4 điểm) Phân tích vẻ đẹp của khổ thơ sau :
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
(Nguyễn Duy – Đò Lèn)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn