Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1 - Tuần 1


Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra trên đất nước ta một thời kì lịch sử mới : thời kì độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Cùng với sự kiện lịch sử ấy, một nền văn học mới đã ra đời.

Nền văn học mới phát triển qua hai giai đoạn : 1945 - 1975 và từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.

A – VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 - 1975

Văn học giai đoạn này tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt : cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt kéo dài suốt ba mươi năm ; điều kiện giao lưu văn hoá với nước ngoài không tránh khỏi hạn chế : sự tiếp xúc với văn hoá, văn học thế giới chủ yếu thông qua vùng ảnh hưởng của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh ấy, nền văn học mới có những đặc điểm và thành tựu riêng, nhưng vẫn tiếp nối và phát huy những truyền thống lớn của văn học dân tộc trước Cách mạng tháng Tám 1945.

I – NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN

1. Nền văn học phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu

Đáp ứng yêu cầu lịch sử của đất nước, văn nghệ phải thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu. Văn học trước hết phải là một thứ vũ khí. Không khí cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần công dân, tinh thần chiến sĩ của những người cầm bút.

Văn học phục vụ cách mạng nên quá trình vận động, phát triển hoàn toàn ăn nhịp với từng bước đi của cách mạng, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước : ca ngợi cách mạng và cuộc sống mới (1945 - 1946) ; cổ vũ kháng chiến, theo sát từng chiến dịch, biểu dương các chiến công, phục vụ cải cách ruộng đất (1946 - 1954) ; ngợi ca thành tựu khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (hợp tác hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa) ; phục vụ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1964) ; cổ vũ cao trào chống đế quốc Mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1965 - 1975).

hinh-anh-khai-quat-van-hoc-viet-nam-tu-cach-mang-thang-tam-1945-den-het-the-ki-xx-2784-0

Trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam, năm 1949
(xóm Chòi, xã Yên Mĩ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Từ trái sang phải : Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.
(Ảnh : Thông tấn xã Việt Nam – Trần Văn Lưu)

Phản ánh và phục vụ cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, thế giới nhân vật trong văn học bao gồm đủ mọi tầng lớp nhân dân, thuộc mọi thế hệ, trên mọi miền đất nước. Tất cả đều được quan sát và thể hiện chủ yếu ở tư cách công dân, ở phẩm chất chính trị, tinh thần cách mạng. Lí tưởng độc lập, tự do, tinh thần chiến đấu chống xâm lược, thái độ đối với chủ nghĩa xã hội,... là những tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá con người. Các vấn đề tư tưởng, những mâu thuẫn riêng chung đều phải được phán xét theo tiêu chuẩn ấy. Những tình cảm được thể hiện xúc động nhất trong văn học giai đoạn này là tình cảm trong quan hệ cộng đồng : tình đồng bào, tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, tình giai cấp, tình cảm đối với Tổ quốc, với Đảng, với lãnh tụ, v.v. Con người trong văn học chủ yếu là con người của lịch sử, của sự nghiệp chung, của đời sống cộng đồng. Phương diện đời tư, đời thường không phải không được nói đến, nhưng chủ yếu là để tô đậm thêm trách nhiệm công dân của nhân vật.

Tất nhiên, đối với một giai đoạn văn học phục vụ kháng chiến, nhân vật trung tâm của nó phải là người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang và những lực lượng trực tiếp phục vụ chiến trường : bộ đội, Giải phóng quân, dân quân du kích, dân công, thanh niên xung phong, v.v.

2. Nền văn học hướng về đại chúng

Đại chúng vừa là đối tượng thể hiện vừa là công chúng của văn học, đồng thời cũng là nguồn cung cấp lực lượng sáng tác cho văn học.

Tác phẩm Đôi mắt của Nam Cao được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của các nhà văn buổi đầu đi theo cách mạng và kháng chiến, đã xác định đối tượng cần tìm hiểu và ca ngợi của nền văn học mới là nhân dân lao động.

Tư tưởng này thường được thể hiện qua hai loại chủ đề cơ bản sau đây :

– Đem lại một cách hiểu mới đối với quần chúng lao động về phẩm chất tinh thần và sức mạnh của họ trong cuộc kháng chiến, phê phán tư tưởng coi thường quần chúng.

– Ca ngợi quần chúng bằng cách xây dựng hình tượng đám đông sôi động, đầy khí thế và sức mạnh hoặc xây dựng những nhân vật anh hùng kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp, nhân dân, dân tộc.

Một chủ đề phổ biến khác của văn học giai đoạn 1945 - 1975 là khẳng định sự đổi đời của nhân dân nhờ cách mạng. Đó là sự đổi đời từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, người tự do. Đó cũng là sự phục sinh về tinh thần : từ chỗ mê muội, thậm chí lạc đường (do xã hội cũ hoặc tác động của địch) đến chỗ được giải phóng về tư tưởng, được thanh thoát về tâm hồn (Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ; Đứa con nuôi, Mùa lạc của Nguyễn Khải ; v.v.).

Để phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của đại chúng, văn học phải tìm đến những hình thức nghệ thuật quen thuộc với nhân dân trong kho tàng văn học truyền thống, kho tàng văn hoá dân gian và phải thể hiện bằng một ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, trong sáng, dễ hiểu đối với nhân dân.

Hướng về đại chúng, viết về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân, nền văn học mới rất chú ý phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ sáng tác từ đại chúng. Phong trào văn nghệ quần chúng vì thế được phát triển rộng khắp, nhất là trong quân đội. Từ phong trào này, nhiều tài năng đã xuất hiện và ngày càng trở thành lực lượng sáng tác chính của nền văn học mới.

3. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

Ra đời và phát triển trong không khí cao trào cách mạng và cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ vô cùng ác liệt, kéo dài, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 trước hết là một nền văn học của chủ nghĩa yêu nước. Đó không phải là văn học của những số phận cá nhân mà là tiếng nói của cả một cộng đồng dân tộc trước thử thách quyết liệt : Tổ quốc còn hay mất ; độc lập, tự do hay nô lệ, ngục tù ! Đây là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm của nó phải là những con người gắn bó số phận mình với số phận đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng – trước hết đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và thời đại, chứ không phải cho cá nhân mình. Và người cầm bút cũng vậy : nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca người anh hùng với những chiến công chói lọi.

Những đặc trưng cơ bản trên của khuynh hướng sử thi đã chi phối phần lớn nền văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 thuộc các thể loại khác nhau.

Khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Dường như con người trong giai đoạn lịch sử này tuy đứng giữa thực tại đầy gian khổ, mất mát, đau thương nhưng tâm hồn luôn luôn hướng về lí tưởng, về tương lai. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn khiến họ có thể vượt lên mọi thử thách, tạo nên những sự tích phi thường :

                       Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
                       Mà lòng phơi phới dậy tương lai !

(Tố Hữu – Theo chân Bác)

Trong chiến đấu nghĩ đến ngày chiến thắng ; trong khó khăn, thiếu thốn nghĩ đến tương lai độc lập, tự do. Cho nên "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" (Phạm Tiến Duật), những cuộc chia li cũng "chói ngời sắc đỏ" (Nguyễn Mỹ). Cảm hứng lãng mạn khiến cho mỗi thành tựu còn khiêm tốn trong sản xuất và xây dựng ở miền Bắc được nhân lên nhiều lần với kích thước của tương lai. Và chủ nghĩa lạc quan cũng được nhân lên với kích thước ấy :

                    –  Xuân ơi xuân, em đến mới dăm năm
                        Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội.

(Tố Hữu – Bài ca mùa xuân 1961)

                    –  Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh,
                        Có lẽ lòng tôi cũng hoá thành
                                                                     ngói mới.

(Xuân Diệu – Ngói mới)

Cảm hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi. Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút kí, tuỳ bút và cả kịch bản sân khấu đều rất giàu chất thơ. Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn.

Những đặc điểm trên đây, nhìn tổng thể, đã tạo nên những nét cơ bản nhất của diện mạo văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những bước đi cụ thể, quan sát cả những dòng phụ lưu, chi lưu thì cũng có thể thấy những nét khác nữa xuất hiện ở mặt này mặt khác trong những thời điểm nhất định. Chẳng hạn, có những tác phẩm viết về đời tư, đời thường và không có giọng điệu sử thi. Có những trang truyện, kí viết theo cảm hứng hiện thực chủ nghĩa. Có những đề tài lạc ra bên lề của những vấn đề chính trị trọng đại của đất nước. Có những cách hành văn không nhằm hẳn vào đối tượng đại chúng, v.v. Tuy nhiên, những hiện tượng ấy không chiếm ưu thế và không kéo dài.

II – NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN VÀ MỘT SỐ HẠN CHẾ CỦA VĂN HỌC GIAI ĐOẠN 1945 - 1975

1. Thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 phát triển trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt vì phải chiến đấu và chiến thắng hai đội quân xâm lược lớn : thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trong hoàn cảnh ấy, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho văn học, nghệ thuật là phải tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu, hi sinh của nhân dân. Đây là những năm tháng mà người dân đã tự nguyện thực hiện chiến thuật "vườn không nhà trống" ; phá nhà, đốt nhà để tản cư, tránh giặc ; hàng vạn thanh niên nam nữ sẵn sàng lao vào cái chết để giành quyền sống cho dân tộc. Suốt ba mươi năm ấy, toàn bộ nền văn nghệ Việt Nam luôn luôn phải là tiếng kèn xung trận, phải là tiếng trống thúc quân. Văn học giai đoạn này đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó. Nói đến chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, không thể không tính đến cống hiến to lớn của văn học. Vì thế, Đảng đã đánh giá rất cao nền văn học giai đoạn này "xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay"(1).

2. Những đóng góp về tư tưởng

Văn học giai đoạn 1945 - 1975 đã tiếp nối và phát huy những truyền thống tư tưởng lớn của văn học dân tộc.

a) Truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng

Dân tộc vừa giành được độc lập, tự do sau hơn tám mươi năm nô lệ nên yêu nước thường gắn với niềm tự hào được làm chủ giang sơn Tổ quốc mình. Cách mạng dân tộc dân chủ và lí tưởng xã hội chủ nghĩa đem đến cho các nhà văn, nhà thơ quan niệm đất nước – nhân dân. Đất nước được nhân dân xây dựng và bảo vệ bằng mồ hôi, nước mắt và máu của mình qua trường kì lịch sử.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã dành nhiều vần thơ đẹp nhất cho quê hương Việt Bắc, nhất là những cảnh trăng rừng. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1975, thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, v.v. cũng như văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, v.v. sẽ còn đọng lại lâu dài trong tâm hồn người đọc với những dòng viết về đất nước, con người Việt Nam đẹp đẽ, kiên cường trong gian lao, vất vả và phơi phới trong niềm vui chiến thắng.

(1) Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976).

Khi đất nước bị xâm lược, yêu nước tất phải hành động, phải chuyển thành chủ nghĩa anh hùng. Cuộc chiến tranh nhân dân được phát huy đến cao độ đã tạo nên trên đất nước này một chủ nghĩa anh hùng toàn dân. Cho nên người đàn bà con mọn cũng hăng hái cầm súng, những em nhỏ cũng muốn lập chiến công, những mẹ già cũng tham gia chiến đấu. Cả nước trở thành chiến sĩ. Các nhà văn, nhà thơ đã phản ánh được hiện thực đó, cũng bằng tinh thần của người chiến sĩ hiểu theo cả hai nghĩa cầm bút và cầm súng. Họ đã thực sự tạo nên một nền văn học chiến đấu có sức cổ vũ lớn lao.

b) Truyền thống nhân đạo

Nói đến giá trị tư tưởng của văn học không thể không nói đến nội dung nhân đạo. Đây cũng là một truyền thống tư tưởng lớn của văn học dân tộc.

Đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học sau Cách mạng là hướng hẳn về nhân dân lao động, diễn tả nỗi khổ của họ dưới ách áp bức giai cấp trong xã hội cũ và phát hiện ở họ những đức tính tốt đẹp, đặc biệt là khả năng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một đặc điểm khác của nền văn học mới là ca ngợi vẻ đẹp của con người trong lao động. Nhiều tác phẩm (của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Xuân Cang, Đỗ Chu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, v.v.) đã dựng lên được những bức tranh lao động như là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng trên mặt trận sản xuất và xây dựng đất nước.

Văn học thời chiến tranh không tránh khỏi tinh thần khắc khổ. Người cầm bút không thể nói nhiều đến yêu cầu hưởng thụ, đến hạnh phúc cá nhân. Đây là thời kì mà hạnh phúc trước hết phải được định nghĩa như là sự cống hiến cho sự nghiệp chung.

Tuy nhiên, bên cạnh khuynh hướng chủ đạo ấy, trong những thời điểm nhất định, vẫn có những luồng mạch đáp ứng ở mức độ nào đấy những nhu cầu khác của tâm hồn con người. Đó là những tác phẩm viết về đời tư, đời thường, về quá khứ, về thiên nhiên, về tình yêu (của Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thế Phương, v.v.). Từ khoảng năm 1965 trở đi, những chiến sĩ lên đường ra trận phần lớn thuộc lớp thanh niên học sinh, ngoài tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều khi còn có sự cổ vũ của một cô gái hậu phương gửi theo người ra trận một ánh mắt đầy yêu thương, một màu "áo đỏ" hay một chút "hương thầm" trong buổi tiễn đưa. Tất nhiên, tình yêu phải gắn với nhiệm vụ, với tình đồng chí – tình yêu của những người chiến sĩ.

3. Những thành tựu về nghệ thuật

a) Từ năm 1945 đến năm 1975, văn học Việt Nam ngày càng phát triển cân đối, toàn diện hơn về mặt thể loại, nhất là khi miền Bắc được giải phóng. Từ những năm sáu mươi, nền văn học Việt Nam hầu như không thiếu một thể loại nào : truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết (bộ ba, bộ bốn) ; các loại kí : kí sự, truyện kí, bút kí, nhật kí, tuỳ bút ; các loại thơ : thơ trữ tình, thơ trào phúng, truyện thơ, trường ca ; kịch bản sân khấu cũng đủ loại. Ngoài ra còn có cả kịch bản phim.

b) Thành tựu của văn học nghệ thuật không quyết định ở hình thức thể loại hay ở khối lượng lớn hay nhỏ, mà ở phẩm chất thẩm mĩ.

Nhìn chung, trong văn học giai đoạn 1945 - 1975, thơ trữ tình và truyện ngắn là hai thể loại đạt nhiều thành tựu nghệ thuật hơn cả. Bên cạnh đó, văn học giai đoạn này cũng để lại một số tác phẩm kí có chất lượng.

Theo dõi quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, có thể nhận thấy, về đại thể, thành tựu trội nhất trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp là thơ (của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Thôi Hữu, Chính Hữu, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, v.v.). Về văn xuôi, giá trị hơn cả là một ít trang kí sự của Trần Đăng, một số truyện ngắn của Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài, Hồ Phương, v.v. Đây là thời kì phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rất mạnh, đặc biệt là về thơ và kịch, nhưng tác phẩm hầu hết chỉ có giá trị tuyên truyền nhất thời. Từ năm 1958 đến năm 1964, có sự phát triển phong phú và đồng bộ về các thể loại văn học, nhưng giá trị hơn cả là thơ, truyện ngắn, truyện vừa, bút kí, tuỳ bút. Có thể coi đây là thời kì hồi sinh của hàng loạt nhà thơ trước Cách mạng tháng Tám (Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh,...). Văn xuôi phát triển mạnh với những cây bút thuộc các thế hệ khác nhau : Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thế Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Lê Khâm, Nguyễn Kiên, Đào Vũ, Vũ Thị Thường, Bùi Đức Ái, v.v.

c) Từ năm 1965 đến năm 1975, một cao trào sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ trong cả nước được phát động. Đây là thời kì ra đời hàng loạt nhà thơ trẻ có giọng điệu riêng của một thế hệ mới : Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Hoàng Hưng, Ý Nhi,... Về văn xuôi, nổi trội hơn cả trong thời gian này là Nguyễn Khải, Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Phan Tứ (Lê Khâm), Nguyễn Quang Sáng, Bùi Đức Ái (Anh Đức),...

hinh-anh-khai-quat-van-hoc-viet-nam-tu-cach-mang-thang-tam-1945-den-het-the-ki-xx-2784-1

Một số văn nghệ sĩ thời kì chống Mĩ cứu nước
Hàng ngồi từ trái sang phải : Anh Đức, Lưu Hữu Phước, Bùi Kinh Lăng, Nguyễn Văn Bổng
Hàng đứng : Lý Văn Sâm, Lê Anh Xuân, Chim Trắng (Hồ Văn Ba), Từ Sơn.
(Ảnh : Báo Văn nghệ)

d) Từ khoảng đầu những năm sáu mươi trở đi, xuất hiện một số bộ tiểu thuyết nhiều tập : Vỡ bờ (hai tập) của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển (bốn tập) của Nguyên Hồng, Những người thợ mỏ (hai tập) của Võ Huy Tâm, Bão biển (hai tập) của Chu Văn, Vùng trời (ba tập) của Hữu Mai,... Những bộ tiểu thuyết này đã dựng lên được những bức tranh hoành tráng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung không có tác phẩm nào đạt tới giá trị nghệ thuật cao. Đồ sộ hơn cả và có nhiều trang xuất sắc là bộ tiểu thuyết của Nguyên Hồng: Cửa biển. Từ năm 1945 đến năm 1975, kịch nói ngày càng trưởng thành. Đáng chú ý là các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, Đào Hồng Cẩm, Học Phi, Nguyễn Vũ, Trần Quán Anh, Vũ Dũng Minh,... Nhưng nói chung, kịch nói phát triển không mạnh, chất lượng nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

đ) Nói đến các thể loại văn học hiện đại không thể không kể đến lí luận phê bình. Thể loại này phát triển mạnh từ khoảng năm 1960 trở đi. Lí luận văn học Lê-nin, lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được giới thiệu tương đối có hệ thống. Phê bình văn học chủ yếu làm nhiệm vụ biểu dương và bảo vệ văn học cách mạng, phê phán các biểu hiện bị coi là lệch lạc. Xét về số lượng, thành tựu phê bình không nhỏ, nhưng chất lượng nói chung chưa cao. Có giá trị lâu bền hơn cả có lẽ là một số bài thiên về bình văn hoặc phân tích, miêu tả phong cách nghệ thuật của nhà văn một cách tinh tế, tài hoa (bài của Xuân Diệu, Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ,...).

4. Một số hạn chế

– Nhiều tác phẩm thể hiện con người và cuộc sống một cách đơn giản, xuôi chiều, phiến diện, công thức. Nhược điểm này khó tránh khỏi đối với một nền văn học phục vụ kháng chiến : Để cổ vũ chiến đấu nên phải nói nhiều về thuận lợi hơn là khó khăn ; về chiến thắng hơn là thất bại ; về thành tích hơn là tổn thất ; về niềm vui hơn là nỗi đau, nỗi buồn ; về hi sinh hơn là hưởng thụ. Trước sự sống còn của Tổ quốc và sự đối đầu quyết liệt giữa ta và địch, con người tất nhiên phải được thể hiện và đánh giá chủ yếu ở thái độ chính trị, ở tư cách công dân, các phương diện khác không thể đi sâu. Thêm vào đó, nhận thức ấu trĩ của nhiều cây bút về quan điểm giai cấp khiến sự thể hiện con người có phần giản đơn, sơ lược : người anh hùng không thể có tâm lí phức tạp, con người chỉ có tính giai cấp, không thể có tính nhân loại phổ biến.

– Yêu cầu về phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm nhiều khi bị hạ thấp ; cá tính, phong cách riêng của nhà văn chưa được phát huy mạnh mẽ. Văn học phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu tất nhiên phải sáng tác kịp thời và nhà văn nhiều khi không có điều kiện chọn lựa đề tài phù hợp với sở trường và vốn sống của mình. Điều đó không thể không hạn chế cá tính sáng tạo của nhà văn và phẩm chất nghệ thuật của nhiều tác phẩm (cố nhiên sáng tác kịp thời vẫn có thể đạt được giá trị nghệ thuật cao nếu có đầy đủ cảm hứng và đề tài phù hợp với sở trường của người cầm bút).

Những hạn chế trên đây do hoàn cảnh chiến tranh cũng có, do quan niệm giản đơn, sơ lược về văn học phản ánh hiện thực, do nhấn mạnh một chiều chức năng tuyên truyền giáo dục cũng có.

Ngoài ra, về lí luận cũng phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực của khuynh hướng xã hội học dung tục du nhập từ bên ngoài. Về phê bình, do chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn chính trị là chính, nên nặng về phê bình quan điểm tư tưởng, ít coi trọng những khám phá về nghệ thuật : nhìn phong trào Thơ mới (1932 - 1945) thường chỉ thấy mặt tác hại ; nhìn các sáng tác như một số tuỳ bút Nguyễn Tuân, thơ Quang Dũng (Tây Tiến), Hữu Loan (Màu tím hoa sim),... thường chỉ thấy cái gọi là "rơi rớt" của chủ nghĩa lãng mạn tiểu tư sản.

5. Sơ lược về văn học vùng địch tạm chiếm

Văn học vùng địch tạm chiếm là văn học dưới chế độ thực dân (cũ hoặc mới). Tuy nhiên, cần phân biệt với văn học dưới chế độ thực dân trước Cách mạng tháng Tám. Đây là thời kì mà hai chế độ chính trị thù địch song song tồn tại : cách mạng và phản động, cộng sản và "chống cộng". Vì thế, văn học ở hai khu vực tự do và tạm chiếm từ năm 1946 đến năm 1975 có sự phân hoá quyết liệt hơn.

Cùng với phong trào cách mạng ở các vùng giải phóng và ở miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975, trong vùng địch tạm chiếm luôn luôn có những cuộc đấu tranh của nhân dân, hoặc công khai hoặc bí mật, theo khuynh hướng dân tộc, dân chủ. Đó là cơ sở xã hội của sự phân hoá các xu hướng văn học khác nhau dưới chính quyền nguy.

Tất nhiên, ở nơi địch kiểm soát, những xu hướng văn học chính thống vẫn là những xu hướng tiêu cực phản động : xu hướng "chống cộng" dưới nhiều hình thức khác nhau ; xu hướng đồi truỵ, gieo rắc tư tưởng bạo lực. Bên cạnh đó vẫn có xu hướng văn học yêu nước và cách mạng, tuy bị đàn áp nhưng lúc nào cũng tồn tại. Tuỳ hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, xu hướng này có lúc phải lắng xuống, tìm cách diễn đạt tư tưởng một cách bóng gió, xa xôi (như tác phẩm Bút máu của Vũ Hạnh chẳng hạn), có lúc bùng lên với những tác phẩm chiến đấu trực diện với kẻ thù. Hình thức đấu tranh khá phong phú, nhưng nói chung là lợi dụng triệt để văn đàn công khai, lập cơ quan ngôn luận riêng (tờ Nhân loại thời Ngô Đình Diệm ; tờ Tin văn, Nhà xuất bản Đồ Chiểu thời Nguyễn Văn Thiệu), mượn diễn đàn của những cuộc hội thảo hay của những tờ báo tương đối cấp tiến để phát biểu. Mục tiêu chủ yếu là lên án nghiêm khắc bọn cướp nước và bán nước, nêu cao tinh thần dân tộc và nguyện vọng thống nhất đất nước, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên thành thị tập hợp lực lượng xuống đường tranh đấu. Hình thức thể loại trong sáng tác thường gọn nhẹ : thơ, phóng sự, truyện ngắn, bút kí.

Từ khoảng giữa những năm sáu mươi trở đi, người ta thấy xuất hiện hàng loạt những cây bút trẻ, phần lớn là học sinh, sinh viên, chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng có văn hoá và đầy nhiệt tình yêu nước.

Tồn tại song song với các xu hướng văn học nói trên, cần kể đến một số tác phẩm có nội dung lành mạnh, thường viết về hiện thực xã hội, về đời sống văn hoá, phong tục, về thiên nhiên đất nước, về vẻ đẹp của con người lao động, có giá trị nghệ thuật tương đối đặc sắc, xứng đáng được đặt trong văn mạch dân tộc, tuy tác giả của chúng không bày tỏ lòng yêu nước, tinh thần cách mạng một cách trực tiếp (Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng,...).

Nhìn chung, các xu hướng văn học cách mạng, tiến bộ và lành mạnh ở vùng tạm chiếm trước năm 1975 không có điều kiện đạt được thành tựu lớn và phong phú nếu đánh giá đầy đủ về cả hai mặt tư tưởng và nghệ thuật. Người ta thường kể đến một số tác phẩm của Trần Quang Long, Đông Trình, Lý Chánh Trung, Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Vũ Hạnh, Lê Vĩnh Hoà, Võ Hồng, Sơn Nam, Vũ Bằng,...

Văn học ở vùng địch tạm chiếm (tập trung ở các đô thị) từ năm 1946 đến năm 1975 là một đối tượng cần được tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện và thấu đáo. Trên đây chỉ là một số nhận xét bước đầu còn sơ lược.

B – VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1975 ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX

Với chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, dân tộc ta đã giành lại được độc lập, tự do trên toàn cõi Tổ quốc thống nhất. Chiến tranh kết thúc, đất nước trở về cuộc sống bình thường. Lịch sử văn học bước sang một giai đoạn mới.

Cho đến hết thế kỉ XX, giai đoạn văn học này đã trải qua chặng đường một phần tư thế kỉ. Đối với nền văn học một đất nước, thời gian như thế chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để nhận ra được những chuyển biến và một số thành tựu ban đầu của nó trên bước đường đổi mới.

I – NHỮNG CHUYỂN BIẾN ĐẦU TIÊN CỦA NỀN VĂN HỌC TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI

Từ năm 1945 đến năm 1975, đất nước phải sống trong những điều kiện không bình thường. Mọi hoạt động của cộng đồng từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá,... đều phải tập trung phục vụ cho cuộc chiến đấu sống còn của Tổ quốc. Tuy nhiên, vì thời gian kéo dài tới ba thập kỉ nên tất cả đều trở thành thói quen, trở thành nền nếp khá vững chắc.

Do vậy, tuy chiến tranh đã kết thúc, đời sống đã đổi khác, tư tưởng, tâm lí, nhu cầu của con người về vật chất và tinh thần không còn như trước nữa nhưng văn học vẫn tiếp tục vận động theo quán tính của nó trong khoảng mươi năm. Tình hình đó đã tạo nên một hiện tượng gọi là "lệch pha" giữa người cầm bút và công chúng văn học. Không phải ngẫu nhiên mà hồi ấy, độc giả từng náo nức tìm đọc một số cuốn tiểu thuyết dịch của nước ngoài, phù hợp với thị hiếu đã đổi mới của họ(1).

(1) Chẳng hạn : Trăm năm cô đơn, Giờ xấu của Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két ; Thao thức của A-lếch-xan-đrơ Krôn ; Quy luật của muôn đời của Nô-đar Đum-bát-dê ; Lựa chọn, Trò chơi của I-u-ri Bôn-đa-rép ; Gia-mi-li-a, Và một ngày dài hơn thế kỉ... của Trin-ghi-dơ Ai-ma-tốp ; Trái tim chó, Nghệ nhân và Mác-ga-ri-ta của Mi-khai-in Bun-ga-cốp ; Bác sĩ Gi-va-gô của Bô-rít Pa-xtéc-nắc ; Những đứa con của phố Ác-bát của A-na-tô-li Rư-ba-cốp,...

Nói như thế không có nghĩa là văn học Việt Nam khoảng mười năm sau năm 1975 hoàn toàn không có chút biến đổi nào. Đề tài quả có được nới rộng hơn, đã đụng đến một số hiện tượng ít được đề cập trong văn học trước năm 1975 như phơi bày một vài mặt tiêu cực trong xã hội (kịch Lưu Quang Vũ, tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn,...), hoặc nhìn thẳng vào những tổn thất nặng nề trong chiến tranh (Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh), hay bước đầu đề cập đến bi kịch cá nhân (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, v.v.).

Đất nước cần được đổi mới toàn diện và sâu sắc. Văn học cũng đòi hỏi như vậy. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khẳng định "đổi mới đang là yêu cầu bức thiết", "có ý nghĩa sống còn" và nói rõ : "Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Đại hội Đảng lần thứ VI là một sự kiện lịch sử trọng đại đã cắm một cột mốc lớn đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ của nền văn học nước ta. Một phong trào nói thẳng, nói thật được phát động sôi nổi. Những cây bút chống tiêu cực xuất hiện ngày càng đông đảo hơn. Giờ đây, người ta không cần lên án bằng tưởng tượng, hư cấu (tức tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch) mà bằng những bản án có tội danh cụ thể, có địa chỉ hẳn hoi, nghĩa là dùng luôn thể phóng sự điều tra người thật, việc thật – một thể tài đã lâu vắng bóng (Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Câu chuyện về một ông vua lốp của Nhật Linh, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, Người đàn bà quỳ của Trần Khắc, Thủ tục để làm người còn sống, Người không cô đơn của Minh Chuyên, Làng giáo có gì vui của Hoàng Minh Tường, Tiếng đất của Hoàng Hữu Các, v.v.).

Đồng thời, quan điểm văn nghệ của Đảng đã có những thay đổi lớn : Văn học là nhu cầu văn hoá thiết yếu của con người. Tiêu chí văn hoá và bản sắc dân tộc được đề cao làm nền tảng cho việc mở rộng đề tài sáng tác và đánh giá thành tựu văn học của giai đoạn trước.

Với công cuộc đổi mới xã hội, bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, văn học có cơ hội tiếp xúc rộng rãi với thế giới.

Chuyện tiêu cực, chuyện cái xấu, cái ác viết mãi một chiều đến một lúc nào đấy cũng trở thành nhàm chán và bão hoà. Công chúng cũng như bản thân người cầm bút muốn cuộc đổi mới văn học phải đi vào chiều sâu, nghĩa là phải đổi mới từ tư tưởng thẩm mĩ đến hệ thống thể loại, thi pháp và phong cách nghệ thuật. Theo dõi nền văn học Việt Nam trên tiến trình đổi mới từ sau năm 1975 thấy bắt đầu có sự chuyển biến theo hướng này từ khoảng năm 1990 trở đi.

II – NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU VÀ MỘT SỐ HẠN CHẾ CỦA VĂN HỌC GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1975 ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX

1. Đổi mới về ý thức nghệ thuật

Thành tựu quan trọng nhất của văn học sau năm 1975 là sự đổi mới trong ý thức nghệ thuật của giới cầm bút. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, hầu hết người viết văn, làm thơ thuộc các thế hệ khác nhau, đều chung một ý nghĩ "không thể viết như cũ được nữa"(1). Ý nghĩ ấy càng tỏ ra dứt khoát hơn ở lớp nhà văn xuất hiện từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thuy Mai, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, v.v.

Trong ý thức của họ không phải không có những chỗ khác biệt, nhưng hầu như tất cả đều thống nhất với nhau trong một nhận thức chung : hiện thực không phải là một cái gì đơn giản, xuôi chiều ; con người là một sinh thể phong phú, phức tạp, còn nhiều bí ẩn phải khám phá ; nhà văn phải là người có tư tưởng, phải nhập cuộc bằng tư tưởng chứ không chỉ bằng nhiệt tình và trong tìm tòi sáng tạo không chỉ dựa vào kinh nghiệm cộng đồng mà còn phải dựa vào kinh nghiệm của cá nhân mình nữa ; độc giả không phải là những đối tượng để thuyết giáo mà là những người bạn để giao lưu, đối thoại một cách bình đẳng,...

Một đặc điểm chung nữa của giới cầm bút là sự thức tỉnh ngày càng sâu sắc về ý thức cá nhân. Mỗi người đều muốn là một tiếng nói riêng, đều muốn tạo cho mình một bút pháp, phong cách riêng. Tất nhiên, ý thức cá nhân, bản thân nó, không tạo ra được nghệ thuật. Ở đây, tâm và tài mới quyết định. Dù sao khát vọng khẳng định cá tính và sự nỗ lực trăn trở nhằm tạo cho mình một tiếng nói riêng của giới cầm bút cũng gây ra được một phong trào, một không khí có sức kích thích, cổ vũ, từ đó rồi sẽ xuất hiện những tài năng lớn tiêu biểu cho thời đại văn học mới.

2. Những thành tựu ở các thể loại

a) Về văn xuôi, thời gian đầu, phóng sự, tiểu thuyết phóng sự, kịch bản sân khấu phát triển mạnh do nhu cầu bức xúc chống tiêu cực. Về sau, nghệ thuật kết tinh hơn ở truyện ngắn và tiểu thuyết với sự xuất hiện nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu (Bến quê, Cỏ lau, Phiên chợ Giát), Nguyễn Khải

(1) Lê Lựu trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân, ngày 24 - 4 - 1988.

(Truyện ngắn và tạp văn, Chút phận của đời, Hà Nội trong mắt tôi,...), Nguyễn Huy Thiệp (Như những ngọn gió), Ma Văn Kháng (Đám cưới không có giấy giá thú, Heo may gió lộng,...), Lê Minh Khuê (Bi kịch nhỏ), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Dương Hướng (Bến không chồng), Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng), Nguyễn Trí Huân (Chim én bay) và nhiều truyện ngắn, truyện dài được dư luận chú ý của Xuân Thiều, Hữu Mai, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thị Hoài, Trần Thuỳ Mai, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Trang Thế Hy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, v.v.

b) Về thơ, tình hình có khác. Ngay sau chiến thắng mùa xuân 1975, nổi lên một phong trào viết trường ca ở các nhà thơ xuất thân quân đội : Những người đi tới biển, Những ngọn sóng mặt trời của Thanh Thảo ; Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh ;... nhưng một thời gian lại lắng đi. Trong thế hệ các nhà văn trước Cách mạng có Chế Lan Viên với các tập Di cảo thơ (xuất bản sau khi ông qua đời) gây được tiếng vang. Những cây bút thế hệ chống Mĩ cứu nước vẫn tiếp tục viết đều. Trội hơn cả là Thanh Thảo, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Thu Bồn, Xuân Quỳnh,... Lớp mới sau năm 1975 xuất hiện rất đông đảo. Những gương mặt đáng chú ý, có thể kể : Lê Thị Kim, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Quang Thiều, Trương Nam Hương, Phùng Khắc Bắc, v.v. Hoàng Cầm, Lê Đạt vắng mặt đã lâu, nay mới trở lại.

Những tìm tòi, những thử nghiệm táo bạo của các cây bút thơ thời kì này không thiếu, nhưng thành tựu chưa được bao nhiêu. Dù sao, thơ sau năm 1975 cũng đã tạo ra cho mình một diện mạo mới tuy khá ngổn ngang, bề bộn.

c) Về nghệ thuật sân khấu, trong mảng đề tài chiến tranh cách mạng có tác phẩm của Hoài Giao, Đào Hồng Cẩm, Tất Đạt,... Đề tài lịch sử là thế mạnh của sân khấu, đáng chú ý là các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi : Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979). Về đề tài xã hội, Lưu Quang Vũ xuất hiện như một cây bút có sức sáng tạo dồi dào với khoảng năm mươi vở kịch được công diễn, trong đó các vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1984), Tôi và chúng ta (1985) có tiếng vang hơn cả. Về nghệ thuật chèo, nổi trội hơn cả là bộ ba tác phẩm Bài ca giữ nước của Tào Mạt (1986).

d) Về lí luận, phê bình văn học, những biểu hiện đổi mới đến chậm hơn. Khoảng cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi của thế kỉ XX, có nhiều cuộc tranh luận khá sôi nổi xung quanh vấn đề quan hệ giữa văn học với chính trị, văn học với hiện thực, về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, xung quanh việc đánh giá văn học giai đoạn 1930 - 1945, văn học từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975 và một số tác phẩm có tư tưởng và cách viết mới. Tiêu chí đánh giá đã có những chuyển dịch nhất định : chú ý nhiều hơn đến giá trị nhân văn, ý nghĩa nhân bản, chức năng thẩm mĩ của văn học. Vai trò của chủ thể sáng tác được coi trọng hơn cùng với tính tích cực trong tiếp nhận văn học của người đọc. Một số phương pháp khoa học được vận dụng với những khái niệm công cụ mới. Nhiều trường phái lí luận văn học phương Tây đã được dịch và giới thiệu. Lối phê bình xã hội học dung tục tuy chưa mất hẳn nhưng không còn được coi trọng...

Sau năm 1975, trong hoàn cảnh hoà bình, thống nhất của đất nước, nghiên cứu văn học có điều kiện phát triển mạnh mẽ với sự ra đời nhiều công trình sưu tập, khảo cứu dày dặn và có giá trị về lịch sử văn học dân tộc từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại và về các nhà văn tiêu biểu của các thời kì lịch sử.

3. Những đổi mới về nội dung và nghệ thuật

a) Trước hết là những chuyển biến trong quan niệm về con người. Trước năm 1975, đối tượng của văn học chủ yếu là con người lịch sử, là nhân vật sử thi. Sau năm 1975, con người còn được nhìn nhận ở phương diện cá nhân và trong quan hệ đời thường. Hai phương diện này nhiều khi không thống nhất, thậm chí đối lập gay gắt (Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Trung tướng giữa đời thường của Cao Tiến Lê, Đời khổ của Nguyễn Khải, v.v.). Trước năm 1975, con người được nhấn mạnh ở tính giai cấp ; sau năm 1975, còn được nhìn nhận ở tính nhân loại nữa, nhất là trong các tác phẩm viết về chiến tranh hay tôn giáo (Cha và con và... của Nguyễn Khải, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, v.v.). Trước đây, nhân vật văn học chỉ được khắc hoạ ở phẩm chất tinh thần ; sau năm 1975, còn được thể hiện ở phương diện con người tự nhiên, ở nhu cầu bản năng nữa,... Trước năm 1975, con người chỉ được mô tả trong đời sống ý thức ; về sau, còn được thể hiện ở phương diện tâm linh (Thanh minh trời trong sáng của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,...).

b) Những chuyển biến về tư tưởng nói trên đem đến những nguồn cảm hứng mới cho người cầm bút : cảm hứng thế sự tăng mạnh, trong khi cảm hứng sử thi, lãng mạn giảm dần ; từ đó, văn học quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những quy luật phức tạp của đời thường ; nội tâm của nhân vật được khai thác sâu hơn, bút pháp hướng nội được phát huy, không gian đời tư được chú ý, thời gian tâm lí ngày càng mở rộng ; phương thức trần thuật trở nên đa dạng hơn, giọng điệu trần thuật trở nên phong phú hơn ; ngôn ngữ văn học cũng gần với hiện thực đời thường hơn,...

4. Một số hạn chế

Kinh tế thị trường đã có tác động tích cực đối với văn học : kích thích các tài năng sáng tác đáp ứng yêu cầu của độc giả. Đã có những tìm tòi mở rộng đề tài và những thể nghiệm đổi mới hình thức táo bạo, nhất là trong thơ. Tuy nhiên, kinh tế thị trường lại có tác động tiêu cực đối với một bộ phận của giới làm văn, làm báo, nhất là một số cây bút chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, biến sáng tác văn học thành một thứ hàng hoá để câu khách, khiến cho nền văn học khó tránh khỏi có những biểu hiện xuống cấp ở mặt này mặt khác trong sáng tác và phê bình văn học.

5. Vài nét về văn học Việt Nam ở nước ngoài

Nói đến văn học Việt Nam từ sau năm 1975, phải kể đến những sáng tác của người Việt ở nước ngoài. Bộ phận văn học này gồm đủ mọi thể loại : thơ, truyện kí, tiểu thuyết, nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học. Đề tài viết cũng khá phong phú. Người viết tập trung nhiều nhất ở Mĩ, rồi đến Pháp, Ốt-xtrây-li-a, Đức,... Một số cây bút có sức viết dồi dào nhưng chưa có tác phẩm nào thật xuất sắc. Đây là một bộ phận văn học cần được nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc.

*

Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã phát triển qua hai giai đoạn : từ năm 1945 đến năm 1975 và từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX. Ở giai đoạn một, nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử : phục vụ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn ; đồng thời để lại được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mặc dầu không tránh khỏi những hạn chế chủ yếu do hoàn cảnh chiến tranh. Ở giai đoạn hai, nền văn học bước vào công cuộc đổi mới ngày càng toàn diện và sâu sắc. Những thành tựu ban đầu của nó nói lên rằng : đổi mới là quy luật tất yếu. Vận động trên con đường ấy, chắc chắn văn học sẽ còn đạt được nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa trong tương lai.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Đọc kĩ và lập dàn ý của bài học.

2. Về đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 :

a) Nêu lên và giải thích đặc điểm 1 trên cơ sở hoàn cảnh xã hội - lịch sử. Đặc điểm này thể hiện như thế nào qua các chặng đường cách mạng từ năm 1945 đến năm 1975?

b) Nêu lên và giải thích đặc điểm 2 trên cơ sở hoàn cảnh xã hội Đặc điểm này thể hiện như thế nào ở đề tài và nội dung cụ thể của các tác phẩm văn học giai đoạn 1945 - 1975 ?

c) Anh (chị) hiểu thế nào là văn học được viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn ? Hãy giải thích đặc điểm này của văn học giai đoạn 1945 - 1975 trên cơ sở hoàn cảnh xã hội – lịch sử.

3. Về thành tựu của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 :

a) Thành tựu cơ bản nhất của văn học giai đoạn 1945 - 1975 là gì ? Ý nghĩa to lớn của thành tựu này đối với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.

b) Văn học giai đoạn 1945 - 1975 có những hạn chế gì ? Vì sao ?

4. Văn học Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX :

a) Vì sao văn học phải đổi mới ? Công cuộc đổi mới của văn học từ sau năm 1975 diễn ra như thế nào và đã đạt được những thành tựu chủ yếu gì (về văn xuôi, thơ, kịch, lí luận, phê bình văn học) ? Có hiện tượng tiêu cực nào mới phát sinh ? Vì sao ?

b) Hãy so sánh để thấy sự khác nhau giữa văn học giai đoạn 1945 - 1975 với văn học giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX (về ý thức của người viết đối với hiện thực, về quan niệm con người, nhà văn và độc giả).

BÀI TẬP NÂNG CAO

Hãy phân tích những đặc điểm của khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 qua các tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) đã học ở sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập một.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

  1. Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đến Hết Thế Kỉ XX
  2. Nghị Luận Xã Hội Và Nghị Luận Văn Học
  3. Tuyên Ngôn Độc Lập
  4. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
  5. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  6. Bài Viết Số 1
  7. Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ Của Dân Tộc
  8. Đọc thêm: Mấy Ý Nghĩ Về Thơ (Trích)
  9. Đọc thêm: Thương Tiếc Nhà Văn Nguyên Hồng
  10. Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (Trích)
  11. Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Nghị Luận
  12. Tây Tiến
  13. Đọc thêm: Bên Kia Sông Đuống (Trích)
  14. Đọc thêm: Dọn Về Làng
  15. Luyện Tập Về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
  16. Trả Bài Viết Số 1
  17. Việt Bắc (Trích)
  18. Đọc thêm: Bác Ơi!
  19. Tố Hữu
  20. Nghị Luận Về Một Bài Thơ, Đoạn Thơ
  21. Tiếng Hát Con Tàu
  22. Đọc thêm: Đất Nước
  23. Bài Viết Số 2
  24. Đất Nước (trích trường ca Mặt Đường Khát Vọng)
  25. Sóng
  26. Đọc thêm: Đò Lèn
  27. Luật Thơ
  28. Đàn Ghi-ta Của Lor-ca
  29. Đọc thêm: Tự Do
  30. Luyện Tập Về Luật Thơ
  31. Nghị Luận Về Một Ý Kiến Bàn Về Văn Học
  32. Con Đường Trở Thành
  33. Các Kiểu Kết Cấu Của Bài Văn Nghị Luận
  34. Trả Bài Viết Số 2
  35. Người Lái Đò Sông Đà (trích)
  36. Luyện Tập Về Cách Dùng Biện Pháp Tu Từ Ẩn Dụ
  37. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Phương Pháp Biểu Đạt Trong Bài Văn Nghị Luận
  38. Nguyễn Tuân
  39. Phong Cách Văn Học
  40. Nghị Luận Về Một Tư Tưởng, Đạo Lí
  41. Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông?
  42. Đọc thêm: Những Ngày Đầu Của Nước Việt Nam Mới (Trích
  43. Bài Viết Số 3 (Nghị luận văn học)
  44. Nhìn Về Vốn Văn Hóa Dân Tộc
  45. Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  46. Nghị Luận Về Một Hiện Tượng Đời Sống
  47. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt (trích)
  48. Thông Điệp Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống AIDS, 1 - 12 - 2003
  49. Luyện Tập Nghị Luận Về Một Vấn Đề Xã Hội Trong Tác Phẩm Văn Học
  50. Tư Duy Hệ Thống - Nguồn Sức Sống Mới Của Đổi Mới Tư Duy
  51. Luyện Tập Về Phong Cách Ngôn Ngữ Khoa Học
  52. Trả Bài Viết Số 3
  53. Quá Trình Văn Học
  54. Luyện Tập Về Cách Tránh Hiện Tượng Trùng Nghĩa
  55. Luyện Tập Vận Dụng Kết Hợp Các Thao Tác Lập Luận
  56. Ôn Tập Về Văn Học (Học kì I)
  57. Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  58. Luyện Tập Phát Biểu Theo Chủ Đề Và Phát Biểu Tự Do
  59. Ôn Tập Về Tiếng Việt (Học kì I)
  60. Ôn Tập Về Làm Văn (Học kì I)
  61. Bài Viết Số 4 (Kiểm tra tổng hợp cuối Học kì I)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.