Nội Dung Chính
Câu hỏi thảo luận trang 232
Hãy tìm một vài ví dụ tương tự về quan hệ hợp tác của các loài trong thiên nhiên.
Phương pháp giải
Quan hệ hợp tác là kiểu quan hệ giữa các loài, trong đó chúng sống dựa vào nhau nhưng không bắt buộc.
Lời giải chi tiết
- Chim sáo kiếm mồi trên thân các loài thú móng guốc (ngựa vằn, lạc đà, trâu bò) sống ở đồng cỏ: chim tìm được thức ăn, còn thú ăn cỏ thoát khỏi các vật kí sinh trên da.
- Cá con làm vệ sinh cho cá lịch biển: cá con có nguồn thức ăn là các vật kí sinh, đôi khi nó còn chui vào miệng cá để tìm thức ăn thừa còn bám trên kẽ răng, cá lịch tuy là cá dữ nhưng chúng không hề ăn thịt những người bạn của mình.
Bài 1 trang 236 SGK
Hãy cho biết các mối quan hệ giữa các loài trong quần xã được chia thành mấy nhóm lớn. Mỗi nhóm gồm những mối quan hệ nào?
Phương pháp giải
Xem lại Các mối quan hệ trong quần xã
Lời giải chi tiết
Mối quan hệ giữa các loài trong quần xã có 2 nhóm lớn:
- Quan hệ hỗ trợ: quan hệ hội sinh, quan hệ hợp tác, quan hệ cộng sinh.
- Quan hệ đối kháng: quan hệ ức chế - cảm nhiễm, quan hệ cạnh tranh giữa các loài và phân li ổ sinh thái, quan hệ con mồi – vật ăn thịt và vật chủ - vật kí sinh.
Bài 2 trang 236 SGK
Hãy tìm các ví dụ để mô tả đặc điểm từng mối quan hệ giữa 2 loài.
Phương pháp giải
Lấy ví dụ về các mối quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh giữa các loài trong quần xã.
Lời giải chi tiết
Các mối quan hệ hỗ trợ:
- Hội sinh: là quan hệ trong đó loài sống hội sinh có lợi, loài được hội sinh không có lợi nhưng cũng không bị hại. VD: Giun biển với các loài động vật khác (với 13 loài động vật nhỏ như cá bống, cua, giun nhiều tơ…) sống chung với nhau, giun biển chẳng mất gì, nhưng đem lại lợi ích cho loài sống chung với nó (chúng có chỗ ẩn nấp, kiếm thức ăn thừa và phân của chủ để sống).
- Hợp tác: là quan hệ trong đó hai loài sống chung với nhau nhưng không bắt buộc, chúng đều mang lại lợi ích cho nhau. VD: Chim nhỏ kiếm mồi trên thân các loài thú móng guốc sống ở đồng cỏ.
- Cộng sinh: là quan hệ trong đó hai loài bắt buộc phải sống với nhau, đều mang lợi ích cho nhau. VD: Động vật nguyên sinh sống trong ruột mối. Động vật nguyên sinh có enzim xenlulaza phân giải xenlulozơ thành đường để nuôi sống cả hai.
Các mối quan hệ đối kháng:
- Ức chế - cảm nhiễm: là quan hệ trong đó một loài sống bình thường nhưng gây hại cho loài sống chung với nó. VD: Nhiều loài tảo biển khi nở hoa, gây ra thủy triều đỏ làm cho hàng loạt động vật không xương sống, cá, chim chết vì nhiễm độc trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Cạnh tranh giữa hai loài và sự phân li ổ sinh thái: hai loài chung nguồn sống thường cạnh tranh với nhau, trong đó cả hai loài đều kìm hãm sự phát triển của nhau. VD: Cây trồng cạnh tranh với cỏ dại về chất dinh dưỡng và nơi ở.
- Vật ăn thịt – con mồi: là quan hệ trong đó vật ăn thịt có lợi, con mồi bị hại. VD: Mèo rừng – thỏ rừng, hổ - nai.
- Vật chủ - vật kí sinh: là quan hệ trong đó vật chủ bị hại, vật kí sinh có lợi. VD: dây tơ hồng trên tán cây trong rừng.
Bài 3 trang 236 SGK
Tại sao có thể nói cạnh tranh là một trong những động lực chủ yếu của quá trình tiến hóa?
Phương pháp giải
Các mối quan hệ này liên quan đến chọn lọc tự nhiên.
Lời giải chi tiết
Để chiến thắng hoặc tránh khỏi thua cuộc, trong cạnh tranh các loài phải biến đổi về hình thái, các đặc tính sinh lí, sinh thái. Ví dụ sự biến đổi mỏ chim... Cạnh tranh xảy ra thường xuyên trong lịch sử tiến hoá của các loài, do đó chỉ những loài có ưu thế về các đặc điểm hình thái, sinh lí mới có thể tồn tại và phát triển hưng thịnh được (chiến thắng hoặc tránh bị tiêu diệt).
Bài 4 trang 236 SGK
Hãy chọn phương án trả lời đúng. Dây tơ hồng trên các tán cây trong rừng là ví dụ về mối quan hệ nào?
A. Cộng sinh.
B. Cạnh tranh.
C. Kí sinh
D. Hội sinh.
Phương pháp giải
Dây tơ hồng sống trên các tán cây và hút chất dinh dưỡng từ cây đó.
Lời giải chi tiết
Dây tơ hồng trên các tán cây trong rừng thuộc mối quan hệ Kí sinh.
Đáp án C.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn